| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn mới khởi sắc trong khó khăn

Thứ Năm 11/11/2021 , 10:23 (GMT+7)

Dù ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, song quá quá trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) của tỉnh Bình Thuận với sự nỗ lực, thích ứng đã đạt được những kết quả nhất định.

Xây dựng nông thôn mới thích ứng dịch bệnh

Năm nay, dịch Covid 19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị số 16 đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân nhất là vùng nông thôn. Dù vậy, các nội dung xây dựng NTM được ban, ngành, địa phương chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM linh hoạt cho phù hợp với tình hình thực tế.

Nông thôn mới ở Bình Thuận ngày càng khởi sắc. Ảnh: Kim Sơ.

Nông thôn mới ở Bình Thuận ngày càng khởi sắc. Ảnh: Kim Sơ.

Từ đầu năm đến nay Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung chương trình xây dựng NTM. Cụ thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong 9 tháng đã phối hợp tổ chức 278 đợt tuyên truyền cho trên 24.820 lượt cán bộ, người dân tham dự.

Cũng thông qua tuyên truyền, tình hình, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân được nắm bắt kịp thời. Những người dân gặp khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 đã được mặt trận cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ, huy động người dân và nhiều nguồn lực xã hội cùng chung tay góp sức.

Từ đó đã có trên 318.900 phần quà, 867 suất học bổng 116 chiến trao cho học sinh nghèo, 55 căn nhà người nghèo được xây mới và sửa chữa…góp phần thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, nhất là các địa phương xây dựng NTM.

Người dân phấn khởi khi các đường được bê tông hóa tránh được lầy lội khi mùa mưa. Ảnh: Kim Sơ.

Người dân phấn khởi khi các đường được bê tông hóa tránh được lầy lội khi mùa mưa. Ảnh: Kim Sơ.

Hội Phụ nữ các cấp cũng xác định xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác hội bằng nhiều việc làm thiết thực: Lắp đặt camera an ninh, 42 bóng điện năng lượng mặt trời ánh sáng an ninh với chiều dài 7.346m, 16 ống bi chứa vỏ chai và bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, trồng 121 cây xanh, bê tông hóa 1 tuyến đường dân cư…

Từ những nỗ lực trong công tác tuyên truyền vận động của của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp mà 65/93 xã và huyện Phú Quý đạt chuẩn NTM vẫn tiếp tục giữ vững thành quả, nâng chất xây dựng NTM. Sức sống NTM không ngẫu nhiên đơm hoa kết trái, trong gian khó thành quả thu về càng ý nghĩa hơn, năm nay tỉnh Bình Thuận có thêm huyện Đức Linh được Thủ tướng Chính Phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM, thành phố Phan Thiết đang hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương.

Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với NTM

Theo Ban Chỉ đạo NTM tỉnh, năm 2021 có 4 huyện đăng ký phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn NTM gồm Bắc Bình (xã Bình An), Tánh Linh (xã Gia An), Hàm Thuận Nam (xã Hàm Thạnh), Hàm Thuận Bắc (xã Thuận Hòa). Các địa phương vận dụng linh hoạt các hình thức để thực hiện xây dựng NTM trong điều kiện dịch bệnh, hiện nay các huyện đang hoàn thiện hồ sơ đánh giá các tiêu chí.

Nông dân Bình Thuận chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây ăn trái. Ảnh: Kim Sơ.

Nông dân Bình Thuận chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây ăn trái. Ảnh: Kim Sơ.

Bình An là xã duy nhất của huyện Bắc Bình đăng ký đạt chuẩn NTM trong năm 2021. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, địa phương chủ động, linh hoạt vừa xây dựng NTM vừa phòng chống dịch với phương châm làm theo hộ gia đình, thực hiện theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Toàn thể người dân cùng hệ thống chính trị của xã những tháng đầu năm nay đã ra quân dặm vá 550 m đường và tiến hành nạo vét trên 4.300 m kênh mương cấp 3, cấp 4 khơi thông dòng chảy phục vụ sản xuất từ nguồn huy động sức dân.

Ông Phạm Văn Long, thôn An Lạc, xã Bình An cho biết: “Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, mọi người khi tham gia các công việc xây dựng NTM từ phát dọn kênh mương, vệ sinh thôn xóm đều thực hiện theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, đó là ruộng nhà nào nhà nấy làm, không tập trung đông, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, làm đến đâu gọn đến đó”.

Thống kê của UBND xã Bình An, chỉ tính riêng trong 5 năm gần đây toàn xã đã có trên 2,5km đường giao thông đường bê tông hóa, dặm vá tu sửa.

Xã Bình An khoát cho mình tấm áo mới nhờ xây dựng NTM. Ảnh: Kim Sơ.

Xã Bình An khoát cho mình tấm áo mới nhờ xây dựng NTM. Ảnh: Kim Sơ.

Ông Nguyễn Trung Hoài, Chủ tịch UBND xã Bình An cho biết: Phong trào xây dựng NTM ở xã tuy không triển khai rầm rộ, nhưng chất lượng và hiệu quả thực hiện các tiêu chí vẫn đảm bảo kế hoạch đề ra. Nhờ khai thác hiệu quả nguồn nước từ hồ Cà Giây, xã Bình An đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh, tăng 3 vụ sản xuất trong năm với các cây trồng chủ lực lúa, bắp… Cơ cấu giống thay đổi, đưa các giống lúa xác nhận cho năng suất cao, mô hình giống lúa mới: ST 24, OM 84, OM406 giúp nông dân cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống. Đối với một số diện tích đất hoa màu, đất lúa 1 vụ bấp bênh sang trồng các loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao…

Việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Thời gian qua, các địa phương trong toàn tỉnh tiếp tục cụ thể hóa thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM theo Quyết định số 939 ngày 11/4/2018 của UBND tỉnh. Trong đó, quan tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào các khâu sản xuất và tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hướng liên kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ gia đình với doanh nghiệp tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, phát triển bền vững.

Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, toàn tỉnh đã chuyển đổi trên 8.184 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây ngắn phát huy hiệu quả sử dụng đất và tiết kiệm nước tưới. Chương trình xã hội hoá giống lúa tập trung thực hiện vụ Đông Xuân và Hè Thu với 2.590 ha tại huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc. Đối với cây thanh long, toàn tỉnh toàn tỉnh có khoảng 33.750 ha thanh long, với sản lượng đạt khoảng 700.000 tấn/năm. Để đảm bảo sản xuất và xuất khẩu thanh long Bình Thuận được bền vững, tỉnh xác định trước hết sản xuất phải đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng truy xuất nguồn gốc và phải tổ chức sản xuất GAP, sản xuất theo hữu cơ. Vì vậy, đến nay toàn tỉnh có hơn 16.000 ha thanh long được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và hơn 500 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ có trên 20.000 ha diện tích thanh long toàn tỉnh đạt chứng nhận GAP.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.