| Hotline: 0983.970.780

Phát triển nông nghiệp ĐBSCL

Nước mặn - lợ - ngọt đều là tài nguyên cần khai thác hiệu quả

Thứ Năm 08/09/2022 , 06:50 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh quan điểm xây dựng, phát triển hạ tầng thủy lợi để điều tiết các vùng lợ, mặn, ngọt và tổ chức lại sản xuất phù hợp.

Tại buổi Đối thoại bàn tròn “Hợp lực để chuyển đổi bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long” mới đây, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia của Việt Nam và Đại sứ quán Hà Lan đã đóng góp nhiều giải pháp về quy hoạch tích hợp, phát triển hạ tầng, logistics, sử dụng và quản lý nước hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, trong đó nhấn mạnh phát triển khu vực theo hướng thuận thiên.

Nhấn mạnh nguyên tắc thuận thiên

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực phát triển nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam, đóng góp 32% GDP toàn ngành nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nông sản. Năng lực sản xuất của toàn vùng chiếm 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% sản lượng các loại trái cây, 95% sản lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước, nhiều sản phẩm nông sản có tên tuổi trên thế giới và cung cấp nhiều nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của khu vực phía Nam và cả nước.

dbscl-16557791361551544366450-46-0-732-1098-crop-16558750265361441906795

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực phát triển nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam. Ảnh: TL. 

Thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL như nghị quyết số 13 của Bộ CT, nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Chỉ thị số 10 về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL, quyết định số 324 phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL, từ đó tạo điều kiện cho sản xuất trong khu vực đạt nhiều bước tiến.

Theo TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), trong thời gian vừa qua, hệ thống nông nghiệp ĐBSCL chuyển đổi khá rõ ràng với diện tích trồng lúa giảm đáng kể, dành tài nguyên cho các cây trồng có giá trị cao hơn, diện tích cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản trong vòng 5 năm trở lại đây được mở rộng, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Sự chuyển đổi này thể hiện định hướng của khu vực trong phát triển thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, vùng ĐBSCL lại đang đối mặt với những thách thức và khó khăn đi kèm như chuyển đổi cơ cấu dễ gây ra các vấn đề sụt lún, xâm nhập mặn, sạt lở; thị trường tôm, cá tra phát triển lại vướng phải những quy định, tiêu chuẩn nghiêm ngặt dẫn đến cạnh tranh gay gắt về chất lượng nông thủy sản; phát triển khoa học công nghệ 4.0 đặt ra yêu cầu cao hơn về nguồn nhân lực chất lượng cao; cần có chính sách đồng bộ để tăng cường năng lực quản lý nhà nước và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia…

Để khắc phục những tồn tại và vượt qua khó khăn, lãnh đạo IPSARD đề xuất các giải pháp trọng tâm trong định hướng chuyển đổi nông nghiệp vùng ĐBSCL gồm tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội trong điều kiện biến đổi khí hậu; đặt nông nghiệp sinh thái là trọng tâm, công nghiệp năng lượng là đột phá, dịch vụ là bệ đỡ; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ đơn giá trị sang đa giá trị; huy động tất cả các tầng lớp, thành phần xã hội, các đối tác quốc tế và doanh nghiệp tham gia vào quá trình phát triển; thúc đẩy liên kết giữa các tiểu vùng; thúc đẩy liên kết nông nghiệp - dịch vụ - công nghiệp.

Đồng tình với quan điểm của IPSARD, Thứ trưởng NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, quan điểm của Chính phủ và Bộ NN-PTNT là chuyển đổi nông nghiệp bền vững dựa trên nguyên tắc thuận thiên. Các vùng nước mặn, nước lợ, nước ngọt tại ĐBSCL được xem là tài nguyên để khai thác.

“Quan điểm của chúng tôi là kiểm soát nước mặn, xem đó là tài nguyên khai thác. Để làm như vậy, cần thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng thủy lợi. Chúng tôi quan tâm đến hai vấn đề là tiếp tục xây dựng, phát triển hạ tầng thủy lợi để điều tiết các vùng nước lợ, nước mặn và nước ngọt phù hợp với sản xuất của từng vùng và tổ chức lại sản xuất cho nông dân phù hợp với các mô hình tại các vùng này”, ông Trần Thanh Nam cho biết.

Quản lý, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả

Liên quan đến vấn đề quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước tại ĐBSC, TS Nguyễn Anh Đức từ Viện Khoa học tài nguyên nước (Bộ TN-MT) cho biết, tài nguyên nước tại khu vực ĐBSCL chịu tác động bởi nhiều yếu tố như thủy điện Trung Quốc trên sông Lan Thương, thủy điện hạ lưu vực sông Mekong, chuyển nước trong và ngoài lưu vực, phát triển tưới, sử dụng nước cho công nghiệp và sinh hoạt, công trình giao thông đường thủy, phá rừng, khai thác cát, biến đổi khí hậu lưu vực sông Mekong…

Nước là tài nguyên, là động lực phát triển chính ĐBSCL.

Nước là tài nguyên, là động lực phát triển chính cho ĐBSCL.

Đại diện Bộ TN-MT khuyến nghị việc quản lý và sử dụng tài nguyên nước ĐBSCL phục vụ cho phát triển kinh tế, nông nghiệp tại khu vực với hai giải pháp phi công trình và công trình. Theo đó, cần hoàn chỉnh hệ thống công trình khai thác và sử dụng nước ngọt trong nội đồng đồng bộ với công trình trên hệ thống kênh trục và công trình quy mô tiểu vùng; chủ động kiểm soát mặn để vừa sử dụng hiệu quả nước mặn cho nuôi trồng thủy sản (NTTS), vừa đảm bảo giảm tác động của xâm nhập mặn lên sản xuất nông nghiệp (lúa, cây ăn qua, rau màu, cây công nghiệp...), chăn nuôi và cấp nước sinh hoạt cho người dân ven biển; xây dựng các giải pháp công trình phục vụ NTTS (cấp nước ngọt và nước lợ/mặn, xử lý nước thải ô nhiễm), đặc biệt các giải pháp cấp nước ngọt và nước mặn cho khu vực NTTS xa sông (xa nguồn cấp nước ngọt) và xa biển (xa nguồn cấp nước mặn). Song song các giải pháp cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và NTTS, chú trọng các giải pháp cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường.

Đại diện nhóm chuyên gia Hà Lan, TS Gerardo van Helsema, TS Peter Smeets và ông Martijn van de Groep đã đưa ra các khuyến nghị khoa học về nước và nông nghiệp cùng việc phát triển trung tâm đầu mối nông sản (kinh doanh nông nghiệp) vùng ĐBSCL.

Theo nhóm chuyên gia, khu vực ĐBSCL cần hạn chế sử dụng, khai thác quá mức nguồn nước ngầm trong mùa khô nhằm tránh gây hiện tượng thất thoát, bảo đảm chất lượng nước trong khu vực cũng như sử dụng nguồn nước nuôi trồng thủy sản hiệu quả cũng là những vấn đề ĐBSCL cần quan tâm. Như vậy, cần có nhiều chương trình, dự án nghiên cứu giống cây chịu hạn mặn, quy trình kỹ thuật mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng; phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển; thành lập hành lang đa dạng sinh học; nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu cho hợp tác xã trong vùng.

Theo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phương hướng phát triển nông nghiệp là chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với thay đổi về điều kiện tự nhiên theo 3 tiểu vùng sinh thái: Vùng sinh thái ngọt ở thượng nguồn và trung tâm của đồng bằng là vùng trọng điểm về sản xuất lúa, thủy sản nước ngọt và trái cây của ĐBSCL và quốc gia, phát triển nền nông nghiệp đa dạng, theo hướng hiện đại và bền vững, có tính đến thích ứng với lũ cực đoan; Vùng sinh thái mặn - lợ ở ven biển dành cho phát triển nuôi trồng thủy sản nước mặn, mặn - lợ trên bờ và trên biển; phát triển hệ thống nông - lâm kết hợp theo hướng sinh thái, hữu cơ, kết hợp du lịch sinh thái; Vùng chuyển tiếp ngọt - lợ ở giữa đồng bằng để phát triển thủy hải sản nước lợ chuyên canh và luân canh với lúa, rau màu...

Xem thêm
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị

Ông Nguyễn Duy Ngọc, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu bổ sung vào Bộ Chính trị và giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nam đứng đầu toàn quốc về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình

Hà Nam là địa phương đứng đầu cả nước trong công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình năm 2024.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất