| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp Ninh Thuận vượt muôn vàn khó khăn

Thứ Ba 05/01/2021 , 09:47 (GMT+7)

Nằm ở vùng khí hậu khắc nghiệt và chịu thiệt hại bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng Ninh Thuận vẫn duy trì được tốc độ phát triển với nhiều thành tựu quan trọng.

Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trong khó khăn

Năm 2020, ngoài chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 thì Ninh Thuận còn là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nắng nóng, khô hạn kéo dài. Tuy nhiên, với sự chủ động, linh hoạt trong công tác chỉ đạo điều hành nên địa phương đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân.

Năm 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp Ninh Thuận đạt trên 11,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so năm 2019. Ảnh: Minh Hậu.

Năm 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp Ninh Thuận đạt trên 11,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so năm 2019. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho biết, trong thời gian xảy ra hạn hán, Sở đã tham mưu UBND tỉnh bố trí 51,1 tỷ đồng cho các ngành phục vụ công tác chống hạn, đồng thời tranh thủ các nguồn hỗ trợ của Trung ương, các tổ chức phi chính phủ để khôi phục sản xuất.

Mục tiêu lúc đó của địa phương là không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói, không để phát sinh dịch bệnh. Quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và chăm sóc, bảo vệ, hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi, nhờ vậy ngành nông nghiệp vẫn có kết quả tăng trưởng tốt.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận. Ảnh: Minh Hậu.

Theo Sở NN-PTNT Ninh Thuận, năm 2020, tổng diện tích gieo trồng cho thu hoạch cây hàng năm 68.600 ha, giảm 16,6% diện tích so năm 2019. Dù vậy tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp vẫn đạt trên 11,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so năm 2019. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp đạt 4 nghìn tỷ đồng, lâm nghiệp đạt 81,4 tỷ đồng và thủy sản đạt gần 7 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 7% so với năm 2019 nhờ vậy đã giúp ngành nông nghiệp của địa phương này vẫn có bước tăng trưởng.

Ở Ninh Thuận, các dự án nông nghiệp công nghệ cao đã bước đầu cho sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành. Năng suất các loại cây trồng đều được đánh giá là vượt kế hoạch so với năm 2019. Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng vượt 44,57% kế hoạch. Đặc biệt, lĩnh vực chăn nuôi có sự chuyển biến mạnh mẽ với các hình thức liên kết chuỗi giá trị. Gia súc có sừng đã chuyển từ chăn thả sang nuôi nhốt tập trung và dịch bệnh được khống chế nên tổng đàn và sản lượng thịt hơi tăng 5,5% so năm 2019.

Trong năm 2020, tình hình khô hạn kéo dài và có thời gian tình trạng cấp báo cháy rừng lên đến cấp V nhưng việc phòng chống cháy và chữa cháy rừng vẫn luôn được đảm bảo. Công tác bảo vệ rừng được tăng cường kiểm tra, tuần tra nên đã hạn chế mức thấp nhất về các vụ vi phạm. Công tác lâm sinh gắn với các mô hình sinh kế bền vững được nhân rộng, người dân tham gia tích cực và được triển khai theo tiến độ đề ra.

Ông Đặng Kim Cương chia sẻ: “Kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn ở địa phương ngày càng phát huy hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh đã góp phần xây dựng nền nông nghiệp dần thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập. Đặc biệt là góp phần xây dựng chương trình nông thôn mới bền vững”.

Chăn nuôi Ninh Thuận hướng đến tập trung và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến. Ảnh: Minh Hậu.

Chăn nuôi Ninh Thuận hướng đến tập trung và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến. Ảnh: Minh Hậu.

Trong lĩnh vực thủy sản, Ninh Thuận là địa phương có thế mạnh về sản xuất tôm giống. Tại đây, quy trình sản xuất có được sự chủ động về công nghệ và thực hiện nhập khẩu được nguồn giống tôm bố mẹ nên ít bị ảnh hưởng dù xảy ra đại dịch Covid-19. Với cơ chế quản lý chặt chẽ, sản xuất đảm bảo chất lượng cao, năm 2020 toàn tỉnh đã cung ứng ra thị trường trong nước khoảng 43 tỷ tôm giống phục vụ nhu cầu chăn nuôi. Con số này tăng 23% so với năm 2019.

Cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu

Là địa phương nằm trong vùng có khí hậu khắc nghiệt, tỉnh Ninh Thuận hướng đến tập trung thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp để thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh thực hiện nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao giá trị sản xuất, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội.

Theo ông Đặng Kim Cương, năm 2021 ngành nông nghiệp Ninh Thuận sẽ còn nhiều khó khăn, thử thách. Tuy vậy, ngành nông nghiệp của tỉnh phấn đấu để duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất 3-4%, tốc độ tăng giá trị gia tăng 3,6% so với 2020. Phấn đấu đưa giá trị sản xuất trên diện tích đất chủ động nước tưới đạt 130 triệu đồng/ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 46,96%; tỷ lệ hộ dân cư dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96%; có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Nhiều diện tích đất được Ninh Thuận chuyển đổi sang trồng cỏ phát triển chăn nuôi gia súc lớn mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Minh Hậu.

Nhiều diện tích đất được Ninh Thuận chuyển đổi sang trồng cỏ phát triển chăn nuôi gia súc lớn mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Minh Hậu.

Trong 3 vụ năm 2020, toàn tỉnh Ninh Thuận chuyển đổi 1.500 ha. Trong đó, vụ đông xuân chuyển đổi 955ha, vụ hè thu chuyển đổi 424ha và vụ mùa chuyển đổi được 148ha. Ở con số 1,5 nghìn ha chuyển đổi này, có 1,3 nghìn ha là cây trồng ngắn ngày. Về cánh đồng lớn, Ninh Thuận duy trì, triển khai mới 30 cánh đồng lớn với tổng diện tích 3.642ha.

Để làm được điều này, địa phương thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm nước khoảng 200 ha và chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách hiệu quả, tiết kiệm nước (cây nho, táo và cây trồng cạn) khoảng 1.500 ha. Đồng thời duy trì và xây dựng mới 5-7 liên kết sản xuất, xây dựng các vùng sản xuất GAP, thu hút và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đối với chăn nuôi, địa phương hướng đến thực hiện hình thức trang trại quy mô công nghiệp, bán công nghiệp. Nâng cao chất lượng đàn gia súc để đáp ứng yêu cầu công nghiệp chế biến, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Tỉnh cũng tiếp tục triển khai chương trình bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2021-2025. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nhân rộng mô hình "Dân làm giàu từ kinh tế rừng" và thực hiện các biện pháp để nâng cao tỷ lệ che phủ rừng”, ông Đặng Kim Cương nói và cho biết thêm, tỉnh tập trung thực hiện các dự án trồng rừng thay thế. 

Tỉnh Ninh Thuận lên phương án thực hiện hàng loạt giải pháp để thúc đẩy sự phát triển trong giai đoạn tới. Địa phương khuyến khích người dân tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, Ninh Thuận tập trung triển khai bản đồ thổ nhưỡng nông hóa để phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển liên kết sản xuất cánh đồng lớn.

Đồng thời tổ chức xúc tiến thương mại, phát triển thị trường và quản lý chất lượng sản phẩm nông sản. Đẩy mạnh đề án sản phẩm OCOP và hỗ trợ xây dựng, quản lý, phát triển thương hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc thù.

Năm 2020, tỷ lệ hộ dân nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh của Ninh Thuận là 95%, tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 46,8%, đạt 100% so với kế hoạch. Giá trị sản xuất trên một ha đất chủ động nước ước đạt 125,5 triệu đồng. Tổng diện tích gieo trồng cho thu hoạch năm 2020 là 68.600 ha, sản lượng lương thực đạt 248.418 tấn, nho 26.871 tấn, táo 35.317, tấn. Đàn gia súc đạt 465.000 con. Diện tích rừng trồng mới 842,5 ha, tăng 27,3% so năm 2019; giao khoán bảo vệ rừng 66.587 ha; khoanh nuôi tái sinh rừng 3.027 ha.

Sản lượng khai thác thủy sản đạt 118.690 tấn, tăng 4,5% so năm 2019; sản lượng nuôi thủy sản đạt 9.725 tấn; giống thủy sản 43,067 tỷ con.

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Ô tô kinh doanh chở trẻ mầm non, học sinh phải sơn vàng đậm

Bắt đầu từ 1/1/2025, Nghị định 151/2024/NĐ-CP bắt buộc thi hành điều này đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.