| Hotline: 0983.970.780

Đưa cua biển nuôi trên rừng

Thứ Ba 29/08/2023 , 06:45 (GMT+7)

Anh Lương Anh Thiện là một trong những người tiên phong tại tỉnh Thanh Hóa thành công với mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa.

Năm 2021, anh Thiện tình cờ đọc được cuốn sách hướng dẫn nuôi cua biển trong hộp nhựa nên nảy sinh ý tưởng hiện thực hóa bằng mô hình. Sau khi tích lũy kinh nghiệm thực tế, anh quyết định đầu tư "chuồng" nuôi cua trên diện tích gần 200m2 tại thị trấn Thường Xuân (Thanh Hóa).

Ban đầu anh nuôi thử nghiệm 200 con cua biển cho kết quả khả quan. Nhận thấy cua biển là hải sản được nhiều người ưa chuộng, có giá trị dinh dưỡng cao, năm 2022, anh Thiện quyết định đầu tư thêm cả trăm triệu đồng mua máy móc, thiết bị để nuôi cua với quy mô 1.000 hộp.

Nuôi cua trong hộp nhựa giúp anh Thiện có thu nhập cao. Ảnh: QT.

Nuôi cua trong hộp nhựa giúp anh Thiện có thu nhập cao. Ảnh: QT.

Anh Thiện cho hay, cua dễ sống, ít tốn công chăm sóc, cho thu nhập cao, nhưng chi phí và công sức đầu tư ban đầu lớn. "Khó khăn nhất trong việc nuôi cua biển là lấy nước dưới biển đem về xử lý độ mặn cho phù hợp với môi trường sống của cua. Từ Thường Xuân tới biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) cách nhau cả trăm km nên tôi phải thuê xe vận chuyển nước từ biển đưa lên núi. Nước biển sau khi đưa về sẽ được xử lý độ mặn phù hợp để đưa vào hộp nuôi", anh Thiện cho biết.

Để duy trì lượng nước biển phục vụ nuôi cua, anh lắp hệ thống bể lọc nước theo nguyên lý tuần hoàn dưỡng khí và tạo oxy. Chất cặn bẩn được xử lý bởi hệ thống bể lọc, sau đó tái sử dụng, đưa vào hộp nhựa để nuôi cua. Hệ thống giúp tiết kiệm nước biển, đảm bảo được độ sạch, an toàn cho cua sinh trưởng, phát triển.

Anh Thiện là người đầu tiên ở Thanh Hóa nuôi thành công cua biển trong hộp nhựa. Ảnh: QT.

Anh Thiện là người đầu tiên ở Thanh Hóa nuôi thành công cua biển trong hộp nhựa. Ảnh: QT.

Cũng theo anh Thiện, bên cạnh hệ thống lọc, để đảm bảo môi trường sống cho cua, người nuôi phải thực hiện nuôi cấy vi sinh để xử lý thức ăn thừa, diệt vi khuẩn và chất thải giúp môi trường sống của cua được sạch hơn. Ngoài ra, ưu điểm lớn của hệ thống nuôi cua trong nhà là ít tốn diện tích, cho năng suất và chất lượng cao; kiểm soát dịch bệnh và chất lượng dễ dàng.

"Mỗi hộp nhựa thường nuôi 1 con cua. Nếu nuôi 2 con cua trong cùng hộp nhựa phải buộc càng để tránh việc cua “đánh nhau”. Hộp nuôi cua được xếp thành nhiều gian tầng khác nhau, đánh số thứ tự và ghi chép hàng ngày về hiệu quả chăm sóc ở vỏ hộp. Mỗi ngày phải kiểm tra hộp nhựa ít nhất một lần để kịp thời phát hiện bệnh và có giải pháp xử lý kịp thời", anh Thiện chia sẻ.

'Chung cư mini' gồm các hộp nhựa xếp chồng lên nhau là nơi ở của cua. Ảnh: QT.

"Chung cư mini" gồm các hộp nhựa xếp chồng lên nhau là nơi ở của cua. Ảnh: QT.

Theo kinh nghiệm của anh Thiện, nuôi cua biển trong hộp có một vài điểm khác biệt với nuôi cua ngoài đầm. Nuôi cua trong hộp nhựa phải thả thức ăn vào từng hộp cho cua ăn; kiểm soát chính xác số lượng cua nuôi; cua ít dịch bệnh, tiện chăm sóc, thu hoạch nhanh và dễ dàng. Thức ăn cho cua chủ yếu là ốc bươu vàng. Cua nuôi khoảng 20 ngày có thể xuất bán với trọng lượng khoảng 300g/con. 

Hằng tháng, anh Thiện xuất bán ra thị trường hơn 300kg cua thịt với giá 350.000 - 450.000 đồng/kg và 30kg cua lột với giá trên 800.000 đồng/kg, trừ hết chi phí, anh thu nhập 30 - 50 triệu đồng. Mô hình nuôi cua của anh Thiện tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động với thu nhập 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Anh Thiện cho biết thêm, hiện nay do nhu cầu của thị trường về cua biển rất lớn nên "chuồng" cua của gia đình anh không đủ cung ứng cho khách hàng, đặc biệt là dịp hè khi lượng khách du lịch đổ về Sầm Sơn và các khu du lịch biển tăng cao.

Hệ thống bể lọc, bể chứa nước biển được anh Thiện đầu tư với số tiền cả trăm triệu đồng. Ảnh: QT.

Hệ thống bể lọc, bể chứa nước biển được anh Thiện đầu tư với số tiền cả trăm triệu đồng. Ảnh: QT.

Sau 2 năm triển khai, đến nay, mô hình nuôi cua ở “chung cư mini” của anh Thiện đã mang lại thành công bước đầu, cho hiệu quả kinh tế cao. Mô hình đang thu hút sự quan tâm của nhiều nông dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Chất lượng của thịt cua tại mô hình của anh Thiện được khách hàng đánh giá cao.

"Khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng thịt cua khi nuôi trong hộp, bởi quy trình chăm sóc rất khoa học, kỹ càng. Cua thành phẩm luôn đảm bảo được độ tươi và độ sạch từ quá trình nuôi đến khi lên bàn ăn", anh Thiện chia sẻ.

Xem thêm
Người Mông trung thành với lợn đen

YÊN BÁI Đồng bào Mông ở Yên Bái tập trung phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa quy mô hàng hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt lại giúp nâng cao thu nhập.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Làng rau má bên bờ sông Mã

THANH HÓA Lão nông Lương Trọng Thắng gắn bó với nghề trồng rau má gần nửa thế kỷ nay. Mọi sự trong gia đình lão đều nhờ cây rau má mà nên.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất