| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp tăng trưởng cao nhất 7 năm qua

Thứ Hai 31/12/2018 , 09:01 (GMT+7)

Năm 2018, GDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%, cao nhất kể từ năm 2012 đến nay. Kết quả này khẳng định, chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp đã và đang phát huy hiệu quả.

Theo công bố tình hình KT-XH năm 2018 của Tổng cục Thống kê, năm 2018, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam tăng 7,08%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 đến nay. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất của khu vực nông, lâm, thủy sản trong giai đoạn 2012-2018. Đây là kết quả khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp đã và đang phát huy hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
 

Chuyển từ lượng sang chất

Trong khu vực nông, lâm, thủy sản, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,89%, cũng là mức tăng cao nhất của giai đoạn 2012-2018, đóng góp 0,36 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

14-41-13_imge009
Xu hướng cơ cấu lại ngành trồng trọt theo giá trị gia tăng thể hiện rõ nét trong năm 2018

Cơ cấu cây trồng được chuyển dịch theo hướng tích cực, giống lúa mới chất lượng cao đang dần thay thế giống lúa truyền thống, phát triển mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP cho giá trị kinh tế cao. Vì vậy, mặc dù diện tích gieo trồng lúa trên cả nước năm nay giảm 134,8 nghìn ha, nhưng năng suất tăng cao (bình quân cả nước 58,1 tạ/ha, tăng 2,6 tạ/ha) nên sản lượng lúa cả năm 2018 ước tính đạt 43,98 triệu tấn, tăng 1,24 triệu tấn so với năm 2017.

 Cùng với lúa, nhiều loại cây lương thực truyền thống, giá thị thấp cũng có xu hướng giảm mạnh về diện tích. Cụ thể, sản lượng ngô đạt 4,91 triệu tấn, giảm 203,7 nghìn tấn so với năm 2017 do diện tích gieo trồng giảm 60,5 nghìn ha). Khoai lang giảm diện tích 3,9 nghìn ha; sắn giảm diện tích 17,3 nghìn ha; đậu tương diện tích giảm 15,3 nghìn ha)...

Trong khi đó, diện tích, sản lượng các loại cây trồng giá trị cao, gắn với tiềm năng XK như rau các loại, cây ăn quả, cây công nghiệp tiếp tục tăng về diện tích.

14-41-13_dscf3139
Diện tích, sản lượng các loại cây ăn quả tiếp tục tăng

Cụ thể năm 2018, diện tích rau các loại đạt 17,09 triệu tấn, tăng 622,5 nghìn tấn (diện tích tăng 23,3 nghìn ha). Diện tích cây công nghiệp lâu năm ước tính đạt 3.482,3 nghìn ha, tăng 2,3% so với năm 2017. Trong đó, cà phê diện tích đạt 688,4 nghìn ha, tăng 1,6%; điều diện tích đạt 301 nghìn ha, tăng 0,4%, sản lượng đạt 260,3 nghìn tấn, tăng 20,6%; chè diện tích đạt 123,7 nghìn ha, tăng 0,6%, sản lượng chè búp đạt 987,3 nghìn tấn, tăng 1,6%.

Sản lượng cây ăn quả năm 2018 đạt khá do nhiều cây trồng tăng về diện tích và có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định. Sản lượng cam, quýt, bưởi đạt 1.697,9 nghìn tấn, tăng 10,9% so với năm trước; xoài đạt 788,5 nghìn tấn, tăng 5,8%; thanh long đạt 1.074,2 nghìn tấn, tăng 12,8%; dứa đạt 674 nghìn tấn, tăng 9,1%. Riêng sản lượng nhãn, vải đạt cao do điều kiện tời tiết thuận lợi...
 

Thủy sản, lâm nghiệp, chăn nuôi tăng khá

Cùng với nông nghiệp, các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp năm 2018 tiếp tục giữ được sự ổn định. Sản lượng thuỷ sản cả năm ước tính đạt 7.756,5 nghìn tấn, tăng 6,1% so với năm trước. Trong đó, nuôi trồng thủy sản tăng khá với sản lượng ước tính cả năm đạt 4,2 triệu tấn, tăng 6,7%, trong đó cá đạt 2.902,5 nghìn tấn, tăng 6,9%; tôm đạt 804,3 nghìn tấn, tăng 8,1%. Đối với cá tra, dù XK rất tốt trong năm 2018, nhưng diện tích nuôi năm 2018 vẫn được kiểm soát theo hướng phát triển bền vững, ước tính đạt 22,4 nghìn ha, giảm 0,9% so với năm trước.

Trong khi đó, sản lượng tôm sú ước tính đạt 274,3 nghìn tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước; tôm thẻ chân trắng đạt 492,3 nghìn tấn, tăng 10%... Cùng với nuôi trồng, hoạt động khai thác thủy sản năm 2018 cũng tăng khá với sản lượng cả năm ước tính đạt 3.602,7 nghìn tấn, tăng 5,3% so với năm 2017.

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng

Sau giai đoạn khủng hoảng giá lợn, chăn nuôi năm 2018 đã lấy lại được đà tăng trưởng khi đàn lợn tăng 3,2%; đàn bò tăng 2,7%; đàn gia cầm tăng 6,1%. Sản lượng thịt hơi các loại năm nay đạt khá. Sản lượng thịt trâu đạt 92,1 nghìn tấn, tăng 4,7% so với cùng thời điểm năm trước; sản lượng thịt bò đạt 334,5 nghìn tấn, tăng 4%; sản lượng thịt lợn đạt 3,8 triệu tấn, tăng 2,2%; sản lượng thịt gia cầm đạt 1,1 triệu tấn, tăng 6,4%; sản lượng trứng gia cầm đạt 11,6 tỷ quả, tăng 9,5%. Sản lượng sữa bò cả năm 2018 đạt 936 nghìn tấn, tăng 6,2% so với năm 2017.

Về lâm nghiệp, tính chung cả năm 2018, diện tích rừng trồng tập trung của cả nước ước tính đạt 238,6 nghìn ha, giảm nhẹ 1,2% so với năm 2017; tuy nhiên sản lượng gỗ khai thác ước tính đạt 12,8 triệu m3, tăng 9,6%. Công tác bảo vệ rừng tiếp tục được siết chặt với diện tích rừng bị thiệt hại là 1.283,3 ha, giảm 17,8% so với năm 2017, trong đó diện tích rừng bị chặt phá là 544,2 ha, giảm 47,6%.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2018, mặc dù đối mặt với hàng loạt khó khăn về thị trường, tuy nhiên, XK nông, lâm, thủy sản vẫn ghi dấu ấn và đóng góp quan trọng vào tổng kim ngạch XK 244,72 tỉ USD của cả nước. Trong đó, một số mặt hàng tăng trưởng cao về kim ngạch XK như: Thủy sản đạt 8,8 tỷ USD, tăng 6,3%; rau quả đạt 3,8 tỷ USD, tăng 9,2%; cà phê đạt 3,5 tỷ USD, tăng 1,2% (lượng tăng 20,1%); gạo đạt 3,1 tỷ USD, tăng 16% (lượng tăng 4,6%)... Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản tuy lượng XK tăng nhưng do giá XK bình quân giảm nên kim ngạch giảm so với năm trước như: Hạt điều đạt 3,4 tỷ USD, giảm 3,9% (lượng tăng 6,2%); cao su đạt 2,1 tỷ USD, giảm 6,1% (lượng tăng 14,5%); hạt tiêu đạt 757 triệu USD, giảm 32,2% (lượng tăng 8,1%)....

Theo Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ KH-ĐT), liên tiếp trong 3 năm 2016 – 2018, mỗi năm, Việt Nam thành lập mới trên 100.000 DN, trong đó năm 2018 đã ghi nhận số DN thành lập mới kỷ lục với 131.275 DN, tăng 10,2% so với năm 2017. Tuy nhiên, số DN trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chiếm số lượng rất ít ỏi.

14-41-13_imge002

Cụ thể trong năm 2018, chỉ có 1.847 DN hoạt động trong ngành nông nghiệp được thành lập mới (không bao gồm DN trong ngành chế biến nông sản), chiếm chưa tới 1% tổng số DN thành lập mới của cả nước, và giảm 5,5% so với năm 2017. Cũng trong năm 2018, có 749 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong nông, lâm, thủy sản, và 1.187 DN tạm ngừng hoạt động. Các DN tạm ngừng hoạt động có 2 trạng thái, đó là tạm ngừng có thời hạn để tái hoạt động trở lại, và tạm ngừng để chờ giải thể. Trong đó trạng thái tạm ngừng để chờ giải thể là rất đáng lo ngại.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá: Nhìn chung, số lượng và quy mô DN hoạt động trong ngành nông nghiệp là rất nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của ngành. Theo số liệu tổng hợp được của Tổng cục Thống kê nhiều năm qua, số lượng DN trong ngành nông nghiệp chiếm bình quân chưa tới 1% trong tổng số DN cả nước. Ngay đầu năm 2018, Chính phủ đã ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Vừa qua, Bộ KH-ĐT cũng đã ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định của Chính phủ về khuyến khích DN đầu tư vào nông, lâm, thủy sản.

 

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm