Mấy năm trước, tình cờ xem báo về mô hình nuôi loại chim trĩ đỏ khoang cổ, anh Phạm Anh Tuân (ở thôn 6, xã Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình) thích mê và quyết tâm tìm đến cơ sở học hỏi kinh nghiệm nuôi và mua mấy cặp chim bố mẹ mang về nuôi thử.
“Bí quyết nuôi trĩ đỏ khoang cổ như nuôi gà rừng vậy đó. Nó thuộc loại chim hoang dã, bay, chạy như gà rừng”, anh Tuân mở đầu câu chuyện.
Có chút bỡ ngỡ ban đầu rồi cũng quen nhanh. Mấy cặp chim giống thoáng cái đã đẻ trứng. Những lứa trứng ban đầu, anh Tuân gom lại và thử áp dụng kinh nghiệm dân gian cho ấp nở bằng ủ trấu, thắp đèn. Hơn hai chục ngày sau, trứng nở. Đàn trĩ đỏ như những cục bông nhỏ chạy như lăn tròn, nhìn mà thấy vui.
Qua năm sau, tổng đàn chim của anh Tuân đã lên hàng trăm con. Trong chuồng, anh kiếm cây bắc ngang dọc cho chúng bay đậu lên đó. Dưới đất, anh mua vỏ trấu về đổ thành lớp mỏng để khử mùi phân chim. Mỗi năm, anh thu dọn trấu một lần đưa đi ủ làm phân hữu cơ bón cho cây trồng.
Anh Tuân chia sẻ, từ việc cung cấp chim trĩ thương phẩm, trứng, con giống và chim trĩ nuôi cảnh cho khách khi có nhu cầu, doanh thu hàng năm của trang trại đạt được trên 600 triệu đồng.
“Chim trĩ đỏ khoang cổ cũng không phải là loại kén ăn. Ngoài thức ăn chính cho chim như lúa, hạt ngô các loại rau là chúng đều thích ăn”, anh Tuân nói tiếp.
Những loại rau trồng như muống, cải, rau lang… được anh Tuân mua ở các vùng quê hay đặt cho những nhà vườn hữu cơ, mua các loại rau phế phẩm mang về là thành thức ăn cho lũ chim. Nguồn thức ăn rau xanh có thể có được cả quanh năm nên cũng dễ trong việc cung cấp nguồn thức ăn cho chim.
Với kinh nghiệm nuôi, anh Tuân cũng cho hay, chim trĩ ít khi mắc các loại bệnh như các loại vật nuôi khác. Tuy nhiên, chuồng trại nuôi phải được quay lưới kín để chim không bay mất và xung quanh khu vực chuồng trại cần được thông thoáng.
Chim trĩ mái thường có bộ lông xám nhạt. Khi vào mùa đẻ trứng, nếu chăm sóc tốt có thể đạt đến 100 quả trứng mỗi lứa đẻ. Chim trĩ không làm tổ mà chỉ đẻ trứng lên nền chuồng, Cứ mỗi sáng, anh Tuân cầm khay nhặt trứng. “Sau đó, chọn trứng để đưa vào máy ấp lấy giống. Phần lớn trứng còn lại lại thì bán thương phẩm. Khách hàng rất chuộng trứng chim trĩ vì độ dinh dưỡng cao”, anh Tuân cho hay.
Cũng theo anh Tuân, chim trĩ từ lúc nuôi giống đến khi bán thương phẩm khoảng 1 năm. Khi đó, chim trĩ mái có trọng lượng từ 1 - 1,2kg mỗi con và chim trĩ đực có trọng lượng từ 1,2 - 1,5kg. “Giá bán thương phẩm mỗi kg khoảng 240.000 đồng.” Anh Tuân cho biết.
Hiện, trang trại nuôi chim trĩ của anh Tuân có quy mô 70 cặp chim bố mẹ và hơn 300 con chim nuôi thương phẩm. Cứ khoảng sau một tháng là Tuân lại thả giống để tăng đàn. Anh chia sẻ: “Đây là phương pháp nuôi gối đầu. Như vậy là tháng nào tôi cũng có sản phẩm trứng và chim thương phẩm để cung ứng ra thị trường. Vừa đảm bảo thu nhập, vừa giữ chân bạn hàng có được những năm qua”.
Sau khi đứng vững trong việc phát triển ổn định đàn chim trĩ, anh Tuân hướng đến khép kín từ khâu nuôi đến khâu chế biến và đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ. Tùy theo nhu cầu của khách hàng lựa chọn mà trang trại cung cấp chim trĩ tươi sống hoặc chim đã qua làm sạch và bảo quản trong túi nilon hút chân không.
Nhằm giới thiệu những món ăn được chế biến từ chim trĩ, anh Tuân mở “nhà hàng” lưu động với việc làm dịch vụ phục vụ tiệc tại gia cho những khách hàng có nhu cầu.
"Tùy theo khách hàng yêu cầu các món ăn chế biến từ chim trĩ và có thể phục vụ cho trăm khách ăn tiệc. Ê-kíp của chúng tôi không chỉ phục vụ trên địa bàn thành phố Đồng Hới mà còn phục vụ tại các huyện ở nơi xa”, anh Tuân chia sẻ thêm.