| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp là lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng giữa Việt Nam - Mông Cổ

Thứ Ba 01/10/2024 , 16:24 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ Enkhbayar Jadamba khẳng định trong buổi tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan.

Việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện mở ra cơ hội mới cho hợp tác nông nghiệp song phương. Ảnh: ICD.

Việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện mở ra cơ hội mới cho hợp tác nông nghiệp song phương. Ảnh: ICD.

Ngày 1/10, tại thủ đô Ulan Bato, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan gặp mặt và làm việc với ông Enkhbayar Jadamba - Bộ trưởng Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ.

Buổi họp diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Mông Cổ nhân dịp kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao và nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện.

Trao đổi thương mại giữa hai nước trong những năm gần đây tăng trưởng nhanh, với kim ngạch song phương năm 2022 đạt 85 triệu USD; năm 2023 đạt 132 triệu USD; 7 tháng năm 2024 đạt 65,5 triệu USD. Với tín hiệu tích cực này, hai nước đặt mục tiêu sớm đưa kim ngạch thương mại song phương lên 200 triệu USD.

Bộ trưởng Jamdaba cho rằng, nông nghiệp là lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng. Mông Cổ có thế mạnh về chăn nuôi, còn Việt Nam có thế mạnh về trồng trọt và sản xuất thực phẩm.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, nhất là về địa lý và vận tải, việc xúc tiến đưa sản phẩm thịt gia súc của Mông Cổ sang Việt Nam vẫn còn vướng mắc. Điều này khiến hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước chưa được phát triển, duy trì ở mức khiêm tốn so với tiềm năng và nhu cầu thực tế của hai nước. 

Bộ trưởng Mông Cổ chia sẻ, một trong những thách thức lớn về thương mại là vận tải quốc tế có chi phí cao và thời gian dài, vì Mông Cổ xa và nằm sâu trong lục địa nên phải đa phương thức vận tải và trung chuyển. Đồng thời, hàng hóa của Việt Nam phải cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa của Trung Quốc trong khi yếu thế về chi phí và thời gian vận chuyển.

Ông Jamdaba nhấn mạnh, để giải quyết những thách thức về thương mại hiện tại, đặc biệt là vấn đề vận tải, hai bên cần tìm ra các giải pháp sáng tạo và linh hoạt hơn. Một trong những sáng kiến được ông đề xuất là thiết lập cơ chế hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc. 

Trong khuôn khổ sáng kiến này, Mông Cổ sẽ cung cấp các sản phẩm thịt gia súc - vốn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước bạn. Bên cạnh đó, Mông Cổ mong muốn nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Bộ trưởng Jamdaba kỳ vọng hai nước có thể xây dựng một chuỗi cung ứng hiệu quả, trong đó gạo từ Việt Nam có thể được vận chuyển thông qua các tuyến vận tải đa phương thức, với Trung Quốc đóng vai trò cầu nối quan trọng.

Trao đổi với lãnh đạo Mông Cổ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đồng tình và cho rằng, hai nước cần quan tâm hơn việc khai thông các điểm nghẽn để thúc đẩy hợp tác nông nghiệp. Ông khẳng định, Trung Quốc đóng vai trò trung chuyển quan trọng trong việc vận tải hàng hóa giữa Việt Nam và Mông Cổ. Việc phối hợp hiệu quả với Trung Quốc sẽ giúp giảm chi phí vận tải và rút ngắn thời gian giao thương, từ đó tăng tính cạnh tranh của hàng hóa hai nước trên thị trường.

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT chụp ảnh kỷ niệm với Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ. Ảnh: ICD.

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT chụp ảnh kỷ niệm với Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ. Ảnh: ICD.

Cùng với đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã mời lãnh đạo Mông Cổ sang Việt Nam để đồng chủ trì Kỳ họp Ủy ban Liên Chính phủ, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 11/2024. 

Tư lệnh ngành NN-PTNT nhấn mạnh: “Đây là một trong những sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, cần được quan tâm tương xứng với tầm mức quan hệ mới”.

Tại buổi làm việc, hai Bộ trưởng đàm thảo kế hoạch đồng tổ chức Diễn đàn kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Mông Cổ và phát triển nông sản Mông Cổ tại Việt Nam, gắn với Hội chợ triển lãm Nông nghiệp quốc tế lần thứ 24 (AgroViet 24).

“Chúng tôi dự kiến dành không gian ưu tiên trang trọng cho doanh nghiệp Mông Cổ. Các bạn có thể đem sản phẩm tới trưng bày, quảng bá, gặp gỡ các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nhiều nước khác”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Người đứng đầu Bộ NN-PTNT khẳng định, việc thúc đẩy trao đổi thương mại nông sản giữa hai nước không chỉ giúp Mông Cổ đảm bảo an ninh lương thực mà còn tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu gạo. Trong đó, việc phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc trong lĩnh vực vận tải sẽ là yếu tố then chốt, giúp đẩy nhanh quá trình lưu thông hàng hóa và giải quyết những điểm nghẽn đã tồn tại lâu nay.

Chuyến thăm Mông Cổ ngày 30/9 - 1/10 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mở ra một chương mới khi hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện, tạo bước phát triển đột phá trong giai đoạn tới, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.

Xem thêm
Có vốn từ quỹ khuyến nông, mỗi bao cám bớt được 40.000đ

'Trước đây do không có tiền nên tôi phải mua cám chịu của đại lý, mỗi bao cám 25 kg đội giá thêm 45.000đ, thành ra 1.000 bao mất thêm 40 triệu đồng'.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Vụ sạt lở kinh hoàng ở Việt Vinh: Nước mắt lẫn vào mưa

Nước từ trên núi ập xuống ngăn cách Quốc lộ 2, đoạn qua xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, hằng trăm người dân toán loạn chạy, một số người đã tử vong.

Cha con 'người hùng không biết chữ' cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Dù không biết chữ, cha con anh Nguyễn Văn Hai vẫn mày mò tự chế thiết bị lặn để cứu trạm bơm Cống Bún khỏi sự cố rò rỉ trước thời điểm mưa lũ.