Doanh nghiệp tham gia đầu tư hạ tầng
Hệ thống đường ống ngầm nói trên do Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Minh Phú đầu tư đang được triển khai thực hiện tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.
Khi hoàn thành, đây sẽ là đường ống ngầm khổng lồ đầu tiên tại ĐBSCL với đường kính người trưởng thành có thể đi lọt, dài hàng km để lấy nước biển xa bờ, sạch và độ mặn cao nhằm phục nuôi tôm thâm canh công nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tổng diện tích nuôi tôm nước lợ mà hệ thống đường ống ngầm này có thể phục vụ là 9.338 ha, thuộc vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Kiên Giang, trải dài trên địa bàn 3 huyện, thành phố: Hà Tiên, Kiên Lương và Giang Thành.
Theo kế hoạch, dự án hệ thống đường ống ngầm lấy nước biển phục vụ nuôi tôm này sẽ được triển khai thực hiện từ nay đến năm 2025, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 chia làm 2 tuyến ống.
Tuyến ống số V, năng lực cấp nước 600 - 900ha, xây dựng trạm bơm có một đường ống lấy nước biển xa bờ 1.000 - 1.500 m, đường kính 1.600mm. Ống đẩy 6,8 - 9 km, đường kính 1.400mm, đủ khả năng cấp nước biển nuôi tôm cho diện tích 600 - 900ha tại xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương.
Tuyến ống kênh Cây Me, nâng cao năng lực cấp nước thêm cho 3.100 ha. Xây dựng trên tuyến kênh Cây Me, thêm trạm bơm và đường ống lấy nước biển xa bờ. Đầu tư nạo vét kênh Cây Me, đủ sức cấp nước cho thêm 3.100ha, tại ấp Bãi Ớt, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương.
Giai đoạn 2, nâng cao năng lực cấp nước lên thêm 5.838 ha, để đạt đến 9.838ha của toàn hệ thống. Xây dựng tại khu vực Ngã Ba Cây Bàng thêm trạm bơm và đường ống lấy nước biển xa bờ. Đầu tư nạo vét kênh cấp nước theo tuyến Ngã Ba Cây Bàng và công trình trên kênh đủ cấp nước thêm cho 5.838ha, tại ấp Rạch Núi, xã Thuận Yên, thành phố Hà Tiên.
Trong báo cáo đề xuất chủ chương thực hiện dự án, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang đánh giá: Việc triển khai hệ thống đường ống ngầm lấy nước biển xa bờ, sạch và đạt độ mặn cao là rất cần thiết, nhằm góp phần phát triển bền vững lĩnh vực nuôi tôm công nghiệp, đặc biệt là nuôi tôm công nghệ cao vùng Tứ giác Long Xuyên trong thời gian tới.
Tổng vốn đầu tư dự kiến là 2.819 tỷ đồng, từ nguồn vốn hoạt động của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Minh Phú. Giai đoạn 1, tuyến ống số V là 386 tỷ đồng, tuyến kênh Cây Me 633 tỷ đồng. Giai đoạn 2 là 1.800 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành cả 2 giai đoạn vào cuối tháng 6/2025.
Phát huy lợi thế nuôi tôm công nghiệp
Phát biểu tại Hội nghị Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL, tổ chức tại Kiên Giang ngày 6/3, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho rằng, để phát triển ngành hàng tôm tại ĐBSCL, chúng ta cần phải tích hợp quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng nội vùng và liên vùng, trong đó tập trung cho hạ tầng nuôi tôm, nhất là khâu cấp và thoát nước riêng biệt là rất quan trọng.
Lấy ví dụ về Ecuador, ông Quang cho rằng diện tích nuôi tôm của nước này không lớn, nhưng nhờ được đầu tư cơ sở hạng tầng tốt, hệ thống nuôi hiện đại, đạt năng suất rất cao nên giá tôm nguyên liệu của họ luôn rẻ hơn Việt Nam rất nhiều.
Hiện hầu hết các trại nuôi tôm tại Ecuador đều sử dụng hệ thống nuôi siêu thâm canh trong nhà kính, trang bị máy lọc nước và được quản lý trong hệ thống tuần hoàn khép kín. Họ cũng đã tạo ra được giống tôm kháng bệnh cho hiệu quả nuôi rất tốt nên giá tôm nguyên liệu khi bán ra luôn thấp, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Do đó, để ngành tôm của Việt Nam nói chung và ĐBSCL rói riêng phát triển một cách bền vững, thì trước hết phải tập trung đầu tư về cơ sở hạ tầng vùng nuôi, có hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt. Sử dụng giống tôm kháng bệnh phục vụ nuôi trồng thay cho giống tôm sạch bệnh như hiện nay của chúng ta.
Giống sạch bênh nhưng nguồn nước và môi trường nuôi không tốt tôm sẽ nhiễm bệnh, tăng chi phí phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, cần cải tiến quy trình nuôi thâm canh vừa sức tải môi trường, liên kết vùng nuôi nguyên liệu với nhà máy chế biến”, ông Lê Văn Quang đề xuất.
Trong chuyến khảo sát về tình hình phát triển nuôi tôm công nghiệp tại vùng Tứ giác Long Xuyên mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành đã đến kiểm tra việc triển khai thực hiện hệ thống đường ống lấy nước biển phục vụ nuôi tôm nước lợ của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Minh Phú, ông Thành đánh giá đây là cách làm mới, tạo bước đột phá cho phát triển nghề nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao của tỉnh, khai thác tiềm năng lợi thế, mang lại giá trị kinh tế cao.
Theo đó, ông Thành đề nghị phía doanh nghiệp cần phải sớm hoàn tất các thủ tục về đầu tư, giải phóng mặt bằng, triển khai đúng tiến độ… Các ngành chức năng của tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để dự án sớm hoàn thành, đi vào hoạt động.
Từ đó, góp phần dần hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng nuôi tôm trong vùng, với hệ thống thủy lợi thông minh, có kênh cấp và thoát nước riêng biệt, nhằm giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, giảm rủi ro về dịch bệnh, phát triển sản xuất bền vững.
Đến hết tháng 2, diện tích thả nuôi tôm của tỉnh đã đạt 53.290 ha, trong đó nuôi công nghiệp 772 ha, tôm - lúa gần 41.000ha và quảng canh cải tiến 11.560 ha. Sản lượng thu hoạch 2 tháng đầu năm đạt 7.463 tấn.
Riêng vùng Tứ giác Long Xuyên, diện tích nuôi tôm nước lợ là 18.760ha, sản lượng thu hoạch dự kiến 44.430 tấn. Đây là vùng tập trung nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp của tỉnh, chiếm 4.100 ha. Trong đó, diện tích thả nuôi của các doanh nghiệp trong vùng là 826ha, sản lượng thu hoạch hơn 17.100 tấn.
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, năm 2022 tỉnh có kế hoạch phát triển thả nuôi tôm nước lợ với tổng diện 140.630ha, sản lượng thu hoạch 108.500 tấn tôm thương phẩm. Trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh công nghiệp, bán công nghiệp là 4.200 ha, sản lượng 39.250 tấn, quảng canh tôm - lúa diện tích 107.600ha, sản lượng 58.000 tấn và diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến 28.830ha, sản lượng 11.250 tấn.