| Hotline: 0983.970.780

Nuôi cá bống tượng ở Bạc Liêu

Thứ Năm 15/11/2012 , 13:17 (GMT+7)

Nuôi cá bống tượng là mô hình đem lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân Bạc Liêu; đang phát triển mạnh ở các huyện Giá Rai, Phước Long, Hồng Dân...

Nuôi cá bống tượng là mô hình đem lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân Bạc Liêu; đang phát triển mạnh ở các huyện Giá Rai, Phước Long, Hồng Dân... KS Trần Thanh Hải, Phó trạm trưởng Trạm KN-KN huyện Phước Long giới thiệu cùng bà con nông dân một số kinh nghiệm cơ bản trong việc nuôi loại cá này.

1. Công việc chuẩn bị:

Thiết kế ao nuôi:

+ Diện tích: 100 - 500 m2.

+ Ao có dạng hình chữ nhật, chiều dài gấp 1,5 - 3 lần chiều ngang.

+ Độ sâu của ao từ 1,2 - 1,6 m.

+ Thiết kế đáy ao có chỗ cạn và chỗ sâu giúp quá trình hoạt động của cá tiện lợi.

Cải tạo ao:

+ Trước khi thả cá, ao phải được tát cạn, tẩy dọn sạch sẽ, vét hết bùn đáy, lấp và trám hết các hang hốc, trang bằng đáy.

+ Bón vôi CaO (vôi đá) với liều lượng 7 - 10 kg/100 m2 (tùy theo vùng đất mà bà con sử dụng lượng vôi cho phù hợp), phơi đáy ao 3 - 5 ngày.

+ Lấy nước vào ao qua túi lọc (vải katê) để hạn chế các loại dịch hại như trùng mỏ neo, rận cá xâm nhập vào ao nuôi.

+ Diệt khuẩn bằng một số hoá chất như: BKC liều lượng 5 ml/m3 nước hoặc thuốc tím 5 - 7g/m3.

Chọn giống thả nuôi:

- Cá giống phải khỏe, đều cỡ, màu sắc bóng sáng, không bị xây xát, dị tật.

- Loại bỏ những con giống có dấu hiệu bệnh lý như lở loét, tuột nhớt, vây đuôi bị đứt, trên thân có những chấm đỏ.

- Trước khi thả vào ao, tắm cá giống bằng formalin 250 ppm hoặc dung dịch nước muối (NaCl) 3% trong 3 - 10 phút để loại bỏ một số loại ký sinh trùng như trùng mỏ neo, rận cá, trùng bánh xe, sán lá.


Nuôi cá bống tượng ở Bạc Liêu

Mật độ thả nuôi:

- Cá giống tự nhiên mật độ thả: 1 - 1,5 con/m2.

- Trọng lượng cá giống thả tốt nhất dao động từ 50 - 100 g/con:

+ Cá giống dưới 50 g thời gian nuôi dài, cá phân đàn lớn.

+ Cá giống lớn hơn 100 g tỉ lệ sống cao.

Quản lý thức ăn:

- Thức ăn chủ yếu cho cá bống tượng là động vật như tép, cá tạp, cua, ốc, trùng chỉ, trùn quế. Tùy điều kiện từng nơi, thức ăn có thể mua ở chợ hay tự thu gom từ tự nhiên, nhưng phải đảm bảo còn tươi và kích cỡ thức ăn cho cá ăn phải phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của cá nuôi.

- Khi cho cá ăn nên cho ăn ở nhiều chỗ, tránh tình trạng cá tranh ăn sẽ gây xây xát, tạo điều kiện cho mầm bệnh tấn công và cá lớn không đều.

- Làm sàn cho cá ăn để tiện quản lý lượng thức ăn và kiểm tra sức khỏe và sức tăng trọng của cá, theo khuyến cáo thì cứ 50 m2, bố trí 1 sàn ăn 1 m2.

- Lượng thức ăn cho ăn bằng 3 - 5% trọng lượng cơ thể cá (100 kg cá giống cần 3 - 5 kg thức ăn). Thông qua việc quan sát lượng thức trong sàn ăn ta có thể biết được lượng thức ăn thừa hay thiếu trong sàn để điều chỉnh lượng thức ăn mỗi ngày. Ngoài ra, có thể thả bổ sung một số loại thức ăn sống có kích thước nhỏ như tép trấu, cá bạc đầu, cá bảy màu, cá lòng tong vào ao nuôi làm thức ăn trực tiếp cho cá bống tượng.

- Ngày cho ăn một lần tốt nhất vào chiều mát.

- Thường xuyên trộn vitamin C nhằm tăng cường sức đề kháng cho cá khỏe mạnh và trộn men tiêu hóa vào thức ăn giúp cá tiêu hóa tốt thức ăn, cá mau lớn, rút ngắn thời gian nuôi.

Quản lý môi trường ao nuôi:

- Đặc điểm quan trọng đối với cá bống tượng là cá hoạt động chủ yếu về đêm, đồng thời cá nuôi rất nhạy cảm với sự tác động hay thay đổi của điều kiện môi trường, do vậy trong quá trình nuôi, cố gắng giữ môi trường ít biến động.

- Môi trường nuôi thích hợp với cá bống tượng: pH 7 - 8,5; độ mặn: 0 - 7‰; độ kiềm 80 - 150 ppm; nhiệt độ 26-32 độ C; mực nước ao nuôi phải luôn duy trì độ sâu từ 1,2 - 1,6 m.

- Để giữ môi trường nuôi luôn sạch và ổn định, từ tháng nuôi thứ 3 trở đi nên định kỳ 15 ngày thay nước một lần, mỗi lần khoảng 30% lượng nước trong ao nuôi (thay nước tầng đáy càng tốt). Sau khi thay nước một ngày, dùng hóa chất như virkon để xử lý nước, sau đó 5  -7 ngày sử dụng các chế phẩm sinh học, men vi sinh như EMC xử lý đáy ao để hạn chế bị ô nhiễm và môi trường ổn định.

- Phải thường xuyên theo dõi tình trạng sức khoẻ của cá thông qua việc quan sát bằng mắt và lượng thức ăn tiêu thụ hàng ngày. Khi cá có biểu hiện bệnh phải tiến hành điều trị ngay thì mới đạt hiệu quả cao.

2/ Một số bệnh thường gặp và cách phòng trị:

Bệnh đốm đỏ:

- Nguyên nhân và triệu chứng: Do vi trùng Pseudomonas hay Aeromonas gây ra.

- Dấu hiệu: Thân và vùng bụng bị xuất huyết, vảy dựng lên, các gốc vây xuất huyết và ứ nước vàng. Bụng cá trương to, chứa dịch và đỏ bầm. Ở một số cá bệnh mắt, hậu môn lồi ra, một số vây cá bị rách xơ xác dần dần bị rụng, bên trong thịt ứ máu và mủ. Cá lội lờ đờ, chậm chạp, ít ăn hoặc bỏ ăn.

- Cách phòng: Không nuôi mật độ quá dày, cho ăn đầy đủ về số lượng và chất lượng, môi trường ao nuôi luôn giữ ổn định và sạch sẽ. Định kỳ 15 ngày tạt vôi bột CaCO3 với lượng 4 kg/100 m3 (vôi hoà tan trong nước tạt đều khắp ao).

- Trị bệnh: Sử dụng kháng sinh sulphamid 4g/1 kg thức ăn và Vitamine C 4g/1kg thức ăn, thuốc được trộn vào thức ăn, cho ăn liên tục từ  5 - 7 ngày. Ngày thứ 3 có thể giảm lượng thuốc xuống một nửa.

Bệnh ngoại ký sinh:

- Nguyên nhân và triệu chứng: Bệnh do các sinh vật rất nhỏ bám vào mang, da của cá để hút máu hoặc chất dinh dưỡng gây nên những vết thương, xuất huyết. Khi bị bệnh màu sắc cá trở nên nhợt nhạt, cá thích tập trung ở nơi có đường nước chảy. Bệnh xuất hiện khi mật độ nuôi dầy, điều kiện vệ sinh kém, mưa kéo dài, thời tiết lạnh.

- Phòng bệnh: Thả nuôi mật độ vừa phải, tránh để ao bị ô nhiễm. Khi lấy nước vào ao nuôi phải qua túi lọc để hạn chế các loại ký sinh trùng như trùng mỏ neo, rận cá… xâm nhập vào ao nuôi. Khi lấy nước vào ao để khoảng từ 7 - 10 ngày để các loại trứng ký sinh nở thì ta tiến hành diệt tạp bằng hoá chất như đồng sunphat (CuSO4), liều dùng 0,5 g/1m3.

- Trị bệnh: Dùng thuốc trị bệnh ký sinh trùng như đồng sunphat (CuSO4), liều dùng 0,5 g/1m3. Sau 3 ngày thay 50% nước và xử lý lại lần nữa. Kết hợp với sử dụng kháng sinh Hadaclean với liều: 4g/kg thức ăn hoặc Vime - Clean với liều: 4g/kg thức ăn, cho ăn liên tục 5 - 7 ngày.

Bệnh lở loét (hội chứng lở loét):

- Nguyên nhân: Do nhiều nguyên nhân kết hợp như siêu vi (virus), vi khuẩn, nấm thuỷ mi, giáp xác ký sinh, môi trường nước quá dơ bẩn, nhiệt độ thay đổi.

- Triệu chứng: Cá ít ăn hoặc bỏ ăn, hoạt động lờ đờ, bơi nhô đầu lên mặt nước, da cá nhợt nhạt và xuất hiện các vết loét dần dần lan rộng có thể ăn sâu đến xương. Cơ quan nội tạng hầu như không bị thương tổn.

- Phòng bệnh: Luôn giữ môi trường sạch, định kỳ 15 ngày tạt vôi bột CaCO3 với liều 4 kg/100 m3 (vôi hoà tan trong nước tạt đều khắp ao) hoặc dùng các hoá chất diệt khuẩn như Virkon A, thuốc tím xử lý nước định kỳ 20 ngày/lần. Khi trong khu vực xảy ra dịch bệnh cần hạn chế thay nước hoặc khi thay nước phải được khử trùng trước khi đưa vào ao nuôi.

- Trị bệnh: Dùng thuốc tím với liều 5g/m3 kết hợp với muối ăn 0,3 kg/m3 tạt xuống ao để xử lý nước. Đồng thời dùng kháng sinh Sulphamix hoặc Vimerocin trộn vào thức ăn với liều 4g/kg thức ăn, cho ăn liên tục từ 5 - 7 ngày.

Bệnh mất nhớt:

- Nguyên nhân và triệu chứng bệnh: Dễ xuất hiện khi cá bị xây xát, bị sốc do đánh bắt vận chuyển hoặc do môi trường thay đổi đột ngột. Khi bị bệnh khắp da cá có một lớp nhớt dày bao phủ. Cá tách đàn, bơi lội yếu ớt. Cá kém ăn hoặc bỏ ăn. Trên thân từng vùng bị trắng. Bệnh nặng cá chết chìm xuống đáy ao.

- Phòng bệnh:

+ Khi vận chuyển cá không làm xây xát, không nên nuôi hoặc nhốt cá ở mật độ quá dầy.

+ Tránh các yếu tố gây sốc cho cá, định kỳ hoặc trước những cơn mưa to tạt vôi bột CaCO3 với liều 2 kg/100m3 và vi sinh vào ao nuôi để ổn định môi trường nước.

- Trị bệnh: Dùng Vime-Iodine với liều 1 ml/1m3 để khử trùng nguồn nước, đồng thời kết hợp trộn kháng sinh Vime-fenfish vào thức ăn với liều 3 ml/1kg thức ăn, cho ăn liên tục từ 5 - 7 ngày, hay trộn Osamet Fish liều lượng 5g/kg thức ăn.

Bệnh nấm thuỷ mi:

- Triệu chứng: Khi nấm mới ký sinh, mắt thường khó nhìn thấy, phần cuối của sợi nấm đâm sâu vào thịt cá, phần đầu sợi nấm lơ lửng trong nước. Khi bệnh phát triển nhiều trên thân cá xuất hiện những đám bông màu trắng. Cá có cảm giác ngứa ngáy, thân cá gầy, đen sẫm. Nấm ngày càng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập làm bệnh nặng thêm.

- Phòng bệnh: Tạo điều kiện sống thuận lợi cho cá, nhất là vào những lúc trời lạnh, giữ môi trường ao nuôi luôn sạch, không để cá bị suy dinh dưỡng (thiếu ăn), không nuôi mật độ quá dầy hoặc làm cá bị xây xát.

- Trị bệnh:  Dùng thuốc tím (KMnO4) tạt xuống ao liều 5g/m3 nước, đồng thời kết hợp trộn kháng sinh Vime-Clean liều lượng 5g/kg thức ăn, cho ăn liên tục từ 5 - 7 ngày.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Mùa vàng trên cánh đồng sạ cụm

QUẢNG BÌNH Mô hình gieo sạ lúa bằng máy tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hàm Hòa trong vụ đông xuân 2023 - 2024 với diện tích trên 10ha cho hiệu quả lớn…

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm