| Hotline: 0983.970.780

Nông sản khi vào 'chợ quốc tế'

Thứ Năm 17/06/2021 , 14:12 (GMT+7)

Nông sản Việt Nam khi vào "chợ quốc tế", phải theo quy định chung. Việc vi phạm quy định, không chỉ tổn hại cho doanh nghiệp, mà còn cả ngành hàng, thương hiệu quốc gia...

Chật vật mới "có vé vào chợ" 

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN-PTNT), lâu nay, chúng ta hay nói tới vấn đề mở cửa thị trường. Nhưng cụ thể mở cửa thị trường là gì, gồm những việc cụ thể thế nào thì ngay đến nhiều cán bộ chuyên môn cũng không hiểu một cách rành mạch.

Chúng ta muốn xuất khẩu một mặt hàng nông, thủy sản, sản phẩm động vật vào một quốc gia nào đó, trước hết sẽ cần phải đề nghị họ cho mình xuất khẩu sản phẩm ấy vào nước họ.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, mở cửa được thị trường cho nông sản đã khó, giữ được thị trường càng khó hơn. Ảnh: Lê Bền.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, mở cửa được thị trường cho nông sản đã khó, giữ được thị trường càng khó hơn. Ảnh: Lê Bền.

Về thực phẩm thuần túy, có thực phẩm nguồn gốc động vật và nguồn gốc thực vật. Nhìn chung, đa phần các quốc gia sẽ có những quy định chặt chẽ hơn về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh nghiêm ngặt hơn đối với sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc động vật.

Bởi rủi ro từ thực phẩm có nguồn gốc động vật cao hơn. Rất nhiều bệnh từ động vật có nguy cơ truyền sang con người. Đối với các sản phẩm nông sản từ thực vật, bên cạnh các yêu cầu kiểm soát về an toàn thực phẩm, các nước xuất khẩu thường quan tâm yêu cầu không mang mầm dịch hại ảnh hưởng đến sản xuất thông qua việc phải tiến hành việc đánh giá nguy cơ dịch hại (PRA) thì nước nhập khẩu mới cho phép chúng ta tiếp cận được thị trường nước họ.

Đối với thực phẩm động vật, về mặt an toàn thực phẩm không chỉ yêu cầu sản phẩm chất lượng an toàn, mà còn yêu cầu toàn bộ quá trình sản xuất phải đáp ứng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong mở cửa thị trường thì khâu đầu tiên là khâu tiếp cận thị trường. Để tiếp cận thị trường đó, sản phẩm của chúng ta phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm. Toàn bộ các khâu từ con giống, đến nơi sản xuất, chăm sóc, chế biến… và bản thân sản phẩm đều phải đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm. Nghĩa là cả điều kiện để làm ra sản phẩm đó, và bản thân sản phẩm đó đều phải bảo đảm các yêu cầu về an toàn thực phẩm.

Nông, thủy sản, thực phẩm của Việt Nam vào thị trường quốc tế, sẽ phải tuân thủ nhưng quy định của thị trường nếu muốn phát triển một cách bền vững. Ảnh: TL.

Nông, thủy sản, thực phẩm của Việt Nam vào thị trường quốc tế, sẽ phải tuân thủ nhưng quy định của thị trường nếu muốn phát triển một cách bền vững. Ảnh: TL.

Hiện nay, phương thức để các nước cho phép chúng ta xuất khẩu sản phẩm nông sản, thực phẩm sang nước họ về cơ bản chia làm mấy nhóm.

Nhóm thứ nhất là nhóm các nước yêu cầu phải công nhận tương đương. Nghĩa là toàn bộ hệ thống kiểm soát để sản xuất, chế biến ra một sản phẩm nông sản, thực phẩm nào đó của chúng ta, phải được phía nhập khẩu đánh giá và công nhận tương đương với họ.

Muốn được họ đánh giá và công nhận tương đương, thì yêu cầu chúng ta phải có một hệ thống luật lệ tương đương; các cơ quan kiểm soát, quản lý toàn bộ chuỗi sản xuất của chúng ta phải năng lực phải tương đương; điều kiện vệ sinh của các công đoạn sản xuất đều phải tương đương với phía nhập khẩu thì họ sẽ công nhận tương đương. Từ đó, họ sẽ cấp phép cho từng doanh nghiệp của chúng ta được phép xuất khẩu sang họ.

Nhóm thứ hai, là các nước có yêu cầu công nhận lẫn nhau. Nhóm thứ ba, là nhóm không yêu cầu có đánh giá tương đương, nhưng chúng ta chỉ được công nhận và cấp phép cho từng doanh nghiệp cụ thể (ví dụ như Nga, Brazil…).

Các doanh nghiệp được quyền xuất khẩu, giống như đã có “tấm vé vào chợ”. Nhưng bản thân doanh nghiệp có bán được hàng hay không tại thị trường nước xuất khẩu thì lại là chuyện khác.

Ví dụ thị trường Trung Quốc, chúng ta có hơn 800 doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản sang họ, nhưng thực tế số doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu thường xuyên chỉ khoảng 1/5.

Như vậy, mở cửa thị trường là câu chuyện chúng ta đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật để tiếp cận được thị trường đó. Tuy nhiên, việc tiêu thụ được hàng thế nào tại thị trường xuất khẩu còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tô như tích cực quảng bá, xúc tiến thương mại, cải tiến mẫu mã… để làm sao thị phần hàng hóa của mình phải gia tăng lên.

Sau khi mở cửa được thị trường, sản phẩm tiêu thụ, cạnh tranh thế nào ở thị trường xuất khẩu còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Ảnh: Lê Bền.

Sau khi mở cửa được thị trường, sản phẩm tiêu thụ, cạnh tranh thế nào ở thị trường xuất khẩu còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Ảnh: Lê Bền.

Phải cải thiện rất nhiều

Nhìn chung những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã có những tiến bộ lớn trong việc nâng cao năng lực, đáp ứng ngày càng tốt hơn với các quy định về hàng hóa nông sản, thực phẩm của các thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, vẫn còn tỉ lệ nhất định những doanh nghiệp vẫn còn thực hiện qua loa, rất nguy hiểm.

Các doanh nghiệp xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng, xây dựng chương trình, đào tạo con người vận hành chương trình đó thì phải nhận thức được rằng mình làm tất cả các việc đó là để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo chất lượng sản phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tất cả những việc đó là phục vụ cho chính sự phát triển của bản thân doanh nghiệp.

Về chất lượng sản phảm, các doanh nghiệp chúng ta hầu hết đã nhận thức được vấn đề. Nhưng vấn đề đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm của nước xuất khẩu thì hiện nay, vẫn còn một số doanh nghiệp hay mắc vi phạm.

Đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu, chính là phục vụ cho lợi ích lâu dài của doanh nghiệp. Ảnh: LHV.

Đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu, chính là phục vụ cho lợi ích lâu dài của doanh nghiệp. Ảnh: LHV.

Thực tế, các doanh nghiệp chúng ta mới chỉ dừng lại ở suy nghĩ đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm là để được xuất khẩu. Nhưng chưa nhiều doanh nghiệp nghĩ được rằng, việc đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm là để tạo ra giá trị sản phẩm, giúp nâng cao uy tín, giúp xuất khẩu được nhiều hơn, giá trị được cao hơn.

Nếu qua loa, doanh nghiệp không chỉ không đáp ứng được các yêu cầu của thị trường, xấu nhất là bị nước xuất khẩu cấm không cho xuất khẩu nữa, và hệ lụy là rất lớn. Vì khi doanh nghiệp đó vi phạm quy định ở thị trường quốc tế, thì không chỉ uy tín của bản thân doanh nghiệp, mà thậm chí cả ngành hàng đó mang thương hiệu “made in Việt Nam” cũng bị ảnh hưởng.

Hiện nay, nhìn trên mặt bằng chung, qua quá trình lấy mẫu giám sát thường xuyên tại các doanh nghiệp cũng như trên thị trường cho thấy, việc đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản, thực phẩm đã có những cải thiện đáng kể.

Tỷ lệ vi phạm về điều kiện, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đã giảm xuống, đặc biệt tỷ lệ các lô hàng dính vi phạm ở các thị trường xuất khẩu, bị trả về đã giảm rất nhiều so với trước đây.

Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, với định hướng chiến lược của nước ta trở thành tốp 10 nước công nghiệp thực phẩm chế biến của thế giới, thì việc đáp ứng các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, điều kiện an toàn thực phẩm của chúng ta sẽ còn phải cải thiện rất nhiều.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cải thiện rất nhiều để hạ thấp hơn nữa các lô hàng vi phạm ở thị trường xuất khẩu. Ảnh: LHV.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cải thiện rất nhiều để hạ thấp hơn nữa các lô hàng vi phạm ở thị trường xuất khẩu. Ảnh: LHV.

Chúng ta không chỉ dừng lại ở việc được các thị trường cho phép xuất khẩu, mà còn phải tạo được thương hiệu, uy tín trên trường quốc tế. Muốn vậy, thì tỉ lệ các lô hàng vi phạm còn phải nỗ lực tuân thủ để thấp hơn nữa.

Mặc dù hầu hết các doanh nghiệp hiện đã tuần thủ rất tốt các quy định về sản phẩm tại các thị trường xuất khẩu, nhưng thi thoảng, vẫn có những lô hàng dính vi phạm.

Khi lô hàng bị phát hiện vi phạm, nước xuất khẩu sẽ kiểm tra tăng cường, dừng cho phép xuất khẩu và thậm chí đình chỉ hoàn toàn. Khi có lô hàng bị dính vi phạm, nước nhập khẩu sẽ có thông báo cảnh báo, buộc chúng ta phải triển khai các quy trình rất phức tạp, tốn kém và mất nhiều thời gian công sức như kiểm tra, truy xuất, thực hiện các biện pháp khắc phục, báo cáo kết quả khắc phục… 

Ngoài yếu tố an toàn thực phẩm, minh bạch xuất xứ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng như công bố có tính bắt buộc, đương nhiên phải thực hiện, thì hiện nay, hàng hóa nông sản, thực phẩm của chúng ta khi xuất khẩu còn phải đảm bảo tới cả yếu tố nữa là trách nhiệm với xã hội.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp khi sản xuất ra một hàng hóa, đó là trách nhiệm với môi trường, không làm tác động xấu, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái; là đảm bảo các yếu tố về phúc lợi xã hội như quyền lợi người lao động, không sử dụng lao động trẻ em, người tật nguyền….

Trách nhiệm xã hội chính là khi người tiêu dùng mua sản phẩm, không chỉ đơn giản là giá trị sử dụng của sản phẩm, mà sản phẩm còn phải mang lại giá trị bền vững cho nhân loại…

Hiện nay, tiêu chuẩn này đang nổi lên như một trụ cột mà các doanh nghiệp sẽ phải hướng tới.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.