Vốn là kỹ sư điện tử với mức lương khá cao tại TP. Hồ Chí Minh. Năm 2013, thanh niên Nguyễn Bửu Thanh, 35 tuổi ở khu vực Thới Hòa B, phường Long Hưng, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ quyết định về quê lập nghiệp.
Chim trĩ, gà Quý Phi là những vật nuôi đầu tiên được anh Bửu Thanh lựa chọn xây dựng gia trại “Chim trĩ đỏ Cần Thơ” trên quy mô gần 500m2 để khởi nghiệp và hiện đã mở rộng lên 1.000m2.
Tiết lộ lý do lựa chọn mô hình, anh Bửu Thanh cho biết, từ nhỏ đã rất đam mê chim trĩ, bao nhiêu tiền dành dụm được anh đều đầu tư mua chim trĩ nuôi làm kiểng, đam mê đã trở thành động lực để anh lựa chọn phát triển kinh tế với giống vật nuôi này.
“Khi tôi quyết định nghỉ việc trở về quê nuôi chim trĩ, gia đình nhất quyết ngăn cản vì cho rằng đây là cách làm mạo hiểm, bấp bênh, vì quá đam mê, tôi quyết tâm theo đuổi đến cùng”, anh Bửu Thanh bộc bạch.
Chặng đường khởi nghiệp ban đầu không bao giờ là thuận lợi, kỹ thuật nuôi không nắm vững, đầu ra sản phẩm cũng chưa tìm được, hơn nữa chim trĩ thuộc nhóm động vật khó nuôi và rủi ro cao, khó khăn từ đó cộng dồn.
Thay vì nuôi nhốt trong lồng sắt, cách nền cát, che chắn gió, chim trĩ khó thích nghi, anh Bửu Thanh quyết định thay đổi kỹ thuật nuôi, cho chim nghe nhạc vào giai đoạn sinh sản để tỷ lệ đậu phôi cao, gia tăng sản lượng trứng.
Với 20 con chim trĩ ban đầu, hiện nay anh Thanh đang sở hữu 500 con chim trĩ bố mẹ. Theo chu kỳ sinh sản, mỗi năm chim trĩ đẻ trứng 2 đợt, bình quân sau 7 - 8 tháng nuôi, chim có thể đẻ trứng lứa đầu tiên, sau đó ngưng khoảng 1 - 2 tháng để thay lông và tiếp tục đẻ lứa thứ hai. Trung bình mỗi năm, một chim trĩ mái có thể đẻ 170 - 180 trứng.
Sau 2 năm khai thác trứng, chim trĩ vẫn sống và sinh sản, nhưng số lượng trứng giảm dần, anh Bửu Thanh sẽ chuyển qua bán chim thịt thương phẩm.
Gia trại của anh Bửu Thanh hiện đang sở hữu 2 loại chim trĩ xanh và đỏ, khả năng sinh sản và tập quán sống của hai loài chim này tương tự nhau. Tuy nhiên, chim trĩ xanh sẽ sinh sản chậm hơn 1 tháng so với chim trĩ đỏ và có thể đẻ liên tiếp 4 - 5 tháng. Đối với chim trĩ đỏ thời gian sinh sản trung bình chỉ khoảng 3 tháng.
Cũng theo anh Bửu Thanh, chim trĩ được nuôi nhốt thành từng khu riêng biệt. Do trứng chim trĩ được ấp tự động, nên ở giai đoạn chim non mới nở đến 30 ngày tuổi, anh đưa vào khâu nuôi úm, có đèn sưởi, giữ nhiệt độ trong chuồng từ 35 - 38 độ C để chim con đủ ấm.
Hiện, mỗi tháng anh Bửu Thanh xuất bán ra thị trường từ 5.000 - 6.000 trứng chim trĩ, với giá bán 8.000 đồng/trứng và 180.000 đồng/kg đối với thịt chim trĩ. Anh Bửu Thanh đã xây dựng thành công kênh phân phối thịt chim trĩ cho các chuỗi nhà hàng, quán ăn tại TP. Cần Thơ.
Trứng chim trĩ được đóng gói, đăng ký nhãn hiệu, tích hợp mã QR để truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm đang được tiêu thụ mạnh ở các tỉnh, thành phố như Bình Thuận, Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ…
Mới đây, Hội đồng đánh giá và xếp hạng Chương trình Mỗi xã một sản phẩm TP. Cần Thơ đã xét duyệt thương hiệu “Trứng chim trĩ Hưng Long” của anh Bửu Thanh đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Gia trại “Chim trĩ đỏ Cần Thơ” trở thành cơ sở nuôi chim trĩ quy mô lớn ở TP. Cần Thơ cung cấp thịt và con giống cho nhiều hộ nuôi ở khắp các tỉnh ĐBSCL.
Nhận thấy đây là mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, lãnh đạo quận Ô Môn đánh giá cao sự tìm tòi, đa dạng hóa sản phẩm của hộ nuôi. Đồng thời mong muốn cơ sở của anh Bửu Thanh tiếp tục mở rộng sản xuất, áp dụng thêm nhiều kỹ thuật hiện đại vào chăn nuôi, ổn định chất lượng cho sản phẩm.