Ông Trương Quang Đến, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đức Linh (Bình Thuận) cho biết, năm 2020, huyện triển khai chương trình OCOP, trong đó có 5 sản phẩm đạt 3 sao và 5 sản phẩm đạt 4 sao được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận.
Tuy nhiên, đến nay toàn huyện đã phát triển 31 sản phẩm OCOP, trong đó 5 sản phẩm đạt 4 sao, 26 sản phẩm đạt 3 sao. Bên cạnh đó 1 sản phẩm cũng đã lập hồ sơ và sẽ tổ chức thi trong quý III/2024. Ngoài ra, hiện phòng NN-PTNT đang cùng với các xã, thị trấn rà soát các sản phẩm mới để vận động các chủ thể tham gia dự thi chương trình OCOP năm 2024.
Theo ông Đến, thời gian qua, các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện được phát triển từ tiềm năng, lợi thế của địa phương, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng và bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP đã tăng giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần tăng doanh thu, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Điển hình như sản phẩm trứng gà nướng Tafa và trứng gà tươi Tafa đạt OCOP 4 sao của Công ty TNHH Chăn nuôi TaFa Việt (xã Trà Tân) được sản xuất theo công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn thực phẩm, phù hợp với tiêu chuẩn ISO 22000: 2018 về lĩnh vực nuôi gia cầm lấy trứng. Hơn nữa, trứng đã qua chế biến nên giá trị sản phẩm tăng 1,5 lần so với sản phẩm bình thường.
“Đây là mô hình chăn nuôi khép kín và công nghệ hiện đại nên không gây ô nhiễm môi trường. Lượng phân gà thải ra được công ty xử lý thành phân bón hữu cơ vi sinh và đóng bao bì xuất bán phục vụ cho nông nghiệp. Mô hình cũng góp phần tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn xã, giúp nâng cao thu nhập”, ông Đến chia sẻ.
Hay sản phẩm rau ăn lá của Hợp tác xã rau an toàn Tiến Phát, xã Vũ Hòa đạt sản phẩm 3 sao. Hợp tác xã này đã đầu tư nhà màng, khay, hệ thống tưới tự động trồng các loại rau như xà lách, cải ngọt, rau thơm với diện tích khoảng 3.100m2, cung cấp cho thị trường khó tính.
Còn sản phẩm bưởi da xanh Đan Kha của Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Hoài Đức (thị trấn Đức Tài) đạt OCOP 3 sao, với quy trình sản xuất theo hướng an toàn, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học nên đảm bảo an toàn thực phẩm. Hàng năm, Hợp tác xã cung cấp cho thị trường khoảng 200 tấn bưởi với giá từ 20-30 ngàn đồng/kg. Hơn nữa, bưởi da xanh Đan Kha cũng đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ năm 2021, giúp nâng cao giá trị, tạo chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.
Ngoài ra còn nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, nguồn gốc sản xuất rõ ràng, đã tạo được lòng tin của người tiêu dùng, tiêu biểu như: Kẹo hạt điều thập cẩm của Công ty TNHH Một thành viên Năm Trang (xã Đông Hà); Dầu đậu phụng nguyên chất của chủ thể Lê Thông (xã Mê Pu)…
Cũng theo ông Đến, định hướng trong thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyện môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung của chương trình OCOP. Đồng thời quảng bá giới thiệu sản phầm OCOP bằng nhiều hình thức, cũng như hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, dịch vụ quản lý mã xác thực hàng hóa, từng bước cải tiến, nâng cao thương hiệu sản phẩm OCOP.