Ngày 26/1, UBND huyện Lai Vung (Đồng Tháp) phối hợp với Văn phòng đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam khu vực ĐBSCL tổ chức tọa đàm “Nông nghiệp và Niềm tin”, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo sở, ngành của tỉnh và các chuyên gia ngành nông nghiệp.
Theo đó, thách thức lớn nhất hiện nay trong chuỗi giá trị nông sản đó là vấn đề liên kết sản xuất, hợp tác tiêu thụ giữa doanh nghiệp và bà con nông dân do chưa tìm được tiếng nói chung. Đa số các doanh nghiệp hiện nay thu mua nông sản qua thương lái, ngược lại nông dân cũng chỉ có thể thông qua thương lái để tiêu thụ sản phẩm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do thiếu niềm tin và chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa người sản xuất và doanh nghiệp. Với mong muốn tháo gỡ những mắt xích vừa nêu, các chuyên gia đã mổ sẻ vấn đề.
Theo quan điểm của GS Nguyễn Thơ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thực vật Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Hội bệnh lý cây trồng Việt Nam nhận định, giá trị của nông sản chính là sự kết tinh những thành quả phát triển và thúc đẩy quá trình liên kết hợp tác. Không có con đường nào khác là phải sản xuất an toàn để tạo niềm tin cho tất cả chủ thể trong chuỗi ngành hàng.
Vì thế, hiện nay, các địa phương và cả bộ ngành Trung ương khuyến cáo sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh, an toàn và bền vững. Người sản xuất cần phải nắm chắc, thành thạo những vấn đề cho ra sản phẩm an toàn, bán giá cao và giúp nông dân giảm giá thành, tăng thêm thu nhập.
Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho rằng: Đồng Tháp có thế mạnh phát triển mô hình kinh tế tập thể. Các HTX, Tổ hợp tác và Hội quán đã giúp việc liên kết tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn. Riêng đối với huyện Lai Vung có nhiều chủng loại cây ăn trái đặc sản như: quýt hồng, quýt đường, cam xoàn, bưởi, mận, sầu riêng, mãng cầu, nhãn, thanh long... đang phục vụ xuất khẩu đòi hỏi người nông dân cần nắm vững kỹ thuật canh tác tốt hơn.
Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đang hỗ trợ huyện Lai Vung phát triển HTX và xây dựng nông dân chuyên nghiệp để tạo ra vùng nguyên liệu chất lượng cao cho xuất khẩu. Nếu không làm tốt các vấn đề của các nhà nhập khẩu đưa ra thì nông dân chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau và nông sản bán giá thấp.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia chia sẻ thông tin tổng quan về kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; Đẩy mạnh phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ, bền vững, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao gắn với liên kết; Xây dựng các mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái và thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp từ các sản vật nông nghiệp địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung cho rằng: Thách thức lớn nhất hiện nay trong chuỗi giá trị nông sản là vấn đề liên kết sản xuất, hợp tác tiêu thụ giữa doanh nghiệp và bà con nông dân, do chưa tìm được tiếng nói chung.
Giá trị của mặt hàng nông sản được xem là kết tinh những thành quả phát triển, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tư duy kinh tế nông nghiệp của bà con nông dân và thúc đẩy quá trình liên kết hợp tác.
Không có con đường nào khác là phải tạo được niềm tin cho tất cả các chủ thể trong chuỗi sản xuất. Niềm tin giữa những người sản xuất, doanh nghiệp, đối tác, nhà lãnh đạo để dẫn dắt con đường phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, có như thế mới tạo ra được niềm tin của người tiêu dùng đối với mặt hàng nông sản, thúc đẩy việc gắn kết phát triển du lịch thành công.
Thông qua tọa đàm, từ chia sẻ của các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trên địa bàn huyện sẽ có thêm niềm tin vào nông nghiệp.
Trong đó, thể hiện niềm tin của người dân vào chủ trương của Đảng, sự kiến tạo của chính quyền các cấp, vào ứng dụng khoa học, công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tự tin về năng lực sản xuất của mình, tin vào giá trị và sức mạnh của quá trình liên kết, hợp tác sản xuất với sản xuất, sản xuất với tiêu thụ.
Theo ông Huỳnh Minh Trí, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lai Vung, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện tập trung phát triển các ngành chủ lực lúa, rau màu, cây ăn trái (trong đó, chủ lực là cây có múi) và hoa kiểng theo hướng sản xuất quy mô lớn, tập trung, theo chuỗi giá trị và từng bước tiêu chuẩn hóa hệ thống nuôi trồng gắn với mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc.
Diện tích sản xuất cây ăn trái, rau màu theo quy trình VietGAP, diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đã được cấp giấy chứng nhận trên 366ha, có 124 vùng trồng được cấp mã số với diện tích 5.750ha. Huyện đã xây dựng được 3 nhãn hiệu nông sản cụ thể gồm: quýt hồng Lai Vung, cam xoàn Lai Vung và quýt đường Lai Vung.
Nhìn chung, nông nghiệp Lai Vung hằng năm duy trì được tăng trưởng, năm 2023, giá trị sản xuất ngành nông, thủy sản của huyện khoảng 4.123 tỷ đồng, tăng 3,95% so năm 2022, các mô hình sản xuất hiệu quả, sản xuất hữu cơ, an toàn, truy xuất nguồn gốc dân được quan tâm.
Tuy nhiên, tình trạng sản xuất theo phong trào, sản xuất theo kinh nghiệm còn diễn ra, sản xuất manh mún, thiếu hợp tác còn nhiều, chưa kêu gọi được doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp theo chuỗi giá trị tại địa phương. Nhiều HTX nông nghiệp chưa phát huy hết vai trò liên kết, hợp tác giữa thành viên với nhau và liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Các mô hình liên kết hiện có chưa vững chắc, bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế, các sản phẩm chế biến từ nông sản địa phương chưa nhiều. Vì vậy, cần tiếp tục quan tâm thực hiện nhiều giải pháp phù hợp trong thời gian tới.
Ông Võ Hoàng Cương, Bí thư Huyện ủy Lai Vung cho rằng: Trong chuỗi giá trị nông sản, niềm tin rất quan trọng. Bà con nông dân tin tưởng vào chất lượng sản phẩm mình làm ra, doanh nghiệp và nông dân tin tưởng lẫn nhau để xây dựng mối liên kết bền chặt. Doanh nghiệp lại phải xây dựng được niềm tin với đối tác và người tiêu dùng. Và người dân tin tưởng vào cơ quan quản lý Nhà nước trong việc truyền tải, dẫn dắt, phát triển kỹ thuật, khoa học công nghệ.
Để xây dựng được những niềm tin này là cả một quá trình dài với sự nỗ lực của nhiều bên, từ người sản xuất, cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, hệ thống phân phối và chính người tiêu dùng. Từ đó tạo thành chiến lược quyết định cho sự thành bại của ngành nông nghiệp.
Và cuối cùng, người tiêu dùng bỏ tiền ra không phải để mua mặt hàng nông sản và mua niềm tin, giá trị kết tinh trong mặt hàng nông sản đó. Một khi đã tạo dựng thành công niềm tin, sẽ kéo theo sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác trong đó có du lịch. Tiêu biểu là du lịch nông thôn, một loại hình đang phát triển mạnh tại huyện Lai Vung và khu vực ĐBSCL.