Các chuyên gia hàng đầu cho biết động lực thúc đẩy sự chuyển đổi sang nông nghiệp tái sinh ở Anh là để giảm thiểu khủng hoảng khí hậu đang ngày càng tăng.
“Ngày càng có nhiều người nhìn thấy những nông dân khác làm việc đó [canh tác tái sinh] và hạnh phúc hơn vì hình thức canh tác này”, John Cherry, người đã thành lập Groundswell, sự kiện hàng đầu về nông nghiệp tái sinh của Vương quốc Anh, cho biết tại trang trại của mình ở Hertfordshire.
"Mọi người có thể thu được năng suất cao hơn với các phương pháp tiếp cận thông thường, nhưng họ cũng phải trả giá đắt hơn cho tất cả các yếu tố đầu vào, vì vậy họ không kiếm được nhiều tiền hơn", ông bổ sung.
Minette Batters, người đứng đầu Liên minh Nông dân Quốc gia, đặt ra tham vọng cho việc canh tác ở Vương quốc Anh trở nên trung hòa với khí hậu vào năm 2040. Chiến lược Lương thực Quốc gia của Henry Dimbleby hiện khuyến nghị chính phủ dành ra tới 700 triệu bảng để trả cho nông dân - những người tạo ra cảnh quan cô lập carbon và thiên nhiên phong phú.
Thực phẩm và nông nghiệp - lĩnh vực chủ chốt của Vương quốc Anh - có lượng khí thải carbon lớn, chiếm 1/5 lượng khí thải của cả nước này. Con số đó tăng lên khoảng 30% nếu tính lượng khí thải do tất cả thực phẩm Vương quốc Anh nhập khẩu tạo ra. Lượng khí thải do nông nghiệp thải ra chiếm khoảng 10% tổng lượng khí thải, nhưng trong những năm gần đây xuất hiện một số cam kết để giảm lượng khí thải đó.
Đã có hơn 1.700 nông dân hữu cơ trên khắp Vương quốc Anh đăng ký Chứng nhận của Hiệp hội Đất, bao gồm gần nửa triệu héc-ta đất nông nghiệp. Ngoài việc sử dụng ít thuốc trừ sâu hơn, các trang trại hữu cơ có nhiều động vật hoang dã hơn và lưu trữ nhiều carbon hơn trong đất, giảm lượng khí thải.
Trong những năm gần đây, sự quan tâm đến kỹ thuật canh tác tái sinh tăng trưởng đáng kể.
Khi Groundswell ra đời cách đây sáu năm, chỉ có vài trăm người tham dự. Năm nay, hơn 3.500 người tham gia, bao gồm cả Bộ trưởng Môi trường George Eustice, và Bộ trưởng đã gửi tới mọi người thông điệp rằng Brexit là cơ hội để Vương quốc Anh dẫn đầu thế giới về hỗ trợ nông nghiệp tái sinh.
Theo kế hoạch trợ cấp mới do Bộ Môi trường công bố, nông dân sẽ được cung cấp tới 70 bảng Anh mỗi héc-ta để áp dụng các kỹ thuật tái sinh, bao gồm các hệ thống canh tác hỗn hợp, nơi trồng cây kế hợp với chăn nuôi gia súc để giúp tăng cường sức khỏe của đất.
Ngay cả những phương tiện truyền thông nông nghiệp truyền thống nhất cũng dành nhiều lời khen ngợi cho cách tiếp cận mới trong quản lý đất đai và sản xuất lương thực trong những tuần gần đây, thừa nhận rằng nhiều nông dân hiện đang thử nghiệm một số ý tưởng.
Đầu năm nay, McDonald’s thông báo họ đang khởi động một dự án nuôi tái sinh để chuyển đổi các nhà cung cấp thịt bò của mình ở Anh sang các phương pháp tiếp cận bền vững hơn. Và viết trên Guardian vào tháng 5, Thái tử Charles kêu gọi “chuyển đổi nhanh chóng sang canh tác tái sinh”.
Giống các chương trình như Groundswell, số lượng thành viên của các nhóm canh tác tái sinh đã tăng vọt. Liên minh Công nhân nông trường, được thành lập vào năm 2014, đại diện cho hơn 1.500 nông dân và công nhân nông trường trên khắp Vương quốc Anh thúc đẩy các phương pháp tiếp cận tái tạo nhiều hơn đối với canh tác. Trong khi Mạng lưới Nông nghiệp Thân thiện với Thiên nhiên và Hiệp hội Chăn nuôi Đồng cỏ có hơn 1.500 thành viên nông dân.
Nikki Yoxall, 34 tuổi, một nông dân theo đuổi nông nghiệp tái sinh thế hệ đầu tiên ở Aberdeenshire cho biết. “Mặc dù những người thực hành phương thức canh tác tái sinh vẫn chỉ là nhóm thiểu số, nhưng nhận thức và sự quan tâm tới phương thức canh tác này từ tất cả các tầng lớp ngày càng nhiều”.
Việc chấm dứt trợ cấp và chi phí đầu vào như phân bón có giá tăng cao đang thúc đẩy nông dân xem xét lại hình thức canh tác họ thực hiên.
“Nếu bạn chấp nhận rằng mọi thứ không thể tiếp tục như hiện tại, thì bạn có thể rời bỏ ngành nông nghiệp hoặc thử một hình thức canh tác khác nào đó”, nông dân trồng hoa quả, cừu và thịt bò tái sinh Herefordshire, Rich Thomas, 42 tuổi, nói. “Nếu bạn loại bỏ hóa chất từ từ thì bạn có thể 'cai sữa' mỗi năm một chút và bắt đầu canh tác theo một cách khác. Đó là về việc cố gắng tái tạo và sử dụng tốt hơn các loại đất của chúng tôi”.
Yoxall, người điều hành dịch vụ chăn thả cho nông dân và chủ đất để giúp quản lý và duy trì đất đai cho biết nông nghiệp tái sinh cũng là một loại hình canh tác dễ tiếp cận hơn đối với những người mới tham gia, do không phụ thuộc vào đầu vào và máy móc cao.
Nhưng những ý tưởng này cũng đang thu hút những thế hệ nông dân lớn tuổi hiện thời, những người muốn để lại di sản tích cực cho trang trại của họ. “Hiện tôi đang nhận được các cuộc gọi thường xuyên từ nhóm người ngoài 55 tuổi, những người này nhận ra rằng đất đai của họ đã bị thoái hóa và chỉ muốn sửa đổi và để nó ở trạng thái tốt hơn”, nông dân Herefordshire và nhà tư vấn nông nghiệp tái sinh, Ben Taylor–Davies cho biết.
Và nông nghiệp tái sinh đang nhận được sự ủng hộ của công chúng. James Allen, nông dân làm nông nghiệp tái sinh ở Cotswold cho biết: “Mọi người ngày càng quan tân tới nông nghiệp tái sinh không chỉ trong việc trồng trọt, với việc mọi người đang tìm kiếm len và da có nguồn gốc nông nghiệp tái sinh".
Allen cho biết lợi ích của người tiêu dùng cuối cùng sẽ là động lực lớn hơn cho chính sách của chính phủ. “Sản phẩm hữu cơ bắt đầu là một thị trường ngách, nhưng hiện tại mỗi siêu thị đều có khu bán riêng. Nó [nông nghiệp tái sinh] đang trên đà phát triển mọi lúc, mọi nơi”, ông nói thêm.