| Hotline: 0983.970.780

Cơ hội thoát nghèo cho người dân Kon Tum

Thứ Sáu 13/09/2024 , 06:24 (GMT+7)

Các thôn làng nghèo khó sẽ được tiếp sức thông qua việc hỗ trợ các mô hình sản xuất, chăn nuôi, tặng nhà, điện chiếu sáng,... mở ra cơ hội thoát nghèo trong tương lai.

Trao cơ hội thoát nghèo

Ông A Lá an cư trong ngôi nhà là món quà của Hội Cựu chiến binh tỉnh. Ảnh: Đ.L. 

Ông A Lá an cư trong ngôi nhà là món quà của Hội Cựu chiến binh tỉnh. Ảnh: Đ.L. 

Kon Tum là tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Với đặc thù địa hình chia cắt, người dân gặp nhiều khó khăn trong phát triển sản xuất.

Trước thực tế đó, tỉnh Kon Tum đã có nhiều chính sách để giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao đời sống, thoát nghèo bền vững, trong đó khuyến khích xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mới đây, Tỉnh ủy Kon Tum đã có kế hoạch phân công 58 cơ quan là các sở, ban, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn phụ trách giúp đỡ 57 thôn làng thuộc 8 xã, gồm Măng Bút, Hiếu, Đăk Nên (huyện Kon Plông); Ngọc Linh, Mường Hoong (huyện Đăk Glei); Đăk Tơ Kan, Đăk Na, Đăk Rơ Ông (huyện Tu Mơ Rông). Thời gian giúp đỡ kéo dài 2 năm, từ  2024 đến 2025. Thực hiện theo sự phân công, các đơn vị được giao việc đã vào cuộc hỗ trợ bằng những mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả. Người dân được hỗ trợ đứng trước cơ hội thoát nghèo.

Ông A Lá (dân tộc Xơ Đăng ở thôn Kon Hia 1, xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông) vui mừng vì được hỗ trợ xây dựng nhà mới. Căn nhà ông đang ở được xây từ tháng 5, đã đưa vào ở được hơn 1 tháng qua. Nhà mới còn thơm mùi vôi vữa, bên trong được đầu tư khang trang với nhiều phòng sinh hoạt. Căn nhà được xây dựng một phần nhờ sự giúp đỡ kinh phí của Hội Cựu chiến binh tỉnh.

Ông A Lá cho biết, dù đã cố gắng làm ăn nhưng cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Căn nhà lụp xụp, mục nát, gia đình ở từ lâu, cũng không có tiền sửa. Cứ đến mùa mưa, nước mưa lại tràn vào nhà, gió thổi lùa vào khe cửa. “Gia đình không nghĩ sẽ xây dựng được nhà. Vừa rồi được hỗ trợ tiền, mình bỏ thêm ít chi phí để xây dựng nhà mới. Bây giờ có nhà mới khang trang, giấc mơ đã thành hiện thực”, ông A Lá xúc động nói.

Anh A Định được tặng bò, mở ra cơ hội thoát nghèo. Ảnh: Đ.L. 

Anh A Định được tặng bò, mở ra cơ hội thoát nghèo. Ảnh: Đ.L. 

Cũng ở thôn Kon Hia 1 thuộc xã Đăk Rơ Ông này, gia đình anh A Định (dân tộc Xơ Đăng) vui vẻ dẫn 2 con bò đi ăn cỏ. đây là số bò trên được Hội Cựu chiến binh tỉnh tặng gia đình vào 2 tháng trước, trị giá hàng chục triệu đồng. “Gia đình A Định thuộc hộ nghèo. Bao năm qua chỉ biết trồng lúa mì mưu sinh, thu nhập bấp bênh, cuộc sống thiếu thốn nên vẫn mãi nghèo. Vừa rồi được tặng 2 con bò, gia đình rất vui vì đã có sinh kế mưu sinh. “Nhận bò, gia đình thay nhau thả ra đồng cho ăn cỏ, mới 2 tháng mà bò béo tốt lên trông thấy. Tới đây, khi bò đẻ, đàn bò sẽ nhân rộng, mình sẽ có thêm thu nhập. Gia đình tin rằng với số bò được tặng, chắc chắn gia đình sẽ thoát nghèo”, anh A Định nói. 

Cả hệ thống vào cuộc

Ông A Ngùng, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Rông cho biết, theo kế hoạch, trên địa bàn có 6 thôn được hỗ trợ. Đến nay, các đơn vị được giao hỗ trợ đã tham gia giúp đỡ cây giống, bò cái sinh sản, vịt, heo, xây dựng nhà cho hộ nghèo. Người dân được hỗ trợ rất vui, có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Hội Cựu chiến binh tỉnh hỗ trợ phân bón cà phê cho bà con làng Kon Hia 1, xã Đăk Rơ Ông. Ảnh: Đ.L. 

Hội Cựu chiến binh tỉnh hỗ trợ phân bón cà phê cho bà con làng Kon Hia 1, xã Đăk Rơ Ông. Ảnh: Đ.L. 

Ông Ba Ka Thành, Bí thư Huyện ủy Tu Mơ Rông cho biết, trên địa bàn huyện có 19 thôn của 3 xã nằm trong danh sách được hỗ trợ. Trước khi hỗ trợ, các đơn vị được giao hỗ trợ đã phối hợp địa phương khảo sát nhu cầu của người dân. Đến nay, các đơn vị được giao hỗ trợ đã tham gia giúp người dân xây dựng nhà ở, xây dựng các mô hình chăn nuôi, hỗ trợ giống cây trồng giá trị cao... Các mô hình hỗ trợ đã giúp ích rất lớn cho người dân trong việc ổn định chỗ ở, trao sinh kế mưu sinh. Sự giúp đỡ nói trên được kỳ vọng sẽ giúp người dân thoát nghèo trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Liễu Hạnh, Phó Tổng Biên tập Báo Kon Tum cho biết, bên cạnh công tác nội dung, công tác xã hội được báo đặc biệt chú trọng triển khai. Những năm qua, báo đã triển khai nhiều hoạt động thiện nguyện như kêu gọi hỗ trợ cho những mảnh đời khó khăn, tặng quà cho gia đình chính sách, tặng bò cho hộ nghèo...

Mới đây, thực hiện theo kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Báo Kon Tum đã vào cuộc giúp đỡ thôn Tu Nông (xã Măng Bút, huyện Kon Plông). Đây là thôn có 132 hộ với 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống nghèo khó, người dân gặp rất nhiều khó khăn. Báo đã cử đoàn đến tận nơi để khảo sát nhu cầu của người dân, làm cơ sở hỗ trợ đúng thứ dân cần. Trên cơ sở đề xuất của địa phương và người dân, báo đã chuyển hơn 26 triệu đồng để mua cây giống hồng giòn, hạt giống bí nhật và mồng tơi nhằm hỗ trợ cho các hộ nghèo khó sản xuất, đồng thời hỗ trợ tiền ăn bán trú cho 5 học sinh nghèo trong năm học 2024- 2025. Đây là sự hỗ trợ bước đầu. Hiện báo đã có lộ trình hỗ trợ tiếp theo, trong đó sẽ tiếp tục giúp đỡ giống măng sặt cho các hộ khó khăn phát triển kinh tế, cử phóng viên viết bài phản ánh những mảnh đời khó khăn, tàn tật để kêu gọi mạnh thường quân cùng chung tay giúp đỡ”, bà Hạnh chia sẻ.

Hỗ trợ điện chiếu sáng

Ông A Diêng, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Nên (huyện Kon Plông) cho biết, có 5 thôn trên địa bàn xã nằm trong danh sách được hỗ trợ. Các đơn vị đã tham gia hỗ trợ cho người dân các loại cây giống ăn quả, tặng điện mặt trời chiếu sáng, đồ dùng học tập cho học sinh. Sự giúp đỡ đó có ý nghĩa rất lớn, nhất là nguồn điện mặt trời chiếu sáng, sẽ giúp bà con đi lại thuận tiện, đảm bảo an ninh trật tự… Địa phương mong muốn việc hỗ trợ sẽ được duy trì để tiếp sức cho người dân phát triển kinh tế.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Cao Bằng dồn lực hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng huy động 5,4 tỷ đồng thực hiện Chương trình OCOP, ngoài ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp, tỉnh cũng dành hơn 700 triệu đồng ngân sách địa phương.