| Hotline: 0983.970.780

Nuôi tôm công nghệ cao-[Bài 1]-Hướng đi khó nhưng hiệu quả khác biệt

Thứ Ba 29/03/2022 , 12:21 (GMT+7)

Những năm gần đây, mô hình nuôi tôm công nghệ cao phát triển mạnh tại các huyện Nhà Bè, Cần Giờ (TP.HCM)...

Chúng tôi về xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ “thủ phủ nuôi tôm” của TP.HCM đúng thời điểm người dân đang tất bật thu hoạch và chuẩn bị thả nuôi vụ mới. Đi đến đâu cũng nghe mọi người hào hứng bàn tán về việc đầu tư nuôi tôm công nghệ cao. Dọc hai bên đường Lý Nhơn, ấp Lý Hoà Hiệp (xã Lý Nhơn) nhiều khu vực xáng cạp đất đang ầm ầm đào ao đắp bờ bao để kịp vào vụ tôm mới.

Nhóm kỹ thuật phụ trách ao tôm đang tất bật triển khai công việc từ pha trộn thức ăn, bật máy chạy quạt, máy ôxy, cho tôm ăn, kiểm tra ao nuôi... Ảnh: Minh Sáng.
Nhóm kỹ thuật phụ trách ao tôm đang tất bật triển khai công việc từ pha trộn thức ăn, bật máy chạy quạt, máy ôxy, cho tôm ăn, kiểm tra ao nuôi... Ảnh: Minh Sáng.

Nhóm kỹ thuật phụ trách ao tôm đang tất bật triển khai công việc từ pha trộn thức ăn, bật máy chạy quạt, máy ôxy, cho tôm ăn, kiểm tra ao nuôi... Ảnh: Minh Sáng.

Dẫn chúng tôi đi thực tế, thạc sĩ Nguyễn Thị Gái Nhỏ - Trưởng phòng kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM đưa chúng tôi ghé vào một đại bản doanh nuôi tôm CNC Thanh Thế (CPF – COMBINE) ở ấp Lý Hòa Hiệp, xã Lý Nhơn vừa đúng giờ tôm vào bữa. Nhóm kỹ thuật phụ trách ao tôm đang tất bật triển khai công việc từ pha trộn thức ăn, bật máy chạy quạt, máy ôxy, cho tôm ăn, kiểm tra ao nuôi...

Anh Dương Trung Hiếu, đại diện chủ ao tôm CNC cho biết: “Hiện chúng tôi đang triển khai nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích gần 4ha. Nuôi tôm công nghệ cao đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi tôm thường và đảm bảo môi trường. Từ khi bắt đầu triển khai nuôi tôm chúng tôi đã áp dụng đầy đủ quy trình có hệ thống ao xử lý nước và hệ thống ao lắng, hệ thống ao nuôi, giúp cho tôm phát triển tốt và cho năng suất cao”.

Nuôi tôm CNC áp dụng đầy đủ quy trình có hệ thống ao xử lý nước và hệ thống ao lắng, hệ thống ao nuôi. Ảnh: Minh Sáng.
Nuôi tôm CNC áp dụng đầy đủ quy trình có hệ thống ao xử lý nước và hệ thống ao lắng, hệ thống ao nuôi. Ảnh: Minh Sáng.

Nuôi tôm CNC áp dụng đầy đủ quy trình có hệ thống ao xử lý nước và hệ thống ao lắng, hệ thống ao nuôi. Ảnh: Minh Sáng.

Theo anh Hiếu, các anh về đây đầu tư thuê đất nuôi tôm đến nay đã được hơn 3 năm. Hiện vụ tôm này đã 118 ngày, khoảng vài tuần nữa sẽ thu hoạch. Trong quá trình vận hành ao nuôi, được Trung tâm Khuyến nông TP.HCM và địa phương hỗ trợ kỹ thuật nên từ khi nuôi đến nay chưa có vụ nào bị thất bại.

Hộ bà Trần Thị Bàng, xã Tam Thôn Hiệp có 4 ha nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình truyền thống đã hơn 10 năm nay. Tuy nhiên, duy trì mô hình này ngày càng gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh bùng phát, rủi ro cao. Khi được tham khảo từ các mô hình nuôi tôm CNC, gia đình bà đã quyết định đầu tư cải tạo lại ao nuôi và thực hiện đúng quy trình CNC. Chỉ sau mấy vụ nuôi, bà đã thu hoạch được hơn 30 tấn tôm thương phẩm, tương đương hơn 4,2 tỷ đồng, đạt lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng. Bà Bàng phấn khởi nói: “Trước đây, nông dân nuôi tôm công nghiệp, mật độ thả nuôi thưa, môi trường thường bị ô nhiễm phải sử dụng kháng sinh, không quản lý được thức ăn, rủi ro cao. Tuy nhiên, nuôi tôm công nghệ cao mật độ thả nuôi dày, không dùng kháng sinh, quản lý được thức ăn, môi trường, do có xây dựng hố ga cho nên những con yếu sẽ rớt vào hố ga đưa ra ngoài, mình có thể tận dụng để phơi khô cung cấp cho chế biến thức ăn”.

 Kiểm tra môi trường nước nuôi tôm thường xuyên và thăm tôm trước ngày thu hoạch. Ảnh: Minh Sáng.
 Kiểm tra môi trường nước nuôi tôm thường xuyên và thăm tôm trước ngày thu hoạch. Ảnh: Minh Sáng.

 Kiểm tra môi trường nước nuôi tôm thường xuyên và thăm tôm trước ngày thu hoạch. Ảnh: Minh Sáng.

Còn hộ ông Trần Văn Mùa, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè cũng liên tiếp thắng lớn, trúng đậm bạc tỷ mỗi năm nhờ áp dụng nuôi tôm CNC. Để triển khai nuôi tôm CNC trên hai ao 1.200 m2 theo mô hình này, ông Mùa đã chuẩn bị gồm ao ương, ao lắng với chi phí khá cao. Theo ông Mùa, mỗi năm nuôi được ba vụ, mỗi lứa tôm ông nuôi trung bình 70 ngày, cùng với thời gian xử lý ao là 90 ngày. Với sự đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng CNC, mỗi năm gia đình ông thu lãi hàng trăm triệu đồng. 

Tương tự, anh Trịnh Ðức Thuấn, ở xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, người đã có hơn 20 năm trong “nghiệp tôm”, hiện đang nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGAP trên ao lót bạt có diện tích mặt nước 6000 m2. Đây cũng là điểm tham quan, học tập kinh nghiệm cho nhiều người nuôi tôm ở thành phố và một số tỉnh thành phía Nam. Hiện tôm dưới ao nuôi đã được 55 ngày. Trước đây bình quân anh nuôi hai vụ/năm, thu hoạch được khoảng 38 tấn tôm/vụ; có vụ cho năng suất cao đạt 43 tấn/vụ. Đến nay, anh nuôi được 3 vụ tôm, thu được hơn 110 tấn tôm/năm, hiệu quả kinh tế rất cao.

Kiểm tra, chăm sóc tôm trong ao nuôi CNC. Ảnh: Minh Sáng. 
Kiểm tra, chăm sóc tôm trong ao nuôi CNC. Ảnh: Minh Sáng. 

Kiểm tra, chăm sóc tôm trong ao nuôi CNC. Ảnh: Minh Sáng. 

Anh Thuấn tâm sự: “Tôi đang nuôi tôm công nghệ cao, tất cả từ máy pha trộn thức ăn, hệ thống đánh thuốc đều hoàn toàn tự động. Hiện tôi đang lắp đặt thêm hệ thống xử lý nước bằng điện hoá và siêu âm. Mong rằng bà con nuôi tôm cũng nên áp dụng công nghệ cao để giúp tăng năng suất, vì nếu giữ mãi mô hình nuôi quảng canh thì sản lượng rất thấp và rủi ro rất cao, ảnh hưởng đến môi trường nước xung quanh”.

Theo anh Thuấn, nuôi tôm theo quy trình VietGAP là nuôi tôm sạch, con giống phải sạch, quá trình nuôi sạch, lựa chọn thức ăn cho tôm không sử dụng kháng sinh, không sử dụng chất cấm, ứng dụng công nghệ hiện đại, thu hoạch và chế biến sản phẩm cũng phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn…“Người nuôi cần phải thả được con giống tốt và xử lý kỹ nguồn nước đầu vào cũng như quản lý môi trường trong ao. Như vậy tôm sẽ khoẻ và tỉ lệ thành công cao, hiệu quả kinh tế sẽ thấy rõ.

Theo Sở NN-PTNT TP.HCM, diện tích nuôi tôm chủ yếu tập trung ở 4 xã phía bắc huyện Cần Giờ (Bình Khánh, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp, Lý Nhơn) và 2 xã huyện Nhà Bè (Hiệp Phước và Nhơn Đức). Cần Giờ đang phát triển nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC để nâng cao chất lượng và năng suất, qua đó gia tăng thu nhập của người dân. Hiện trên địa bàn huyện Cần Giờ có 42 mô hình nuôi tôm với diện tích khoảng 33,56 ha đang áp dụng mô hình nuôi tôm CNC. Đây là mô hình được đầu tư với quy trình khép kín từ con giống đến thu hoạch, ít tác động đến môi trường, kiểm soát tốt dịch bệnh, nuôi tôm lớn nhanh, tỷ lệ rủi ro thấp, cho năng suất và chất lượng cao. Đồng thời, những mô hình này cũng được đánh giá là bước thay đổi đột phá cho nghề nuôi thủy sản trên địa bàn huyện.

Trao đổi với NNVN, thạc sĩ Nguyễn Thị Gái Nhỏ, Trưởng phòng kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM cho biết: Hiện trên địa bàn huyện Nhà Bè và Cần Giờ xu hướng phát triển nuôi tôm công nghệ cao đang tăng mạnh. Thời gian trước bà con nuôi tôm công nghiệp với mật độ nuôi tương đối dày, nhưng để tăng năng suất và sản lượng trên một đơn vị diện tích nên bà con đầu tư thêm các thiết bị ứng dụng công nghệ cao nhằm đạt năng suất và chất lượng sản phẩm sạch trên diện tích nuôi của mình.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Gái Nhỏ cũng cho biết về chính sách nuôi tôm CNC của Trung tâm Khuyến nông TP.HCM: khi bà con tham gia mô hình trình diễn thì sẽ được hỗ trợ con giống, vật tư, trang thiết bị thiết yếu, còn lại bà con cùng đầu tư phối hợp để tạo ra được mô hình trình diễn.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.