| Hotline: 0983.970.780

Nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ Biofloc

Thứ Bảy 19/09/2020 , 14:00 (GMT+7)

Dự án “Xây dựng mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn bằng công nghệ Biofloc gắn tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh phía Bắc” đạt được hiệu quả cao.

Hiệu quả mô hình

Tại Quảng Ninh, mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn theo công nghệ Biofloc gắn với tiêu thụ sản phẩm được triển khai từ tháng 3-2020 với diện tích 1,3 ha với 3 hộ tham gia (Tiên Yên 2 hộ; Cẩm Phả 1 hộ).

Thực nghiệm cho thấy, sau 78 ngày thả 171,6 vạn con giống tôm PL 12 và nuôi bằng công nghệ Biofloc hai giai đoạn, tôm có tỷ lệ tôm sống đạt trên 80%, kích cỡ dao động 50-55 con/kg, tổng sản lượng  duy trì 27.4 tấn/1.3 ha. Đến nay, các hộ dân đã thu hoạch tôm thương phẩm với giá bán bình quân từ 134-140 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận đạt trên 1,2 tỷ đồng/ha.

Trong quá trình thực hiện mô hình, mặc dù có nhiều bất lợi do điều kiện thời tiết như nắng nóng kéo dài, mưa lớn, tình hình dịch bệnh xung quanh khu vực nuôi có diễn biến phức tạp… nhưng các điểm triển khai mô hình đều đạt, thậm chí vượt mức các chỉ tiêu, yêu cầu của chương trình.

Quá trình lắp đặt mô hình nuôi tôm hai giai đoạn bằng công nghệ biofloc tại TP Cẩm Phả (Quảng Ninh): Ảnh: Hải Nam - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh.

Quá trình lắp đặt mô hình nuôi tôm hai giai đoạn bằng công nghệ biofloc tại TP Cẩm Phả (Quảng Ninh): Ảnh: Hải Nam - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh.

Để đạt hiệu quả, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh luôn bám sát mô hình, kịp thời giải quyết những phát sinh, tồn động xung quanh vấn đề của mô hình. Việc trao đổi các thông tin kinh nghiệm giữa nhóm hộ và cán bộ kỹ thuật, chuyên gia nuôi tôm được chú trọng, sâu sát.

Ông Từ Văn Nam ở xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh), hộ dân triển khai mô hình cho hay: "Ngoài kết quả về mặt năng suất, tính ổn định về môi trường ao nuôi, môi trường khu xả thải thì mô hình đã tiết giảm tối đa các chi phí về thức ăn, hóa chất. Tôm nuôi khỏe mạnh, giảm tỷ lệ chết trong giai đoạn 1 và có sức đề kháng tốt trong suốt chu kỳ nuôi.

Trong thời gian thực hiện mô hình được rút ngắn so với công nghệ nuôi thông thường. Tôi nhận thấy quy trình nuôi chỉ sử dụng vi sinh, không sử dụng hóa chất nên tôm thương phẩm đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm và được các đơn vị thu mua quan tâm, ký hợp đồng bao tiêu. Điểm đáng chú ý mà tôi thấy mô hình này thực sự hiệu quả bởi tính ứng dụng cao, phù hợp với quy mô trang trại vừa và nhỏ, dễ áp dụng. Trong thời gian tới gia đình sẽ tiếp tục mở rộng diện tích nuôi theo công nghệ này".

Quy trình nuôi tôm được thực hiện 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu ương nuôi từ 20-25 ngày với mật độ nuôi 1.000 – 3.000 con/m2 , cỡ tôm thả: PL 10-12. Giai đoạn 2 nuôi từ 70 – 75 ngày với mật độ nuôi: 120 -150 con/m2 , cỡ tôm thả: 1.000 – 1.200 con/kg. Biofloc được gây nuôi trong ao thả tôm trong suốt giai đoạn 2 của quy trình.

Bể ương tôm giai đoạn 1 tại xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh). Ảnh: Hải Nam - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh.

Bể ương tôm giai đoạn 1 tại xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh). Ảnh: Hải Nam - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh.

Triển khai đồng bộ giúp người nuôi trồng thủy sản

Được biết, ngày 18/9/2018, UBND Tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 3675/QĐ-UBND về việc Phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tiếp tục khẳng định con tôm là đối tượng chủ lực trong nuôi trồng thủy sản, đồng thời có các giải pháp căn cơ thúc đẩy phát triển.

Là đơn vị có định hướng nghiên cứu, hỗ trợ bà con nông dân kỹ thuật nuôi, áp dụng KHCN tiến tiến vào sản xuất, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh trở thành một trong 3 tỉnh, đơn vị trực tiếp tham gia vào Dự án “Xây dựng mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn bằng công nghệ Biofloc gắn tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh phía Bắc”.

Theo ông Nguyễn Bá Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh: Địa phương vốn phát triển nghề nuôi tôm từ khá sớm và là tỉnh đầu tiên trong cả nước nuôi tôm chân trắng theo công nghiệp cao. Từ chỗ chỉ nuôi thử theo hình thức quảng canh cải tiến, đến nay đã có hàng nghìn ha ao, đầm được đưa vào nuôi trồng. Qua hơn 10 năm, mô hình nuôi tôm chân trắng công nghiệp đã chứng minh được hiệu quả, thu hút nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong tỉnh tích cực tham gia và làm giàu….

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh kiểm tra mô hình nuôi tôm tại xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh). Ảnh: Hải Nam - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh kiểm tra mô hình nuôi tôm tại xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh). Ảnh: Hải Nam - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh.

"Kết quả mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn theo công nghệ Biofloc gắn với tiêu thụ sản phẩm là bước tiếp cận gần hơn với định hướng của ngành. Thành công bước đầu trong triển khai dự án là cơ hội lớn cho bà con nông dân, chủ các hộ nuôi tôm công nghiệp của tỉnh tiếp cận, học tập để từng bước phát triển ngành nuôi tôm theo hướng bền vững", ông Lâm chia sẻ.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.