| Hotline: 0983.970.780

Sẽ có Trung tâm cơ giới hóa vùng đầu tiên tại ĐBSCL

Thứ Hai 30/01/2023 , 16:53 (GMT+7)

CẦN THƠ Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ triển khai đề án xây dựng và phát triển Trung tâm cơ giới hóa vùng thí điểm tại vùng ĐBSCL.

Ngày 30/1, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với Ban Giám hiệu Trường Đại học Cần Thơ về việc tham vấn xây dựng và phát triển Trung tâm cơ giới hóa vùng.

Ảnh 1

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam làm việc với Ban Giám hiệu Trường Đại học Cần Thơ về tham vấn xây dựng và phát triển Trung tâm cơ giới hóa vùng. Ảnh: Kim Anh.

Trung tâm cơ giới hóa vùng được Bộ NN-PTNT xác định là đơn vị sự nghiệp, hoạt động theo hình thức xã hội hóa, không phải là cơ quan quản lý nhà nước. Trung tâm có sự tham gia của 4 chủ thể, bao gồm: Cơ quan quản lý nhà nước với vai trò định hướng cơ chế chính sách; các trường cao đẳng, đại học, đặc biệt là Trường Đại học Cần Thơ - đơn vị đào tạo nguồn nhân lực hàng đầu khu vực ĐBSCL; các doanh nghiệp, HTX và cuối cùng là ngân hàng.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, Trung tâm cơ giới hóa vùng không phải là trung tâm thuộc sở hữu của một doanh nghiệp duy nhất mà là sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, viện, trường để cung cấp dịch vụ, thông tin về công nghệ. Đồng thời, Trung tâm cơ giới hóa vùng khi hình thành sẽ là nơi đào tạo, nâng cao nhận thức, tư duy của người sản xuất, qua đó giúp bà con nông dân tổ chức lại sản xuất, khởi nghiệp sáng tạo. Song song đó, Trung tâm cũng sẽ là nơi cung cấp dịch vụ sửa chữa, sáng tạo và Bộ NN-PTNT sẽ hỗ trợ về cơ chế chính sách để Trung tâm hoạt động theo các định hướng của nhà nước.

Ảnh 2

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, Trung tâm cơ giới hóa vùng sẽ được thí điểm đầu tiên tại vùng ĐBSCL, sau đó sẽ nhân rộng ra cả nước. Ảnh: Kim Anh.

Theo đề xuất của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), Trung tâm cơ giới hóa vùng sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất máy móc trong nước dựa trên sự hợp tác của các viện, trường, doanh nghiệp. Từ đó thúc đẩy nghiên cứu phát triển, sáng tạo xanh, chuyển giao công nghệ, đào tạo tập huấn nâng cao kỹ năng nghề phục vụ cơ giới hóa.

Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ cung cấp hoạt động tư vấn, ứng dụng máy, thiết bị, công nghệ vào sản xuất; cung ứng máy thiết bị, công nghệ và dịch vụ cơ giới hóa, dịch vụ bảo hiểm, sửa chữa. Đồng thời, Trung tâm sẽ là đầu mối liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phụ phẩm nông nghiệp, xử lý môi trường, chất thải; cung cấp các dịch vụ phát triển cơ giới hóa nông nghiệp khác như hỗ trợ khởi nghiệp, cải tiến máy, thu hút nguồn lực như vốn, công nghệ đầu tư cho cơ giới hóa…

Dự kiến, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ là đơn vị đầu mối phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ, cùng huy động các tổ chức quốc tế để triển khai đề án thành lập Trung tâm cơ giới hóa vùng tại khu vực ĐBSCL.

Ảnh 3

Một trong những nội dung hoạt động của Trung tâm cơ giới hóa vùng là đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất máy móc trong nước dựa trên sự hợp tác của các viện, trường, doanh nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ bày tỏ lạc quan về sự hợp tác trong việc thành lập Trung tâm cơ giới hóa vùng. Đồng thời, ông Toàn đã phân công các khoa, trường trực thuộc cùng phối hợp với các cơ quan trực thuộc Bộ NN-PTNT để triển khai đề án.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Cần Thơ với đội ngũ chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm đã cam kết hỗ trợ Bộ NN-PTNT tư vấn, định hướng, tăng cường năng lực cho đội ngũ khuyến nông các địa phương. Đồng thời, Trường sẽ xây dựng các bộ học liệu, chuyển giao cho trung tâm khuyến nông các địa phương để ứng dụng.

“Trung tâm sẽ được thí điểm đầu tiên tại vùng ĐBSCL, sau đó nhân rộng ra cả nước để trở thành một nguồn lực thật sự. Đây là trung tâm đào tạo, chuyển giao, sáng chế, làm dịch vụ, hướng dẫn cho nông dân. Sau cuộc họp này, các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT và Trường Đại học Cần Thơ sẽ cùng bắt tay triển khai ngay đề án, làm rồi rút kinh nghiệm, điều chỉnh, không cầu toàn”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Xem thêm
Xây chuỗi liên kết, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm dê, cừu

NINH THUẬN Việc xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi giúp người dân có đầu ra ổn định, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm dê, cừu Ninh Thuận trên thị trường.

Tăng tốc tiêm vacxin phòng bệnh đàn vật nuôi để đạt 'tỷ lệ vàng' trên 80%

BÌNH ĐỊNH Trong bối cảnh thời tiết diễn biến phức tạp, Bình Định tăng tốc tiêm vacxin phòng bệnh bảo vệ đàn vật nuôi, nhằm bảo đảm cung ứng thịt gia súc, gia cầm dịp Tết.

Khuyến nông cộng đồng kết nối phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững

HẬU GIANG Khuyến nông cộng đồng là lực lượng nòng cốt, đồng thời là cánh tay đặc lực kết nối doanh nghiệp với tổ chức nông dân phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững.

Bình luận mới nhất