| Hotline: 0983.970.780

Trang trại dê khép kín quy mô nhất vùng cói Nga Sơn

Thứ Tư 26/04/2023 , 11:55 (GMT+7)

Quyết định bán đàn vịt để mua dê giống về thả nuôi giúp ông Mai Văn Toản ở Nga Sơn, Thanh Hóa khởi nghiệp thành công.

Nông dân kiêm doanh nhân

Ông Mai Văn Toản hiện đang sở hữu 3 nhà hàng thịt dê nổi tiếng ở vùng đất Nga Sơn (Thanh Hóa). Ông người nông dân kiêm doanh nhân hết dành thời gian trong ngày để chăm sóc trại dê hơn 600 con và điều hành nhà hàng.

Trước khi bén duyên với con dê, ông Toản đã trải qua khá nhiều nghề nhưng chỉ đủ sống. Dù vậy, trong tiềm thức của mình, ông Toản vẫn khao khát tạo dựng 1 sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng Nga Sơn, chứ không chỉ đơn thuần là kiếm cơm hằng ngày.

Ông Toản bảo: “Mình xuất thân từ nông dân nên bây giờ không làm buồn tay buồn chân lắm. Làm mô hình kinh tế vừa giúp gia đình có thu nhập, vừa tạo công ăn việc làm cho bà con, vừa để du khách thập phương biết đến thương hiệu dê Ngọc Toản ở huyện Nga Sơn”.

Trại dê của ông Toản hiện nuôi nhốt khoảng 600 con dê thịt. Ảnh: Quốc Toản.

Trại dê của ông Toản hiện nuôi nhốt khoảng 600 con dê thịt. Ảnh: Quốc Toản.

Đầu những năm 1990, ông Toản quyết định bán đàn vịt để mua dê giống. Thời điểm bấy giờ, nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đang rộ lên mô hình chăn nuôi dê thương phẩm.

Nói về việc chọn con dê để khởi nghiệp, ông Toản cho biết, dê là một con vật khá dễ nuôi, nguồn thức ăn dễ tìm và đầu tư vốn ban đầu không nhiều. Chỉ ít năm sau, ông Toản đã nhân đàn thành công với hàng chục con dê. Để mở rộng chăn nuôi, ông tiếp tục thuê thầu đất của xã để làm trang trại, chăn thả quy mô lớn. Sau khi chuồng trại đi vào hoạt động ổn định, ông Toản bắt đầu xuất bán dê thương phẩm và nhận giết mổ trọn gói mỗi khi có khách đặt hàng.

Vì lượng khách ưa chuộng mặt hàng dê thương phẩm ngày một đông, ông Toản bàn với vợ mở cửa hàng bán thịt dê tươi sống, kiêm luôn dịch vụ ăn uống tại chỗ.

Sau gần 20 năm gắn bó với nghề nuôi dê, đến nay ông Toản đang sở hữu trang trại nuôi, chế biến thịt dê với quy mô rộng gần 5ha với khoảng 600 con dê (dê thịt, dê sinh sản) và chuỗi 3 nhà hàng chuyên về thịt dê. Đây cũng là trại nuôi dê quy mô lớn nhất huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. 

Trại dê thịt của gia đình ông Toản đến thời kỳ xuất bán. Ảnh: Quốc Toản.

Trại dê thịt của gia đình ông Toản đến thời kỳ xuất bán. Ảnh: Quốc Toản.

Đặc biệt, vào các ngày nghỉ, lễ, trại dê của ông tiêu thụ tại chỗ cả chục con dê thịt phục vụ du khách tại nhà hàng. Thương hiệu dê Ngọc Toản không chỉ có mặt tại nhiều nhà hàng ở Thanh Hóa mà còn được xuất bán đi các nơi như Hà Nội, Ninh Bình và các huyện lân cận.

Ông Toản cho biết, việc nuôi dê kết hợp với mở nhà hàng kinh doanh sẽ giúp cho gia đình có vốn để tái đầu tư sản xuất. Có tháng, ông bán ra thị trường hàng trăm con dê thịt. Việc bán dê thương phẩm đem lại thu nhập trung bình mỗi năm cho gia đình ông từ 1,5 - 2 tỷ đồng. 

Với quy mô trang trại và các cơ sở kinh doanh ăn uống, ông Toản đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương có thu nhập ổn định từ 5 - 10 triệu đồng/tháng tùy theo vị trí công việc.

Bên cạnh việc nuôi dê, ông Toản còn nuôi hàng chục chuồng ong lấy mật để tận dụng tối đa diện tích đất trồng cây ăn quả trong trang trại, tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Chọn giống tốt

Ông Toản chia sẻ kinh nghiệm: “Để nuôi dê đạt hiệu quả cao, ngoài am hiểu đặc điểm của loài dê, việc áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu làm chuồng trại cho đến việc theo dõi, quản lý đàn dê là rất quan trọng. Chuồng dê phải làm cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ và thường xuyên vệ sinh để con dê không bị nhiễm bệnh qua đường hô hấp.

Đặc biệt, để dê thịt và dê sinh sản phát triển tốt, người chăn nuôi phải chú ý đến khâu chọn giống, bởi giống có tốt dê mới phát triển khỏe mạnh và cho sản phẩm chất lượng.

Bên cạnh đó, khi nuôi dê nhốt chuồng hoàn toàn phải đảm bảo chế độ dinh dưỡng, cân đối giữa thành phần thức ăn tinh và thô, xanh. Nếu nuôi dê quy mô lớn phải chủ động được nguồn thức ăn”.

Mỗi tháng gia đình ông Toảng xuất hàng trăm con dê ra thị trường. Ảnh: Quốc Toản.

Mỗi tháng gia đình ông Toảng xuất hàng trăm con dê ra thị trường. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Toản cho biết, thịt dê Nga Sơn có đặc trưng ngọt và đậm vị nên được thực khách ưa chuộng. Đặc biệt, món dê ủ trấu là đặc sản có nguồn gốc từ vùng quê Nga Sơn, trở thành một đặc sản lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Món dê này được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau với đủ dinh dưỡng khiến du khách mỗi lần ghé Nga Sơn đều rất yêu thích món ăn này.

Việc bán dê thương phẩm đem lại thu nhập trung bình cho gia đình ông Toản từ 1,5 - 2 tỷ đồng. Ảnh: Quốc Toản.

Việc bán dê thương phẩm đem lại thu nhập trung bình cho gia đình ông Toản từ 1,5 - 2 tỷ đồng. Ảnh: Quốc Toản.

Bà Quách Thị Khuyên, Trưởng phòng NN-PTNT Nga Sơn cho biết, việc nuôi dê đang được phát triển tại nhiều địa phương trong huyện như Nga Điền, Nga Phú, Nga Tân... do người dân tận dụng tốt lợi thế về điều kiện tự nhiên (đồi, núi đá) để chăn thả. Các mô hình chăn nuôi dê hiện nay đang hoạt động ổn định và đem lại thu nhập cao cho nông dân. Hiện nhu cầu dê thương phẩm trên thị trường rất cao, có thời điểm không đủ cung cấp cho thị trường.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.