Trong khi nhiều loài cá cảnh nước ngọt có giá hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng thì với cá cảnh biển, giá rất mềm từ vài ngàn đến vài trăm ngàn đồng (ngoại trừ con Rồng Biển). Thế nhưng để thiết kế cho ra một bể CCB gọi là tạm được, người chơi phải chi ngót chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Và dù giá mỗi con CCB khá rẻ, nhưng chơi CCB vẫn là cuộc chơi công phu và tốn kém, thậm chí rất tốn kém.
Muốn cá khỏe hãy sắm máy lạnh
Ngoài những loại cá, người chơi CCB cần phải có thêm đủ các loại phụ liệu không thể thiếu của một thế giới biển thu nhỏ. Đó là: san hô sống, rong biển, đá sống (đá có rong), hải quỳ, cát sống, san hô chết cho bể lọc, vv. San hô được dùng theo tỷ lệ: 3,7 lít nước (1 galon) trên 1kg san hô. Giá san hô dao động từ 30 – 70 ngàn đồng/cành; hải quỳ tuỳ loại và màu sắc giá từ 30.000 – 60.000 đồng/con; cát sống giá 10.000 đồng/kg…
Để cá có thể sống, không thể thiếu hệ thống lọc sinh học chạy suốt 24/24 giờ. Ngoài tiền làm các loại bể nuôi, bể lọc tuỳ kích cỡ mà có giá gần 1 triệu đến vài chục triệu đồng thì bộ lọc tạo bọt (skimer) sẽ ngốn của gia chủ 2-3 triệu đồng. Đó là chưa kể phải có ít nhất 3 bóng đèn màu trắng, xanh, hồng (thường là 5 bóng) bật 10 – 14h/ngày nhằm tăng hiệu quả màu sắc cho các loại cá trong bể đồng thời đủ ánh sáng cho rong phát triển. Rồi còn cả thiết bị để đo độ pH, NO3, NO2, PO4, NH3, NH4, nhiệt độ nước…
Ở những địa phương có nhiệt độ khí hậu quá nóng hoặc quá lạnh theo mùa, nếu muốn cá luôn khoẻ mạnh phải chi thêm tiền mua lấy cái máy lạnh và máy sưởi để ổn định nhiệt độ nước từ 26 - 28oC. Giá của các thiết bị này không dễ chịu chút nào, từ 3 – 5 triệu đồng, bể lớn phải dùng đến vài cái.
Làm nô lệ cho cá
Ai mới mon men bắt tay vào “set up” (thiết kế) cho mình một bể CCB, dù đã bỏ ra nhiều tiền để trang bị đủ thứ thiết bị mà không học hỏi kinh nghiệm ngay từ đầu cũng sẽ “nốc ao” ngay khi chỉ trong tích tắc cả bể cá chết sạch. Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là do nước. Bể cá đã sẵn sàng rồi, nhưng chưa thể thả cá ngay được, phải để cho nước được lọc, xả hết khí độc và sinh rong tảo, vi sinh vật có lợi trong 2 tuần.
Ngoài ra, phải kiểm tra chất lượng nước 1 tháng/lần. Hàng ngày nước sẽ bốc hơi, làm cho độ mặn trong bể tăng lên nên lại phải thêm nước ngọt vào bể theo tỷ lệ thích hợp để trung hoà độ mặn, sao cho vừa đủ. Vài tuần lại phải vệ sinh toàn bể và thay 30% lượng nước trong bể bằng nước đã qua xử lý. Nhưng chỉ nước sạch thôi ư? Chưa đủ, cá vẫn có thể chết hàng loạt bởi đủ các loại bệnh: Kí sinh trùng, đốm đỏ, thối vây, nấm miệng, nhiễm trùng đường ruột, lở loét, sình bụng, trắng đuôi… và thậm chí cả viêm tai, mũi, họng (!).
Vì vậy nhất thiết trước khi thả cá phải tắm cho cá bằng đồng sunfat tránh các bệnh nấm ngoài da. Khi cá bị bệnh lại phải rành rẽ hàng chục loại thuốc để có thể điều trị (dù là vô cùng khó khăn). Một ngày cho cá ăn 2 lần và phải thường xuyên hút (xi-phông) các thức ăn thừa ra khỏi bể bảo đảm nước luôn sạch. Ngoài ra còn phải cho hải quỳ, san hô ăn bằng các chất bột dinh dưỡng, vv.
Mạnh tay chi tiền
Như đã đề cập, chơi CCB là cuộc chơi riêng dành cho người có đủ niềm đam mê, kiên nhẫn và siêng năng. Ai không có được những đức tính đáng kính trên mà vẫn mê chơi CCB thì phải có tiền hào phóng chi cho bể cá. Cần thuê người thiết kế bể cá đủ chuẩn; thuê người kiểm tra chất lượng nước trước khi thả cá; thuê người tắm cho cá; thuê người kiểm tra các loại nồng độ của nước mỗi tháng 1 lần; thuê người trị bệnh cá…
Giá dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho CCB cũng chẳng rẻ chút nào, ví như: Thay nước và vệ sinh bể cá 200.000 đồng/lần (bể dưới 500 lít), 500.000 đồng (bể 500 – 1.000 lít); chăm sóc và bảo dưỡng được tính theo tháng, từ 200.000 – 500.000 đồng/tháng (500 – 1.000 lít), những bể lớn sẽ tính riêng. Riêng chuyện chữa bệnh cho cá, trừ những người nuôi cá chuyên nghiệp, khó có ai chơi CCB mà có thể trị được các bệnh cho chúng. Vì vậy những “phi vụ” chữa bệnh cho những con cá hạng “quý tộc” gia chủ chỉ còn cách mở rộng hầu bao, chi đậm mời người tới chữa mới mong làm cho chú cá cưng khoẻ mạnh trở lại. Hiện nay ở Nha Trang các dịch vụ này đang giúp các ông chủ chuyên nuôi, kinh doanh CCB hái ra tiền.
Làm sao để phát triển nghề bền vững
Ông Nguyễn Văn Hai, một thợ lặn già đã giải nghệ ở Cầu Đá, Vĩnh Nguyên (Nha Trang) tỏ ra lo lắng với kiểu khai thác tận diệt của cánh thợ lặn ngày nay. Ngày trước, để bắt được cá, thợ lặn thường nhử cá về hang rồi dùng lưới vây bắt. Nhưng nay, nhu cầu tăng cao, họ dùng cả thuốc mê, thuốc tê để bắt cá. Con cá “dính” thuốc lao ra khỏi hang, ngất và họ chỉ có việc nhặt mang về. Họ đào bứng tận gốc các loại san hô, hải quỳ, rong, tảo... làm huỷ hoại nơi cư trú và thay đổi chu trình tuần hoàn trong tự nhiên. Theo các nhà khoa học Viện Hải dương học Nha Trang, trung bình mỗi ngày hơn 5.000 con CCB bị bắt, mỗi tháng gần 160.000 con CCB được đưa đi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang các nước Nga, Pháp, Mỹ, Châu Âu...
Vấn đề đặt ra là làm sao để vừa tận dụng hết tiềm năng kinh tế trong nuôi kinh doanh CCB vừa bảo đảm quản lý bền vững các hệ sinh thái biển. Sự ra đời của các Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, Rạn Trào (Vạn Ninh - Khánh Hòa) thời gian gần đây đã phần nào bảo vệ được các rạn san hô, ngôi nhà của các loài CCB. Hơn nữa, các đề tài nghiên cứu sinh sản nhân tạo các loài CCB, nhân nuôi san hô và các loài rong tảo biển quý của các nhà khoa học ở các Viện Hải dương học Nha Trang, Viện Nguyên cứu nuôi trồng thuỷ sản III đã thành công và đang được ứng dụng trong thực tiễn, dần chuyển giao công nghệ cho người nuôi, mở ra cơ hội phát triển cho nghề nuôi kinh doanh CCB ở các tỉnh ven biển miền Trung (hết).