Mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình ông Hoàng Văn Tiến có từ hơn chục năm nay. Ông cho biết ban đầu chỉ nuôi 3 thùng ong mật, dần dần tích lũy kinh nghiệm và phát triển số lượng nhiều lên.
Đến năm 2016, khi HTX Nuôi ong Phúc Thành được thành lập thì ông Tiến là một trong những người đầu tiên trở thành thành viên tham gia hợp tác.
Chia sẻ với PV, ông cho hay, khi mới bắt đầu nuôi cũng thất bại nhiều do chưa có kinh nghiệm và chưa hiểu về tập tính của con ong. Nhưng không vì thế mà ông nản chí. Ông tích cực tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi ong lâu năm để rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Đến giờ ông đã thực sự làm chủ được nghề nuôi ong. Hiện tại, gia đình ông Tiến có 140 thùng ong mật.
Theo ông Tiến, muốn nuôi thành công thì trước hết phải nắm được đặc tính sinh học của con ong. Ong là loài thích di cư, do đó phải thường xuyên chuyển vùng và thay đổi địa bàn sống để ong không bị nhiễm bệnh và có thể phát triển tốt. Ong chủ yếu mắc các bệnh như đi ngoài và thối ấu trùng đặc biệt là vào mùa mưa.
Do đó, khi mới bắt đầu vào ong cần phải lựa chọn những con khỏe để đảm bảo cả đàn ong không bị lây bệnh lẫn nhau. Nuôi ong phải chọn thời điểm cuối mùa mưa, đầu mùa nắng, khi mới mưa phải ủ ấm ong trong thùng, chờ đến khi trời nắng mới mở thùng ra, nếu không ong rất dễ bị bệnh mà chết.
Cũng theo ông Tiến thì vào mùa ong đi làm mật cơ bản không phải chăm sóc nhiều vì khi đó ong rất khỏe, sức sinh sản tốt nên chỉ cần thả ra cho ong đi khai thác hoa về làm mật, tuy nhiên vẫn phải có sự quản lý.
Thời gian lấy mật của con ong thường từ tháng 3 đến tháng 8 dương lịch hàng năm. Vào thời điểm chính vụ, cứ khoảng 6 – 7 ngày là có thể quay mật ong một lần. Với khoảng 100 đàn thì mỗi đợt quay được 130 lít mật.
Ông Tiến cho biết, phải căn cứ vào lượng con ong chúa đẻ để cắm cầu cho ong, trung bình mỗi con ong chúa đẻ từ 4 – 5 con. Tốc độ xây của ong rất nhanh, do đó, khi nào ong phủ kín cầu thì là đạt. Do mỗi đàn ong chỉ có 1 ong chúa nên với những người nuôi ong có kinh nghiệm khi bắt đầu vào vụ sẽ phải tiến hành làm con chúa nhân tạo để điều tiết trong trường hợp một con ong chúa bỏ đi hoặc bị chết thì có con khác thay thế.
Thông thường, tuổi đời của một con ong thợ là 40 ngày vào mùa hoa và 60 ngày vào mùa đông, còn đối với ong chúa thì sau 90 ngày là lại phải thay thế một lần.
Chia sẻ về kinh nghiệm để có lượng mật ong lớn, ông Tiến cho hay: Cách thời điểm hoa nở 40 ngày phải làm cho ong chúa đẻ ra nhộng bằng cách làm cho ong chúa trẻ lại thông qua chế độ ăn uống đặc biệt nhằm kích thích đẻ.
Đặc biệt trong quá trình nuôi ong phải chú ý khi hết mùa hoa bắt đầu từ tháng 9 di chuyển ong lên vùng núi đá. Sau đó trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau là thời gian chuyển ong về để chia đàn và tiếp tục khai thác mật. Vào mùa đông khi hoa khan hiếm thì chi phí cho mỗi một thùng ong của gia đình ông Tiến là 10kg đường tương đương với khoảng 150.000đ/thùng.
Hiện tại ong của gia đình ông Tiến là giống ong nội địa được ông mua của những người nuôi ong lâu năm trong nhóm cùng sở thích với nhau. Trung bình mỗi năm với 140 thùng ong, gia đình ông Tiến thu về từ 1,3 – 1,5 tấn mật, trung bình mỗi đàn là 15kg mật/năm. Với giá bán từ 120.000 – 140.000đ/lít mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 100 triệu đồng từ bán mật ong sau khi đã trừ hết chi phí.
Ngoài ra, ông Tiến còn làm ong giống để bán với giá 180.000đ/cầu, trung bình mỗi năm ông bán khoảng 30 cầu. Bên cạnh việc nuôi ong lấy mật gia đình ông còn trồng thêm các loại cây ăn quả và hoa trong vườn để tăng thu nhập.
Hiện tại HTX Nuôi ong Phúc Thành có 32 thành viên nuôi khoảng 4.000 đàn ong. Trong đó các thành viên cơ bản đều có thu nhập ổn định từ mô hình nuôi ong lấy mật. Đến nay mật ong của HTX đã hai lần được tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh.