Để nâng tỷ lệ nuôi cua biển thành công cao, nhiều hộ nuôi thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đã phát triển mô hình nuôi cua hộp nhựa đem lại hiệu quả rất cao.
Cua biển thả đầm nuôi hộp nhựa cho hiệu quả kinh tế cao
Mô hình nuôi cua biển thương phẩm trong hộp nhựa được triển khai thí điểm tại hộ ở ấp Năm Căn, xã Vĩnh Tân, TX. Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng với diện tích 0,4 ha. Ưu điểm nổi bật của mô hình, là nhờ nuôi riêng biệt theo từng hộp nên tỉ lệ sống của cua sẽ cao. Vấn đề quản lý thức ăn và rủi ro dịch bệnh cũng thuận lợi hơn rất nhiều so với hình thức nuôi thả lan trong ao theo cách truyền thống. Nhờ vậy, năng suất và chất lượng cho thịt đều cải thiện hơn.
Anh DU QUỐC BẢO - Ấp Năm Căn, xã Vĩnh Tân, TX. Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng: “Nuôi cua trong hộp thì khâu quản lí của mình sẽ chặt chẽ hơn, tỉ lệ hao hụt thấp hơn nuôi cả thả lan, nuôi cua thả lang khi lột sẽ hao hụt rất nhiều nên sẽ không đạt hiệu quả”.
TX. Vĩnh Châu là địa phương có diện tích nuôi cua biển lớn nhất của tỉnh Sóc Trăng với diện tích khoảng 700 ha. Tuy nhiên, hầu hết diện tích đều là nuôi thả lan trong ao với mật độ thưa nên hiệu quả kinh tế chưa đạt được như mong muốn. Vì vậy, việc ứng dụng giải pháp đưa cua vào nuôi trong hộp nhựa đã góp phần nâng cao tỉ lệ sống, chất lượng và giá trị cua biển thương phẩm rất rõ rệt Với dư địa rất lớn trên thị trường, đặc biệt là sản phẩm cua sạch. Ngoài việc chuyển giao khoa học kỹ thuật để nhân rộng mô hình nuôi cua hộp theo hướng sạch, địa phương hiện cũng đang xây dựng chương trình liên kết tiêu thụ cua giữa các hộ nuôi nhỏ lẻ với trang trại, để vừa đảm bảo đầu ra cho hộ nuôi, vừa cung cấp cho trang trại sản lượng cua có kích cỡ phù hợp để đưa lên hộp.
Phát biểu Ông LÝ CHÍ HIẾU - Trưởng Trạm Khuyến nông TX. Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng: “Sắp tới trạm cũng thực hiện mô hình để bà con nuôi cua giai đoạn 1 từ 2-3 tháng đạt trọng lượng từ 150 – 200 Gram thì sẽ liên kết với những trại nuôi cua hộp để tạo cái chuỗi bán lại cho trại nuôi cua hộp nuôi”
Có thể thấy, nuôi cua biển trong hộp nhựa là giải pháp cải tiến khoa học giúp nâng cao hiệu quả nghề nuôi cua. Từ việc kiểm soát tốt tỉ lệ sống, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị cua thương phẩm, góp phần phát triển đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao và theo hướng bền vững và mang đến hiệu quả kinh tế ổn định hơn cho người nuôi.