| Hotline: 0983.970.780

Agritechnica Asia Live 2022

4 nhóm yêu cầu khi thành lập Trung tâm cơ giới hóa vùng ĐBSCL

Thứ Tư 24/08/2022 , 16:55 (GMT+7)

Là trung tâm sản xuất nông nghiệp chủ đạo của cả nước, hiện ở ĐBSCL cơ giới hóa phục vụ trong sản xuất nông nghiệp phát triển khá mạnh.

Empty

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT phát triển chỉ đạo tại hội thảo. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngày 24/8, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo tham vấn “Xây dựng Trung tâm cơ giới hóa vùng ĐBSCL”. Đây là hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện quốc tế Agritechnica Asia Live 2022 với chủ đề “Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững” của ngành nông nghiệp.

Trong những năm qua, lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản đã có những bước phát triển đáng kể, qua đó góp phần vào sự tăng trưởng ổn định của ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NN-PTNT), cho biết: Hiện nay Việt Nam ứng dụng cơ giới hóa để phục vụ trong sản xuất nông nghiệp đang tăng nhanh. Trong giai đoạn 2011 - 2021, số lượng máy kéo các loại tăng 60%, máy cấy tăng 10 lần, máy bơm nước tăng 60%, máy gặt đập liên hợp tăng 80%, máy sấy nông sản tăng 30%, máy chế biến thức ăn gia súc tăng 91%, máy chế biến thức ăn thủy sản tăng 2,2 lần và máy phun thuốc BVTV tăng 3,5 lần…

Trong đó cơ giới hóa tại một số khâu, trong một số lĩnh vực ngành nông nghiệp có tỷ lệ khá cao như: Trồng trọt đạt từ 70% đến 100% (làm đất, chăm sóc, thu hoạch), chăn nuôi đạt từ 55% đến 90% (sản xuất thức ăn, chuồng trại chăn nuôi).

Empty

Hiện nay Việt Nam ứng dụng cơ giới hóa để phục vụ trong sản xuất nông nghiệp đang tăng nhanh. Trong giai đoạn 2011 - 2021, số lượng máy kéo các loại tăng 60%, máy cấy tăng 10 lần, máy bơm nước tăng 60%... Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cơ giới hóa nông nghiệp đã giải quyết khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh và góp phần tạo ra các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu hàng đầu thế giới. Đồng thời thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất doanh nghiệp, HTX với nông dân và hình thành các tổ chức dịch vụ ở nông thôn như dịch vụ làm đất, cấy, phun thuốc BVTV, thu hoạch, sấy khô, cho thuê kho bảo quản.

Riêng tại khu vực ĐBSCL, cơ giới hóa trong nông nghiệp phát triển khá mạnh, vì ĐBSCL là trung tâm sản xuất nông nghiệp chủ đạo của cả nước. Đối với cây lúa, khâu làm đất đạt 100%, khâu gieo sạ và cấy đạt 75%, khâu chăm sóc và bảo vệ thực vật là 85%, khâu thu hoạch là 95% và khâu thu gom rơm, rạ là 90%... Với cây ăn trái, khâu làm đất (vun luống, xẻ rãnh, xới đất) đạt tỷ lệ trên 90%, khâu chăm sóc (tưới, thuốc bảo vệ thực vật) đạt 60 - 70%, khâu thu hoạch chủ yếu làm thủ công. Đối với nuôi trồng thủy sản, máy móc cơ giới hóa đã ứng dụng gồm máy sục khí, máy kiểm tra nhiệt độ nước, máy thu hoạch, các máy móc cho cơ sở hạ tầng ao nuôi.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia và các cơ quan chuyên môn đồng tình quan điểm trong dự thảo Nghị định về việc xây dựng Trung tâm cơ giới hóa vùng ĐBSCL nhằm thu hút, tập hợp các doanh nghiệp đầu tàu, các HTX điển hình để thực hiện các nhiệm vụ cơ bản, đặc thù của Trung tâm về tổ chức hoạt động và dịch vụ cơ giới hóa...

Empty

Riêng tại khu vực ĐBSCL, cơ giới hóa trong nông nghiệp phát triển khá mạnh, vì ĐBSCL là trung tâm sản xuất nông nghiệp chủ đạo của cả nước. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản là nhiệm vụ quan trọng của ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng ngành hàng nông sản, phát triển bền vững, tham gia chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu.  

Thứ trưởng nhấn mạnh, để phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tốt hơn và hiện đại hơn, qua hội thảo tham vấn lần này, Bộ NN-PTNT muốn thành lập trung tâm cơ giới hóa phải đồng bộ, cả về thiết bị, kỹ thuật và kiểm định máy móc…, từ đó làm động lực triển khai cơ giới hóa động bộ không những ở ĐBSCL và thành lập nhiều hơn nữa các trung cơ giới hóa trên khắp cả nước.

Thứ trưởng đề xuất, thứ nhất việc thành lập trung tâm cơ giới hóa là nơi hỗ trợ, đào tạo và huấn luyện, chuyển giao công nghệ máy móc cho người sử dụng là nông dân, HTX, THT để họ hiểu máy móc nào phù hợp sử dụng trên đồng ruộng, ao tôm, vườn cây ăn trái... Hiện nay ở ĐBSCL còn có tình trạng giữa người bán máy móc và nông dân sử dụng máy chưa tìm được tiếng nói chung để đồng bộ đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.

Thứ hai, khi trung tâm cơ giới hóa ra đời cần trở thành nơi chế tạo máy động lực và các loại máy hiện đại để tạo ra chuỗi liên hoàn, từ đó có gắn với doanh nghiệp để nhận được sự hỗ trợ cơ chế của nhà nước.

Thứ ba, trung tâm cơ giới hóa có nhiệm vụ chuyển giao dịch vụ, khoa học công nghệ về cơ khí cho nông dân và là địa chỉ sửa chữa uy tín khi nông dân cần.

Thứ tư, trung tâm là nơi kiểm định các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình cơ giới hóa và an toàn lao động cho người sử dụng.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Thủy lợi - nền tảng vững chắc cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Đồng Tháp Các hệ thống thủy lợi nội đồng giúp kiểm soát nguồn nước hiệu quả hơn, nhờ đó nông dân có thể canh tác 3 vụ lúa/năm với năng suất tăng 15% so với trước đây.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hải Phòng khai trương dự án Chính quyền số

HẢI PHÒNG Chiều 21/11, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức lễ khai trương Dự án ‘Chính quyền số’ để chào mừng ngày chuyển đổi số quốc gia 2024.