Anh Phan Thanh Phong ở ấp Đông Lợi B, xã Đông Phước, tỉnh Hậu Giang dùng dế làm mồi cho ếch, giúp tăng cường sức đề kháng và giảm nguy cơ nhiễm bệnh, đồng thời tiết kiệm 10% chi phí thức ăn.
Con ếch sống khỏe nhờ nguồn thức ăn từ dế
Anh Phan Thanh Phong ở ấp Đông Lợi B, xã Đông Phước, tỉnh Hậu Giang dùng dế làm mồi cho con ếch, giúp chúng tăng cường sức đề kháng và giảm nguy cơ nhiễm bệnh, đồng thời tiết kiệm 10% chi phí thức ăn.
Mỗi ngày, anh Phan Thanh Phong ở ấp Đông Lợi B, xã Đông Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, cho ếch ăn 2 lần. Đặc biệt, trong khẩu phần ăn của ếch, 10% là dế, phần còn lại là thức ăn công nghiệp. Với cách làm trên, anh Phong vừa tiết kiệm chi phí đầu vào, vừa tăng sức đề kháng cho đàn ếch.
Anh Phan Thanh Phong, ấp Đông Lợi B, xã Đông Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang: Qua nhiều lần thử nghiệm, tôi thấy việc ếch ăn dế đã làm cho con ếch sản xuất ra nguồn trứng khỏe mạnh hơn so với việc sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp. Bên cạnh đó, phương pháp này cung cấp dinh dưỡng từ tự nhiên cho ếch và giảm chi phí thức ăn đi khoảng 10%.
Theo anh Phong, để đảm bảo sức khỏe của ếch, cần thiết kế diện tích vèo nuôi từ 30-45m2, với mật độ thả nuôi vừa phải, khoảng 5.000 con cho mỗi vèo. Vị trí đặt vèo nuôi cần đảm bảo sự thông thoáng và hạn chế sự xuất hiện của loài rắn có thể gây hại cho ếch. Do ếch sợ tiếng ồn cần chọn địa điểm yên tĩnh và ít có người qua lại.
Ngoài ra, không nên cho ếch ăn quá nhiều thức ăn vì lượng thức ăn dư thừa có thể gây ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng đến sức khỏe của ếch. Ếch thường mắc một số loại bệnh như Sình bụng, gan thận mủ, đỏ đùi, vì vậy người nuôi cần thường xuyên quan sát, phát hiện bệnh sớm để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời.
Anh Phan Thanh Phong, ấp Đông Lợi B, xã Đông Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang: Để tạo ra con ếch sạch, mình tập trung vào việc cung cấp nguồn nước tốt để phòng ngừa bệnh tật và giảm việc sử dụng kháng sinh. Trong tương lai, mình sẽ triển khai chương trình nuôi ếch cho cộng đồng, nhằm cung cấp ếch thịt để xuất khẩu. Hiện tại, anh Phong đang cung cấp cho thị trường từ 30.000 đến 50.000 con giống mỗi năm. Sắp tới, anh hướng đến thành lập một Hợp tác xã (HTX) gồm 30 thành viên, nhằm sản xuất ếch thịt. Khi tham gia vào HTX, các thành viên sẽ được anh Phong cung cấp giống và hỗ trợ kỹ thuật nuôi ếch theo các tiêu chí vừa bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm an toàn sinh học.
Nguyễn Văn Thiện, Cán bộ khuyến nông xã Đông Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang: Để đảm bảo hiệu quả cao nhất cho việc nuôi trồng, chúng tôi sẽ hướng dẫn bà con nông dân và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật. Thứ hai, chúng tôi cam kết sản phẩm xuất ra thị trường sẽ đảm bảo an toàn sinh học và không sử dụng kháng sinh.
Mô hình nuôi ếch thương phẩm an toàn sinh học được coi là một mô hình hiệu quả và định hướng người dân tạo ra sản phẩm sạch và an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng ếch thương phẩm, đồng thời tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho nông hộ.