Tìm đến “thủ phủ” nuôi ếch của vùng đất Sen Hồng, tôi được nghe câu chuyện nghề từ hai nhân vật cốt cán của mô hình nuôi ếch tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp là ông Lữ Đồng Tân, hộ nuôi ếch có tiếng trong vùng và ông Nguyễn Minh Khoa, Phó trưởng phòng kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông huyện Tháp Mười), người đồng hành cùng bà con nuôi ếch hơn 10 năm qua.
Ông Tân ngậm ngùi kể, vài năm trước, người dân vùng Tháp Mười xây nhà, mua xe đều nhờ vào nghề nuôi ếch, lợi nhuận tiền tỷ mỗi năm là chuyện nhỏ. Nét đặc trưng nghề nuôi ếch vùng Tháp Mười là ếch được nuôi bằng vèo trong ao kết hợp nuôi cá.
Nguồn thức ăn chính của cá là thức ăn thừa của ếch, rong rêu bám trên vèo và một số phụ phẩm khác từ ếch như phân, da ếch sau khi lột. Do đó người nuôi tiết kiệm được khoảng chi phí thức ăn cho cá, đồng thời đảm bảo chất lượng môi trường ao nuôi.
Thời gian gần đây, giá thức ăn tăng, ếch dễ mắc bệnh dẫn đến chi phí chăn nuôi cao. Theo ông Tân, hiện giá thuốc kháng sinh đã tăng 10 - 15%, giá thức ăn cũng đang biến động từng ngày.
Ngoài ra, kích thước của ếch thịt ngày càng nhỏ dẫn đến năng suất không cao, khả năng kháng bệnh thấp. Ếch dễ mắc các bệnh chướng hơi, kiết lỵ, hội chứng mù mắt, quẹo cổ, gan thận mủ. Nguy hiểm nhất là bệnh đỏ đùi vì bệnh diễn biến rất nhanh, nếu không kịp thời phát hiện sẽ lây lan làm chết cả ao chỉ trong thời gian khoảng 7 ngày.
Nếu trước đây, 10.000 con ếch giống phát triển tốt có thể bán được khoảng 1.200kg ếch thịt, hiện sản lượng ếch thịt thu được chỉ dao động từ 500 -700kg. Ông Tân ước tính, tổng chi phí đầu vào để nuôi 10.000 con ếch thấp nhất khoảng 34 triệu, sau hơn hai tháng nuôi nếu trọng lượng ếch thịt chỉ đạt được 500-700kg, dù giá ếch ở mức cao khoảng 42.000 đồng/kg, ông vẫn lỗ khoảng 5-8 triệu đồng.
Tuy nhiên, nhờ nuôi ếch kết hợp thả cá, ông Tân bù lại được lợi nhuận, sau 4 vụ ếch sẽ thu hoạch được mẻ cá khoảng 3- 4 tấn, thu lãi tầm 40 - 50 triệu đồng.
Hộ ông Võ Minh Cảnh, ở thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười cũng gặp tình trạng tương tự. Ông Cảnh tâm sự, năm nay giá thức ăn tăng, tỷ lệ hao hụt trong giai đoạn đầu thả giống cao, bệnh nhiều, năng suất thấp nên người nuôi không có lời.
Theo ông Cảnh, chất lượng nước là yếu tố quyết định đến sự phát triển của ếch nhưng môi trường nước khu vực Tháp Mười đã bị ô nhiễm do nuôi lâu năm, từ đó ếch chậm phát triển, khả năng kháng bệnh kém, ếch dễ nhiễm bệnh đỏ đùi.
Ông Nguyễn Minh Khoa, Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật (Trạm Khuyến nông huyện Tháp Mười) lý giải, hiện nguồn giống ếch cung cấp cho bà con được ươm bằng cách phối giống xoay vòng, nhiều cơ sở ươm còn cho phối giống cận huyết trong thời gian dài dẫn đến thực trạng thoái hóa giống cộng với môi trường nước ô nhiễm nên năng suất thấp, tỷ lệ hao hụt cao, khả năng kháng bệnh kém.
Để nâng cao năng suất, người nuôi cần chú ý phòng bệnh trên ếch bằng cách thực hiện sát khuẩn, vệ sinh ao trước khi thả giống. Ngoài ra, người nuôi có thể tận dụng 1/3 diện tích ao nuôi thả lục bình để tạo hệ thống lọc sinh học.
Mật độ ếch nuôi trong vèo thích hợp nhất khoảng 7.000 - 8.000 con/vèo kích thước 40m x 10m. Quan trọng nhất phải đảm bảo chất lượng nước trong ao nuôi sạch bằng cách thay nước 2 lần/ngày, mỗi lần khoảng 10% lượng nước trong ao nuôi.
Việc kết hợp nuôi cá cũng là giải pháp hiệu quả để đảm bảo chất lượng nước trong ao nuôi. Do cá ăn những thức ăn thừa của ếch, rong rêu và phụ phẩm từ ếch nên hạn chế sự phát triển của tảo và vi khuẩn gây bệnh.
Ngoài ra, hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều cơ sở ươm giống sử dụng thuốc kích thích, để ếch giống trông bắt mắt nhưng sau khi thả vài ngày ếch có hiện tượng chết hàng loạt, vì thế bà con nên chú ý lựa chọn mua giống ở cơ sở uy tín hoặc ươm nuôi tại nhà.
Đối với trường hợp bệnh đỏ đùi, người nuôi cần phát hiện sớm và cách ly điều trị khi ếch có biểu bệnh như di chuyển chậm chạp, lờ đờ, xuất hiện những nốt chấm mẩn đỏ trên chân, thân, vùng da dưới bụng, gốc đùi có tụ huyết, chân sưng.
Để điều trị, người nuôi có thể tìm đến các cơ sở chạy kháng sinh đồ để chọn ra loại kháng sinh điều trị phù hợp. Hạn chế sử dụng quá nhiều loại kháng sinh, vì khi ếch không tự đào thải kháng sinh dễ dẫn đến bệnh gan, thận nhiễm mủ.