Bộ NN-PTNT ra mắt Văn phòng điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL. Nông sản là hàng hóa thế mạnh xuất sang Thổ Nhĩ Kỳ. Lạng Sơn chỉ còn cửa khẩu phụ Tân Thanh hoạt động xuất khẩu. Giá nhãn Ido tăng 10.000 đồng/kg.
BỘ NN-PTNT RA MẮT VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN VÙNG ĐBSCL
Sáng 28/3, tại TP Cần Thơ, Bộ NN-PTNT chính thức thành lập và ra mắt Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCLgiai đoạn 2021-2025 Tại buổi ra mắt, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chỉ rõ, 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL muốn liên kết được phải có vai trò của một cơ quan điều phối. Hiện nay, 13 tỉnh, thành ĐBSCL đang là 13 địa giới hành chính, chưa tích hợp thành một không gian phát triển của một ngành hàng, dẫn đến sự chỉ đạo chưa đồng nhất từ Trung ương xuống địa phương. Việc thành lập văn phòng điều phối sẽ tạo không gian phát triển nông nghiệp. Với tư duy kết nối không gian vùng ĐSBCL, tìm kiếm những điều mới mẻ, sáng kiến cộng đồng, với giá trị tri thức mới để hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái – nông thôn hiện đại – nông dân văn minh.Văn phòng điều phối nông nghiệp, nông thông vùng ĐBSCL là cơ quan đóng vai trò quan trọng thực hiện hỗ trợ, điều phối các công tác liên quan đến phát triển, liên kết nông nghiệp, nông thôn giữa 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, từ quy hoạch sản xuất, chuẩn hoá vùng nguyên liệu, cho đến kết nối doanh nghiệp đầu tư, nối kết chuỗi ngành hàng,…
NÔNG SẢN LÀ HÀNG HÓA THẾ MẠNH XUẤT SANG THỔ NHĨ KỲ
Theo thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ kỳ, thị trường này đang đón nhận rất tích cực các loại nông sản Việt như hạt điều, hạt tiêu, cao su, gạo, cà phê,… giúp kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang Thổ Nhĩ Kỳ trong 2 tháng đầu năm 2022 đạt 189 triệu USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái.Thổ Nhĩ Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam tại khu vực Tây Á, chỉ đứng sau Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất. Giới chuyên gia nhận định, nếu nông sản Việt có chứng nhận Halal và được chế biến phù hợp với thị hiếu nước bạn sẽ là đòn bẩy giúp nông sản Việt thâm nhập sâu vào quốc gia này và chinh phục thị trường Tây Á. Nhằm cung cấp các thông tin cập nhật về tình hình thị trường, các quy định, xuất nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các sản phẩm từ hạt tiêu, hạt điều, cao su, hoa quả, hàng thủ công mỹ nghệ…Ngày 30/3 tới, Cục Xúc tiến thương mại và Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường này.
LẠNG SƠN CHỈ CÒN CỬA KHẨU PHỤ TÂN THANH HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU
Trong số các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, hiện chỉ còn cửa khẩu phụ Tân Thanh là hoạt động xuất khẩu. Do đó, lượng xe chở nông sản đổ về đây khá nhiều, bình quân mỗi ngày có từ 150 - 180 xe mới vận chuyển hàng hóa từ nội địa lên, gồm các loại hoa quả như dưa hấu, thanh long, chuối, xoài... khiến lượng xe tồn ở cửa khẩu Tân Thanh tăng lên khoảng 1.094 xe.Tính đến ngày 27.3, tổng số phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu còn tồn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là 1.367 xe, trong đó có 1.026 xe hoa quả.
GIÁ NHÃN IDO TĂNG 10.000 ĐỒNG/KG
Giá trái nhãn Ido tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã tăng hơn 10.000 đồng/kg so với hồi đầu năm 2022 và đang được nhà vườn bán cho thương lái ở mức từ 21.000-24.000 đồng/kg. Thậm chí, theo nông dân và tiểu thương kinh doanh trái cây, giá nhãn Ido đang ở mức cao hơn gấp 3 lần so với thời điểm chính vụ năm ngoái.Những tháng gần đây, giá nhãn Ido liên tục phục hồi và tăng trở lại ở mức cao như các năm chưa xảy ra dịch Covid-19 là nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng, trong khi nguồn cung giảm mạnh, do các loại nhãn cho trái tự nhiên theo mùa như nhãn xuồng, thanh nhãn…đã hết mùa thu hoạch.