| Hotline: 0983.970.780

Nuôi biển, vì nguồn sống xanh cho thế hệ mai sau

Thứ Hai 25/03/2024 , 18:07 (GMT+7)

Với thông điệp 'Nuôi biển, vì nguồn sống xanh cho thế hệ mai sau', Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh sẽ diễn ra tại Hạ Long từ 31/3 - 1/4 tới.

Họp báo Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh diễn ra chiều 25/3 tại Bộ NN-PTNT. Ảnh: Tùng Đinh.

Họp báo Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh diễn ra chiều 25/3 tại Bộ NN-PTNT. Ảnh: Tùng Đinh.

Chiều 25/3, Bộ NN-PTNT tổ chức Họp báo Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh với chủ đề “Nuôi biển, vì nguồn sống xanh cho thế hệ mai sau”.

Đồng chủ trì họp báo có ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT); ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam; ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh.

Quy mô tầm cỡ

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, khẳng định: “Có thể nói, đây là một trong những hội nghị quy mô và tầm cỡ nhất về nuôi biển từ trước tới nay tại Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng sẽ trở thành sự kiện thường niên, cầu nối thu hút được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước quan tâm, đầu tư hệ thống hạ tầng logistics phục vụ nuôi biển công nghiệp trong thời gian tới”.

Với thông điệp của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan: "Nuôi biển, vì nguồn sống xanh cho thế hệ mai sau", Ban Tổ chức Hội nghị mong muốn các cơ quan báo chí, truyền thông cùng lan tỏa ý nghĩa của Hội nghị, qua đó khẳng định cam kết, vai trò của Việt Nam với quốc tế trong việc gìn giữ hệ sinh thái biển, đảm bảo hài hòa sinh kế của người dân.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, Việt Nam là quốc gia được thiên nhiên ưu đãi nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế biển và nuôi biển đã được Chính phủ, Bộ NN-PTNT xác định là một trong những mũi nhọn ưu tiên và đã được cụ thể hóa bằng Quyết định 1664 ngày 4/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tuy nhiên, lãnh đạo Báo Nông nghiệp Việt Nam, phát triển nuôi biển tại nước ta còn gặp nhiều hạn chế về cơ chế chính sách; khoa học công nghệ; liên kết sản xuất; nguồn lực đầu tư và vấn đề cấp mã số vùng nuôi phục vụ phát triển nuôi biển bền vững.

“Với mong muốn có cách nhìn toàn diện hơn về nuôi biển, từ tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức và tìm kiếm giải pháp, Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh mong muốn là cầu nối để các bên liên quan cùng nhau đánh giá, nhìn nhận thực trạng tổng quan nuôi biển tại Việt Nam, mục tiêu cao nhất là góp phần phát triển ngành hàng nuôi biển bền vững”, ông Nguyễn Ngọc Thạch chia sẻ với báo giới.

Quảng Ninh là địa phương có nhiều tiềm năng, dư địa cho phát triển nuôi biển. Ảnh: Kiên Trung.

Quảng Ninh là địa phương có nhiều tiềm năng, dư địa cho phát triển nuôi biển. Ảnh: Kiên Trung.

Các trọng tâm phát triển nuôi biển của Quảng Ninh

Nói về các tiềm năng và hướng đi cho nuôi biển của địa phương, ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh khẳng định, Quảng Ninh là một trong những địa phương sở hữu nhiều thế mạnh sẵn có để phát triển kinh tế biển và thủy sản với hơn 2.000 đảo lớn nhỏ, bờ biển dài 250km chạy dài từ Móng Cái đến Quảng Yên, 40.000ha bãi triều, trên 20.000ha eo, vịnh…

Năm 2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt gần 42.300ha; trong đó: nuôi nội địa đạt gần 32.100ha, nuôi biển đạt 10.200ha. Tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 175.000 tấn, trong đó khai thác thủy sản đạt hơn 81.600 tấn, nuôi trồng thủy sản đạt hơn 93.700 tấn. Giá trị sản xuất đạt hơn 6.900 triệu đồng, giá trị tăng thêm đạt hơn 3.900 triệu đồng chiếm gần 50% giá trị ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh nuôi biển, tỉnh Quảng Ninh tập trung sẽ tập trung Ban hành Đề án phát triển bền vững nuôi biển; Hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn về nuôi biển; Đầu tư, đồng bộ hạ tầng nuôi biển; Chính sách khuyến khích, vận động, hỗ trợ các hộ dân để chuyển đổi sang nuôi biển quy mô lớn và áp dụng khoa học kỹ thuật cao.

Ngoài ra, tổ chức giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân có khả năng để khai thác nguồn lợi từ biển; Tăng cường năng lực cho công tác quản lý và đào tạo nhân lực có tay nghề; Phát triển nuôi biển gắn với các ngành kinh tế khác như du lịch để phát huy và khai thác đa giá trị; Thu hút các nhà đầu tư lớn dẫn dắt chuỗi giá trị của ngành hàng thủy sản.

Về hội nghị sắp tới, người đứng đầu ngành nông nghiệp Quảng Ninh nhấn mạnh, sự kiện nhằm thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 1664 về nuôi biển trên địa bàn tỉnh; nhận diện tình hình nuôi biển trên thế giới và trong nước hiện nay; triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch nuôi biển và các thủ tục đánh giá tác động môi trường, cấp phép, giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh trong thời gian tới.

Những thuyền thu hàu nuôi quy mô lớn trên Vịnh Bái Tử Long. Ảnh: Tùng Đinh.

Những thuyền thu hàu nuôi quy mô lớn trên Vịnh Bái Tử Long. Ảnh: Tùng Đinh.

Đây cũng là cơ hội để Quảng Ninh giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, hiện đại, đa giá trị; đồng thời tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tổ chức phát triển bền vững nuôi biển tỉnh trong những năm tới.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng công bố khu vực biển để thu hút đầu tư nuôi biển và ký cam kết MOU hợp tác phát triển nuôi biển với một số nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế. Nhận diện được những tồn tại, vướng mắc trong thủ tục pháp lý của nhà nước trong việc triển khai nuôi trồng thủy sản trên biển, bàn giải pháp tháo gỡ.

Nhu cầu bảo hiểm cho nuôi biển

Trả lời về chính sách bảo hiểm cho ngành nuôi biển, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, hiện nước ta đã có thí điểm bảo hiểm tôm và cá tra. Về lâu dài, đây sẽ là nền tảng để Bộ NN-PTNT và các Bộ, ngành liên quan tạo điều kiện để doanh nghiệp nuôi biển đăng ký các gói bảo hiểm phù hợp.

Cục trưởng Trần Đình Luân mong muốn Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đóng góp, phối hợp phát triển các quy chuẩn và tiêu chuẩn về lồng bè nuôi, làm cơ sở cho việc thiết lập cơ chế và chính sách bảo hiểm phù hợp. Ông lưu ý rằng việc này cần được thực hiện ngay lập tức vì ngành nuôi biển có thể được coi là một loại đầu tư mạo hiểm với rủi ro cao.

Trao đổi, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng nêu ví dụ về tiếp cận của Na Uy cho ngành nuôi biển. Ông Dũng nói: “Tại Na Uy, doanh nghiệp phải đấu thầu khu vực nuôi biển và thậm chí phải đưa biển vào thế chấp tài chính để nuôi biển. Như vậy, có lẽ Việt Nam cần xem xét độ phù hợp của tiếp cận này, qua đó tạo môi trường phát triển cho ngành nuôi biển”.

Ông Dũng cho rằng, kết nối các đơn vị trong chuỗi ngành hàng nuôi biển sẽ chặt chẽ hơn nếu biển trở thành tài sản của cộng đồng ngư dân ven biển hoặc doanh nghiệp.

Tích hợp đa giá trị

Trả lời về việc phân vùng nuôi biển và giao cho các doanh nghiệp quản lý, ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh khẳng định, mục tiêu cao nhất của địa phương này là phát triển bền vững ngành nuôi biển.

Ông Sơn nhấn mạnh, mục tiêu của Quảng Ninh là thu hút đầu tư và tạo ra sản phẩm mới cho du lịch biển, tận dụng tài nguyên phong phú mà tỉnh sở hữu. Quảng Ninh đã xác định lợi thế của tỉnh trong phát triển ngành nuôi biển, với chủ trương tránh mâu thuẫn với ngành du lịch mà thay vào đó tạo ra giá trị gia tăng.

Trong khi đó, ông Trần Đình Luân cho rằng, Quảng Ninh là địa phương có quy hoạch nghề nuôi biển theo hướng mang lại đời sống tốt hơn cho người nông dân và bảo vệ vùng biển xanh, phát triển nghề cá.

Do đó, hội nghị là cơ hội để các bên tham gia học hỏi kinh nghiệm, công nghệ nuôi biển mới từ các doanh nghiệp và các tổ chức quốc quốc tế. Từ đó, có những suy nghĩ, hướng tiếp cận mới để định hướng và chỉ đạo sản xuất.

Ông Luân cho rằng không gian phát triển nuôi nuôi trồng thủy sản không nên bị bó hẹp bởi những quy hoạch “đã tô đậm” mà cần vượt ra ranh giới, tích hợp cùng với các ngành kinh tế khác như du lịch. Bên cạnh đó, nghề nuôi biển cũng hướng tới các hoạt động giảm phát thải, tăng trưởng xanh, theo cam kết của Việt Nam trên trường quốc tế.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất