| Hotline: 0983.970.780

Nuôi biển - Cộng đồng phải thay đổi để thích ứng: [Bài 1] Hạ tầng nuôi thủy sản lồng bè quá tải

Thứ Hai 05/09/2022 , 07:44 (GMT+7)

Vấn đề hàng đầu hiện người nuôi thủy sản lồng bè đối mặt là chất lượng môi trường vùng nuôi ngày suy giảm, mật độ nuôi dày đặc làm hạn chế lưu thông dòng chảy.

Empty

Nuôi thủy sản lồng bè ở Nam Trung bộ đang đối mặt khi môi trường vùng nuôi ngày càng suy giảm do mật nuôi dày đặc. Ảnh: VĐT.

LTS: Nuôi thủy sản bằng lồng bè ở miền Trung nói chung, khu vực Nam Trung bộ nói riêng đang đứng trước nhiều thách thức về vấn đề về môi trường, công nghệ nuôi và hệ thống lồng bè chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, dịch bệnh phát sinh trên các đối tượng thủy sản nuôi…

Loạt bài này sẽ mổ xẻ từng vấn đề, hướng đến các giải pháp nhằm giúp cộng động nuôi trồng thủy sản có cái nhìn toàn diện, sâu rộng để phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững.

Empty

Lồng bè nuôi trồng thủy sản ở thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, tỉnh Khánh Hòa nằm san sát nhau. Ảnh: KS.

Nuôi thủy sản lồng bè dày đặc trên đầm, vịnh

Chúng tôi ra vùng nuôi trồng thủy sản lồng bè ở thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Trước mắt chúng tôi là các bè nuôi tôm, nuôi cá nằm san sát nhau, rất chật chội.

Theo một số ngư dân, môi trường tại các vùng nuôi ngày càng suy thoái. Một phần, lồng bè nuôi thả tôm, thả cá ngày càng mở rộng làm cản trở lưu thông nguồn nước, một phần nữa do ý thức bảo vệ môi trường của người nuôi còn kém.

Chất thải như xác tôm, cá, thức ăn dư thừa...không được xử lý nên gây ô nhiễm nguồn nước. Trong khi đó, môi trường nước rất quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định sự thành bại trong nuôi tôm.

Anh Phạm Thành Thái, một người nuôi tôm ở thôn Đầm Môn cho biết, trong quá trình nuôi có người thu gom xác tôm, cá, thức ăn dư thừa đưa vào vào bờ xử lý. Ngược lại, cũng có người không thu gom, bỏ ngay tại vùng nuôi nên ảnh hưởng môi trường chung vùng nuôi. Cùng với đó, mật độ lồng bè nuôi của người dân đã mở rộng rất nhiều so với trước đây.

Empty

Anh Phạm Thành Thái, một người nuôi thủy sản bằng lồng bè ở thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh cho biết, trước đây lồng bè nuôi trên địa bàn ít, nay ngày càng nhiều. Ảnh: KS.

Không chỉ vùng nuôi Đầm Môn, ở các vùng nuôi khác trên địa bàn huyện Vạn Ninh cũng trong tình trạng quá tải. Theo Quyết định số 1788 (năm 2018) của UBND tỉnh Khánh Hòa về phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035, toàn huyện Vạn Ninh có 6 vùng nuôi, với tổng diện tích 500ha mặt nước, chỉ bố trí khoảng 12.500 lồng nuôi. Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc Luyện, Phó phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, hiện toàn huyện có đến gần 39.000 lồng, với hơn 1.240 hộ nuôi trồng thủy sản. 

Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, thời gian qua lồng bè tăng mạnh do người nuôi tự phát mở rộng, chứ theo quy định diện tích thả nuôi có hạn. Việc phát triển lồng bè thả nuôi dày đặc làm cản trở lưu thông dòng chảy. Trong quá trình nuôi lại cho thức ăn tươi, lồng bè không được vệ sinh thường xuyên từ đó khiến môi trường ngày càng xấu đi, dễ xảy ra dịch bệnh, tôm cá bị chết do thiếu oxy. “Thời gian đây có nhiều lồng bè tôm, cá bị bệnh, chết do thiếu oxy vào lúc gần sáng gây thất thoát, thiệt hại cho người nuôi”, ông Én nói.

Theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, kết quả quan trắc giám sát môi trường tại các vùng nuôi tôm nước lợ và nuôi tôm hùm tập trung tại các tỉnh Nam Trung bộ giai đoạn 2015-2021 cho thấy, thời kỳ từ tháng 4-6 hàng năm thường xuất hiện thời tiết nắng nóng kéo dài, xen kẽ những cơn mưa trái mùa gây biến động lớn đến môi trường.

Empty

Người nuôi đều nhận thấy môi trường nước tại vùng nuôi ngày càng suy giảm. Ảnh: VĐT.

Từ đầm Cù Mông đến vịnh Xuân Đài đều “nghẹt thở”

Theo chiếc tàu được làm bằng chất liệu composite dùng để phục vụ cho việc nuôi tôm hùm của Lê Thanh Hải ở xã Xuân Thịnh (thị xã Sông Cầu, Phú Yên) chúng tôi đi ra vùng nuôi đầm Cù Mông.

Ra đến vùng nuôi, chúng tôi bỗng thấy hoa mắt bởi những ống nhựa gắn vào mỗi lồng nuôi để dẫn thức ăn cho tôm hùm nằm dày đặc và những chiếc thùng nhựa làm nhiệm vụ là những chiếc phao làm nổi những lồng nuôi nằm chi chít khắp mặt nước.

Trên vịnh Xuân Đài tình trạng này cũng tương tự Đầm Cù Mông, lồng nuôi nằm dày đặc kín cả mặt nước mênh mông.

Theo anh Nguyễn Văn Vững, người nuôi tôm hùm ở khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên (thị xã Sông Cầu, Phú Yên), hồi xưa, lồng nuôi tôm trên vịnh Xuân Đài nằm sâu sát đáy biển, bởi khi ấy chất lượng nguồn nước nuôi chưa bị suy thoái, lúc ấy mật độ nuôi còn thưa nên dù ở sát đáy biển tôm vẫn phát triển bình thường. Bây giờ lồng nuôi chỉ cách nhau khoảng 3-4m, được cho nổi chỉ còn cách mặt nước khoảng 2m để né bớt ô nhiễm, nếu nuôi tôm sát đáy biển như trước đây tôm sẽ bị thiếu ô xy dẫn đến tử vong, thế nhưng lũ tôm vẫn không thể thoát nạn, cứ bị chết do thay đổi của nguồn nước nuôi.

“Ngày nào người nuôi tôm cũng phải dùng bình hơi để ngâm mình dưới biển suốt 2-3 tiếng đồng hồ để làm vệ sinh lồng nuôi. Người nuôi phải bơi vào từng lồng để làm vệ sinh thức ăn thừa của ngày hôm trước. Trong quá trình làm vệ sinh lồng, người nuôi quan sát lũ tôm ăn để phát hiện có con nào có biểu hiện bị bệnh không. Nếu phát hiện con tôm nào bị bệnh thì bắt ra cho vào lồng khác để theo dõi, chăm sóc, cũng là để tránh lây lan cho lũ tôm trong lồng. Sau khi làm vệ sinh lồng, người nuôi quay trở lại bè và bắt đầu cho thức ăn vào các ống nhựa dẫn xuống lồng cho tôm ăn. Mỗi ngày cho tôm hùm ăn 1 lần vào buổi sáng”, anh Nguyễn Văn Vững chia sẻ.

Những con số của ngành chức năng cho thấy chuyện nuôi tôm hùm ở tỉnh này “vượt rào” đáng quan ngại. Phú Yên chỉ quy hoạch các vùng nuôi tôm hùm chỉ được nuôi 49.000 lồng. Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất của các địa phương, đến nay, trên địa bàn tỉnh này số lồng nuôi đã lên đến gần 100.000 lồng, trong đó tập trung chủ yếu ở vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu) khoảng 79.590 lồng, cao gấp 2,4 lần so với quy hoạch.

anh Nguyễn Văn Vũng ở phường Xuân Yên thị xã Sông Cầu chuẩn bị xay ốc cho tôm ăn

Anh Nguyễn Văn Vững ở phường Xuân Yên thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên chuẩn bị xay ốc cho tôm ăn. Ảnh: VĐT.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, về nguyên nhân làm môi trường xấu đi là quá trình dài hơn 30 năm phát triển nuôi trồng thủy sản. Mặc dù tỉnh có quy hoạch nuôi trồng thủy sản kể cả vùng đầm phá, vịnh, cửa sông, hạ lưu và kể cả ven biển gần bờ.

Tuy nhiên, quy hoạch lại không được các địa phương, các Sở, ngành liên quan quản lý chặt chẽ, dẫn đến nhiều đối tượng phát sinh ngoài quy hoạch, cũng như nuôi quá quy định quy hoạch mật độ nuôi từng vùng cụ thể. Đa số hộ nuôi cá thể không tuân thủ về quản lý môi trường, cứ nuôi xong xả thải ra, không thu gom thức ăn thừa, túi nilon nên dẫn đến môi trường nuôi ngày càng bị ô nhiễm.

Để cảnh báo môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản, hàng năm ngoài kế hoạch giám sát môi trường của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III thực hiện, Sở NN-PTNT Phú Yên cũng tham mưu tỉnh phê duyệt kế hoạch giám sát dịch bệnh và quan trắc môi trường trước. Khi có kết quả đánh giá môi trường nước cơ quan chức năng sẽ điện thoại, nhắn tin đến cơ sở hay thông báo đến người nuôi, tổ cộng đồng, xã phường và các cơ quan chuyên ngành biết. Từ đó hướng dẫn người nuôi chủ động quản lý đối tượng nuôi của mình tránh ảnh hưởng biến động môi trường gây thiệt hại.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên: “Theo tính toán của các nhà khoa học, sức tải môi trường trong vịnh Xuân Đài chỉ đảm bảo mật độ nuôi khoảng 20.000. Tuy nhiên, hiện tại với số lồng nuôi đã gấp hơn 2 lần thì nuôi trồng thuỷ sản khó phát triển bền vững”.

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.