| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp đô thị trên vùng 'đất thép'

Thứ Hai 17/08/2015 , 09:07 (GMT+7)

Mấy năm trở lại đây, các mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị đã xuất hiện ngày càng nhiều và phát triển mạnh ở “đất thép” Củ Chi (TP. HCM).

Từ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, góp phần thay đổi cơ cấu nông nghiệp của huyện.

Có được điều này, là nhờ sự tác động không nhỏ của chương trình hỗ trợ lãi vay để khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2013-2015

Làm giàu từ nông nghiệp đô thị

Nhắc tới nông nghiệp đô thị ở TP.HCM nói chung và Củ Chi nói riêng, không thể không nhắc tới nghề nuôi bò sữa. Có thể nói, con bò sữa đang là một trong những vật nuôi chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế lớn nhất cho nông dân.

Chính vì vậy, nhiều nông dân, chủ trang trại đã không ngần ngại huy động vốn liếng sẵn có và vay mượn thêm vốn tín dụng theo chương trình hỗ trợ lãi suất được quy định trong QĐ số 13/2013/QĐ-UBND do UBND TP.HCM ban hành ngày 20/3/2013 (gọi tắt là QĐ 13), để đầu tư mở rộng quy mô trang trại, tăng nhanh đàn bò sữa.

Một điển hình trong đó là hộ ông Nguyễn Văn Vàng ở ấp Phú An, xã Phú Hòa Đông. Ông Vàng khởi nghiệp nuôi bò sữa từ năm 1996. Lúc đầu do vốn ít, nên ông chỉ nuôi 1 con. Nuôi một thời gian, nhận thấy không bõ công chăm sóc, nhất là hàng ngày phải đi xa tới cả 10 km để cắt cỏ cho bò, ông Vàng quyết định phải nuôi thêm bò. 

 Huy động hết vốn liếng trong nhà vẫn chưa đủ, ông đến Agribank làm thủ tục vay vốn để mua thêm một con bò nữa. Với 2 con bò sữa, hiệu quả chăn nuôi của gia đình ông Vàng đã được cải thiện rõ rệt. Từ đó, ông yên tâm gắn bó với nghề nuôi bò sữa, kiên trì nhân đàn từ năm này qua năm khác. Đến năm 2013, gia đình ông đã có hơn 20 con bò sữa.

Khi hay tin TP.HCM đã ban hành QĐ 13, ông Vàng cho rằng đây là cơ hội tốt để có thể tăng đàn sữa lên một cách thật nhanh chóng. Ông lập phương án đầu tư rồi đến Agribank Chi nhánh Củ Chi để vay vốn theo QĐ 13. Ông được ngân hàng hướng dẫn làm thủ tục vay vốn một cách nhanh chóng rồi cho vay tới 1,4 tỷ đồng, mà trong đó ngân sách TP hỗ trợ 60% lãi suất.

Với số vốn ấy, một phần ông Vàng dùng để sửa sang, mở rộng chuồng trại, một phần ông đi tìm mua về 20 con bò sữa chất lượng tốt, nâng tổng đàn lên gần gấp đôi. Với hơn 40 con bò sữa, ông Vàng trở thành một trong những hộ chăn nuôi lớn trong vùng.  

Nhờ tổng đàn lớn cộng với kinh nghiệm, kiến thức tích lũy, học hỏi được qua nhiều năm, những năm qua, ông Vàng đã luôn đạt được hiệu quả cao với con bò sữa khi duy trì giá thành SX sữa ở mức dưới 10.000 đ/kg, năng suất sữa ở mức cao. Nhờ vậy, dù mấy tháng qua, giá sữa đã giảm khoảng 1.000 đ/kg so với trước, nhưng ông Vàng vẫn thu được lãi khá trên mỗi kg sữa.

Đồng thời, trang trại của ông Vàng còn được Cty Friesland Campina chọn làm điểm để đầu tư một trạm thu mua sữa cho trên 100 hộ trong vùng, với lượng sữa thu mua bình quân khoảng 6 tấn/ngày.  Khoản vay 1,4 tỷ, đến nay ông đã trả được khoảng 500 triệu đồng. Số vốn vay còn lại, hoàn toàn có thể trả hết theo kế hoạch vay vốn mà chỉ cần nhờ vào lượng sữa thu hoạch hàng ngày.

Ông Nguyễn Văn Nhật ở ấp 1, xã Hòa Phú, lại là một điển hình về làm giàu từ trồng lan. Trước đây, gia đình ông Nhật sinh sống bằng nghề trồng lúa và rau màu, nhưng hiệu quả thấp. Năm 2006, ông quyết định chuyển sang trồng lan, bắt đầu từ diện tích nhỏ 0,5 ha. Đó là miếng đất thấp ven sông Sài Gòn, vốn đã trồng những loại cây khác đều không thành công vì dễ bị ngập úng. 

Gia đình ông Nhật quyết định vay vốn cải tạo chỗ đất này bằng cách thuê sà lan múc đất nơi khác đổ lên để tôn nền đất vườn lên cao, rồi mua giống lan mokara về trồng. Dần dà, từ nguồn vốn tích lũy được, ông mở rộng diện tích trồng lan trên đất ruộng sẵn có của gia đình và mua thêm đất của những hộ khác. Cách đây hơn 1 năm gia đình ông đã có trong tay 5 ha đất trồng lan.

Vốn bỏ ra mua đất đã lớn, vốn đầu tư trồng lan còn lớn hơn nhiều. Bởi để đầu tư một cách bài bản, mỗi ha cần tới khoảng 5 tỷ đồng. Ông Nhật gõ cửa Agribank Chi nhánh Củ Chi vay vốn theo QĐ 13 và được cho vay 2,5 tỷ đồng.

Ông Khưu Minh Hưng, ở ấp Thượng, xã Tân Thông Hội, nhờ nguồn vốn vay được hỗ trợ lãi suất mà có thể đầu tư nuôi cá quy mô công nghiệp trên diện tích 5 ha, mỗi năm thu hoạch khoảng 400-500 tấn cá các loại, doanh thu đạt mười mấy tỷ đồng, sau khi trừ hết chi phí còn lợi nhuận tới 30% …

Với việc được hỗ trợ 100% lãi suất đầu tư cơ sơ hạ tầng và 80% lãi suất cho vốn lưu động để trồng lan, ông Nhật đã hoàn toàn yên tâm, đầu tư vốn vay vào sản xuất lan trên toàn bộ 5 ha. Từ đó, sản lượng hoa lan cắt cành thu hoạch từ trang trại của gia đình ông Nhật đã tăng cao hơn hẳn so với trước đó. Thay vì chỉ bán ở thị trường TP.HCM và một số tỉnh lân cận như trước đây, gia đình ông Nhật đã đưa lan đi xa ra Hà Nội và Huế với giá cao hơn.

Những tháng cao điểm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông bỏ túi tới 180 triệu đồng. Những tháng thấp điểm, cũng có lợi nhuận từ 80-100 triệu đồng.

Còn những bất cập

Theo ông Lê Đình Đức, Trưởng phòng Kinh tế huyện Củ Chi, do công tác tuyên truyền được thực hiện tốt, quy trình thủ tục vay vốn đơn giản và đúng thời gian, không gây phiền hà cho người dân, người có nhu cầu vay vốn sẽ được UBND xã, Phòng Kinh tế huyện hay Agribank hướng dẫn làm đơn (nếu vay dưới 100 triệu đồng) hoặc lập phương án đầu tư sản xuất (nếu vay trên 100 triệu đồng), nên ngày càng có nhiều hộ nông dân trên địa bàn biết và tiếp cận được với chương trình hỗ trợ vốn vay để sản xuất theo các mô hình nông nghiệp đô thị.

11-14-19_nh-2-nong-nghiep-do-thi-cu-chi
Trang trại bò sữa của ông Nguyễn Văn Vàng

Đến nay, đã có 3.323 phương án được phê duyệt (5.789 hộ vay), với số vốn vay được hỗ trợ là 1.273,629 tỷ đồng. Trong đó, Agribank Chi nhánh Củ Chi chiếm tới 97,61% hộ được vay và 84,38% số tiền cho vay.

Nuôi bò chiếm tỷ trọng vốn vay nhiều nhất (38,23%), tiếp đó là nuôi heo (22,4%), nuôi cá, ếch (17,77%), trồng hoa lan, cây kiểng (15,1%) … Điều quan trọng hơn là mỗi 1 đồng vốn vay được TP hỗ trợ lãi suất, đã huy động được 18,3 đồng vốn đầu tư để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện theo hướng nông nghiệp đô thị.

Dầu vậy, qua thực tế, QĐ 13 cũng còn những bất cập không nhỏ. Ông Lê Văn Dũng, PGĐ Agribank Chi nhánh Củ Chi cho biết, nông dân chủ yếu thế chấp đất đai để vay vốn, nhưng định giá đất nông nghiệp do nhà nước ban hành lại thấp hơn nhiều so với giá thực tế trên thị trường.

Chẳng hạn 1 ha hoa lan, chỉ được định giá 1,5 tỷ đồng, nên khách hàng chỉ được vay tối đa khoảng 1 tỷ đồng (bằng 70% giá trị đất thế chấp), trong khi đó đầu tư ban đầu cho 1 ha hoa lan cần tới 5 tỷ đồng. Như vậy, không đáp ứng được nhu cầu vay vốn của nông dân để phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị.

 Còn theo bà Phạm Thị Kim Duyên, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hòa Đông, nhiều hộ chia đất cho con cái ra riêng nhưng không tách thửa ra được, nên con cái muốn vay vốn theo QĐ 13 lại không có sổ đỏ để thế chấp …

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm