| Hotline: 0983.970.780

Nuôi tôm bằng công nghệ mới đầu tiên ở Việt Nam

Thứ Năm 05/12/2019 , 14:38 (GMT+7)

Công nghệ bọt khí Micro-Nano Oxygen lần đầu tiên được sử dụng trong nuôi tôm tại Quảng Nam bước đầu đã mang lại hiệu quả. 

Tôm nuôi phát triển tốt, ít dịch bệnh và đảm bảo sạch mà không sử dụng bất kỳ kháng sinh gì. Từ trước đến nay, nghề nuôi tôm ở Việt Nam chủ yếu vẫn mang tính tự phát, quy mô từng hộ gia đình nhỏ lẻ. Người dân thường chưa nắm rõ được nhiều kỹ thuật, đặc biệt là vấn đề đảm bảo môi trường sống cho tôm. Điều này dẫn đến việc tôm nuôi thường hay nhiễm dịch bệnh, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Mô hình nuôi tôm sử dụng công nghệ Micro-Nano Oxygen đảm bảo môi trường sạch.

Trước thực tế này, từ tháng 10/ 2018, Công ty QNTEK đã đầu tư gần 40 tỷ đồng để xây dựng một mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại xã Bình Hải  (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Đây là công nghệ sử dụng loại máy tạo bọt khí Micro-Nano Oxygen để xử ao nuôi, tạo môi trường sạch cho tôm sinh sống.

Theo ông Trần Bá Cương, Giám đốc kỹ thuật – Cty CP QNTEK, trước đó, công nghệ này thường được các nước trên thế giới sử dụng trong việc xử lý môi trường, đặc biệt là nước thải. Nước sau khi được xử lý bằng công nghệ này đảm bảo sạch, giàu oxy và có khả năng được ứng dụng hiệu quả vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau.

“Máy Micro-Nano Oxygen tạo ra rất nhiều oxy. Đối với cây trồng, nếu nước giàu oxi dùng để tưới nhỏ giọt cho cây trồng thì cây lớn rất nhanh.

Còn đối với động vật, khi uống nước chứa nhiều oxy sẽ làm cho các vi khuẩn gây bệnh đường ruột chết đi đồng thời làm cho men tiêu hóa trong ruột chúng hoạt động mạnh hơn, chất dinh dưỡng trong thức ăn được hấp thu nhanh nên mau lớn và kháng bệnh”, ông Cương nói.

Cũng theo ông Cương, các chuyên gia về thủy sản cũng biết được vai trò của oxy trong lĩnh vực nuôi tôm nhưng chưa ai sử dụng công nghệ này để nuôi hoặc chỉ nuôi ở quy mô nhỏ. Bởi loại máy Micro-Nano Oxygen được sản xuất ở các nước như Nhật Bản, Đức, Mỹ… khi nhập về có chi phí rất cao (khoảng 10.000USD) do vậy không khả thi.

“Thấy triển vọng của công nghệ này trong lĩnh vực nuôi tôm nên tôi rất trăn trở. Sau một thời gian, tôi đã nghiên cứu và chế tạo ra loại máy này với giá thành rẻ hơn rất nhiều (khoảng 800USD). Để hiện thực hóa ý tưởng, tôi đã kết hợp với Cty QNTEK để triển khai mô hình. Và đây cũng là mô hình đầu tiên ở Việt Nam cũng như cả khu vực Đông Nam Á”, ông Cương chia sẻ.

Vị Giám đốc kỹ thuật giải thích thêm, khi nước trong ao nuôi được xử lý, có nhiều oxy thì các vi khuẩn có hại trong nước sẽ ít hơn, do đó người nuôi hạn chế được việc sử dụng kháng sinh, giúp giảm chi phí. Bên cạnh đó, trong mô hình này còn sử dụng thêm các loại khoáng vi sinh dược liệu như đinh lăng, tỏi, ổi để tăng cường kháng thể cho tôm, giúp tôm hấp thụ và tiêu hóa tốt thức ăn.  

Tôm nuôi bằng công nghệ Micro-Nano Oxygen phát triển nhanh, ít dịch bệnh.

Được biết, với công nghệ này, chi phí đầu tư cho mỗi ha hạ tầng nuôi tôm hết khoảng 6 tỷ đồng. So với cách nuôi truyền thống thì tương đối cao nhưng bù lại chi phí nuôi ít hơn. Nếu như bình thường, người nuôi sẽ mất từ 70.000 -  75.000 đồng chi phí cho 1 kg thương phẩm thì công nghệ này chỉ mất khoảng 60.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, tôm nuôi sạch, không sử dụng kháng sinh nên giá thành bán cũng cao hơn từ 20.000 – 30.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Đức Lực, Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần QNTEK cho biết, từ khi bắt đầu thực hiện mô hình đến nay, Cty đã thu hoạch được 3 vụ, với sản lượng vụ đầu tiên khoảng 100 tấn trên diện tích 6,5ha. Hai vụ sau do đang tiến hành xử lý lại ao nuôi nên chỉ nuôi được gần 1 nữa diện tích, đạt sản lượng từ 30 – 40 tấn mỗi vụ.

“Mô hình thực hiện tương đối hiệu quả vì mới trong thời gian bắt đầu. Để nâng cao hiệu quả thì ngoài công nghệ cần phải có thêm những người có kỹ thuật nuôi tôm. Nếu nắm chắc kỹ thuật kết hợp với mô hình này sẽ đem lại thành công rất lớn.

Vừa qua, tôi cũng đã đến một số địa điểm nuôi tôm thâm canh để về áp dụng, hoàn thiện dần mô hình. Còn về chất lượng tôm thì rất tốt. Mới đây, một doanh nghiệp của Nhật Bản đã sang kiểm tra và rất hài lòng sau đó chúng tôi cũng đã xuất trực tiếp một vài lô sản phẩm qua nước này”, ông Lực nói.

Ông Nguyễn Hữu Trường, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản – Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam cho biết: “Mô hình nuôi tôm của Cty QNTEK vừa mới được thực hiện một thời gian nhưng cho thấy rất hiệu quả. Nuôi bằng công nghệ mới này xử lý môi trường nước rất an toàn, hạn chế dịch bệnh. Bên cạnh đó, mô hình này sẽ rất thuận lợi đối với những điểm nuôi có quy mô lớn. Tuy nhiên, với những hộ gia đình nhỏ thì hơi khó vì giá thành đầu tư tương đối cao”.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.