Hết long đong nhờ lồng bè
Ở phía Bắc, có lẽ chẳng ở đâu thiên nhiên lại ưu ái kiến tạo ra những vịnh kín, thuận lợi cho nuôi hải sản như ở đảo Cát Bà. Suốt dọc từ vịnh Bến Bèo (thị trấn Cát Bà) đi thuyền máy hơn 30 phút trở ra vịnh Lan Hạ, những hòn đảo đá đẹp ngang ngửa Vịnh Hạ Long. Đây vừa là thiên đường cho du lịch, lại tạo thành những vòng cung chắn sóng, che chở cho các vũng vịnh phía trong. Mùa mưa bão, sóng gió ngoài cửa vịnh gào thét, nhưng vào trong vịnh thì vẫn lặng như tờ. Nhờ sự ưu đãi của tự nhiên, vịnh Bến Bèo và Lan Hạ hiện là nơi tập trung chủ yếu của nghề nuôi hải sản của huyện đảo Cát Hải, với khoảng 500 bè.
Nuôi hải sản đã đổi đời cho nhiều hộ dân ở đảo Cát Bà. Ảnh: Quỳnh Trang |
Những ngày cuối năm này đang là thời vụ thu hoạch chính của những bè nuôi hải sản ở đây, không khí cứ vui như hội. Năm nay, cá song – đối tượng nuôi chủ lực của các lồng bè ở Cát Bà rất có giá và ổn định ở mức trung bình khoảng 200 nghìn đồng/kg, giúp người nuôi có lãi khá. Cơ cấu giống cá nuôi ở khu vực các vịnh Bến Bèo, Lan Hạ hiện khá đa dạng như cá vược, cá sủ, cá song, cá giò..., trong đó cá song và cá giò vẫn là đối tượng nuôi chính. Đặc biệt khoảng 2 năm trở lại đây, cá song lai là đối tượng nuôi mới nổi lên nhờ nhiều ưu điểm về sinh trưởng và dễ tiêu thụ, giá cả luôn ổn định.
Ông Vũ Văn Vóc, một chủ bè có hơn 40 ô lồng nuôi cá tại vịnh Bến Bèo phấn khởi cho biết, từ đầu năm đến nay, bè của ông đã xuất bán được khoảng 1,6 tỉ đồng, từ nay đến cuối năm sẽ xuất bán tiếp khoảng 3 tỉ đồng. Theo ông Vóc, ngoài điều kiện tự nhiên ít rủi ro, khu vực vịnh Cái Bèo cũng là nơi có cảng tàu cá neo đậu, vì vậy nguồn cung cá tạp (thường là cá trích, cá nục) dùng làm nguyên liệu cho nuôi cá lồng rất dồi dào. Ở đây đã hình thành khoảng trên dưới 10 chủ cơ sở chuyên thu mua, cung cấp cá tạp.
Hộ ông Vóc là một trong những hộ đầu tiên đưa cá song lai vào nuôi ở vịnh Bến Bèo cách đây gần 3 năm. Bè của ông đang có trên 7.000 con song lai đã đến kỳ thu hoạch. Ông phân tích: Ưu điểm của song lai là khả năng nuôi mật độ cao, trung bình cá trưởng thành có thể tới 500 con/ô lồng (kích cỡ ô lồng 3x3x3 m), quy ra mỗi ô lồng có thể nuôi tới 1 – 1,5 tấn cá/lứa. Song lai cũng là đối tượng dễ nuôi, ít bị bệnh.
Với chi phí thức ăn trung bình từ 6-7 kg thức ăn/kg tăng trọng, sau 2 năm nuôi, song lai có thể đạt trọng lượng từ 2,5-3 kg/con, với giá trung bình 200 nghìn đồng/kg, trừ hao hụt và chi phí các loại, có thể lãi tới 40% trên tổng chi phí đầu tư. “Các đối tượng nuôi khá đa dạng, nhưng lợi nhuận trung bình cũng phải từ 30-40% trên tổng đầu tư. Bình quân mỗi bè có từ 30 – 50 ô lồng, mỗi năm cũng phải lãi từ 300-500 triệu đồng mới bõ công nuôi” – ông Vóc thú thực.
Mới đây, cầu Tân Vũ – Lạch Huyện nối đất liền của TP Hải Phòng với huyện đảo Cát Hải đã khánh thành, lượng khách du lịch ra đảo Cát Bà theo đó đang càng ngày càng tăng chóng mặt. Đảo Cát Bà cũng vừa long trọng tổ chức lễ mừng đón vị khách du lịch thứ 2 triệu tới đây trong năm 2017. Vui thật, nhưng người nuôi thủy sản thì lại ngày càng lo về vấn đề môi trường. (QT) |
Hộ ông Vóc cùng với hàng trăm chủ lồng bè ở vịnh Bến Bèo trước đây đa số là ngư dân đi biển. Quê gốc của họ trước đây không phải ở huyện đảo Cát Hải mà là ở huyện Thủy Nguyên, nhiều nhất là các xã có nghề đánh bắt như Lập Lễ, Phả Lễ. Khoảng chục năm về trước, nghề nuôi hải sản ở Cát Bà manh nha, những ngư dân ở Thủy Nguyên dần bỏ nghề đi biển, chuyển hẳn sang nuôi lồng bè. Trong số gần 500 bè nuôi ở đảo Cát Bà thì dân gốc Thủy Nguyên chiếm tới 50-60%, số còn lại là ngư dân từ Quảng Ninh sang đầu tư nuôi và chỉ có một số ít là dân gốc ở đảo Cát Bà. Bây giờ, những ngư dân của Thủy Nguyên ra Cát Bà đầu tư nuôi lồng bè đã nhập hộ khẩu hẳn về huyện đảo Cát Hải, nhưng nhà cửa của họ thì vẫn ở Thủy Nguyên.
“Trước đây, nghề biển long đong lắm. Đánh bắt bữa đực bữa cái. Nuôi lồng bè được cái nhàn, chẳng phải sóng gió, lợi nhuận mỗi năm bèo cũng 100-200 triệu đồng, hơn đi biển nhiều. Nếu không có nghề nuôi lồng bè, chắc giờ vẫn còn khổ dài” – anh Nguyễn Đức Thạnh, một chủ bè ở vịnh Lan Hạ kể.
Không sợ bão, chỉ sợ bệnh
Quê gốc của anh Nguyễn Đức Thạnh ở xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên). Anh là một trong những ngư dân đầu tiên ở Lập Lễ bỏ nghề đi biển ra vịnh Lan Hạ làm bè nuôi hải sản cách đây gần chục năm. Lúc ấy, khu vực vịnh Bến Bèo gần bờ, tiện cho nuôi lồng bè đã chật kín bè nuôi, nên những người đến sau đành phải đóng bè xa bờ hơn ngoài vịnh Lan Hạ. Bây giờ, khu vực vịnh Lan Hạ đã có khoảng trên 100 bè nuôi. Vịnh Lan Hạ xa bờ, phải mất hơn 30 phút đi thuyền mới ra tới nơi, nhưng nhờ đó bây giờ lại trở thành lợi thế do nguồn nước chưa bị tác động ô nhiễm, có thể nuôi được những đối tượng mà khu vực gần bờ không thể nuôi.
Nguồn nước ô nhiễm đang là nỗi lo lớn của người nuôi lồng bè ở đảo Cát Bà (trong ảnh: Tắm cho cá bị nhiễm ký sinh trùng). Ảnh: Quỳnh Trang |
Năm nay, cùng với cá song lai, bè của anh Nguyễn Đức Thạnh còn nuôi khoảng trên 2.000 con cá giò. Cá giò cũng là đối tượng nuôi chủ lực ở khu vực vịnh Lan Hạ mà vùng nuôi ở vịnh Bến Bèo hiện nay không thể nuôi được nữa. Theo anh Thạnh, cá giò chất lượng thơm ngon, được thị trường rất ưa chuộng với giá bán ổn định từ 130-140 nghìn đồng/kg. Đây là loài cá rất nhanh lớn, nuôi 12 tháng đã có thể đạt trọng lượng trung bình 3 kg/con. Đặc biệt, đây là loài cá có tỉ lệ hao hụt trong quá trình nuôi rất thấp, chỉ khoảng 20% nên tỉ suất lợi nhuận khi nuôi cá giò thuộc loại cao nhất hiện nay. Tuy nhiên, đây cũng là loài cá rất khó tính với điều kiện môi trường nuôi.
Những ông chủ lồng bè ở Cát Bà đến giờ vẫn còn chưa quên đợt dịch bệnh khủng khiếp bùng phát hồi năm 2008-2009. Nhiều chủ bè đận ấy tán gia bại sản do cá đột ngột chết hàng loạt. Hải sản 2 mảnh vỏ như nghêu, sò, hàu từng là đối tượng nuôi lừng lẫy một thời của các lồng bè hồi mới lập nghiệp ở vịnh Bến Bèo thì tới nay, số hộ nuôi chỉ còn đếm trên đầu ngón tay do rủi ro về dịch bệnh. Hiện vùng nuôi nghêu, hàu chỉ có thể phát triển được ở khu vực vịnh Gia Luận, nơi rất ít dân cư và gần như tách biệt. Đặc biệt từ khoảng 5 năm trở lại đây, cá giò, đối tượng nuôi chủ chốt trước đây đã không còn nuôi được ở khu vực vịnh Bến Bèo nữa. Không ai biết nguyên nhân do đâu, có thể môi trường do cá giò sống ở tầng nước mặt, rất cần ô xy và vô cùng nhạy cảm với sự thay đổi chất lượng nguồn nước.
“Nuôi hải sản ở đây không sợ bão, chỉ sợ bệnh. Nếu như trước đây, tỉ lệ hao hụt chỉ khoảng 20-30% thì nay, đa số các đối tượng nuôi hao hụt tới 50-60%, đặc biệt ở giai đoạn năm đầu tiên xuống giống. Trung bình, thả 10 con giống tới khi thu hoạch còn lại 4 con thôi đã là mừng lắm rồi” – anh Vũ Văn Đạt, một chủ bè ở vịnh Bến Bèo cho biết.
Cùng với vi khuẩn vibrio gây hại trên các loài cá nuôi lồng bè, những năm gần đây, các vùng nuôi lồng bè ở đảo Cát Bà cũng xuất hiện thêm nhiều loại ký sinh trùng gây hại. Trạm SX giống hải sản của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1) nằm tách biệt ở ngoài cùng vịnh Lan Hạ nhưng cũng không tránh khỏi bị ký sinh trùng gây hại đàn cá bố mẹ. Anh Phạm Văn Thìn, phụ trách trại cá bố mẹ của trung tâm này cho biết khoảng 2-3 năm trở lại đây, loại ký sinh trùng màu xám, hình dạng giống như đỉa sinh sôi rất mạnh ở các vùng nuôi lồng bè ở đây. Trung bình, cứ 7-10 ngày đã phải tắm cho cá bằng chế phẩm xử lí để diệt ký sinh trùng này. Một số vùng có mật độ nuôi dày ở vịnh Bến Bèo, loài “đỉa biển” này còn bùng lên khủng khiếp hơn, có khi 3-4 ngày chúng đã bám đầy cá nuôi. (LB) |