| Hotline: 0983.970.780

Nuôi tôm công nghệ '3 cao, 1 thấp'

Thứ Ba 12/05/2020 , 07:49 (GMT+7)

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao, thay thế ao đất truyền thống ở các huyện Nhà Bè, Cần Giờ, TP.HCM ngày càng phổ biến, bởi mô hình cho thấy hiệu quả cao.

Ông Trần Văn Mùa (áo thun xanh) Giám đốc HTX nuôi tôm Hiệp Thành, một trong những người đi tiên phong trong nuôi tôm công nghệ ở huyện Nhà Bè, TP.HCM. Ảnh: Trần Đăng.

Ông Trần Văn Mùa (áo thun xanh) Giám đốc HTX nuôi tôm Hiệp Thành, một trong những người đi tiên phong trong nuôi tôm công nghệ ở huyện Nhà Bè, TP.HCM. Ảnh: Trần Đăng.

Một trong những mô hình nuôi tôm công nghệ cao đang được áp dụng tại 2 huyện ngoại thành TP.HCM này là CPF – Combine Model và chương trình 3C.

Mô hình do công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam xây dựng, cho tỷ lệ thành công và hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần nuôi tôm truyền thống trong ao đất.

Mô hình CPF – Combine Model bao gồm CPF-Green house, CPF-Turbo Program và chương trình 3C. Trong đó, CPF-Green House là mô hình ao ương tôm trong nhà từ 25 – 30 ngày. Mục đích nhằm hạn chế các dịch bệnh, tăng sức đề kháng cho tôm, giảm chi phí, tăng vụ nuôi sau khi đưa tôm ra ao thương phẩm. Để đạt hiệu quả cao nhất, diện tích ao ương chỉ nên từ 500m2 trở xuống.

Đây là hệ thống ao nuôi an toàn sinh học, trên có lưới che, ngăn chim và các động vật khác xâm nhập, dưới lót bạt đáy, quản lý môi trường ao nuôi bằng chế phẩm sinh học. Còn ao CPF-Turbo Program diện tích không quá 2.000m2, nhằm thuận lợi cho việc quản lý.

Ngoài ra, mô hình phải dành tối thiểu 30% diện tích để làm hệ thống ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng. Còn chương trình 3C là tôm giống sạch bệnh, nước sạch và đáy ao sạch.

Ông Trần Văn Mùa, Giám đốc HTX Nuôi tôm Hiệp Thành, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, là một trong số ít những người đi tiên phong nuôi tôm công nghệ, áp dụng mô hình CPF – Combine Model và chương trình 3C.

“Muốn nuôi tôm thành công, trước hết phải có con giống tốt, sạch bệnh, sau đó lá áp dụng công nghệ đúng, đủ. Ngoài ra, các yếu tố khác như nguồn lực tài chính, đầu ra cũng là những vấn đề then chốt. Vì đầu tư công nghệ cần nguồn vốn lớn, trong khi nông dân đa phần ít vốn”, ông Trần Văn Mùa, Giám đốc HTX nuôi tôm Hiệp Thành.

Mặc dù chỉ có 1.200 m2 ao tôm, nhưng mỗi năm ông thu hàng trăm triệu đồng tiền lãi.

Ông Mùa cho biết, ông đầu tư hệ thống ao nuôi hết gần 2 tỷ đồng, gồm một ao ương, một ao lắng, và hai ao nuôi tôm thành phẩm. Mặc dù tiền đầu tư không nhỏ, nhưng đổi lại, tỷ lệ thành công cao, năng suất có thể đạt 40 tấn tôm thành phẩm/ha.

Theo ông Mùa, áp dụng quy trình này, mỗi lứa tôm nuôi khoảng 70 ngày, cộng thời gian xử lý ao, bình quân mỗi vụ khoảng 3 tháng. Như vậy, một năm có thể nuôi tối đa được bốn vụ. Nếu có đầu ra ổn định thì mỗi năm có thể thu khoảng từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng/ha.

“Mô hình này đã khẳng định được tính ưu việt và hiệu quả rất rõ trong việc quản lý các yếu tố quan trọng nhất trong nuôi tôm như nguồn nước, thức ăn, dễ chăm, dễ quản lý, tỷ lệ sống cao, tôm lớn nhanh và kích cỡ tôm đồng đều.

Đặc biệt, nuôi theo mô hình này, tôm thành phẩm sạch, giá trị kinh tế cao hơn nuôi truyền thống nhiều lần”, ông Mùa nói.

Một hộ khác ở xã Hiệp Phước là anh Huỳnh Văn Phúc, cũng đang áp dụng thành công mô hình CPF – Combine Model và Chương trình 3C. Với 6 ao tôm, mỗi ao 2.500m2, anh Phúc chỉ sử dụng khoảng 50% diện tích làm ao nuôi, còn lại xây dựng ao ương, ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng, ao chứa phân, bùn và hệ thống xử lý biogas.

Áp dụng mô hình CPF – Combine Model và Chương trình 3C, tôm lớn nhanh, kích cỡ đồng đều, thời gian nuôi ngắn. Ảnh: Phúc Lập.

Áp dụng mô hình CPF – Combine Model và Chương trình 3C, tôm lớn nhanh, kích cỡ đồng đều, thời gian nuôi ngắn. Ảnh: Phúc Lập.

Theo anh Phúc, đầu tư theo mô hình này, ngoài việc phải có nguồn vốn đầu tư lớn, đòi hỏi người nuôi phải nắm rõ thiết kế công trình và toàn bộ quy trình kỹ thuật vận hành. Nhưng nếu đầu tư đúng và tuân thủ quy trình nuôi, tỷ lệ tôm chết rất thấp, năng suất cao, thời gian nuôi ngắn. Và trên hết là sản phẩm đầu ra đảm bảo chất lượng.

“Muốn tồn tại và phát triển thì đây là hướng đi tất yếu, không phải riêng ngành tôm, mà bất kể ngành sản xuất thực phẩm nào cũng vậy. Vì yêu cầu sức khoẻ, thức ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phầm là cốt lõi mà. Cho nên, dù khó khăn tôi cũng phải đầu tư bài bản”, anh Phúc nói.

Hay nhưng cần vốn lớn

Ngoài Nhà Bè, Cần Giờ cũng là huyện giáp biển TP.HCM có diện tích nuôi tôm rất lớn, tập trung tại 4 xã là Bình Khánh, An Thới Đông, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp. Đến nay, nhiều hộ đã giàu lên nhờ nuôi tôm áp dụng công nghệ cao theo mô hình CPF-Combine Model, mặc dù vốn đầu tư lớn.

Định kỳ kiểm tra nguồn nước ao tôm, là một trong những khâu quan trọng trong quy trình nuôi tôm theo mô hình CPF-Combine Model. Ảnh: Phúc Lập.

Định kỳ kiểm tra nguồn nước ao tôm, là một trong những khâu quan trọng trong quy trình nuôi tôm theo mô hình CPF-Combine Model. Ảnh: Phúc Lập.

Là một trong những hộ có thâm niên nuôi tôm lâu năm, nhưng vẫn nuôi truyền thống trong ao đất, anh Nguyễn Văn Tuấn, ở xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, từng không ít lần mất trắng vì tôm dịch bệnh, chết sạch.

Năm 2015, anh quyết định thay đổi, đầu tư nuôi tôm công nghệ. Sau nhiều lần đi tham quan, học hỏi các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, năm 2015, anh quyết định đầu tư mô hình nuôi tôm công nghệ cao với chi phí đầu tư gần hai tỷ đồng cho hơn 1ha ao tôm. Hơn 2/3 số tiền đầu tư này anh phải đi vay.

Mô hình ao tôm của anh được thiết kế kiểu bán nổi. Thay vì đào sâu xuống đất theo phương pháp truyền thống, thì chỉ đào sâu khoảng 50cm, phần bờ đắp bờ nổi trên mặt đất khoảng hơn 1m.

Ưu điểm của ao nổi là dễ vệ sinh, đón được nhiều gió, góp phần tạo oxy tự nhiên, tôm khỏe hơn, lớn nhanh hơn. Ngoài ra, ao vẫn đủ các thiết kế khác như lót bạt đáy ao, hố ga hút chất thải từ tôm và thức ăn thừa.

“Do mật độ thả dày, trung bình từ 200-290 con/m2, chất thải tích tụ nhiều và nhanh, nên phải theo dõi môi trường nước thường xuyên để hút chất thải, lắng cặn dưới đáy ao ra ngoài, nếu không tôm sẽ chậm lớn, dễ sinh bệnh”, anh Tuấn nói.

Ao tôm chuẩn bị thu hoạch của gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ. Ảnh: Phúc Lập.

Ao tôm chuẩn bị thu hoạch của gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ. Ảnh: Phúc Lập.

Sau một năm nuôi, gia đình anh thắng lớn, trả hết nợ và vẫn còn dư. “Người nông dân học hành chẳng tới đâu, nên cứ nghe đến khoa học, công nghệ cao là dè dặt, không dám làm. Nhưng mấu chốt vẫn là vấn đề tài chính, với đa số bà con, đầu tư cả tỷ đồng không phải chuyện đơn giản, vay mượn cũng khó. Cái khó bó cái khôn”, anh Tuấn chia sẻ.

Theo anh Tuấn, nuôi tôm truyền thống trong ao đất thường thả mật độ khoảng 50 con/m2, còn nuôi theo công nghệ, có thể thả mật độ dày gấp 4-5 lần. “Nếu thả 200 con giống/m2 thì sau 70 ngày có thể thu hoạch, tôm có thể đạt kích cỡ từ 25 đến 30 con/kg. Còn thả dày hơn thì kích cỡ sẽ nhỏ hơn, có thể 35-40 con/kg, và thời gian thả cũng lâu hơn chút. Quan trọng hơn là nuôi ứng dụng công nghệ vi sinh, không sử dụng chất kháng sinh nên tôm đảm bảo sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm”, anh Tuấn cho biết.

Nuôi tôm "3 cao, 1 thấp"

Theo ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch HND xã Hiệp Phước, hiện nay có nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao, do các doanh nghiệp lớn đầu tư, xây dựng. Tùy theo mỗi vùng mà áp dụng mô hình phù hợp.

Tại Hiệp Phước, Nhà Bè, nhiều người nuôi tôm đang áp dụng mô hình CPF – Combine Model và chương trình 3C, với mục tiêu “ba cao, một thấp”. Ba cao là tốc độ tăng trưởng cao, tỷ lệ sống cao và số vụ nuôi cao; một thấp là FCR thấp và không thiệt hại. Nuôi tôm nói riêng hay thủy sản nói chung, chi phí thức ăn là phần chính, chiếm đến 60% tổng chi phí.

Do đó, việc tăng hiệu quả sử dụng thức ăn thông qua giảm FCR là rất quan trọng, nhằm giảm chi phí và nâng giá trị lợi nhuận cao lên.

“Mấy năm gần đây, dịch bệnh trên tôm là những thách thức ngày càng lớn đối với người nuôi tôm nước lợ. Cho đến khi áp dụng quy trình nuôi khoa học, thì vấn đề dịch bệnh trên tôm đã được giải quyết”, ông Vinh nói.

Xem thêm
Sầu riêng 'tắc đường' sang Trung Quốc: Kinh nghiệm 10 ngày thần tốc của Thái Lan

Cả hệ thống nông nghiệp Thái Lan đã vào cuộc, nhằm giải quyết dứt điểm việc tồn dư vàng O trên sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất