Mục tiêu không phải là số lượng xã đạt chuẩn
Ngày 23/8, Bộ trưởng Lê Minh Hoan có buổi làm việc với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương để chia sẻ những trọng tâm ưu tiên cần tập trung trong Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, Saemaul Undong (phong trào làng mới) được khởi xướng từ những năm 1970 tại Hàn Quốc đã trở thành một trường hợp điển hình cho Chương trình phát triển cộng đồng và phát triển nông thôn trên thế giới, được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa của nhân loại. Nó không đơn thuần là một di sản mà chứa đựng trong đó biết bao câu chuyện, trầm tích văn hóa.
Ở đó, những cộng đồng cùng nhau kiến tạo những ngôi làng thực sự là nơi đáng sống, đáng đến, đáng để trở về. Mục tiêu của phong trào ấy không phải là có bao nhiêu xã nông thôn mới, bao nhiêu xã nông thôn mới nâng cao mà đích đến cuối cùng là diện mạo nông thôn khởi sắc và sự hạnh phúc của người dân.
Trong quá trình xây dựng làng mới, người Hàn Quốc đã nhận ra rằng, để phong trào thành công thì ở mỗi cộng đồng cần có một thủ lĩnh biết khơi dậy tinh thần chăm chỉ, tự lực và hợp tác, biết sẻ chia, phục vụ và sáng tạo của người dân.
Còn ở Việt Nam, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, dường như chúng ta còn xem nhẹ việc đào tạo đội ngũ lãnh đạo các ấp, thôn, bản đến xã. Thành ra, rất ít người hiểu được giá trị thực sự của phong trào này.
Nhiều người hiểu máy móc hai chữ “xây dựng” nông thôn mới là huy động cát, sỏi, xi măng, sắt thép để làm cầu cống, đường sá, nhà văn hóa… Các cơ quan thẩm định cũng thường lấy các tiêu chí “cứng” ấy để chấm điểm.
Tuy nhiên, bản chất của nông thôn mới không phải là con đường mới, mà là là sự giao lưu, giao thương, sẻ chia giữa nhà nọ với nhà kia. Bản chất của nông thôn mới cũng không phải là cái nhà văn hóa mới, mà là cách chúng ta sinh hoạt cộng đồng như thế nào.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cảm thấy buồn khi ở nhiều địa phương, nhà văn hóa xây dựng lên để thực hiện chức năng của một cái hội trường, thi thoảng phục vụ cán bộ xã, thôn hội họp.
Thậm chí, có nơi người dân không có nhu cầu họp chợ trong xã nhưng chính quyền vẫn phân bổ kinh phí để xây. Bởi, nếu không có chợ thì không đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả là chợ xây xong nhưng không có người đến bán - mua.
Dân hạnh phúc, an vui làm thước đo
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, chúng ta hãy xây dựng nông thôn mới từ những cộng đồng nhỏ, như mô hình du lịch cộng đồng ở thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, Yên Bái với quy mô chưa đến 100 hộ dân. Ở đó, họ cùng nhau hợp tác để khai thác tài nguyên bản địa là những cây chè shan tuyết cổ thụ và chế biến thành những loại trà hảo hạng, giá trị cao. Họ cùng nhau sửa sang nhà cửa, kiến tạo không gian du lịch mang đặc trưng của người Mông với những mái nhà lợp bằng gỗ pơ mu, gắn với bản sắc văn hóa của người Mông vùng cao sơn. Mỗi người dân ở Pang Cáng đều tự hào khi nhắc tới sản phẩm trà Suối Giàng của mình, ngôi làng của mình.
“Tôi cảm nhận được rằng, Yên Bái đang xây dựng nông thôn mới đúng hướng”, tư lệnh ngành NN-PTNT chia sẻ.
Ông cũng nhấn mạnh, chúng ta không thể sao chép kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của Hàn Quốc. Bởi, từ khi “Xứ sở kim chi” khởi xướng phong trào Saemaul Undong thì trình độ và mức sống của người dân nông thôn khá tương đồng nhau. Còn Việt Nam ngày nay đã có sự phân tầng, phân hóa xã hội nông thôn.
Muốn vậy, chúng ta phải kiên trì xây dựng nông thôn mới từ quy mô nhỏ để tạo ra các ngôi làng điển hình và dần dần lan tỏa ra quy mô lớn hơn. Ví dụ, ở Đồng Tháp có Hội quán nông dân, ở Hà Tĩnh có Ngôi nhà trí tuệ, không gian sinh hoạt cộng đồng ấy được trang bị tủ sách, máy vi tính/thiết bị thông minh có kết nối internet, có trưng bày các sản phẩm do cộng đồng tạo ra, có chuyên gia đến hướng dẫn bà con làm bao bì, mã vạch… để phát huy nội lực của cộng đồng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, ngoài nguồn lực tài chính, có 5 yếu tố khác cần được kích hoạt trong xây dựng nông thôn mới, đó là con người, tài nguyên thiên nhiên, vật chất, xã hội và văn hóa.
Mỗi địa sẽ có cách xây dựng nông thôn mới khác nhau dựa vào lợi thế riêng có. Chúng ta đừng bắt đồng bào người Mông, người Thái xây nhà văn hóa/sinh hoạt cộng đồng bằng tường gạch, bê tông cốt thép; hãy để họ được sinh hoạt cùng nhau ở nhà sàn.
Ông cho rằng, đặc trưng của phong trào xây dựng nông thôn mới không đơn thuần là kế hoạch hành động mà quan trọng là cuộc vận động cải cách ý thức, từ đó người dân, chính quyền địa phương hiểu rằng “đã làm là làm được” và tất cả chúng ta đều làm được. Bởi vậy, hãy mơ và nghĩ thật lớn, chúng ta sẽ làm từ từ. Bởi đó là hình trình 10 năm, 20 năm và lâu hơn nữa.
“Nông thôn mới là của ai? Nông thôn mới là của người dân chứ không phải của cán bộ quản lý, lãnh đạo. Chỉ khi nào chúng ta đánh giá một xã/huyện nông thôn mới bằng cảm xúc đón nhận của người dân, cuộc sống an vui, hạnh phúc của người dân thì khi ấy kết quả xây dựng nông thôn mới mới thực sự ý nghĩa”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
"Sao" OCOP tăng nhanh nhưng chưa chiếm lĩnh thị trường
Ông Đào Đức Huấn - Trưởng phòng Quản lý Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP (Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Trung ương) cho biết: Trong thời gian qua, số lượng sản phẩm OCOP được chứng nhận tăng nhanh. Song song với đó, có nhiều ý kiến băn khoăn làm thế nào để Chương trình OCOP thực sự hiệu quả, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Từ năm 2020, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã có văn bản đề nghị các địa phương cần hỗ trợ phát triển các sản phẩm có lợi thế và quan tâm đến vấn đề đóng góp của sản phẩm với cộng đồng. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực và vun đắp niềm tự hào của mỗi chủ thể đối với sản phẩm của mình. Bởi thời gian qua, không nhiều chủ thể OCOP có kỹ năng đứng trước diễn đàn để giới thiệu về những điểm nhấn trong sản phẩm của mình. Đây là lý do vì sao sản phẩm OCOP chưa chiếm lĩnh được thị trường.
Bên cạnh đó, việc phân hạng sản phẩm OCOP theo nhóm “3 sao”, “4 sao”, “5 sao” sẽ là cơ sở để các địa phương đưa ra các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm. Ví dụ, đối với sản phẩm OCOP "3 sao" thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ công nghệ, máy móc sản xuất và bao bì, nhãn mác. Sản phẩm OCOP "4 sao" được hỗ trợ xây dựng câu chuyện để quảng bá, xúc tiến giới thiệu sản phẩm hướng tới xuất khẩu…
Ở Thái Lan, hiện có gần 200.000 sản phẩm OCOP đạt "3 sao" trở lên, tuy nhiên, chỉ 5% trong số đó là sản phẩm "4 sao" trở lên và được hưởng các chính sách xúc tiến thương mại phát triển thị trường.
Từ năm 2021, Phòng Quản lý Chương trình OCOP đã xây dựng hệ thống đánh giá sản phẩm OCOP của người tiêu dùng. Đây là cơ sở để cơ quan nhà nước đánh giá, phân loại khi sản phẩm OCOP hết hạn, qua đó chủ thể của sản phẩm sẽ thấy được ưu, nhược điểm trong sản phẩm để tiếp tục hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, Chương trình OCOP cũng sẽ được lồng ghép với chuyên đề Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Từ đó, tạo ra thị trường tiêu thụ cho sản phẩm OCOP ngay tại địa bàn nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, khai thác tối đa lợi thế trên 4 khía cạnh: vùng nguyên liệu đặc sản địa phương, làng nghề, giá trị văn hóa, tri thức bản địa của người dân. Có như vậy, Chương trình OCOP mới thực sự đóng góp thiết thực vào phát triển cộng đồng.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, muốn xây dựng nông thôn mới bền vững thì trong giai đoạn tới cần triển khai thực chất, hiệu quả 6 chuyên đề (gồm: Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh; Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới).