| Hotline: 0983.970.780

Nữ bác sĩ chống dịch Covid-19 của Bệnh viện Chợ Rẫy được vinh danh

Thứ Tư 28/04/2021 , 10:17 (GMT+7)

Bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ, Phó khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, gương mặt điển hình phòng chống dịch Covid-19, là một trong 20 phụ nữ Việt truyền cảm hứng năm 2021.

Bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ (tóc dài, đứng giữa) cùng TS.BS Lê Quốc Hùng và ekip Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ (tóc dài, đứng giữa) cùng TS.BS Lê Quốc Hùng và ekip Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy.

Đây là lần đầu tiên, Forbes Việt Nam tôn vinh phụ nữ ở mọi lứa tuổi có những hoạt động tiên phong, bứt phá, vượt qua những giới hạn, nghịch cảnh của mình để tạo ra những tác động tích cực, đủ lực để xóa đi các bức tường dù hữu hình hay vô hình lâu nay vẫn cản trở sự phát triển của phụ nữ.

Thạc sĩ, bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ (39 tuổi), bác sĩ lâm sàng, Phó khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy được Forbes Việt Nam bình chọn là một trong những gương mặt điển hình cho tinh thần tận tụy của đội ngũ y tế Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh Covid-19. Và là một trong 20 phụ nữ Việt truyền cảm hứng năm 2021 do tạp chí này bình chọn.

Thạc sĩ, bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ cùng với trưởng khoa là Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng đã lãnh đạo êkip y – bác sĩ khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy với gần 70 thành viên tiếp nhận và trực tiếp tham gia điều trị thành công hai ca bệnh Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam (là hai cha con người Trung Quốc được phát hiện mắc Covid-19 ngày 22/1/2020 ở đợt dịch đầu tiên).

Đối mặt với Covid-19, bác sĩ Anh Thơ và các đồng nghiệp hiểu rằng họ đang đối mặt với tử thần. Thông tin về tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc và nhiều nước khác trên thế giới được truyền thông cập nhật hàng giờ, những ca bệnh tử vong tăng liên tục, thậm chí ngay cả lực lượng bác sĩ trên thế giới cũng đã có người nhiễm bệnh và chết... Hơn ai hết, các bác sĩ hiểu rằng, mình đang đối mặt với điều gì. Vì sự sống của người bệnh, vượt qua những áp lực thông tin dịch bệnh Covid-19 chưa đầy đủ, bệnh nhân bất đồng ngôn ngữ và ban đầu bất hợp tác, quy trình khám chữa bệnh đảm bảo an toàn chưa hoàn thiện, nguồn thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế chưa tối ưu, chồng chéo công việc tại bệnh viện dịp cận Tết Nguyên đán, bác sĩ Anh Thơ đã cùng đồng nghiệp giành giật sự sống, giúp hai bệnh nhân người Trung Quốc (ông Li Ding, 63 tuổi và con trai Li ZiChao, 28 tuổi, quốc tịch Trung Quốc). Sau hai tuần, rồi ba tuần tích cực điều trị, cả hai cha con họ lần lượt được xuất viện trong niềm vui của mọi người.

"Đó không chỉ là niềm vui, chúng tôi còn được giải phóng khỏi những áp lực mình đã phải đối mặt", bác sĩ Anh Thơ nhớ lại.

Chính sự thành công trong việc điều trị hai bệnh nhân mắc Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam, đánh dấu sự thành công bước đầu trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng và Việt Nam nói chung.

Trong hai năm liên tục (năm 2020 và 2021), bác sĩ Anh Thơ không thể cùng đón Tết sum vầy bên gia đình. Khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các bệnh viện tuyến dưới cần sự chi viện, thì chị là thành viên nữ hiếm hoi cùng các đồng nghiệp Bệnh viện Chợ Rẫy tham gia vào các đội phản ứng nhanh phòng chống dịch bệnh Covid-19 có mặt tại các địa phương khi đó đang là “tâm dịch” như Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và Gia Lai.

Bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ cùng 12 thành viên Đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy lên đường hỗ trợ Kiên Giang phòng chống dịch Covid-19 ngày 19/4/2021.

Bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ cùng 12 thành viên Đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy lên đường hỗ trợ Kiên Giang phòng chống dịch Covid-19 ngày 19/4/2021.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại các nước láng giềng có đường biên giới các tỉnh Tây Nam, ngày 19/4/2021, một lần nữa Anh Thơ đã cùng bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu và hơn một chục cán bộ, bác sĩ, kỹ thuật viên của Bệnh viện Chợ Rẫy lên đường hỗ trợ tỉnh Kiên Giang thiết lập bệnh viện dã chiến tại TP Hà Tiên để điều trị bệnh nhân Covid-19 (quy mô khoảng 500 giường) và TP Rạch Giá (quy mô 500 giường); hỗ trợ Cần Thơ thiết lập bệnh viện dã chiến vùng với quy mô 800 giường bệnh… Ngoài ra, chị cùng Đội phản ứng nhanh sẽ hướng dẫn lực lượng y tế các địa phương sàng lọc, phân luồng tiếp nhận và di chuyển bệnh nhân, công tác điều trị và phòng chống lây nhiễm trong cơ sở y tế…

“Những bài học từ một năm chống dịch Covid-19 bằng đến năm năm làm nghề y”, Anh Thơ nói.

Anh Thơ bắt đầu làm việc ở khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy từ năm 2006 đến năm 2015. Ở tuổi 33, Anh Thơ là phó khoa trẻ nhất thời điểm đó tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Cô được đánh giá cao ở sự tận tụy và thầm lặng cống hiến cho công việc.

Là người duy nhất trong gia đình theo nghề y, đối diện nhiều thử thách nhưng Anh Thơ luôn tươi vui và lạc quan, cố gắng tách bạch áp lực công việc ra khỏi cuộc sống gia đình. Chị được đồng nghiệp nhận xét là người dễ mến, có sự thấu cảm về nghề và cuộc sống. Anh Thơ xem sự đồng cảm là “vũ khí mềm” giúp chị có sức mạnh vượt qua mọi áp lực. Hạnh phúc với cô chỉ đơn giản là hằng ngày được đến bệnh viện, khám cho bệnh nhân và nhìn thấy họ khỏe hơn.

Trong số 20 người phụ nữ Việt được Forbes Việt Nam vinh danh, ở lĩnh vực y tế, còn có PGS Lê Thị Quỳnh Mai (54 tuổi), Phó viện trưởng viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương 2. Các nghiên cứu của bà và phòng thí nghiệm do bà lãnh đạo góp phần ngăn chặn các đợt dịch bệnh có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của cộng đồng như SARS năm 2003, cúm A/H5N1 và mới đây là Covid-19. Bà có gần 30 năm kinh nghiệm về các bệnh truyền nhiễm mới của virus, dịch tễ học phân tử, miễn dịch và phát triển vacxin.

Ngoài ra, còn có PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp (40 tuổi), nhà khoa học, trưởng khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường ĐH Quốc tế - Đại học Quốc Gia TP.HCM. Bà đã biến những sản phẩm từ phòng nghiên cứu trở nên hữu dụng trong đời sống. PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển ngành y học tái tạo tại Việt Nam.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.

Bình luận mới nhất