| Hotline: 0983.970.780

Nông sản rớt giá thê thảm: Sau khoai tây đến lượt... khoai mì

Thứ Sáu 17/02/2012 , 08:50 (GMT+7)

Miền Bắc đang đối mặt vụ khoai tây đông buồn thảm, giá khoai tây rớt chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg mà bán không được, có nơi nông dân chẳng buồn thu hoạch. Cùng lúc này, tại phía Nam, vụ khoai mì (sắn) đang thu hoạch cũng thê thảm chẳng kém.

Người dân than vãn về căn bệnh chổi rồng càn quét ruộng mì kém năng suất

Như NNVN đã thông tin, miền Bắc đang đối mặt vụ khoai tây đông buồn thảm, giá khoai tây rớt chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg mà bán không được, có nơi nông dân chẳng buồn thu hoạch. Thì một diễn biến khác, vụ khoai mì (sắn) đang thu hoạch tại phía Nam cũng thê thảm chẳng kém.

 

Thời điểm này mặc dù đã thu hoạch được 80% diện tích nhưng người trồng mì của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) không vui vì phần lớn diện tích mì bị bệnh chổi rồng hoành hành, cộng thêm những trận mưa trái vụ đúng vào mùa thu hoạch khiến nông dân các huyện mất mùa, giá lại sụt thê thảm.

MÙA MÌ BUỒN

Về các địa bàn huyện Tân Thành, Long Điền, Châu Đức (tỉnh BR-VT) thời điểm này, chúng tôi chứng kiến trên cánh đồng nhiều hộ dân đang tập trung thu hoạch nốt diện tích mì còn lại. Xác cây vừa thu hoạch được bó gọn, bên cạnh là những đống củ mì còm cõi vứt rải rác khắp trên mặt ruộng.

Cầm trên tay gốc mì vừa nhổ, nông dân Nguyễn Văn Bảo, ấp Trảng Cát, huyện Tân Thành than vãn: “Mùa mì năm nay chán quá, nhổ hết cả ruộng mà cũng chỉ thu được ngần này củ. Mấy bữa trước tôi đi chào hàng cho các lò mì nhưng bị họ chê bủng chê beo vì hàm lượng tinh bột kém nên bị ép giá quá”. Theo anh Bảo, năm nay là vụ đầu tiên gia đình anh chặt toàn bộ diện tích điều đi để trồng khoai mì nhưng lại dính phải bệnh chổi rồng càn quét thất thu nặng. Cả ruộng mì 2 ha chỉ thu khoảng 20 tấn củ, với giá lò mì thu mua chỉ 2.000 đ/kg mì tươi, anh Bảo lỗ nặng.

Hộ bà Trần Thị Vân, ở xã Tam Phước (huyện Long Điền) cũng cho biết, vụ rồi bà trồng hơn 1ha khoai mì, ngay từ đầu vụ bà kêu thương lái vào bán “mão” (bán non) nhưng họ trả giá chưa đến 30 triệu đồng; trong khi đó năm ngoái cũng diện tích mì này bà bán đến 40 triệu đồng. Tuy nhiên, theo bà Vân bán được giá đó cũng là tốt lắm rồi, vì gần đến mùa thu hoạch các thương lái mua “mão” giá cao nhất cũng chỉ 20 triệu đồng/ha. Với giá này, so với năm ngoái thì người trồng mì ở xã Tam Phước bị thất thu từ 15 đến 20 triệu đồng/ha.

Theo các hộ dân, nguyên nhân khoai mì xuống giá mạnh là do cây mì bị nhiễm bệnh chổi rồng rất nặng, làm cho chất lượng củ mì kém khiến thương lái và các lò mì chê.

Ghi nhận thực tế của NNVN, vụ này có đến gần 70% diện tích khoai mì ở xã Tam Phước bị nhiễm bệnh chổi rồng. Hiện tượng bệnh chổi rồng xuất hiện, cây mì bị xoăn ngọn, sau đó lá bị khô rụng, trên thân cây mọc rất nhiều mầm. Khi cây mì dính phải bệnh này khiến năng suất sẽ giảm 1/3 và củ tích nhiều nước (hàm lượng tinh bột giảm mạnh). Trong tình thế giá bán mão xuống quá thấp, nhiều người trồng mì chọn giải pháp xắt lát phơi khô mong kiếm thêm được đồng nào hay đồng đó. Tuy nhiên, khi đem xắt lát phơi khô mì nhẹ ký, rất thiệt. Hơn nữa, đang vào thời điểm thu hoạch lại xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa làm cho mì phơi bị đen và nấm mốc.

Gặp chúng tôi, ông Bùi Văn Xuân, một người dân trồng mì ở xã Tam Phước than thở: “Trước tết tôi đã thu hoạch được hơn phân nửa diện tích mì (khoảng 5 sào), đem xắt lát phơi khô để bán cho được giá nhưng bị mắc mưa khiến toàn bộ mì bị mốc đen nên đến giờ vẫn chưa tiêu thụ được”. Theo ông Xuân, ở trong xã còn có nhiều hộ khác cũng thu hoạch mì và bị dính mưa với số lượng lớn hơn rất nhiều nên chẳng bán được ký nào.

CHƯA CÓ THUỐC ĐẶC TRỊ

Thực tế năm nay bệnh chổi rồng không chỉ xuất hiện ở địa bàn huyện Tân Thành mà trên nhiều khu vực trồng mì ở huyện Long Điền, Xuyên Mộc và Châu Đức, cũng dính phổ biến loại bệnh này. Ông Phạm Chí Linh, Phó phòng NN-PTNT huyện Tân Thành cho biết: “Tổng diện tích mì trên địa bàn huyện Tân Thành khoảng 1.366 ha (tăng 17,4% so với kế hoạch) và được trồng nhiều ở các xã Hắc Dịch, Tóc Tiên, Châu Pha. Các hộ dân trồng phổ biến những giống mì cao sản như: KM 60; KM 98; KM 140; KM 94 và Kut trắng… Riêng với giống KM 94 bị nhiễm bệnh nhiều nhất nên hộ nào trồng phải giống mì này coi như thất thu nặng”.

Theo ông Linh, đến thời điểm này nông dân đã thu hoạch được khoảng 80% diện tích mì; năm nay diện tích mì tăng là do năm trước giá mì cao nên người dân đã chủ động tăng diện tích.

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Hữu Thứ, Trưởng trạm BVTV huyện Tân Thành cho biết: Hôm qua, đoàn công tác của tỉnh, huyện và cấp xã đã xuống một số địa phương đang thu hoạch mì để ghi nhận thực tế mức độ thiệt hại do bệnh chổi rồng gây ra. Khoảng một tuần nữa toàn bộ diện tích mì còn lại sẽ thu hoạch dứt điểm. Những năm trước trên các vùng trồng mì cũng đã xuất hiện bệnh chổi rồng gây hại nhưng không phổ biến như năm nay. Hơn nữa, do nguồn giống không tốt, người dân tự gom cây mì để giống cho vụ sau hoặc mua giống trôi nổi khiến bệnh chổi rồng càng phổ biến không kiểm soát nổi.

Tuy nhiên, khó khăn nhất là trong các danh mục thuốc BVTV cho phép sử dụng trên nhiều loại cây trồng, nhưng riêng với cây mì thì rất hạn chế. Hơn nữa, cho đến nay cũng chưa có thuốc đặc trị bệnh chổi rồng.

Theo tìm hiểu của PV, sở dĩ vùng trồng mì trên địa bàn BR-VT bị nhiễm bệnh chổi rồng nặng là do bị lây lan từ Đồng Nai xuống. Có nhiều dạng bệnh chổi rồng do nấm bệnh hay do vi khuẩn, siêu vi khuẩn Phytoplasma (dịch khuẩn bào) gây ra. Nếu bệnh xuất hiện sớm, cây mì không có củ, nếu xuất hiện trễ năng suất giảm 10-30%, tinh bột giảm 20-30%.

Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà khoa học, bệnh chổi rồng lan truyền rộng là do côn trùng và sử dụng hom giống mang mầm bệnh. Do vậy, theo khuyến cáo của địa phương trồng mì, người nông dân cần phải thực hiện vệ sinh đồng ruộng tốt, tiêu hủy ngay những hom (cây mì) đã bị bệnh từ vụ trước và những cây mì mới trồng mang triệu chứng của bệnh, phải sử dụng giống mì sạch từ những vùng chưa bị bệnh để làm giống.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Hàng trăm ha lúa có nguy cơ thiệt hại hoàn toàn do hạn mặn

SÓC TRĂNG Xâm nhập mặn thời gian qua khiến hàng trăm ha lúa hè thu 2024 đã xuống giống ở xã Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm) không có nước tưới, nguy cơ thiệt hại hoàn toàn.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.