Anh Linh chia sẻ kinh nghiệm chế biến thức ăn cho gà Đông Tảo |
Theo như anh Nguyễn Ngọc Linh (ở thôn 2, xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái) nói thì số anh lận đận đường “làm ăn” nên đã qua nhiều nghề, vất vả bôn ba nơi xứ người mà vẫn chẳng thể thành công. Thế rồi anh quyết định trở về quê hương lập nghiệp, phát triển kinh tế.
Năm 2013, trong một lần về chơi nhà bạn ở Hưng Yên, anh biết đến giống gà Đông Tảo có chất lượng thịt thơm ngon, dễ bán. Nhận thấy đây là hướng đi mới mẻ, nhiều triển vọng nên anh quyết tâm lựa chọn nuôi giống gà này.
Lứa đầu tiên, vợ chồng anh Linh cất công tự mình xuống tận nơi mua 300 con gà giống Đông Tảo về nuôi. Hoang mang, lo lắng là những cảm xúc khi nuôi lứa gà đầu tiên. Kinh nghiệm chưa có cộng với việc sợ không bán được gà làm vợ chồng anh có những đêm mất ngủ. Anh chịu khó vừa đọc sách báo, tìm hiểu trên mạng, đến các cơ sở chăn nuôi để học hỏi thêm về cách chăm sóc gà nói chung và gà Đông Tảo nói riêng.
Theo anh, khác biệt giữa gà ta và gà Đông Tảo ở chỗ gà ta nuôi từ lúc mới nở đến khi xuất bán chỉ cần khoảng 6 tháng, còn gà Đông Tảo phải mất gần 1 năm thì chất lượng thịt mới thơm ngon.
Nhận thấy nhu cầu của thị trường cần những sản phẩm thịt không những thơm ngon mà còn phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên anh cũng chú trọng việc lựa chọn thức ăn cho gà. Ngoài các phụ phẩm nông nghiệp của gia đình như thân chuối băm, rau lang… thì thức ăn chủ yếu được anh lựa chọn là cám ngô ủ men vi sinh. Với cách làm này không những giúp gà hấp thu tốt, tiêu hóa tốt, tránh được bệnh đường ruột, sức đề kháng tốt mà chất lượng thịt thơm ngon hơn.
Anh cho biết thêm: “Cách ủ cám cũng đơn giản, ngô nghiền thành bột, cho men theo tỷ lệ, trộn đều rồi ủ. Nếu trời nắng, ủ cám trong vòng 12 tiếng; nếu trời lạnh, thời gian ủ lâu hơn, từ 24 - 36 tiếng. Cám sau ủ sẽ cho gà ăn thẳng hoặc phối trộn với chuối, rau xanh… Khi gà khoảng 5 tháng tuổi là vào giai đoạn đẻ trứng sẽ bổ sung thêm thóc ủ mầm”.
Không chỉ có vậy, để đảm bảo cho đàn gà phát triển khỏe mạnh, anh sử dụng đệm lót sinh học, vừa đảm bảo được vệ sinh môi trường lại tận dụng được nguồn phân bón cho cây trồng.
Một lứa gà từ khi vào đàn đến khi bán là khoảng 8 tháng và đạt trọng lượng 3 kg. Giá bán gà bình quân 120.000 đồng/kg gà mái, 150.000 đồng/kg gà trống. Giá có thể dao động cao hơn tùy thời điểm, có thể lên đến 200.000 đồng/kg.
Nếu như trước kia vợ chồng anh vất vả, ngược xuôi tìm nơi tiêu thụ cho lứa gà đầu tiên thì giờ đây gia đình anh đã là nguồn cung cấp gà thịt của nhiều nhà hàng nổi tiếng quanh thành phố Yên Bái. Đến nay với diện tích chuồng hơn 200 m2 anh đầu tư nuôi khoảng 1.000 con/năm, trung bình mỗi con giá khoảng 450.000 đồng, sau khi trừ đi chi phí cũng cho thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm.
Khi được hỏi về hướng phát triển trong thời gian tới, anh Linh không ngần ngại chia sẻ: “Với quy mô nuôi gà của gia đình tôi hiện nay tuy đã mở rộng so với trước kia nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thời gian tới tôi sẽ đầu tư cải tạo diện tích vườn của gia đình để mở rộng quy mô lên khoảng 10.000 con/năm và nhất là sẽ đầu tư đàn gà bố mẹ cũng như xây dựng lò ấp trứng để chủ động được con giống và cung cấp cho người dân có nhu cầu”. |