Anh Nguyễn Bửu Thanh, ở phường Long Hưng, quận Ô Môn, TP Cần Thơ là người nuôi chim trĩ và gà kỳ lân quy mô lớn ở miền Tây, cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Ðây là một trong những mô hình “độc lạ” mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người chăn nuôi.
Theo lời kể của anh Thanh, năm 2013 anh ra trường làm kỹ sư điện tử cho một doanh nghiệp ở TP. HCM với mức lương khá cao, sau vài năm làm việc anh quyết tâm trở về quê Cần Thơ lập nghiệp nghề chăn nuôi chim trĩ.
Vì ước mơ của anh lúc còn nhỏ đã mê chim trĩ, khi lớn lên sẽ dành dụm đủ tiền mở trang trại nuôi giống chim này. Nhưng lúc đầu anh nuôi loài vật này cũng gặp không ít thất bại về kỹ thuật hay chưa am hiểu tập tính của chúng nên chim trĩ thường bị hao hụt nhiều.
Qua nhiều năm học hỏi, nghiên cứu kỹ thuật và rút kinh nghiệm thực tế, anh Thanh đã “chinh phục” giống chim trĩ này và thành công cho đến ngày hôm nay.
Theo anh Thanh, khi đã am hiểu về kỹ thuật thì chim trĩ rất dễ nuôi, gần giống như nuôi gà nhưng lợi nhuận cao hơn từ 7 - 10 lần. Thức ăn của chim trĩ đỏ gồm gạo, lúa, cám, thức ăn chế biến... và có thể cho ăn thêm các loại rau xanh, thân chuối băm.
Giá bán chim trĩ 1 ngày tuổi từ 30.000 - 32.000 đồng/con, chim 1 tháng tuổi 60.000 đồng/con, chim thương phẩm 170.000 - 180.000 đồng/kg. Chim trĩ khi nở, nuôi từ 4,5 - 5 tháng có thể xuất bán thịt, từ 7-8 tháng có thể cho sinh sản (tùy theo giống trĩ đỏ, trĩ xanh). Chim sinh sản theo mùa, thường mỗi năm hai đợt, đợt đầu từ tháng 3 - 4, đợt sau từ tháng 9 -10.
Bình quân mỗi năm, một con chim mái có thể đẻ từ 170 - 180 trứng. Số trứng, thời gian đẻ của chim trĩ còn phụ thuộc vào kỹ thuật nuôi, chế độ cho ăn và chăm sóc. Trứng chim trĩ được cho ấp nở để bán giống hoặc nuôi lớn cung cấp cho nhà hàng lớn tại TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận trong khu vực ĐBSCL.
Tập tính sau sinh sản của chim trĩ khá giống với loài chim tu hú, chúng thường đẻ trứng nhưng lại lười ấp nên tỷ lệ nở không cao. Do đó người nuôi phải ấp trứng bằng máy để đạt tỷ lệ nở cao nhất, lên đến 80 - 85%. Kỹ thuật ấp trứng chim trĩ không khác gì so với ấp trứng gà, trứng vịt.
Hiện, mỗi tháng anh Thanh xuất bán ra thị trường từ 5.000 - 6.000 trứng chim trĩ, với giá bán 8.000 đồng/trứng. Anh Thanh còn xây dựng thành công kênh phân phối thịt chim trĩ cho các chuỗi nhà hàng, quán ăn tại TP. Cần Thơ.
Còn trứng chim trĩ được đóng gói, đăng ký nhãn hiệu, tích hợp mã QR để truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm đang được tiêu thụ mạnh ở các tỉnh, thành phố như Bình Thuận, TP. HCM, Hà Nội, Cần Thơ…Mới đây, Hội đồng đánh giá và xếp hạng Chương trình mỗi xã một sản phẩm TP Cần Thơ đã xét duyệt thương hiệu “Trứng chim trĩ Hưng Long” của anh Thanh đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Ngoài nuôi chim trĩ ra, anh Thanh còn nuôi loại gà kỳ lân và là người đầu tiên nuôi loại gà này ở Cần Thơ. Ban đầu chỉ có 4 con, đến nay anh đã nhân giống lên gần 20 con bố mẹ, chưa kể đến số gà mà anh đã bán cho khách hàng trước đây.
Anh Thanh cho biết, loài gà này dễ nuôi, ít bệnh chủ yếu phục vụ giới chơi kiểng. Gà mái đẻ khoảng 70-80 trứng/năm, tỷ lệ nở từ 85-90% khi ấp bằng máy. Gà con 1 tuần tuổi bán giá 200.000 đồng/con, gà trưởng thành giá 2 triệu đồng/con (3-5kg/con).
Anh Thanh chia sẻ bí quyết về việc làm chuồng trại nuôi gà kỳ lân thành công, trước hết người nuôi phải hiểu đặc tính gà kỳ lân thân hình to lớn nên việc thiết kế chuồng trại có những điểm khác biệt so với các giống gà khác.
Trước hết, chuồng trại nuôi gà kỳ lân phải được xây dựng nơi cao ráo, dễ thoát nước, cách xa khu dân cư. Đây là yếu tố đầu tiên, cũng là yếu tố quan trọng nhất trước khi người nuôi quyết định nuôi gà kỳ lân.
Nếu đảm bảo các yếu tố trên, người nuôi sẽ hạn chế tối đa được nguồn bệnh trên đàn gà. Do đặc điểm gà kỳ lân rất nhút nhát nên nếu làm chuồng xa khu dân cư, mức độ ồn ào thấp gà sẽ sinh trưởng và phát triển tốt hơn.
“Thiết kế chuồng sao cho ấm vào mùa đông, mát về mùa hè. Nền chuồng cần láng xi măng, hoặc gạch phẳng có độ dốc từ 3 - 5 độ để tiện cho việc vệ sinh chuồng trại”, anh Thanh cho biết.
Đối với mô hình nuôi chim trĩ của anh Thanh theo phương pháp an toàn sinh học và được cung cấp cho thị trường những sản phẩm an toàn, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm. Hiện mô hình của anh được nhiều người ở ĐBSCL tìm đến tham quan và học hỏi kỹ thuật nuôi.