Chuyến khảo sát và làm việc kín lịch của ông đã để lại những ấn tượng khó quên trong nhiều người dân và cán bộ địa phương. Đến đâu, ông cũng truyền cảm hứng về niềm tin, truyền tải tri thức và khơi dậy khát vọng đổi thay để phát triển.
Người dân chính là chủ rừng
Theo kế hoạch của đoàn công tác sẽ khảo sát thực tế về tiềm năng, lợi thế cùng những tồn tại, vướng mắc trong lĩnh vực lâm nghiệp, từ đó xây dựng những giải pháp mang tính căn cơ, bền vững hơn. Điểm đầu tiên trong chuyến công tác, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng đoàn đã tới thăm mô hình bảo vệ rừng cộng đồng tại thôn 1, xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn. Với diện tích hơn 50ha rừng, trong đó có hơn 40ha rừng tự nhiên, Bộ trưởng rất vui vì bà con thực hiện rất tốt việc bảo vệ rừng, không để xảy ra cháy rừng, không còn tình trạng chặt phá rừng.
Nói chuyện với bà con và chính quyền xã, Bộ trưởng chia sẻ: người dân chính là chủ rừng. Vì vậy người dân thực hiện bảo vệ rừng không chỉ vì kinh phí được giao khoán mà chính là đang thực hiện bảo vệ nguồn tài nguyên cho chính mình, con cháu mình sau này.
Điểm đến tiếp theo trong chuyến đi là Vườn Quốc gia Pù Mát, trái tim của Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây xứ Nghệ, nơi giàu trữ lượng rừng, có hệ sinh thái đa dạng, phong phú, là cơ hội để người dân tạo dựng sinh kế dưới tán rừng rất lớn.
Gặp gỡ lực lượng bảo vệ rừng quốc gia Pù mát và bà con Hợp tác xã Du lịch cộng đồng bản Nưa, xã Yên Khê, Con Cuông, Bộ trưởng lắng nghe những tâm sự về cuộc sống, thu nhập của người dân, của lực lượng bảo vệ rừng. Bộ trưởng hiểu đời sống của bà con nơi đây chưa thể dựa hẳn vào rừng; thu nhập của cán bộ lâm nghiệp - những người chuyên tâm giữ rừng còn thấp, chưa đủ trang trải cuộc sống thường nhật, không ít trường hợp đã bỏ nghề.
Chia sẻ những suy nghĩ trăn trở về cơ hội để người dân có thể tạo dựng sinh kế tốt dưới tán rừng, Bộ trưởng mong muốn “bà con sẽ vui với rừng bằng việc tổ chức sản xuất có hiệu quả dưới tán rừng, tham gia bảo vệ rừng cùng với lực lượng chức năng, chứ không phải là lủi thủi trong rừng”.
Và dường như ngoài chất giọng Miền nam, khó có thể phân biệt đó là cuộc trao đổi của một vị Bộ trưởng với người dân hay là cuộc gặp gỡ của một người con xa quê lâu ngày nay về lại bản làng. Khi tới Trạm quản lý rừng Khe Choăng, quà tặng của Bộ trưởng ngoài chiếc tivi màn hình lớn là những thùng sách về khoa học nông lâm, về chuyển đổi số, kỹ năng công tác quản lý…
Được biết ông là người có thói quen đọc sách hàng ngày và thường tự mình đi chọn mua sách để tặng các đơn vị cơ sở, tặng bạn bè, anh em, với mong muốn truyền cảm hứng về văn hóa đọc tới nhiều người.
Cuối buổi chiều, Bộ trưởng Lê Minh Hoan dành thời gian cho các phóng viên đặt câu hỏi xung quanh các vấn đề về bảo tồn thiên nhiên và phát triển rừng. Lần lượt các câu hỏi đều được ông trả lời khúc chiết, đủ thông tin làm hài lòng người hỏi.
Ấn tượng nhất khi ông nói về những nút thắt của ngành lâm nghiệp, về chế độ chính sách chưa tương xứng với người giữ rừng. Thẳng thắn nhìn nhận thực trạng, đồng thời ông đưa ra cách nhìn lạc quan về lĩnh vực Lâm nghiệp, thay vì chỉ nghĩ đến những tồn tại, vướng mắc.
Bộ trưởng cũng mong muốn các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền về các mô hình hay trong quản lý, bảo vệ rừng cũng như phát triển sinh kế dưới tán rừng, chứ không chỉ tập trung quá nhiều vào những khó khăn, thiếu thốn vì như ông chia sẻ: “Tôi đã tiếp xúc với nhiều lao động nghề rừng, biết họ khó khăn, biết áp lực, nhưng vẫn còn quyến luyến, yêu rừng. Nhà nước sẽ tiếp tục có các chính sách, giải pháp từng bước cải thiện, nâng cao đời sống mọi mặt cho anh em. Truyền thông không nên cộng hưởng thái quá những điều khó khăn, nếu truyền thông tác động không đúng cách sẽ gây nên tổn thương tinh thần rất lớn”. Có lẽ đó là một trong những điều mà nhiều người làm báo hiện nay nên suy ngẫm.
Phát triển du lịch sinh thái dựa vào sinh kế của cộng đồng
Tại cuộc toạ đàm “Bảo tồn thiên nhiên và phát triển sinh kế vùng đệm các khu rừng đặc dụng Việt Nam” sáng hôm sau, đại diện các Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn đã chia sẻ kết quả và kinh nghiệm, một số sáng kiến phát triển du lịch sinh thái và sinh kế vùng đệm các Vườn Quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên.
Tham dự tọa đàm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông cho biết, Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước, với gần 1,2 triệu ha, chiếm 71 % tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh, độ che phủ rừng năm 2022 là 58%.
Theo ông Thông, chúng ta đang có sự xung đột sâu sắc giữa các mục tiêu lớn. Đó là phát triển xã hội với bảo vệ tự nhiên; phải chăm lo đời sống của người dân trên địa bàn với việc đảm bảo ổn định lâu dài trong khu vực; trách nhiệm bảo vệ ngôi nhà chung là thiên nhiên với công bằng xã hội dân cư ở các vùng, miền khác nhau. Để duy trì cân bằng giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển sinh kế là thách thức lớn rất khó khăn phải trải qua. Việc đó vừa tâm huyết, trách nhiệm, vừa lâu dài với những giải pháp căn cơ, đi kèm là những chính sách sát với thực tiễn.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp tại cuộc tọa đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý, muốn bảo tồn thiên nhiên và phát triển vùng đệm các khu rừng đặc dụng của Việt Nam hiệu quả, trước hết phải chú trọng đến phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm từ lâm sản ngoài gỗ gắn với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần chú trọng đầu tư phát triển du lịch sinh thái dựa vào sinh kế của cộng đồng.
Bộ trưởng nhấn mạnh: phải kết hợp được việc bảo vệ rừng, tìm sinh kế với đào tạo kỹ năng nghề cho người dân địa phương sinh sống ở vùng đệm các khu rừng đặc dụng. Bộ trưởng cho biết, lâu nay chúng ta tiếp cận rừng dưới góc độ lâm sinh, lâm nghiệp mà chưa tiếp cận theo giá trị đa dụng của hệ sinh thái.
Theo ông, việc xã hội hóa công tác bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng, huy động các nguồn lực ngoài Nhà nước cho phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học cũng cần được các địa phương quan tâm hơn. Một cuộc tọa đàm kéo dài từ sáng sớm mà hầu như các đại biểu đều tham dự hào hứng tới gần 13h chiều mới kết thúc âu cũng là việc hiếm.
Kết thúc tọa đàm tại Con Cuông, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác lên thẳng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn. Đoàn tới thăm, nói chuyện với cán bộ chiến sĩ biên phòng, Hải quan, Kiểm dịch đang làm việc tại cửa khẩu. Chiều tối, Bộ trưởng còn tranh thủ tới xã Tà Cạ, nơi mà vào ngày 10/10/2022 đã xảy ra trận lũ quét kinh hoàng, gây thiệt hại hơn 90 tỷ đồng.
Lắng nghe lãnh đạo huyện và hỏi kỹ một số dân bản, ông chia sẻ việc nên cân nhắc phương án di dời một số hộ dân theo hướng xen dắm (xen dặm), thay vì lập khu tái định cư tập trung, dễ mất an toàn vì thiên tai và ảnh hưởng tới sự tái hòa nhập của các hộ dân sau này.
Chia nhỏ lộ trình sẽ thấy đường xa ngắn lại
Kết thúc một ngày làm việc và đi lại nhiều, hầu hết các thành viên trong đoàn đều đi ngủ sớm và thức dậy khá muộn. Sáng sớm, từ ban công nhà khách của huyện đã thấy ông đi từ phía chợ Mường Xén về. Bộ trưởng chia sẻ, chợ là một trong những nơi mà mình có thể thấy rõ nhất về đời sống, sản xuất, đời sống tinh thần của người dân và tiểu thương ở địa phương nơi vùng miền đó.
Sau bữa ăn sáng với món xôi nếp của người Thái mà ông rất thích, Bộ trưởng cùng đoàn công tác đi vào xã Tây Sơn, tìm hiểu thực tế việc trồng cây dược liệu dưới tán rừng pơ mu của người Mông. Đường vào bản Huồi Giảng dốc cao vút, mọi người xuống xe đi bộ lên núi. Cánh phóng viên và cả chúng tôi theo được ông đến bở hơi tai. Bộ trưởng hỏi chuyện Bí thư Đảng ủy xã Vừ Rả Tênh về tình hình, đời sống của bà con, việc trồng và tiêu thụ hạt bo bo….
Nhìn xuống phía dưới chân núi là những tảng mây trắng, Bộ trưởng dí dỏm: ông bà ta ví von “nói như trên mây” ám chỉ người viển vông, thiếu thực tế. Và mình đang nói chuyện trên mây với bà con. Nghe Bộ trưởng nói, mọi người bật cười vui vẻ, tiếng cười nói vang xa giữa những làn mây trắng xóa, trong nắng sớm Kỳ Sơn ánh vàng như mật ong rừng xứ Nghệ.
Trở về từ rừng pơ mu, rất đông cán bộ các ban ngành cấp huyện và từ các xã vùng sâu giáp biên giới như Mường Ải, Mường Típ, Nậm Càn…đang háo hức chờ gặp và nghe Bộ trưởng nói chuyện. Sau báo cáo ngắn gọn của lãnh đạo huyện, ông đề nghị được nghe ý kiến của nhiều cán bộ xã. Một điều lạ là ông gọi đúng họ tên của một số cán bộ cơ sở như Chủ tịch UBND xã Tà Cạ Vi Văn Mằn; Trưởng phòng văn hóa huyện Cụt Thị Hương.
Vừa nghe, ông vừa hỏi lại cặn kẽ người báo cáo. Chia sẻ khó khăn của huyện nghèo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở nhiều vấn đề. Ông cho rằng, địa phương nên tập trung xây dựng ngày càng nhiều các bản văn hóa, thay cho dồn lực để xây dựng một xã Nông thôn mới ở địa phương như Kỳ Sơn.
Nghe lãnh đạo báo cáo huyện Kỳ Sơn nhiều khó khăn, do chỉ có 1% là đất bằng phẳng, 99% là rừng núi cao, với tư duy của người quản lý sắc sảo, ông hỏi lại: Sao không thấy 99% rừng núi với nhiều tiểu vùng có khí hậu mát mẻ như thế này là thế mạnh? Để khắc phục khó khăn do khoảng cách địa lý quá xa trung tâm, phát huy tiềm năng cảnh quan rừng núi, khí hậu…, Bộ trưởng gợi mở: “Hãy chia nhỏ lộ trình sẽ thấy đường xa ngắn lại, không còn nỗi ám ảnh đường xa, khuất nẻo nữa”.
Ông đặc biệt quan tâm và gợi mở một số giải pháp để giải quyết vấn đề làm sao giữ gìn, phát huy được bản sắc văn hóa của đồng bào Mông, Thái, Khơ Mú, Đan Lai trong xu thế hoà nhập, phát triển hiện nay.
Khi nghe một cán bộ cơ sở nói nhiều về những khó khăn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói vui: trong ngôn ngữ tiếng Việt, từ “Thương”có nhiều cấp độ tình cảm, làm sao để cho người ta thương mến, thương nhớ, chứ không nên là thương xót!
Sao không thấy 99% rừng núi với khí hậu mát mẻ như thế này là thế mạnh? Bộ trưởng gợi mở: “Hãy chia nhỏ lộ trình sẽ thấy đường xa ngắn lại, không còn nỗi ám ảnh đường xa, khuất nẻo nữa”.
Kết thúc buổi làm việc với huyện Kỳ Sơn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã thể hiện trách nhiệm, tình cảm thương mến với bà con các dân tộc tại một trong những huyện còn nghèo nhất cả nước bằng quyết định: Bộ NN-PTNT sẽ lập tổ công tác do Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo làm tổ trưởng, nghiên cứu xây dựng đề án giúp đỡ huyện Kỳ Sơn về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
“Từ cơ sở thực tiễn triển khai tại Kỳ Sơn, Bộ sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục chỉ đạo tại các địa bàn đặc biệt khó khăn xây dựng nông thôn mới, quản lý bảo vệ rừng bền vững, gắn phát triển kinh tế với bảo tồn các giá trị văn hoá cộng đồng trong cả nước”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý lãnh đạo Cục Lâm nghiệp.
Sau buổi làm việc, các cán bộ huyện và cơ sở bày tỏ niềm vui, tâm sự: khó mà phân biệt đâu là ý kiến chỉ đạo giàu thực tế, gần gũi của một vị Bộ trưởng đa ngành với những trao đổi, chia sẻ tâm huyết của một nhà khoa học đậm chất nông nghiệp, nông dân đã gợi lên khát vọng thay đổi cho chúng tôi.
Trên đường lên Kỳ Sơn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan hỏi thăm và mấy lần nhắc đến một người bạn thời học Cử nhân chính trị ở Hà Nội 24 năm về trước. Đó là ông Moong Thanh Nghệ, nay là Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Kỳ Sơn. Trong bữa ăn tối cùng ông Nghệ, Bộ trưởng nhắc lại những năm tháng khó khăn, cả hai ông đèo nhau bằng xe đạp ra chợ Nghĩa Tân mua rau, lòng cá về cải thiện bữa ăn.
Nhìn cử chỉ thân tình, nét cười đôn hậu của ông đủ đoán biết tình cảm của Bộ trưởng với người bạn cũ. Đáp lại bằng tình cảm mộc mạc, ông Moong Văn Nghệ cũng là người thật dí dỏm.
Tại bữa ăn sáng ngày cuối của chuyến đi, ông Nghệ nói: Anh Hoan ạ, đêm qua em có một giấc mơ, tỉnh dậy vui quá không ngủ được nữa!
Bộ trưởng Hoan ngạc nhiên hỏi: Mơ gì mà vui dữ vậy? Ông Nghệ kể lại giấc mơ ông được Bộ trưởng tặng 2 ngôi nhà để giúp 2 hộ gia đình hiện đang rất khó khăn trong Hội Người cao tuổi Kỳ Sơn. Bộ trưởng vui vẻ đồng ý, ngay lập tức ông Nghệ đã gọi điện nhờ người làm tấm biển để Bộ trưởng trao cuối buổi làm việc sáng hôm ấy.
Đã từng nghe, thấy nhiều cách xin và trực tiếp đi xin nhiều tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho các hoạt động xã hội, nhưng tôi chưa từng thấy cách đặt vấn đề nào thật mà khéo như ông cán bộ hưu trí người Mông Moong Thanh Nghệ - nó thực tâm và chân thành, cảm động đến thế!
Gần ¼ thế kỷ được gặp lại người bạn cũ ân tình, nay đã là Bộ trưởng, ông Nghệ đã không hề chia sẻ gì về hoàn cảnh gia đình, bản thân ông vừa trải qua lần phẫu thuật thứ 7. Sự đồng hiện giữa hai người bạn 24 năm về trước đã gặp nhau ở một điểm: Vì Dân!
Chia tay Bộ trưởng Lê Minh Hoan trong cơn mưa chiều mát lành của núi rừng. Nhiều người trong chúng tôi cùng chung cảm nhận: trong hành trình 3 ngày đi cùng Bộ trưởng đã thêm bao nhận thức mới mẻ, Bộ trưởng đã truyền bao niềm cảm hứng cùng khát vọng đổi thay cho miền tây xứ Nghệ còn bộn bề nhiều gian khó, song thật kỳ vĩ, thân thương này!