Ngày 30/1, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chủ trì Hội nghị “Tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban Chỉ đạo phát triển nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL”.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, 2023 là một năm nhiều khó khăn, thách thức. Các địa phương vùng ĐBSCL cần quan tâm đến 3 vấn đề: Chất lượng, chế biến và thị trường. Ban Chỉ đạo phát triển nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL cần đẩy mạnh xây dựng và tập trung thực hiện một số vấn đề, đề án lớn như: Dự án thí điểm đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng ĐBSCL; Đề án thành lập Trung tâm cơ giới hóa vùng tại ĐBSCL theo hướng đa chức năng.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cần phát huy nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án quốc tế đã, đang và sẽ được triển khai tại vùng ĐBSCL. Phối hợp với Ngân hàng Thế giới xây dựng cơ sở dữ liệu về nông nghiệp nông thôn cho vùng. Nâng cao năng lực của đội ngũ khuyến nông tại các địa phương. Tiến đến tổ chức hội nghị đào tạo nghề cấp vùng trong năm 2023 này.
Đặc biệt triển khai hiệu quả Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, liên kết chuỗi giá trị. Mục tiêu lớn nhất của đề án này là tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, gia tăng giá trị, tăng lợi ích cho người dân, sâu hơn là tổ chức lại ngành hàng lúa gạo.
Trong năm 2022, Ban Chỉ đạo phát triển nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL đã triển khai, thực hiện hiệu quả nhiều hoạt động, đề án mang tính liên vùng, liên tỉnh. Nổi bật là Dự án Đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ HTX phát triển vùng nguyên liệu tại: Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang và An Giang.
Trong công tác tham mưu, Ban Chỉ đạo phát triển nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL đã tham mưu cho Bộ NN-PTNT trình Chính phủ phê duyệt nhiều đề án cấp vùng quan trọng như: Đề án nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của HTX nông nghiệp vùng ĐBSCL, giai đoạn 2021-2025. Hay Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025; Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất muối giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt là tổ chức thành công Sự kiện Agritechnica Asia Live 2022.
Cũng trong năm 2022, Tổ hợp tác quốc tế của Ban chỉ đạo phát triển nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL đã chủ trì, phối hợp xây dựng nhiều đề án thu hút các nguồn lực quốc tế cho ngành nông nghiệp tại vùng ĐBSCL. Nhất là các Đề án thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, các nguồn vốn vay ưu đãi ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2025.
Vai trò của Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL cũng được đẩy mạnh, bám sát hoạt động điều tiết tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp của các địa phương vùng ĐBSCL.
Trong năm 2023, Ban Chỉ đạo phát triển nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL, sẽ tiếp tục tham mưu, xây dựng kế hoạch và triển khai một số dự án trọng điểm cho vùng. Nhất là Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và chuyển đổi sinh kế vùng ĐBSCL phát triển bền vững và thịnh vượng (WB11); Dự án Thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL (MCRP) giai đoạn 2 do GIZ tài trợ không hoàn lại, với tổng kinh phí tài trợ hơn 11 triệu euro (giai đoạn từ năm 2022-2025).
Lãnh đạo Sở NN-PTNT các địa phương vùng ĐBSCL mong muốn, trong năm 2023, Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL tiếp tục phát huy vai trò làm trung gian, đại diện Bộ NN-PTNT kết nối giữa các địa phương trong vùng với các doanh nghiệp liên kết sản xuất.
Cũng tại hội nghị này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã trao quyết định của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tiếp nhận, bổ nhiệm bà Huỳnh Kim Định, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, kiêm Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL. Thời hạn bổ nhiệm 5 năm, kể từ ngày 2/2/2023.
Năm 2022, tốc độ tăng trưởng bình quân GRDP của vùng ĐBSCL là 8,5%. Trong đó, Hậu Giang là địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất vùng, đạt 13,94%. Riêng GRDP nông nghiệp của vùng tăng trưởng 3,01% và Bạc Liêu là tỉnh có tốc độ tăng trưởng nông nghiệp cao nhất là 5%.