| Hotline: 0983.970.780

Thiếu mạng lưới logistic vùng là nút thắt trong phát triển bền vững ĐBSCL

Thứ Ba 06/09/2022 , 17:15 (GMT+7)

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh, cần phát triển các trung tâm logistics, trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, dịch vụ tiêu thụ nông sản của cả vùng và cả nước.

Ngày 6/9, Đối thoại bàn tròn “Hợp lực để chuyển đổi bền vững vùng Đồng bằng Sông Cửu Long” đã diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện do Bộ NN-PTNT và Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm giúp các bên chia sẻ cái nhìn tổng quát về quy hoạch và kế hoạch hoạt động tại vùng ĐBSCL, từ đó nhìn ra cơ hội, thách thức, ưu tiên và trọng tâm chương trình hoạt động vùng của các bên liên quan.

Khó khăn kết nối mạng lưới

Một trong những nút thắt song cũng là đòn bẩy trong phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững tại vùng ĐBSCL là logistics cho nông sản. ĐBSCL là trung tâm nông nghiệp lớn, với định hướng phát triển sản xuất lúa gạo, trái cây và chăn nuôi thủy sản hàng đầu cả nước là lý do khiến cho hoạt động logistic được quan tâm và cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Theo bà Nguyễn Quỳnh Vân, đại diện Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương (Bộ Công thương), vùng ĐBSCL nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả nước với nhiều quyết định và nghị quyết ra đời nhằm thúc đẩy hoạt động logistics tại khu vực, trong đó phải kể đến kế hoạch xây dựng Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ, được kỳ vọng trở thành trung tâm logistics của mảnh đất “chín rồng”.

IMG_1049

Toàn cảnh Đối thoại bàn tròn “Hợp lực để chuyển đổi bền vững vùng Đồng bằng Sông Cửu Long”.

“Hiện nay và trong tương lai, quy mô trị trường dịch vụ logistics sản xuất nông sản tại ĐBSCL sẽ rất lớn, một phần do nhu cầu trong nước và quốc tế đối với các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng ngày càng cao cả về chất lượng và số lượng. Điều này giúp thu hút các doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển hoạt động này tại khu vực”, bà Vân nhận định.

Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn, thách thức đặt ra như thiếu chiến lược kết nối mạng lưới logistic trong vùng cả về hạ tầng giao thông và dịch vụ giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản hiệu quả và tuần hoàn hơn; cơ chế phối hợp giữa các địa phương trong vùng chưa rõ ràng; hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu của quy mô sản xuất, hệ thống cảng nhỏ lẻ, năng lực thấp; hạ tầng dịch vụ logistic yếu, chưa hoàn chỉnh, thiếu trung tâm logistic trọng điểm và vệ tinh; thiếu đơn vị chiếu xạ đạt chuẩn, chuỗi logistic lạnh cho sản xuất trái cây khiến chất lượng nông sản sau thu hoạch bị ảnh hưởng, gây thất thoát lớn…

Bên cạnh đó, doanh nghiệp logistic tại vùng ĐBSCL chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, ứng dụng công nghệ thấp với số lượng hạn chế (chỉ chiếm 4 - 5% tổng số lượng doanh nghiệp logistic trên cả nước) trong khi thị trường nội địa và quốc tế đang chuyển dịch với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, an toàn thức phẩm, truy xuất nguồn gốc. Như vậy, hoạt động logistic cần thay đổi nhằm bảo quản chất lượng cũng như tăng giá trị gia tăng của nông sản.

Với những thuận lợi và thách thức kể trên, bà Vân đưa ra các đề xuất như mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp của nông dân và doanh nghiệp trong vùng, tạo đà cho sự phát triển logistic; tạo cơ chế, chính sách thu hút đầu tư logistic nông sản từ ngoài vùng; nâng cao đầu tư hạ tầng giao thông vận tải theo hướng vận tải đa phương thức, trong đó kết nối hệ thống đường bộ với mạng lưới thủy nội địa, mở rộng tuyết đường sắt xuống vùng kinh tế sôi động như Đông Nam bộ, đường hàng không; đầu tư hạ tầng logistic nông sản trong đó hoàn thiện mạng lưới trung tâm logistic vùng, bảo đảm hệ thống kho bãi hiệu quả, tăng đầu tư logisitic lạnh cho trái cây…

Tăng cường hợp tác logistic nhằm xây dựng ĐBSCL bền vững

Vấn đề logistic được lãnh đạo Bộ NN-PTNT quan tâm và chỉ đạo sát sao trong việc thúc đẩy tại vùng ĐBSCL.

Theo Thứ trưởng NN-PTNT Trần Thanh Nam, đứng trước các cơ hội và thách thức, Bộ đã thống nhất quan điểm chỉ đạo, cùng với các địa phương, các đối tác phát triển tập trung triển khai đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng, trên cơ sở phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, phát triển các sản phẩm chủ lực như lúa gạo, trái cây, thủy sản có giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng cao; kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến trên nguyên tắc sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả trong liên kết vùng.

tiem-nang-lon-cua-nganh-logistics-155236_20200520_438

Mở rộng đầu tư hạ tầng giao thông vận tải theo hướng vận tải đa phương thức là một trong những đề xuất thúc đẩy hoạt động logistic tại vùng ĐBSCL. Ảnh: Minh Đảm. 

Ngành nông nghiệp ĐBSCL khuyến khích thúc đẩy phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu của chuỗi sản xuất. Phát triển các trung tâm cơ giới hóa vùng theo hướng xã hội hóa, là nơi chuyển giao, cung ứng máy, thiết bị, tập trung phát triển các ý tưởng, thiết kế, sáng tạo khởi nghiệp về cơ khí, công nghệ cơ giới hóa và cung ứng dịch vụ cơ giới hóa cho nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh, cần phát triển các trung tâm logistics, trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, dịch vụ tiêu thụ nông sản của cả vùng và cả nước như Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ; Trung tâm Liên kết về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo vùng sinh thái nước ngọt tại An Giang, Đồng Tháp; Trung tâm Liên kết về thủy sản khu vực ven biển ở Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng; Trung tâm Liên kết về trái cây, rau màu ở Tiền Giang, Bến Tre.

Tại buổi đối thoại, Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar nhắc lại Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 được công bố hồi tháng 6/2022. Đây là kế hoạch dài hơi yêu cầu một hướng tiếp cận mang tính tích hợp, liên ngành nhằm hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp giá trị cao và bền vững thông qua việc phát triển các trung tâm kinh doanh nông nghiệp, trung tâm chế biến cũng như cải thiện hạ tầng giao thông và logistics. “Nếu thực hiện hướng tiếp cận này, Việt Nam có thể “mở khóa”, hay nói cách khác là tận dụng được tiềm năng tối đa của vùng đồng bằng sông Cửu Long”, ông Baar cho biết.

Ông khẳng định rằng chính phủ Hà Lan vẫn duy trì những cam kết mạnh mẽ trong việc hợp tác với Chính phủ Việt Nam, cùng với sự tham gia của khu vực tư nhân, các tổ chức khoa học, tạo điều kiện cho vùng ĐBSCL có một tương lai vững mạnh về mặt kinh tế và về mặt sinh thái. Trong đó, hai bên sẽ hợp tác chặt chẽ để phát triển nông nghiệp bền vững; phát triển giao thông, logistics cũng như các trung tâm kinh doanh nông nghiệp; công tác quản lý nguồn nước trong đó có vấn đề cải thiện chất lượng tài nguyên nước…

Để làm được việc này, theo ông Kees van Baar, cùng với quy hoạch tổng thể đồng bằng sông Cửu Long, những quy hoạch tích hợp sẽ là cơ sở nền tảng vững chắc để khuyến khích hơn nữa sự tham gia của khối tư nhân cũng như sự hợp tác công - tư, hợp lực để chuyển đổi nông nghiệp bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng bằng Sông Cửu Long là vùng rộng lớn, chiếm 12% diện tích, 19% dân số của cả nước với nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp. ĐBSCL hiện là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, đóng góp vào 32% GDP toàn ngành nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nông sản. 

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai nữ sinh tử vong do đuối nước

2 nữ sinh không may bị trượt chân ngã xuống hồ, đuối nước. Do khu vực hồ nước xa khu dân cư nên khi người dân phát hiện 2 em đã tử vong.

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...