| Hotline: 0983.970.780

Những ngôi làng từng ô nhiễm nhất nhì tỉnh Hưng Yên

Nụ cười ngây ngô của hai cô gái ở làng chì Đông Mai

Thứ Tư 28/08/2024 , 07:45 (GMT+7)

Tôi không thể nào quên được nụ cười ngây ngô của hai cô gái đã trên 30 tuổi ở làng chì Đông Mai cũng như đêm mục sở thị ở cụm công nghiệp làng nghề.

Nỗi đau chôn giấu

Ngày 20/6, xã Chỉ Đạo huyện Văn Lâm cờ hoa rực rỡ để đón bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023. Làng chì Đông Mai từng ô nhiễm nhất nhì tỉnh Hưng Yên giờ sạch sẽ, khang trang đến khác lạ. Vết dấu của nghề cũ có chăng chỉ là mấy cái vỏ bình ắc quy kê tạm dưới cái ghế đá gãy chân ven bờ hồ. Một chiều hè oi ả, tôi đi dạo ven bờ hồ thấy thấp thoáng một đứa trẻ mặt mũi ngây ngô, thân hình dị dạng. Nỗi đau của làng tưởng như chôn giấu mấy chục năm bỗng chốc bị khơi lên.

Đã có thời điểm cả làng bỏ cấy lúa để chuyển sang nấu tái chế chì, đêm đêm ánh lửa và khói lò rừng rực một góc trời. Trung bình mỗi lò mỗi tuần nấu 1 tấn chì lãi bán được số tiền tương đương cả chỉ vàng nên người làm lại càng ham. Anh Lê Ngọc Hưng-y tế thôn quãng năm 2003-2005 cũng mở lò nấu chì như thế.

Hồi ấy vợ chồng anh đã có 1 đứa con, vợ anh đang mang thêm đứa nữa trong bụng nên bị anh cấm tham gia nấu chì bởi hiểu rõ tác hại của nó: “Chất độc chì không ngấm ngay, biểu hiện ngay mà từ từ, lúc làm người cảm thấy mệt mỏi, khó thở, hay bị ho, thi thoảng lại bị đau bụng. Ngay cả đứa con đầu mỗi khi tôi nhóm lò nó cũng hay bị ốm, ho nên sợ quá tôi đã bỏ nghề”.

Một góc hồ của làng Đông Mai. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một góc hồ của làng Đông Mai. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cũng theo anh Hưng quãng năm 1993-1995 lúc cao điểm về nghề tái chế chì, dân làng không chỉ chất đống ắc quy ngoài vườn mà còn nhét cả vào gậm giường hay dùng để kê chân giường. Thời điểm đó có 6-7 đứa trẻ trong làng mắc bệnh não. 

Làng còn có ít nhất 3 trẻ khác bị mắc chứng thần kinh giật liên tục, nghi nhiễm độc chì do bố mẹ đều làm nghề, chúng không được hưởng trợ cấp tàn tật gì cả. Ngoài ra còn có 3-4 trường hợp bị lùn, còi cọc, đầu óc không nhanh nhẹn, cũng trùng hợp vào những nhà làm nghề. Quãng năm 2010-2012 có chương trình tẩy độc chì của trên hỗ trợ, rất nhiều người làng đã phải đi. Sợ quá, người ta đã phải lấp, đổ bê tông lên cái ao gần gốc đa vốn trước hay dùng làm chỗ đổ phế thải chì.  

Giờ Đông Mai chỉ còn trên 10 người chuyên nấu chì, biết các bí quyết của nghề để hướng dẫn cho những lao động khác, chủ yếu là người dân tộc thiểu số từ các tỉnh miền núi về đây làm thuê. Từ hồi làng di rời những hộ làm nghề chì ra cụm công nghiệp ngoài đồng, các bệnh ho, sốt, phổi giảm hẳn, thậm chí còn ít hơn 3 làng còn lại của xã bởi xa hướng gió thổi. Tuy nhiên, gần đây tỷ lệ ung thư lại khá nhiều…

Tôi không khỏi ám ảnh trước nụ cười ngây ngô của đứa trẻ đã 31 tuổi con gái chị H khi được mẹ đút cho từng miếng khoai sọ luộc. Chị kể, nhà mình không làm nghề chì nhưng có thể bị ảnh hưởng bởi cả làng đều làm (tới giờ vẫn chưa có đề tài nghiên cứu nào về mối quan hệ giữa những đứa trẻ bị não và nghề chì-PV). Năm 1990 chị đẻ đứa con trai, ngay từ đầu nó đã có những biểu hiện không bình thường. Năm 2 tuổi, nó bị sốt cao, trợn mắt, nghiến răng, cắn cả vào tay mẹ. Chị đem nó ra bệnh viện ngoài Hà Nội, bị người ta trả về, trên đường về thì mất. Nó sinh ngày 29/11/1990 và mất đúng ngày 29/11/1992.

Đến tháng 9 năm 1993 chị sinh đứa con gái, người tím tái, co giật tưởng không cứu nổi. Chạy chữa mãi, đến 7 tuổi nó mới biết ngồi và hiện vẫn không biết nói, vẫn phải bón cho từng miếng cơm, ngụm nước. 

Con gái nhà chị M sinh năm 1989 đón tôi cũng bằng nụ cười ngây ngô như vậy. Ngoài thỉnh thoảng giúp mẹ phơi quần áo, nó không làm được việc gì, toàn phải có người phục vụ. Vừa nói chuyện với tôi chị M vừa nhìn camera xem lao động của xưởng nhà đang tháo dỡ bình ắc quy trong cụm công nghiệp làng nghề ngoài đồng cách đó mấy cây số. Khi tôi hỏi về nguyên nhân đứa trẻ bị bệnh não, chị vội phân bua: “Tôi có ba con, đứa sinh trước, đứa sinh sau nó đều khỏe mạnh bình thường, nên không phải là do nhiễm độc chì đâu kẻo bảo thế mấy ông trong hội làng nghề lại nói cho”.

Khói bốc lên nghi ngút khi quẳng những bao tải chì phế liệu vào lò. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khói bốc lên nghi ngút khi quẳng những bao tải chì phế liệu vào lò. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một tối ở cụm công nghiệp làng nghề

Ông Lê Văn Phiếu-Chủ tịch Hội làng nghề thôn Đông Mai kể trước đây làng có nghề đúc đồng. Những năm 80 của thế kỷ trước, khi đồ nhôm mỗi lúc một nhiều, đồ đồng thất thế thì dân làng lại chuyển sang nghề thu mua ắc quy cũ, phá vỏ, lấy lõi chì để tái chế: “Sau chiến tranh chống Mỹ có rất nhiều ắc quy của đủ thứ máy móc như ô tô, xe tăng, thiết giáp trong đó 70% là chì. Hồi ấy có mỗi làng tôi biết tái chế chì chứ cứ đem chôn lấp thì ngàn năm cũng không tan được.

Từ năm 2000 trở về trước hàng trăm hộ trong làng tái chế chì ngay tại sân, vườn nhà mình, rất độc hại. Thấy tình hình như thế nên năm 2006 chúng tôi thành lập Hội làng nghề Đông Mai với 52 hội viên, được chính quyền xã, huyện, tỉnh rất ủng hộ. Văn phòng Chính phủ hồi đó có công văn hỏa tốc về việc phải di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi thôn nên chúng tôi đã cùng vào cụm công nghiệp làng nghề ngoài đồng…

Tôi về Đông Mai khi sự kiện bà Tạ Thị Tấn, công ty CP Gia Hưng Hưng Yên bị công an bắt vào ngày 17/5/2024 về tội đổ trộm trên 200 tấn phế thải gây ô nhiễm môi trường vẫn còn được dân làng bàn tán xôn xao. Bởi thế sự xuất hiện của một kẻ lạ như tôi, lại hỏi về nghề tái chế chì khiến không ít người e ngại, dè dặt khi tiếp chuyện.

Lửa và khói bốc lên ở miệng lò tái chế chì. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lửa và khói bốc lên ở miệng lò tái chế chì. Ảnh: Dương Đình Tường.

Có được lời giới thiệu của ông Phiếu tối hôm đó mà tôi phải chờ cả nửa tiếng mới vào được cụm công nghiệp làng nghề. Bên trong người ta liên tiếp quăng những bao tải dứa chứa các thỏi chì vào mấy cái lò khiến khói đen, khói trắng bốc lên nghi ngút quanh miệng. Không khí đặc quánh, khét nồng khiến cho cổ họng tôi như bị ai bóp nghẹt.

Đang ngồi ở góc phòng uống nước thấy khói lùa qua khe cửa ào vào, ông Lê Xuân Can vội úp cái mặt nạ phòng độc lên mặt, chạy ra ngoài bật máy hút. Tuy nhiên ở những miệng lò khói vẫn nghi ngút tỏa ra như làn sương mù dày đặc. Mỗi lò đều có miệng đút chì phế liệu vào và miệng múc chì ra đổ vào khuôn, cần 4 người cho cả 2 công đoạn này. Hoạt động này diễn ra từ 7 giờ tối đến 5 giờ sáng thì mới nghỉ. Tại sao các lò chỉ hoạt động vào ban đêm? Tôi thắc mắc. Ông Can trả lời, bởi ban ngày rất nóng, làm nhanh bị mệt nên toàn phải hoạt động về đêm. Người đàn ông ngót 70 tuổi này đã gắn bó với nghề tái chế chì hơn 30 năm, lúc đầu làm chủ xưởng nhưng sau không hiệu quả, phải bỏ, chỉ làm thuê, mỗi tối được trả công 400.000đ.

Ông Can đeo mặt nạ phòng độc vận hành máy hút khói. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Can đeo mặt nạ phòng độc vận hành máy hút khói. Ảnh: Dương Đình Tường.

Rất nhiều lao động đứng ngay miệng lò nghi ngút khói mà không đeo mặt nạ phòng độc hay khẩu trang gì cả. Giàng A Phờ chàng trai Mông ở xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên là một người như thế. Vẻ mặt bơ phờ, giọng nói khào khào, anh kể mình xuống núi làm nghề chì này đã 2 năm. Công mỗi đêm 700.000đ, nếu việc nhiều sẽ có thu nhập mười mấy triệu đồng/tháng nhưng việc ít thì cũng chẳng được bao nhiêu.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Bình Thuận phát triển sản phẩm OCOP thế mạnh, đặc trưng

Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận phát triển sản phẩm OCOP theo thế mạnh, đặc trưng như nước mắm, thanh long, hải sản, yến và gạo chất lượng cao.

Bình luận mới nhất