| Hotline: 0983.970.780

Công nghệ nuôi tôm phát triển vũ bão

Thứ Tư 01/01/2020 , 09:10 (GMT+7)

Ngành nuôi tôm nước lợ đang phát triển mạnh mẽ công nghệ cao từ phần mềm quản lý, ứng dụng vi sinh đến quy trình kỹ thuật để có sản phẩm đáp ứng nhu cầu các thị trường với hiệu quả bền vững.

Phần mềm quản lý

Người nuôi tôm nhiều nơi đã khá quen thuộc với iQuatic, phần mềm phân tích đầu tiên trong ngành tôm tập trung hóa các nguồn đa dữ liệu vào một nền tảng đám mây. Quá trình nuôi tôm nước lợ phải xử lý khối lượng thông tin khổng lồ, vượt quá mọi khả năng của phương pháp thủ công mà chỉ có thể đạt hiệu quả với phần mềm tích hợp 4.0 và iQuatic đã hỗ trợ điều đó.

Chuyên gia của iQuatic cho biết, các dữ liệu như kích thước tôm, hàm lượng oxy hòa tan trong ao và chu kỳ mặt trăng được đưa vào mô hình để giải quyết những câu hỏi khó khăn nhất. Chẳng hạn, sinh khối hiện tại của trại là bao nhiêu? Sau 3, 7, 10 tuần nữa sinh khối là bao nhiêu? Khi nào là thời điểm thu hoạch tốt nhất?

12-33-20_2212191
Nhà máy xử lý nước trong nuôi tôm công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu của Tập đoàn Việt - Úc.

Những câu hỏi trên được iQuatic hỗ trợ trả lời. Đồng thời còn hỗ trợ nâng cao các giá trị chuyên sâu giúp người nuôi tôm ra quyết định nhằm cải thiện kết quả thu hoạch, giảm chi phí đầu vào và vận hành hiệu quả hơn.

Khi hiểu biết về sinh khối ao tôm sẽ xây dựng chương trình cho tôm ăn để đạt được kích cỡ tôm mục tiêu, tối đa hóa sản lượng tôm thu hoạch, khuyến cáo ngày thu hoạch tốt nhất. Với nhiều dữ liệu hơn được cập nhật vào iQuatic, các mô hình phân tích sẽ giúp tối ưu hóa chi phí nuôi để đạt được và duy trì lợi nhuận tốt, sản xuất bền vững.

Phần mềm nâng cao hiệu quả quản lý dữ liệu, ghi lại cả dữ liệu định tính và định lượng bằng các thiết bị di động. Tự động thu thập dữ liệu, kết thúc thời kỳ nhập dữ liệu thủ công. Cho phép truy cập từ xa 24 giờ vào tất cả dữ liệu trang trại để đưa ra quyết định tức thì.

Người nuôi tôm có thể quan sát được những gì đang diễn ra ở trại tôm, phân tích dữ liệu tích hợp với cái nhìn sâu sắc chưa từng có về trang trại, ra các quyết định dựa vào khoa học. Đây là công nghệ mới nhất quản lý trang trại nuôi tôm.

Đặc biệt, màn hình với giao diện thân thiện cung cấp các thông tin thời gian thực. Còn có thể hiển thị bản đồ ao với các báo động bằng màu sắc cho các tiêu chí được xác định bởi người nuôi. Đây cũng là cơ sở truy xuất nguồn gốc giống, theo dõi và ghi lại tất cả các di chuyển của con tôm trong trang trại kể từ khi giao hàng từ trại giống.
 

Phần mềm iQuatic cho phép xây dựng các mô hình phân tích với khối lượng lớn và nhiều loại dữ liệu được lưu trữ, phân tích một cách an toàn theo các nguyên tắc và quy tắc nghiêm ngặt nhất của sự tôn trọng ẩn danh và bảo mật. Những mô hình đó sẽ giúp mỗi người dùng xác định chiến lược sản xuất bền vững tốt và phù hợp nhất.

Công nghệ vi sinh

Ông Nguyễn Văn Điểm ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) thả 420.000 post vào ao đất diện tích 2.200m2, sau 70 ngày thu hoạch tôm cỡ 60 con/kg, lãi 200 triệu đồng.

Cũng như ông Điềm, ông Trần Chí Cường ở xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) nuôi tôm thắng lợi nhờ áp dụng công nghệ vi sinh đột phá.

Đây là phương pháp nuôi tôm “nói không với kháng sinh” mà sử dụng những chế phẩm bổ sung là vi sinh, khoáng chất, vitamin, dinh dưỡng...

Bên cạnh giảm chi phí sản xuất như sử dụng nhân công hiệu quả, thiết kế mô hình tối ưu, chọn thức ăn, chọn nguồn tôm giống, quản lý thức ăn để giảm giá thành sản xuất. Tất cả đưa đến cho người nuôi tôm chủ động hơn trong khâu phòng bệnh.

Bởi vì diễn biến trong ao nuôi tôm thường biến chuyển rất nhanh, nếu xử lý không đúng cách và phòng ngừa chủ động thì việc khắc phục hậu quả là phức tạp, rủi ro cao.

Đơn vị cung cấp vi sinh là Công ty Cổ phần Vi sinh ứng dụng, đại diện Công ty là bà Bùi Thị Huỳnh Hoa cho hay: “Chúng tôi đã thành công trong việc tuyển chọn được chủng vi khuẩn có khả năng diệt Vibrio harveyi gây bệnh phát sáng và vibrio parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy”.

Bà giải thích, người nuôi tôm trước nay rất bị động, lúng túng khi ao nuôi xảy ra sự cố. Xử lý thường được bà con áp dụng: Khi tôm bị bệnh gan, ruột, rớt lai rai, bỏ ăn thì dùng kháng sinh diệt khuẩn, dùng hóa chất cắt tảo và hạn chế khí độc. Không chủ động khống chế nên lúng túng và xử lý theo sự vụ, không nắm vững được kiến thức cơ bản, bản chất vấn đề về phòng và trị; gây lãng phí, không hiệu quả đặc biệt là lạm dụng kháng sinh, hóa chất.

“Để xử lý ô nhiễm môi trường ao nuôi, giúp nước trở nên trong sạch thích hợp cho con tôm sinh trưởng thì cần phải có chế phẩm vi sinh vật đủ mạnh, chứa nhiều vi sinh vật có nhiều tính năng khác nhau được tuyển chọn trong các phòng thí nghiệm vi sinh vật có uy tín”, bà Hoa nhấn mạnh.

Theo bà, chế phẩm được lựa chọn phải đa năng, có khả năng phân giải các chất hữu cơ làm sạch môi trường, chuyển hóa làm giảm các chất độc, sinh ra các chất kháng sinh tự nhiên chống vi sinh vật gây bệnh thường gặp ở tôm.

Như thế, cũng theo bà Hoa, chế phẩm tốt phải chứa các vi sinh vật sinh enzim phân giải các chất hữu cơ không mong muốn, làm giảm BOD đảm bảo độ trong của nước (khoảng 30 - 40cm).

Để làm giảm NH3 cần có vi khuẩn, ví dụ Nitrosomonas oxi hóa NH3 thành NO2-. Để làm giảm NO2- cần có vi khuẩn, ví dụ Nitrobacter oxi hóa NO2- thành NO3- và để làm giảm NO3- cần có các vi khuẩn như Pseudomonas denitrificans, Bacillus licheniformis... tiến hành phản nitrat hóa, tức khử NO3- thành nitơ phân tử hoặc amôn hóa NO3- thành NH2OH hoặc NH3.

Để làm giảm giảm H2S cần có vi khuẩn quang hợp lưu huỳnh tía để oxi hóa H2S thành lưu huỳnh phân tử. Vi khuẩn này chứa hàm lượng protein rất cao nên thuận lợi làm thức ăn cho ấu trùng tôm đồng thời chứa omega 3,7,9 rất cần cho việc chuyển giai đoạn của ấu trùng tôm.

“Chất kháng sinh đã và sẽ bị cấm hoàn toàn trong nuôi tôm do vậy bắt buộc phải đưa các vi sinh vật đối kháng vào chế phẩm”, bà Hoa kết luận.
 

Quy trình kỹ thuật

Nổi bật thời gian qua, Tập đoàn Việt - Úc xây dựng mô hình nuôi tôm công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu. Đó là quy trình kỹ thuật nuôi tôm trong nhà kính, hoàn toàn chủ động, ít chịu tác động của môi trường. Hiện nay, Tập đoàn Việt-Úc đang từng bước hoàn thiện qui trình nuôi tôm sinh học thân thiện môi trường, hướng tới ứng dụng năng lượng sạch trong nuôi trồng thủy sản.

12-33-20_2212192
Thiết bị lọc nước ao tôm ở Tập đoàn Việt - Úc.

Cũng ở tỉnh Bạc Liêu, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh có quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh ít rủi ro và trách nhiệm với môi trường. Hiệu quả của quy trình được nhấn mạnh ở 4 đặc tính, đầu tiên là gắn kết môi trường, tiếp theo là tính kinh tế và bền vững, cuối cùng là tính nhân rộng.

Gắn kết với môi trường vì không sử dụng kháng sinh, hóa chất; ít thay nước. Từ đó nâng cao tính kinh tế vì góp phần giảm chi phí 10-20%, giá bán tôm cao hơn so với thị trường 5 - 10%. Hệ số thức ăn 0,85 - 1; mật độ nuôi 200 - 300 con/m2; tăng số vụ nuôi lên 3 - 4 vụ/năm. Tính ra chi phí 1kg tôm loại 50 con/kg khoảng 68.000 - 72.000 đồng. Sản lượng đạt từ 80 - 120 tấn/ha/năm. Tính kinh tế gắn liền với tính bền vững khi tỷ lệ tôm sống cao, giảm hiện tượng tôm chết sớm và môi trường giữ được trong lành.

Để đạt được các kết quả, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh đưa ra thiết kế và quản lý quy trình ao nuôi cụ thể. Trong đó, nhóm dinh dưỡng nhằm tăng cường chức năng gan; cung cấp vi sinh đường ruột; kích thích bắt mồi, bao bọc thức ăn; giúp vỏ tôm dày, sáng bóng; tôm nặng cân, chắc thịt. Còn nhóm xử lý môi trường nhằm khống chế NO2, NH3, ổn định màu nước, cung cấp vi khuẩn có lợi tùy theo mật độ nuôi để sử dụng phù hợp; cung cấp Ca, Mg; ngăn ngừa tôm bị cong thân, đục cơ, giúp tôm cứng vỏ.

Giám đốc Công ty Trúc Anh, ông Lê Anh Xuân cho biết, hạch toán chi phí với 1ha nuôi tôm như sau: Chi phí xây dựng cơ bản 700.000.000 đồng; tổng chi phí một năm 2.054.385.000 đồng; tổng doanh thu một năm 3.744.000.000 đồng; lợi nhuận một năm 1.689.615.000 đồng.

“Quy trình của chúng tôi có ưu điểm là dễ nhân rộng trong các hộ nuôi tôm nhỏ lẻ nên đã phát triển ở nhiều tỉnh là Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Long An và một số tỉnh phía Bắc. Tổng diện tích ứng dụng quy trình của chúng tôi năm 2018 là 535 ao, sang năm 2019 tăng lên gần gấp đôi”, ông Xuân nói.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.