| Hotline: 0983.970.780

Nuôi tôm cỡ lớn

Thứ Tư 15/05/2019 , 08:49 (GMT+7)

Tôm nuôi thu hoạch cỡ (size) lớn thường có giá cao hơn gấp 1,5 – 2 lần so với tôm cỡ nhỏ. Hơn nữa, cùng số lượng đầu con thả nuôi, tôm cỡ lớn còn làm tăng sản lượng nên người nuôi có lãi cao hơn gấp nhiều lần.

Nuôi 4 giai đoạn

Tháng năm trời nắng như đổ lửa. Rồi bất chợt lại ào xuống những cơn mưa. Nhiệt độ chênh lệch lớn giữa ngày và đêm, khiến người nuôi tôm nước lợ luôn lo ngay ngáy vì tôm dễ bị sốc môi trường. Thế nhưng, đối với những kỹ sư tại trang trại nuôi của Cty TNHH Giống thủy sản Hưng Phú – chi nhánh Kiên Giang (xã Thủy Liễu, Gò Quao, Kiên Giang), thì họ không quá lo lắng, với việc nuôi tôm 4 giai đoạn.

Ông Trần Tân Khoa, Tổng Giám đốc Công ty Hưng Phú cho biết, Hưng Phú là đơn vị chuyên SX tôm giống, mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 1 tỷ con. Tuy nhiên, do thời gian gần đây người dân phản ánh tôm nuôi không đạt đầu con nên đơn vị đã đầu tư xây dựng vùng nuôi này để kiểm chứng, đồng thời hoàn thiện quy trình kỹ thuật để chuyển giao cho nông dân nhân rộng.

08-41-40_2tong_gim_doc_cong_ty_tnhh_giong_thuy_sn_hung_phu_trn_tn_kho_ben_phi_kiem_tr_o_nuoi_tom_co_lon
Ông Trần Tân Khoa (bên phải) kiểm tra ao nuôi tôm cỡ lớn

Theo ông Khoa, mô hình nuôi tôm quảng canh trên ruộng lúa (tôm - lúa) đã có mặt tại các tỉnh ven biển ĐBSCL mấy chục năm qua, nông dân tự làm rồi tích lũy kinh nghiệm dần. Tuy nhiên, do lệ thuộc quá nhiều vào tự nhiên, người nuôi không kiểm soát được môi trường, mật độ thả nuôi… nên khi thời tiết bất lợi là rất dễ gặp rủi ro.

Với diện tích gần 4 ha, được công ty thiết kế thành 13 ao, mỗi ao từ 1.500 - 3.000 m2, trong đó có 2 ao dành riêng để xử lý nước trước khi cấp vào, còn lại là ao nuôi. Ngoài ra, công ty còn thiết kế 5 hồ nổi bằng bạt nhựa HDPE để dèo tôm giống trước khi thả nuôi.

Lý giải về việc chia khu nuôi thành nhiều ao, ông Khoa cho biết: “Nông dân nuôi tôm quảng canh thường thiết kế toàn bộ diện tích đất ruộng nhà mình thành vuông tôm, nước được cấp trực tiếp từ kênh rạch vào, hoàn toàn không có ao lắng lọc. Vì vậy, rất dễ gặp rủi ro. Mà đã gặp sự cố là bị toàn vuông nuôi, thiệt hại rất lớn. Còn mình chia nhỏ, vừa dễ quản lý, kiểm soát, xử lý môi trường, vừa hạn chế được rủi ro”.

Thu hoạch tôm tại Công ty Hưng Phú
Công ty Hưng Phú không chọn đi theo hướng nuôi tôm thâm công nghiệp, mà chọn quy trình quảng canh cải tiến có kiểm soát, với ao nuôi lót bạt chung quanh, có quạt nước và sục khí đáy ao. Theo ông Khoa, so với nuôi tôm quảng canh truyền thống thì quy trình này an toàn hơn nhờ kiểm soát tốt các công đoạn, nếu nông dân làm thì lợi nhuận tới thiểu sẽ tăng thêm từ 10-20%.

“Giai đoạn 1 là SX con giống, ương vèo khi nào đạt chuẩn mới chuyển đến vùng nuôi. Giai đoạn 2 sẽ nuôi mật độ dày, khoảng 100 con/m2, trong thời gian 1 tháng. Giai đoạn 3 nuôi mật độ 30-50 con/m2, thời gian từ 1-1,5 tháng. Giai đoạn 4 nuôi tôm đạt kích cỡ lớn, mật độ chỉ 5-6 con/m2. Mục tiêu đặt ra là phải đạt dưới 25 con/kg mới thu hoạch”, ông Khoa cho biết quy trình nuôi 4 giai đoạn của đơn vị.
 

Tối ưu hóa lợi nhuận

Thời tiết ĐBSCL chỉ có 2 mùa mưa, nắng, tạo ra 6 tháng nước mặn (mùa khô) và 6 tháng nước ngọt (mùa mưa). Nếu nuôi tôm nước lợ trong mùa mưa sẽ không hiệu quả, vì độ mặn thấp, tôm chậm lớn. Thường người nuôi phải tận dụng nguồn nước từ vụ nuôi trước để xử lý lại nuôi cho vụ sau.

“Hướng làm của Hưng Phú là phải “thuận thiên”, tức là mùa nào thì chọn đối tượng nuôi phù hợp theo mùa đó. Mùa mặn đầu tư nuôi tôm sú hoặc tôm thẻ. Còn mùa mưa thì nuôi tôm càng xanh, có thể kết hợp trồng lúa. Tất cả đều làm theo hướng sạch, hữu cơ. Tôm nuôi theo quy trình không sử dụng hóa chất, không thức ăn công nghiệp”, ông Khoa cho biết.

Theo ông Khoa, nông dân vẫn biết là nuôi tôm cỡ lớn bán sẽ được giá cao nhưng họ sợ rủi ro nên thường thu hoạch sớm, khi tôm còn nhỏ. Nguyên nhân là cách nuôi quảng canh lệ thuộc quá nhiều vao thời tiết tự nhiên. Họ không kiểm soát được các yếu tố môi trường, do vuông nuôi ruộng, có muốn xử lý cũng không làm được.

Thương lái thu mua tôm

Còn quy trình nuôi của Hưng Phú giúp người nuôi quản lý tốt tất cả các khâu, tạo môi trường thuận lợi nhất cho tôm phát triển, nuôi vừa đạt đầu con, vừa đạt năng suất, bán tôm cỡ lớn và bán trực tiếp cho người tiêu dùng nên tối ưu hóa được lợi nhuận. Thực tế, Hưng Phú đã nuôi đạt tỷ suất lợi nhuận lến tới 150%, một con số rất lý tưởng đối với người nuôi tôm.

Mô hình nuôi tôm cỡ lớn mà Hưng Phú đang thực hiện tại huyện Gò Quao đặt ra 4 mục tiêu cần đạt, đó là: chi phí đầu tư thấp, nông dân dễ thực hiện, nhân rộng; kiểm soát tốt tất cả các khâu trong quá trình nuôi, giảm thiểu rủi ro; rút ngắn thời gian thả nuôi và cuối cùng là đạt được lợi nhuận cao.

Nông dân quan tâm đến mô hình nuôi tôm cỡ lớn có thể liên hệ với Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giống thủy sản Hưng Phú Trần Tân Khoa qua số điện thoại: 0983484999 hoặc đến tham quan trang trại của đơn vị tại ấp Phước Tiến, xã Thủy Liễu, Gò Quao, Kiên Giang sẽ được các kỹ sư tư vấn trực tiếp.

 

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Ngư dân Quảng Nam được mùa mực biển

Giá mực cao, sản lượng nhiều hơn các năm trước nên sau một đêm đánh bắt trên biển, các ghe thuyền ở Quảng Nam có thể thu về hàng chục triệu đồng.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất