| Hotline: 0983.970.780

Nuôi cua lột trong hộp nhựa: Tiềm năng còn rất lớn

Thứ Tư 24/07/2024 , 09:55 (GMT+7)

Sóc Trăng Không chỉ cải tiến phương thức nuôi cua biển, một trang trại ở TX Vĩnh Châu còn áp dụng cho cua lột trong hộp nhựa, cho giá trị kinh tế cao, cung không đủ cầu.

Trang trại ST Crab Farm, xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đang sở hữu khoảng 10.000 hộp nhựa, phát triển mô hình nuôi cua gạch, cua cốm, cua lột. Ảnh: Kim Anh.

Trang trại ST Crab Farm, xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đang sở hữu khoảng 10.000 hộp nhựa, phát triển mô hình nuôi cua gạch, cua cốm, cua lột. Ảnh: Kim Anh.

Nâng cao tỷ lệ sống, chất lượng và giá trị cua biển thương phẩm

Nhiều năm qua, mô hình nuôi cua phát triển khá ổn định tại các vùng ven biển hoặc những vùng có độ mặn thấp, ảnh hưởng lợ mặn những tháng mùa khô và ngọt vào mùa mưa như địa bàn nội đồng các huyện Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Trong đó, Vĩnh Châu là địa phương có diện tích nuôi cua biển lớn nhất tỉnh, với khoảng 700ha.

Tuy nhiên, hầu hết diện tích này đều nuôi theo phương pháp thả lan trong ao, với mật độ thưa, nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Mặt khác, việc nuôi cua biển từ con giống nhân tạo, sử dụng thức ăn công nghiệp, nuôi trong ao đất… đã bộc lộ hạn chế về tỷ lệ sống và dịch bệnh khi cua từ 2,5 - 3 tháng tuổi. Nguyên nhân chủ yếu do chất lượng nước xấu, biến động độ mặn.

Gần đây, một số trang trại đã tiến hành cải tiến phương pháp nuôi, nuôi cua trong hộp nhựa, góp phần nâng cao tỷ lệ sống, chất lượng và giá trị cua biển thương phẩm một cách rõ rệt.

Trang trại ST Crab Farm ở xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu đã đầu tư 10.000 hộp nhựa để phát triển mô hình nuôi cua gạch, cua cốm, nhất là cua lột. Anh Phan Thái Pháp, cán bộ kỹ thuật của trang trại cho biết, thịt cua lột có giá trị dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Trong khi đó, nguồn cung sản phẩm chưa dồi dào, do đó, tiềm năng phát triển mô hình nuôi cua lột trong hộp nhựa còn rất lớn.

Cua sau khi lột, đảm bảo còn sống, được đóng hộp ngay và bảo quản trong tủ đông để giữ chất lượng. Ảnh: Văn Vũ.

Cua sau khi lột, đảm bảo còn sống, được đóng hộp ngay và bảo quản trong tủ đông để giữ chất lượng. Ảnh: Văn Vũ.

Xét về hiệu quả kinh tế, hiện giá cua lột cao gấp 2-3 lần so với các loại cua thịt. Trung bình mỗi tháng, trang trại xuất bán khoảng 1 tấn cua lột, với giá bán dao động khoảng 600.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, mô hình cho lợi nhuận khá cao và ổn định từ 40-50%.

Để đảm bảo mô hình đạt hiệu quả tối ưu, trang trại ST Crab Farm còn thực hiện nuôi cua lột theo hình thức bán tuần hoàn. Với hình thức này, nguồn nước ngoài tự nhiên sẽ được cấp vào ao chứa, sau khi lắng lọc trong thời gian nhất định, tiếp tục được cấp sang ao xử lý và đưa vào ao tuần hoàn.

Từ đây, nguồn nước sẽ được cung cấp trực tiếp vào các hộp được dùng để nuôi cua. Ưu điểm của hình thức nuôi này là tận dụng được lợi thế từ nguồn nước có độ mặn cao ngoài tự nhiên. Các hộp nhựa chứa cua được đặt trực tiếp trên bờ nên việc chăm sóc, quản lý cũng thuận tiện hơn rất nhiều. Cua lột tự nhiên thay vì sử dụng phương pháp kích thích, nên chất lượng thịt luôn đảm bảo.

Vỏ được lột ra từ cua có thể tận dụng xay nhuyễn làm thức ăn cho cua và một số loài thủy sản khác, cho hàm lượng dinh dưỡng cao. Ảnh: Văn Vũ.

Vỏ được lột ra từ cua có thể tận dụng xay nhuyễn làm thức ăn cho cua và một số loài thủy sản khác, cho hàm lượng dinh dưỡng cao. Ảnh: Văn Vũ.

Anh Pháp cho biết thêm, nếu áp dụng thành công việc kích thích và thu hoạch cua lột kịp thời, bà con có thể thu được lợi nhuận khá cao. Tuy nhiên, để mô hình phát triển bền vững, ngoài việc am hiểu các vấn đề kỹ thuật, bà con cần lưu ý làm chủ quy trình nuôi.

Để làm được điều này, đòi hỏi phải có sự liên kết giữa các hộ nuôi nhằm đảm bảo nguồn cua hậu bị phục vụ nhu cầu sản xuất, cũng như ổn định nguồn hàng cung ứng cho các cơ sở, đơn vị liên kết tiêu thụ.

Kỹ thuật để cua lột đạt chất lượng cao

Hình thức nuôi cua lột trong hộp nhựa không tốn nhiều công chăm sóc, nguồn thức ăn đa dạng, chủ yếu là các loại cá tạp ngoài tự nhiên.

Thông thường cách 20 ngày, cua sẽ lột một lần. Do đó, muốn thu được sản phẩm và bảo quản kịp thời để giữ chất lượng, người nuôi cần kiểm tra, theo dõi, phân loại kịp thời khi cua có dấu hiệu lột.

“Khi kiểm tra, nếu cua có dấu hiệu lột, bà con phải canh chừng, không để cua lột quá lâu, hàm lượng thịt trong cua không còn ngon như lúc đầu. Sau khi cua lột xong, bà con cho cua vào hộp nhựa. Nếu đóng gói cua lột, phải chọn thời điểm cua còn sống, khỏe mạnh để giữ hàm lượng thịt của cua đạt mức độ tối đa”, anh Pháp chia sẻ về kỹ thuật nuôi cua lột.

Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng hướng dẫn bà con quy trình kỹ thuật để phát triển mô hình nuôi cua lột trong hộp nhựa. Ảnh: Kim Anh.

Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng hướng dẫn bà con quy trình kỹ thuật để phát triển mô hình nuôi cua lột trong hộp nhựa. Ảnh: Kim Anh.

Hiện nay, để thu được cua lột, trang trại ST Crab Farm đang áp dụng 2 phương pháp. Một là để cua lột tự nhiên vào thời điểm thích hợp; hai là kích thích cua lột bằng cách cắt càng và chân bơi.

Tuy nhiên, mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và mặt hạn chế riêng, do đó cơ sở nuôi khuyến cáo bà con cần theo dõi, quan sát trọng lượng cua để xác định phương pháp phù hợp nhất.

Bà Lâm Ánh Tiên, Phó trưởng phòng Kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng) đánh giá, mô hình nuôi cua lột trong hộp nhựa có thể ứng dụng ở quy mô nông hộ và trang trại công nghệ cao. Trong đó, bà con cần trang bị và nắm vững kỹ thuật nuôi để mô hình đạt hiệu quả như mong đợi.

Một số kỹ thuật bà con cần chú trọng là nguồn nước sạch phù hợp cho cua sinh trưởng; độ mặn thích hợp để cua lột là từ 20-25‰. Bên cạnh đó, bà con phải xây dựng phương pháp xử lý, kiểm soát chất lượng nước ổn định. Nhất là, bố trí đầy đủ ao nuôi, ao (bể) dưỡng cua và hệ thống hộp nuôi có cấp, thoát nước tuần hoàn.

Ngoài ra, cần đảm bảo lượng cua hậu bị từ ao nuôi hoặc thu gom ngoài tự nhiên.  Có nguồn thức ăn tươi sống tại chỗ như: chem chép, tôm cá tạp. Về cách thức cho ăn, bà con có thể cho cua ăn từ 2-4% trọng lượng thân của cua.

Đối với kỹ thuật để kích thích cua lột bằng phương pháp cắt càng, chân bơi, ngành khuyến nông lưu ý bà con, đưa cua lên bể ương dưỡng từ 5-7 ngày để đảm bảo cua khỏe, hoạt động tích cực, phản xạ nhanh nhẹn. Sau đó tiến hành bấm càng và chân của cua bằng vật nhọn hoặc kiềm, để cua tự buông càng và chân, chỉ để lại cặp chân bơi để kích thích cua lột.

Để thực hiện thành công phương pháp cho cua lột tự nhiên, bà con cần lựa chọn cua cùng kích cỡ, đồng đều về độ chắc ốp. Ảnh: Văn Vũ.

Để thực hiện thành công phương pháp cho cua lột tự nhiên, bà con cần lựa chọn cua cùng kích cỡ, đồng đều về độ chắc ốp. Ảnh: Văn Vũ.

Theo bà Tiên, khi áp dụng phương pháp này, bà con nên chọn cua có kích thước nhỏ từ 50gr, 80gr hoặc 100gr để việc lột xác xảy ra nhanh. Sau 15 ngày, cua có thể lên cốm và chuẩn bị lột, bà con theo dõi cua cốm thường xuyên để thu cua lột.

Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi, bà con thả với mật độ 20-30 con/m2. Ngoài ra, có thể thả cua vào từng hộp nhựa, nuôi dưới ao hoặc trên hệ thống đặt trong nhà, để việc theo dõi sức khỏe, giai đoạn ương dưỡng và thu hoạch cua lột dễ dàng hơn.

Riêng với phương pháp cho cua lột tự nhiên, bà Tiên lưu ý nên chọn cua cùng kích cỡ, đồng đều về độ chắc ốp. Thả cua vào hộp nhựa với mật độ 1 con/hộp. Lợi thế của phương pháp này, bà con có thể thu được cua lột với trọng lượng lớn, chân và càng to, nguyên vẹn nên giá trị cao. Tuy nhiên, nhược điểm là thời gian nuôi lâu, cua lột không đồng loạt.

Xem thêm
Nghề lưới vây thua lỗ, tàu cá nằm bờ

Quảng Nam Sản lượng đánh bắt giảm, giá cả hải sản thấp, tổn phí tăng cao khiến nhiều tàu cá làm nghề lưới vây ở Quảng Nam lâm vào cảnh thua lỗ, đành phải nằm bờ.

Cơ hội tăng xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm

Trong các tháng cuối năm, các nhà nhập khẩu thủy sản sẽ tăng cường mua vào để chuẩn bị nguồn hàng cho các dịp lễ, tết.

Cứu 3 thuyền viên sà lan bị chìm trôi dạt trên biển

Kiên Giang Sà lan KG-49470 bị sóng đánh chìm trên vùng biển gần đảo Hòn Tre, 3 thuyền viên trôi dạt trên biển may mắn đã được lực lượng tìm kiếm cứu hộ cứu vớt an toàn.

Bình luận mới nhất