| Hotline: 0983.970.780

Mở cửa thị trường tối đa, rút ngắn cán cân thương mại Hoa Kỳ-Việt Nam

Thứ Hai 24/02/2020 , 14:45 (GMT+7)

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh làm Trưởng đoàn sang Hoa Kỳ để tăng cường hoạt động hợp tác và trao đổi thương mại nông sản giữa hai nước.

Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: Agritrade.

Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: Agritrade.

Chuyến công tác từ 24 - 29/2 nằm trong kế hoạch hành động hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ NN-PTNT, phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ trong thời gian đã mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân hai nước. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ NN-PTNT luôn coi trọng và ưu tiên hợp tác khoa học, kỹ thuật, thương mại và đầu tư với các đối tác Hoa Kỳ.

Sau 2 phiên họp Hiệp định khung về thương mại và đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ (TIFA) liên tiếp tại Hoa Kỳ đầu tháng 10/2019 và tại Hà Nội cuối tháng 10/2019, Chính phủ 2 nước đã thống nhất thực hiện Kế hoạch hành động hướng tới cán cân thương mại hài hòa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Chuyến công tác lần này của Bộ NN-PTNT để triển khai một trong các hoạt động Việt Nam đã cam kết trong kế hoạch.

Sau khi kế hoạch đi vào thực thi, Bộ NN-PTNT đã tích cực hợp tác với Hoa Kỳ thực hiện các cam kết cấp cao và giải quyết các vướng mắc kỹ thuật để thúc đẩy tăng trưởng thương mại nông sản giữa hai nước.

Nhập khẩu công nghệ Hoa Kỳ

Thực hiện kế hoạch hành động đã thống nhất giữa 2 nước, đoàn công tác trao đổi thương mại nông lâm thủy sản với Hoa Kỳ có sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan kỹ thuật chịu trách nhiệm trong công tác mở cửa thị trường. Đặc biệt cùng đi với đoàn công tác Bộ NN-PTNT có đại diện của 19 doanh nghiệp lớn của Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu nông sản, vật tư và công nghệ cho sản xuất nông nghiệp.

Dự kiến, 8 doanh nghiệp Việt Nam sẽ ký kết thỏa thuận mua hàng với các công ty của Hoa Kỳ để nhập khẩu bò sống, lúa mỳ, bột bã ngô (DDGS), khô đậu tương, khô đậu nành, ngô, gỗ. Lễ ký kết sẽ diễn ra tại Diễn đàn kết nối Doanh nghiệp B2B tại Đại học Nebraska chiều ngày 26/2.

Ngoài ra các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất quan tâm tới nhập khẩu các dây chuyền, thiết bị công nghệ cao của Hoa Kỳ.

Bên cạnh Diễn đàn kết nối doanh nghiệp B2B, đoàn công tác sẽ làm việc với Trung tâm kinh doanh toàn cầu của Công ty Corteva tại Iowa, đại học Nebraska và UC David để tìm hiểu khả năng này.

Tháo gỡ vướng mắc theo đề xuất phía Hoa Kỳ

Việt Nam đã tích cực tháo gỡ nhiều vấn đề phía Hoa Kỳ quan tâm để thúc đẩy mạnh hơn thương mại nông sản giữa hai nước, cụ thể:

Hóa chất sử dụng trong sản xuất nông nghiệp: Bộ NN-PTNT đã rà soát và đưa 3 chất mà Hoa Kỳ quan tâm (Ractopamin, Trenbolone Acetate, Zeranol) ra khỏi danh mục chất cấm sử dụng trong chăn nuôi của Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT ban hành ngày 28/11/2019 Hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về thức ăn chăn nuôi.

Đăng ký sự kiện biến đổi gen: Sau khi kế hoạch hành động được ban hành, Hội đồng an toàn thực phẩm, thức ăn chăn nuôi biến đổi gen đã họp để tiếp tục xem xét các hồ sơ.

Ngày 21/1/2020, Bộ đã cấp Giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi cho 3 sự kiện. Ngay trước khi đoàn lên đường, Bộ NN-PTNT đã ra Quyết định cấp Giấy xác nhận thêm 5 sự kiện nữa.

Tính tới thời điểm này Bộ đã cấp Giấy xác nhận cho 39/48 hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp Hoa Kỳ. Số còn lại đang tiếp tục được Hội đồng An toàn thực phẩm, thức ăn chăn nuôi biến đổi gen tiếp tục đánh giá.

Đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu thịt và thủy sản: Tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã cấp phép cho 460 doanh nghiệp sản xuất thịt và sản phẩm thịt cùng 210 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu thủy sản, không còn hồ sơ tồn đọng của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, chỉ còn 3 doanh nghiệp sản xuất thịt và sản phẩm thịt chưa được cấp phép (do sử dụng động vật có xuất xứ từ nước thứ ba) do cần bổ sung hồ sơ theo quy định về kiểm soát an toàn dịch bệnh của Việt Nam.

Thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất Glyphosate: Ngày 5/1/2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã gửi công hàm tới Đại sứ quán Hoa Kỳ thông báo Bộ đang tiến hành rà soát, xây dựng để ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 10/2019/TT-BNNPTNT quy định lùi thời hạn buôn bán, sử dụng đối với các thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Glyphosate đến hết tháng 6/2021.

Dự kiến Thông tư sẽ được ban hành trước tháng 6/2020. Việt Nam đề nghị Cơ quan bảo vệ môi trưởng Hoa Kỳ (EPA) sớm cung cấp báo cáo đánh giá về Glyphosate để xem xét quyết định.

Mở cửa thị trường cho sản phẩm cây trồng: Tới nay, Việt Nam cho phép Hoa Kỳ xuất khẩu 6 loại quả tươi (bao gồm anh đào, lê, nho, táo, blueberry và cam) sang Việt Nam.

Bộ NN-PTNT cũng đang tiếp tục thực hiện đánh giá rủi ro (PRA) với quả bưởi, xuân đào, mơ và mận của Hoa Kỳ.

Đồng thời với hom cỏ Zoysia (Z.matrella) và hạt lúa miến (Sorgum bicolor), quy trình PRA đã gần hoàn tất, đề nghị Văn phòng đại diện Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam tích cực phối hợp với Cục BVTV để Bộ NN-PTNT cấp phép sớm cho 2 sản phẩm này.

Giảm thuế nhập khẩu MFN: Việt Nam đã nhận được đề nghị của Hoa Kỳ về giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế suất MFN) cho 9 nhóm mặt hàng nông nghiệp (gồm thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gà, quả hạnh nhân chưa bóc vỏ, táo tươi, bột mì, quả óc chó chưa bóc vỏ, quả nho tươi, khoai tây, thịt lợn trừ loại cả con và nửa con, thịt mông đùi, thịt vai và các mảnh của chúng, nho khô).

Hiện Bộ Tài chính Việt Nam đang phối hợp với Bộ NN-PTNT để rà soát, đánh giá tác động và dự thảo Nghị định để có thể điều chỉnh giảm thuế phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ, đồng thời không gây tác động lớn tới các ngành sản xuất trong nước.

Cherry Hoa Kỳ được nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam. Ảnh: Shutterstock/rblfmr.

Cherry Hoa Kỳ được nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam. Ảnh: Shutterstock/rblfmr.

Bài liên quan

Vấn đề hiện còn vướng mắc là Việt Nam và Hoa Kỳ chưa có thỏa thuận thương mại hoặc FTA song phương nên Việt Nam không thể đơn phương giảm thuế cho riêng Hoa Kỳ vì sẽ vi phạm quy tắc “không phân biệt đối xử” (non-discrimination) của WTO.

Việc xem xét giảm thuế MFN 9 nhóm mặt hàng trên sẽ có hiệu lực cho tất cả các nước có xuất khẩu các sản phẩm này vào thị trường Việt Nam, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất trong nước.

Về dài hạn, Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ xem xét và đàm phán ký kết một thỏa thuận thương mại song phương, tạo điều kiện để 2 nước dành ưu đãi cho các nhà đầu tư và kinh doanh trong nông nghiệp nói riêng và toàn bộ ngành kinh tế nói chung.

Đề nghị phía Việt Nam

Theo Bộ NN-PTNT, bên cạnh các quan tâm của Hoa Kỳ mà Việt Nam đã tích cực giải quyết, phía Việt Nam sẽ đề nghị Hoa Kỳ quan tâm thúc đẩy một số vấn đề liên quan tiếp cận thị trường Hoa Kỳ của nông sản Việt Nam:

Khó khăn là Việt Nam chưa có Hiệp định/Thỏa thuận thương mại tự do song phương với Hoa Kỳ nên các sản phẩm xuất khẩu của Hoa Kỳ đang được áp dụng theo mức thuế MFN (Giảm thuế tối huệ quốc), cao hơn nhiều so các nước xuất khẩu khác như Australia là thành viên hiệp định FTA ASEAN – Australia/New Zealand, CPTPP; Thái Lan có Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA); Nga có Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (AEAU)… Điều này làm cho sản phẩm của Hoa Kỳ kém cạnh tranh hơn so với sản phẩm cùng loại tới từ các quốc gia khác.

Ví dụ: Nhóm thịt lợn, Hoa Kỳ phải chịu thuế 14-20%, trong khi các nước có FTA với Việt Nam hưởng thuế 5%; thịt trâu bò 14-20% so với 0%; sữa và sản phẩm sữa 7-15% so với 0-5%; rau 15-17% so với 0%; cam 20% so với 0-5%; nho, táo, lê 10% so với 0%; bột mỳ 15% so với 0%; ngô 15% so với 0-3%...


Hiện Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã công bố quyết định công nhận tương đương hệ thống sản xuất cá tra, ba sa (pangasius) của Việt Nam.

Và từ ngày 2 - 13/3/2020, USDA sẽ cử đoàn sang Việt Nam tiến hành đánh giá giám sát định kỳ đối với “Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá và các sản phẩm cá bộ Siluriformes xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ”.

“Chúng tôi sẽ hợp tác với đoàn đánh giá và đảm bảo cá tra sản xuất và xuất khẩu sang Hoa Kỳ luôn có chất lượng cao, an toàn thực phẩm và giá cả hợp lý”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết.

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, Bộ NN-PTNT đề nghị USDA tiếp tục hỗ trợ Bộ tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu về Chương trình thanh tra cá da trơn; đào tạo về phương pháp kiểm nghiệm các chỉ tiêu vi sinh, hóa học trong thủy sản của USDA.

Đề nghị APHIS nhanh chóng: (i) Công nhận Trung tâm chiếu xạ Hà Nội và Công ty TNHH chiếu xạ Toàn Phát được tham gia chương trình chiếu xạ quả tươi xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam giảm bớt chi phí vận chuyển quả tươi vào miền Nam để chiếu xạ; (ii) Cho phép bổ sung biện pháp xử lý hơi nước nóng (VHT) đối với mặt hàng quả tươi xuất khẩu sang Hoa Kỳ (bên cạnh biện pháp chiếu xạ); và (iii) Hoàn tất các quy trình, thủ tục đánh giá rủi ro để quả bưởi của Việt Nam có thể xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Việt Nam cũng đề nghị APHIS tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý đã được hai bên thống nhất, ngăn chặn triệt để các loại đối tượng kiểm dịch thực vật đi theo hàng hóa xuất khẩu sang Việt Nam, và chỉ cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho các lô hàng xuất khẩu sang Việt Nam khi kiểm tra và đảm bảo lô hàng đó không bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam.

Ngoài ra, đề nghị USDA hỗ trợ Việt Nam trong công tác đào tạo, tăng cường năng lực cả ngắn hạn và dài hạn trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao, vệ sinh an toàn thực phẩm trong phòng thí nghiệm, quy trình kiểm dịch động thực vật (đặc biệt trong lĩnh vực đánh giá rủi ro và phòng chống dịch bệnh trên động thực vật).

Thực hiện Kế hoạch hành động hướng tới cán cân thương mại hài hòa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, theo đánh giá tới thời điểm này, Bộ NN-PTNT đang rất tích cực thực hiện các cam kết, đảm bảo đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Tìm giải pháp rút ngắn cán cân thương mại giữa hai nước

Theo Bộ NN-PTNT, xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ tăng trưởng tốt, tăng 14% - từ 7,55 tỷ USD năm 2018 lên 8,64 tỷ USD năm 2019, trong khi nhập khẩu NLTS từ Hoa Kỳ giảm 8% - từ 2,1 tỷ USD năm 2018 xuống 1,9 tỷ USD năm 2019. Xuất siêu NLTS năm 2019 đạt 6,7 tỷ USD, chiếm 14,3% trong thặng dư toàn quốc.

Về nhập khẩu, nhiều sản phẩm Việt Nam có nhu cầu lớn nhưng hiện đang nhập với lượng rất nhỏ từ Hoa Kỳ (và cũng là sản phẩm Hoa Kỳ có tiềm năng xuất khẩu), cụ thể:

Sữa và sản phẩm sữa: Nhập khẩu 133 triệu USD từ Hoa Kỳ trên 1,05 tỷ USD nhập khẩu từ thế giới (12,7%).

Rau quả: 303 triệu USD/1,78 tỷ USD (17,1%).

Lúa mỳ: 59,9 triệu USD/727 triệu USD (8,2%).

Ngô: 0 USD/2,33 tỷ USD (0%).

Dầu mỡ động thực vật: 6,9 triệu USD/734 triệu USD (1%).

Thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu: 628 triệu USD/3,7 tỷ USD 916,9%).

Phân bón các loại: 7,3 triệu USD/1 tỷ USD (0,7%).

Thuốc trừ sâu và nguyên liệu: 12 triệu USD/865 triệu USD (1,4%).

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.