| Hotline: 0983.970.780

Nước tràn đê, 2.000 người sơ tán trong đêm

Thứ Tư 11/09/2024 , 14:20 (GMT+7)

BẮC GIANG Tối 10/9, nước tràn qua đê khu vực thôn Đa Hội, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) khiến toàn bộ thôn bị ngập. Ngay trong đêm, gần 2.000 người đã được sơ tán.

Bên kia sông Cầu, tỉnh Bắc Giang ngập trong biển nước. Ảnh: Nguyễn Vân.

Bên kia sông Cầu, tỉnh Bắc Giang ngập trong biển nước. Ảnh: Nguyễn Vân.

Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cửu nạn tỉnh Bắc Giang cho biết, nhiều tuyến đê như tại xã Đồng Việt (huyện Yên Dũng); thị trấn Bố Hạ (huyện Yên Thế)... đã nằm sát mực nước sông.

Trước đó, tối 10/9, nước đã tràn qua đê ở khu vực thôn Đa Hội, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, khiến toàn bộ thôn bị ngập. 

Ngay trong đêm, khoảng 500 hộ dân, với gần 2.000 người đã được sơ tán sau khi nước ngập nhiều nóc nhà. Hiện các hộ đã đến nơi an toàn.

Công an huyện Hiệp Hòa cũng phối hợp cắm cọc, đặt biển cảnh báo nguy hiểm và hướng dẫn người dân lưu thông qua các vùng bị ngập, lụt; ủng hộ, cấp phát 140 áo phao cứu sinh cho các hộ dân ven sông cùng tham gia phòng, chống lũ lụt.

Nước tràn qua đê vào xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa. Ảnh: Trần Thảo.

Nước tràn qua đê vào xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa. Ảnh: Trần Thảo.

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cửu nạn tỉnh thông tin thêm, 2 huyện Hiệp Hòa và Yên Dũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng nhất do nước sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam liên tục dâng cao.

Một số nguy cơ đe dọa mất an toàn đã xuất hiện, như đê bối Trí Yên có hiện tượng rò rỉ nước đoạn cống qua đê, đê tả Thương có mạch sủi phía sông, đê hữu Thương Ba Tổng xuất hiện hố sụt lún hàm ếch, đê bối Tân Liễu xuất hiện mạch sủi tại chân đê phía đồng...

Cùng với các lực lượng chức năng, người dân đang không quản ngại mưa lũ phối hợp gia cố đê bằng bao tải dứa.

Tại huyện Lục Ngạn, nơi đặt Sở chỉ huy tiền phương về phòng chống thiên tai của tỉnh, nước bắt đầu rút. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở xuất hiện tại Quốc lộ 31, đoạn qua xã Biển Động.

Nước vẫn còn ngập sâu tại xã Vân Hà, thị xã Việt Yên. Ảnh: Lệ Trần.

Nước vẫn còn ngập sâu tại xã Vân Hà, thị xã Việt Yên. Ảnh: Lệ Trần.

Tính đến 9h ngày 11/9, mực nước sông Cầu tại Đáp Cầu là 7,27m (trên báo động III là 0,97m); sông Thương tại Phủ Lạng Thương là 7,13m (trên báo động III là 0,83m), tại Cầu Sơn là 15,99m (dưới báo động III là 0,01m); sông Lục Nam tại Chũ là 7,11m (dưới báo động I là 3,89m), tại Lục Nam là 6,08m (dưới báo động III là 0,22m).

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cửu nạn tỉnh khẳng định, hệ thống các tuyến đê cấp II, III và IV trên địa bàn vẫn an toàn. Một số tuyến đê cấp V (đê bối, bờ bao bờ vùng...) bị tràn qua mặt đê gây ngập, ảnh hưởng đến một số xã, thị trấn thuộc huyện Lục Nam, Hiệp Hòa và Yên Thế.

Tính đến sáng 11/9, Bắc Giang có 2 người chết vì mưa lũ, 11 nhà bị đổ sập, hơn 3.200 nhà bị tốc mái, thiệt hại (chủ yếu thuộc 2 huyện miền núi là Sơn Động và Lục Ngạn). Khoảng 2.800 hộ gia đình phải di dời, tập trung chính tại Lục Ngạn.

Theo Sở NN-PTNT Bắc Giang, khoảng 18.000ha lúa bị ngập, ngã đổ, nhiều nhất tại huyện Hiệp Hòa (hơn 4.700ha), huyện Lục Nam (hơn 3.500ha), thị xã Việt Yên (gần 2.600ha), huyện Tân Yên (hơn 2.000ha).

Hơn 37.000ha rừng sản xuất bị gãy đổ, hơn 360ha cây trồng lâu năm bị thiệt hại. Ngoài ra, hơn 32.000 gia cầm chết hoặc bị cuốn trôi, nhiều nhất là huyện Lục Nam (hơn 30.000 con). Gần 20 cột điện trung thế và khoảng 500 cột hạ thế bị đổ, gãy.

Cả tỉnh có khoảng 100 điểm bị sạt lở, ách tắc với tổng chiều dài hơn 5m, hơn 20km đường bị ngập.

Người dân xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng tập trung gia cố đê. Ảnh: Vân Hương.

Người dân xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng tập trung gia cố đê. Ảnh: Vân Hương.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần tăng cường tuần tra, kiểm tra xử lý nhanh, kịp thời các sự cố về đê điều, thực hiện các biện pháp kỹ thuật để gia cố đê bối, giảm áp lực cho đê chính.

Ông Dương cũng chỉ đạo các đơn vị khẩn trương khôi phục hoàn toàn lưới điện, viễn thông, nước sạch để phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tập trung tu sửa trường học, công sở; xử lý vệ sinh môi trường theo hướng nước rút đến đâu xử lý vệ sinh môi trường đến đó, không để dịch bệnh xảy ra, không để người dân sống trong môi trường ô nhiễm.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn tỉnh dự kiến nước từ thượng nguồn chảy về sông Thương đang đạt đỉnh lũ. Do đó, khu dân cư sống ở bãi sông lưu vực sông Thương cần có biện pháp cập nhật thông tin kịp thời nhằm đảm bảo đến nơi an toàn khi có sự cố xảy ra.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...