| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn mới và những vấn đề đặt ra ở huyện nghèo

Thứ Hai 10/06/2024 , 11:19 (GMT+7)

Trong một xã có nhiều bản, trong một huyện có nhiều bản đạt chuẩn để người dân thấy được giá trị thực chất thì vẫn thú vị hơn cái Bằng chứng nhận xã đạt chuẩn.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Nguyễn Như Khôi trò chuyện thân mật với cụ Mạc Thanh Long gương sáng làm kinh tế giỏi bản Kho Kiền xã Lưu Kiền, Tương Dương. Ảnh: Văn Hùng

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Nguyễn Như Khôi trò chuyện thân mật với cụ Mạc Thanh Long gương sáng làm kinh tế giỏi bản Kho Kiền xã Lưu Kiền, Tương Dương. Ảnh: Văn Hùng

Nhắc đến Tương Dương, Nghệ An là biết đến huyện 30a muôn vàn khó khăn. Nơi đây, khắc nghiệt bởi thời tiết. Mùa hè nắng nhất khu vực, thời gian nắng nóng nhiều nhất; mùa mưa gặp những trận cuồng phong của lũ ống lũ quét. Thời tiết thế nên đất đai, ruộng vườn cũng không mấy thuận lợi cho phát triển. Con người bền gan chịu đựng, kiên cường chống chọi nhưng sức người có hạn vì nhẽ đó mà đời sống của đồng bào còn khó khăn bội phần.

Dẹp bỏ tư tưởng ỷ lại mà đồng sức đồng lòng

Mọi so sánh đều khập khiễng nhưng giá như các chính sách không nhỏ giọt, không cào bằng bình quân chủ nghĩa và ít bị thâm hụt và đầu tư thật đích đáng, bài bản, trọng tâm, trọng điểm thì có lẽ những vùng khó khăn có thể ngày nay đã khác nhiều. Tôi suy nghĩ như vậy mỗi khi đặt chân đến những vùng khó khăn như miền tây xứ Nghệ, miền tây xứ Thanh.

Bên cạnh những khó khăn nội tại, thuận lợi không phải là chưa có, cái quan trọng nhất bây giờ với Tương Dương là sự đoàn kết, thống nhất trong nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã. Ở đó người đứng đầu cần thể hiện tính tiền phong nêu cao trách nhiệm để thổi hồn tạo động lực cho toàn huyện. Tiếp đến là lựa chọn mục tiêu đầu tư để có kế hoạch cụ thể, tránh giàn trải, nhỏ giọt, cần trọng tâm để có điểm nhấn nhân rộng.

Bài liên quan

Đơn cử như làm nông thôn mới. Tôi rất tán đồng với ý kiến của ông Nguyễn Như Khôi, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An trong chuyến giám sát chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại huyện Tương Dương mới đây.

Ông Khôi cho rằng, miền tây Nghệ An huyện nào cũng có những khó khăn vì điều kiện tự nhiên, khí hậu mà điển hình là Tương Dương huyện 30a.

“Nói là khó khăn nhưng Tương Dương còn có 4 xã đạt chuẩn NTM và toàn huyện đã có 21 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên. Trong khi cũng có những địa phương khác không phải Nghệ An sau cả chục năm đầu tư đến nay có huyện vẫn còn trắng xã NTM. Nói như vậy không phải để tự hào cho Tương Dương mà nó đặt ra cho chúng ta cách làm, bước đi phải phù hợp với thực tế”, nói rồi, ông gợi ý, Tương Dương không nên chạy đua thành tích về số lượng bao nhiêu xã về đích. Cái đó khó không có nghĩa bỏ qua mà cái quan trọng bây giờ là Tương Dương nên chọn dễ làm trước. Đó là xây dựng bản làng đạt chuẩn NTM. Trong một xã có nhiều bản đạt chuẩn, trong một huyện có nhiều bản đạt chuẩn NTM để người dân thấy được giá trị thực chất thì vẫn thú vị hơn là cái Bằng ghi xã đạt chuẩn.

Với gợi ý này, ông Khôi đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành của huyện Tương Dương xem lại cách thức tổ chức trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành chương trình xây dựng NTM thời gian qua để rút ra bài học kinh nghiệm. Ông nhắc đến trong báo cáo của huyện có đề cập đến một số yếu kém của một số tổ chức, cá nhân trong làm NTM chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, còn tư tưởng ỷ lại trông chờ, thiếu cách làm sát với thực tế. Từ đó, ông đề nghị Tương Dương mạnh dạn thành lập các Tổ chuyên trách do BTV Huyện ủy trực tiếp quản lý. Mỗi tổ có thể 3-5 người và giao phụ trách địa bàn 1-2 xã qua đó thành viên trong Tổ phân công nhau bám sát địa bàn để đôn đốc, hướng dẫn cho cơ sở, bà con cách thức tổ chức sản xuất, đồng hành làm NTM.

'Tôi có hỏi cụ Long là trong làng ai muốn nhờ cụ chỉ bảo cho cách làm ăn, cụ có sẵn sàng không? Cụ bảo đã và đang làm như thế nên không nề hà gì cả', ông Khôi ngoài cùng bên trái cùng trò chuyện với cụ Mạc Thanh Long (người đeo kính). Ảnh: Văn Hùng

"Tôi có hỏi cụ Long là trong làng ai muốn nhờ cụ chỉ bảo cho cách làm ăn, cụ có sẵn sàng không? Cụ bảo đã và đang làm như thế nên không nề hà gì cả", ông Khôi ngoài cùng bên trái cùng trò chuyện với cụ Mạc Thanh Long (người đeo kính). Ảnh: Văn Hùng

“Tôi tin khi có cán bộ từ huyện đến với bà con, cùng bà con xuống đồng; cùng bà con dọn dẹp vệ sinh thôn bản; cùng bà con tham gia các buổi sinh hoạt cộng đồng thì sẽ lắng nghe những điều chia sẻ thật lòng của bà con. Phải ở cùng dân như thế thì người dân và anh em ở dưới thôn bản, dưới xã mới thấy đủ gần gũi, tin tưởng mà chia sẻ. Từ đó chúng ta có được thông tin thật mà báo cáo sát với cấp trên. Các giải pháp, các chính sách khi ra đời sẽ vận hành được trong cuộc sống. Còn nếu không bám sát cơ sở thì e khó”, ông Khôi nói.

Có một cánh tay giơ lên. Ông Vang Kiên Cường, Chủ tịch UBND xã Lưu Kiền đứng dậy phát biểu. Ông Cường cho hay, Lưu Kiền hiện có 957 hộ dân, trong đó số hộ nghèo chiếm 28% (268 hộ) và hộ cận nghèo là 117 hộ. Địa hình đồi núi dốc, đất bằng, ruộng nước rất ít; diện tích canh tác chủ yếu là nương rẫy. Tất cả phụ thuộc vào tự nhiên nên hiệu quả năng suất thấp. Đã thế mỗi trận mưa lũ là toàn bộ tài sản ruộng vườn lũ cuốn phăng hết.

“Cho nên, một số cán bộ, đảng viên, người dân còn tư tưởng không muốn về đích NTM, sợ mất các chế độ hỗ trợ của nhà nước khi đang diện 30a”, ông Cường bày tỏ. Cũng theo ông Cường, năm 2021 thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy, Lưu Kiền đẩy mạnh làm NTM. Lúc đó toàn xã mới đạt 8 tiêu chí. Năm 2023 thêm được 3 tiêu chí nữa. Hiện còn 8 tiêu chí mà toàn tiêu chí khó khăn như thu nhập, tổ chức sản xuất, trường học, vệ sinh môi trường, an ninh nông thôn, quy hoạch…

“Chúng tôi lựa chọn những điểm sát sườn để lo cho dân trước như nhà ở, công trình vệ sinh, đường đi lại.Vừa rồi đã sử dụng 2.000 tấn xi măng để xây dựng hố gom rác, nhà vệ sinh và 10.000 mét đường. Đặc biệt là xóa được 100 nhà dột nát, trong đó năm 2023 làm được 86 căn nhà cho đồng bào.

Ngồi bên cạnh, ông Nguyễn Hữu Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương chia sẻ khó khăn trong thu hút nhà đầu tư. Ông Hiến nói, có rất nhiều nhà đầu tư đến đây tìm hiểu. Anh em huyện và các xã dẫn đi tìm hiểu thực tế, nhất là các địa điểm có sinh thái đẹp với những con suối và bãi đá tự nhiên thơ mộng, xung quanh là những cây cổ thụ, dưới dòng suối là những đàn cá mát bơi lội tung tăng, hai bên bờ là những điểm có thể quy hoạch tạo nên những điểm tham quan hấp dẫn cho du khách. Song doanh nghiệp đến rồi họ về mất hút.

Ông Nguyễn Hữu Hiến (thứ 2 từ phải sang) Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương tham quan mô hình trồng cà chua múi tại bản Phòng, thị trấn Thạch Giám (Tương Dương). Ảnh: Báo Nghệ An

Ông Nguyễn Hữu Hiến (thứ 2 từ phải sang) Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương tham quan mô hình trồng cà chua múi tại bản Phòng, thị trấn Thạch Giám (Tương Dương). Ảnh: Báo Nghệ An

“Vừa rồi chỗ khu nghỉ mát Văng Phột, bản Xoóng Con xã Lưu Kiền, các hộ dân được xã hướng dẫn đã hợp sức lại thành tổ hợp tác tạo được điểm du lịch cộng đồng ở đây. Chi phí đầu tư chưa được nhiều, cơ bản còn hoang sơ. Khách tham quan đến chủ yếu chụp ảnh, ở lại còn ít”, ông Hiến chưa dứt lời thì có ai đó nói chen vào “Nhà đầu tư ở dưới xuôi lên vượt mấy trăm cây số đầu tư gì đây để sinh lời. Nên chăng thu hút con em của chính đồng bào địa phương đây hợp sức cùng làm và giải quyết cùng lúc được mấy việc: Việc làm cho chính người dân sở tại; điểm du lịch cho đồng bào sở tại; tạo nguồn thu cho địa phương”. Ông Hiến gật đầu nói có lý và chia sẻ, chắc chỉ có cách chính con em của đồng bào mình đây làm là khả thi thôi.

“Nghe đến con em địa phương, tôi nghĩ nên khơi gợi từ nguồn lực này”, ông Lữ Văn May, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tương Dương đứng dậy phát biểu và nói luôn chính sách đưa con em đi xuất khẩu lao động.

“Hiện nói về nguồn thu khá nhất hiện nay của đồng bào chính là từ nguồn lực ngoại hối. Gia đình nào, ở địa phương nào có nhiều người đi xuất khẩu lao động là gia đình đó, ở địa phương đó có nguồn thu nhập khá nhất. Vì thế, tôi cho rằng, các chính sách cần hướng vào chỗ này để vừa giải quyết bài toán việc làm và nguồn lực cho kích cầu phát triển”, ông May chia sẻ.

Cũng theo ông May, bối cảnh làm nông thôn mới của Tương Dương không chỉ khó khăn về điều kiện lịch sử, địa lý mà còn là “chưa may mắn” như mục tiêu Nghị quyết Đại hội 27 của Đảng bộ đề ra. Ông nói, sau Đại hội là dính cao điểm Covid-19, đến suy thoái nền kinh tế và những tác động khác dẫn đến tăng trưởng kinh tế của huyện không đạt với mục tiêu đề ra. Các chương trình đầu tư vì thế cũng hạn hữu và chậm được phân bổ. Ngay 4 xã đạt chuẩn NTM trước năm 2020 đến nay theo tiêu chí mới cũng trầy trật trong việc giữ danh hiệu chứ đừng nói các xã đang ra sức phấn đấu để về đích.

Ông May cho rằng cấp trên cần linh hoạt trong việc thực hiện các chính sách với những vùng đặc biệt khó khăn, nhất là các huyện 30a. Chẳng hạn, khi xã được công nhận NTM rồi thì các chính sách trước đó của 30a với đồng bào tiếp tục được giữ trong khoảng thời gian thêm 3 năm nữa để người dân và địa phương có thêm nguồn động viên mà tạo lập cho phát triển.

Chứ công nhận đạt chuẩn xong và dừng luôn các chính sách an sinh lâu nay vốn có thì dễ tác động đến tư tưởng ỉ lại, không muốn về đích và khó khăn ngay sau khi được công nhận. Đây là điều rất thực tế, nếu không được chia sẻ một cách thấu hiểu từ cấp trên, từ chính sách chung của nhà nước thì quả thực anh em cán bộ dưới áp lực vô cùng lớn.

Trong khó khăn phải nhìn ra được cách làm hay

Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đinh Hồng Vinh được Tỉnh ủy điều động lên Tương Dương làm Phó Bí thư và được HĐND huyện bầu làm Chủ tịch UBND huyện “trong điều kiện khó khăn tràn trề”, ông Vinh mở đầu chia sẻ.

Ông nói, miền núi đã khó khăn, Tương Dương vất vả gấp bội phần. Tất cả các dự án đầu tư đều đã có danh mục, phân bổ trong trung hạn này và nếu chia bình quân thì mỗi xã vỏn vẹn được 2,1-2,7 tỷ. Thử hỏi với nguồn lực ấy thì đầu tư được ra gì cho trọng tâm trọng điểm với một vùng đồi núi xa xôi. Ngay đất, cát, vật liệu xây dựng trên địa bàn cũng không có, phải mua, vận chuyển từ huyện xa bên cạnh.

Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Đinh Hồng Vinh giới thiệu với đoàn giám sát HĐND tỉnh về không gian sinh thái ở xã Lưu Kiền có thể xây dựng điểm du lịch thu hút khách thập phương. Ảnh: Văn Hùng

Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Đinh Hồng Vinh giới thiệu với đoàn giám sát HĐND tỉnh về không gian sinh thái ở xã Lưu Kiền có thể xây dựng điểm du lịch thu hút khách thập phương. Ảnh: Văn Hùng

“Đau đớn nhất, tôi phải dùng từ như thế để nói lên một điều là địa bàn có đến 5 nhà máy thủy điện. Nhân dân ở đây đã hy sinh nhường đất, chính quyền ở đây đã nỗ lực mọi mặt để giải phóng mặt băng tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư xây dựng. Khi nhà máy đi vào vận hành cũng là lúc họ quay mặt với chính quyền, với nhân dân. Để lại bao hệ lụy, hậu quả cho nhân dân gánh chịu và chính quyền xử lý. Đến nay việc ổn định cho đồng bào cũng chưa trọn vẹn, dân vẫn khiếu kiện. Thuế má thì nhà máy đóng cho ngân sách cấp trên. Địa phương có đề nghị họ hỗ trợ cùng chính quyền lo cho dân phần nào cũng không được một lời phúc đáp”, ông Vinh cảm thấy chua xót trước thực trạng 5 nhà máy thủy điện quay mặt.

Còn chúng tôi thì cảm thấy dường như có sự vô ơn của các chủ đầu tư thủy điện đối với đồng bào đã hy sinh nhường đất, phá nhà để cho doanh nghiệp làm thủy điện.

Sau khi nghe thêm các ý kiến phát biểu của các thành viên đoàn giám sát và đại diện các ngành của huyện Tương Dương, ông Nguyễn Như Khôi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh thay mặt đoàn giám sát của HĐND tỉnh kết luận.

Ông Khôi nói, là một nhà báo chuyển sang làm công tác quản lý nên tôi luôn có cái nhìn của một nhà báo. Vì thế những phát biểu của anh em đã chạm đến trái tim của chúng tôi. Đó là những chia sẻ rất thật, chân thành từ cơ sở. Các ý kiến đều toát lên được tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Rõ ràng là khó khăn chung nhưng quan trọng là trong khó khăn phải nhìn ra được cách làm để vượt qua, không né tránh, không chùn bước.

Trước khi vào hội nghị, chúng ta đã đi thực tế một vài nơi trong huyện và nhận thấy Tương Dương có khó khăn về điều kiện tự nhiên, xa trung tâm nhưng chúng ta có được thế trận lòng dân. Tương Dương miền núi, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân nới đây sống thật thà, chân thành. Đó là vốn quý mà các đồng chí lãnh đạo cần tranh thủ để tiếp tục nhận được sự đồng sức đồng lòng của nhân dân. Cái ý anh May đề cập đến, chúng ta cần quan tâm 2 việc, cháu nào chú trọng học tập lên nữa thì khuyến khích, cháu nào học hết phổ thông thì mình hướng nghiệp luôn cho các cháu.

Thay mặt đoàn giám sát, ông Nguyễn Như Khôi đã có những kiến giải cho Tương Dương cách làm NTM trong thời gian tới. Ảnh: Văn Hùng

Thay mặt đoàn giám sát, ông Nguyễn Như Khôi đã có những kiến giải cho Tương Dương cách làm NTM trong thời gian tới. Ảnh: Văn Hùng

Đi xuất khẩu lao động mang về ngoại hội khá như lời anh May, Phó Bí thư Huyện ủy chia sẻ cũng là cách làm mà chúng ta nên tính đến để khuyến khích. Tôi tin con em đồng bào Tương Dương có sức khỏe tốt, chịu thương chịu khó thì các cháu dù đi xuất khẩu lao động hay làm việc ở các KCN trong tỉnh, trong nước cũng sẽ kiếm được cơm ăn áo mặc, tránh xa các tệ nạn xã hội và còn đóng góp về xây dựng gia đình, quê hương phát triển. Trách nhiệm của chúng ta là hướng nghiệp cho các cháu. Đó cũng là một tiêu chí, một mục tiêu của NTM đấy!

Phải khẳng định Tương Dương khó khăn hơn Quế Phong và Kỳ Sơn nhưng về mặt tổ chức sản xuất thì không có NTM chúng ta vẫn phải làm cơ mà. Vì thế, việc chúng ta cần chú trọng là phải tổ chức tốt khâu sản xuất. Chọn việc dễ để làm, làm ngay từng hộ dân, từng bản. Nhà NTM và Bản NTM từ đó có sức lan tỏa ra cộng đồng. Huyện không nên chạy theo thành tích phải đạt bao nhiêu xã NTM. Cái đó là mục tiêu nhưng không phải là tất cả. Cái đáng bàn và phải làm nhất là đời sống cho nhân dân, muốn vậy cứ đi từ việc nhỏ, việc dễ ngay từ cơ sở làm trước. Muốn vậy thì khâu tổ chức sản xuất là quan trọng mà việc này ai trong chúng ta cũng có thể làm được và cùng làm được với đồng bào.

Tôi được biết ở xã Lưu Kiền có cụ Mạc Thanh Long năm nay 74 tuổi ở Bản Kho Kiền là một tấm gương. Cụ là đảng viên, nguyên cán bộ xã về hưu từ 2013. Cả chục năm nay cụ miệt mài với đồi rừng, trồng cây chuối lấy lá bán cho các nơi mua về gói bánh, gói nem rất hiệu quả. Theo như lời cụ chia sẻ thì mỗi ngày bán được 2 tạ lá chuối, mỗi tạ thu 400.000 đồng. Giải quyết việc làm cho các lao động chính trong gia đình và lao động thời vụ cho con em trong bản. Tôi khá bất ngờ khi nghe cụ bảo, lương hưu không được mấy đồng trong khi thu nhập từ bán lá chuối mỗi tháng được 20 triệu đồng. Không chỉ có trồng lá chuối, đồi núi đẹp nên cụ còn kết hợp chăn nuôi. Mỗi thứ thêm một tý thì tự khắc kinh tế gia đình sẽ khấm khá.

Vùng đất mình điều kiện như vậy, cây chuối và một số cây trồng vật nuôi khác cũng thuận cho phát triển. Huyện cần nhân rộng các mô hình như gia đình cụ Long thì tôi tin bản có vài trăm hộ mà có khoảng 30-50 hộ biết làm ăn tốt (chỉ nói đến biết làm đã là tốt lắm rồi) dần dần làm ăn tốt nữa thì sẽ sinh ra con gà tức nhau tiếng gáy mà thi nhau làm ăn. Tôi có hỏi cụ Long là trong làng ai muốn nhờ cụ chỉ bảo cho cách làm ăn, cụ có sẵn sàng không? Cụ bảo đã và đang làm như thế nên không nề hà gì cả.

Bí thư Huyện ủy Tương Dương Lê Văn Lương tiếp thu các ý kiến của đoàn giám sát HĐND tỉnh về chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn. Ảnh: Văn Hùng.

Bí thư Huyện ủy Tương Dương Lê Văn Lương tiếp thu các ý kiến của đoàn giám sát HĐND tỉnh về chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn. Ảnh: Văn Hùng.

Qua đây, chúng ta cần phát huy gương sáng của già làng, trưởng bản để nhân lên sức mạnh. Tôi tin với sự đồng lòng của toàn dân, sự đoàn kết và sức trẻ của những cán bộ chủ chốt của huyện Tương Dương được Đảng bộ tỉnh và cả huyện nơi đây kỳ vọng, chắc chắn không xa nữa, Tương Dương không những hoàn thành tốt các tiêu chí xây dựng NTM mà sớm thoát khỏi huyện 30a, góp phần cùng Đảng bộ Nghệ An đưa tỉnh nhà phát triển khá như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.

“Tôi được biết Kỳ Sơn đã ký hợp đồng với một cơ sở đào tạo để con em được học nghề về làm việc tại địa phương. Vậy Tương Dương làm được không? Tôi cho rằng, không chỉ cho con em đi xuất khẩu lao động mà các cháu cần được đào tạo để có một nghề, từ đó giúp con em tự tin kiếm việc làm. Việc nữa là Tương Dương hiện có 21 sản phẩm OCOP, huyện có sẵn sàng hỗ trợ giúp người dân mẫu mã bao bì sao cho bắt mắt không? Chất lượng sản phẩm là phải do dân làm, mình hỗ trợ bao bì. Rồi đây, các đoàn về thăm và làm việc tại địa phương, món quà mà các đồng chí trao gửi làm kỷ niệm hãy chính là các sản phẩm do đồng bào mình làm ra. Quảng bá từ đấy, tiêu thụ sản phẩm từ đấy, kích cầu sản xuất cũng từng bước như thế”, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Nguyễn Như Khôi đặt ra hàng loạt câu hỏi với những hướng giải quyết thiết thực cho Tương Dương.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tiềm năng sản phẩm OCOP

Tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát huy tiềm năng của các sản phẩm OCOP.