| Hotline: 0983.970.780

Núp bóng trang trại nông nghiệp để sản xuất điện mặt trời

Thứ Hai 16/08/2021 , 14:43 (GMT+7)

Nông nghiệp chỉ là thứ yếu với vài loài dược liệu loe nghoe. Phần lớn diện tích trang trại tại Thừa Thiên Huế được sử dụng để sản xuất điện.

Sản xuất điện mặt trời là chính, nông nghiệp chỉ là thứ yếu

Sản xuất điện mặt trời trong các trang trại nông nghiệp tại Thừa Thiên Huế là chủ yếu; nông nghiệp là thứ yếu Ảnh: VD.

Sản xuất điện mặt trời trong các trang trại nông nghiệp tại Thừa Thiên Huế là chủ yếu; nông nghiệp là thứ yếu Ảnh: VD.

Ngày 14/9/2020, ông Nguyễn Đăng Hòa có đơn xin chấp thuận xây dựng trang trại tổng hợp tại thôn Bắc Triều Vịnh, xã Phong Hiền (huyện Phong Điền). Đây là 2,06 ha đất ông Hòa được UBND huyện Phong Điền cho thuê thời hạn 50 năm để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Theo thuyết trình dự án, trang trại sẽ trồng trọt, nuôi gà, vịt, đào ao thả cá, trồng rừng vành đai. Dự kiến, đến tháng 12/2020, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành.

Cần tính toán lại việc trồng cây dưới mái pin năng lượng mặt trời

Ông Lê Văn Anh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, trồng nha đam, đinh lăng hay nhiều loại cây khác dưới mái, bên trên là pin năng lượng mặt trời thì cây trồng sẽ kém phát triển vì lượng ánh sáng cung cấp hạn chế. Nếu lắp pin năng lượng mặt trời cho hệ thống chuồng trại chăn nuôi có sẵn thì còn khả thi. Còn khi áp dụng cho trồng trọt thì phải tính toán cụ thể. Điều quan trọng là cần phải xem khu vực lắp điện mặt trời có nằm trong vùng quy hoạch hay không.

Tuy nhiên, cuối tháng 7/2021, khu trang trại này mới chỉ được xây dựng phần tường bao và 9 khu nhà lợp mái. Trên các mái nhà này được gắn pin năng lượng mặt trời. Phía bên dưới chỉ trồng loe nghoe ít cây đinh lăng. Do không được cung cấp đủ ánh sáng, cây đinh lăng vàng vọt, kém phát triển. Phần diện tích còn lại là khu vực dành cho trạm biến áp, chưa hề xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi, ao thả cá theo như đăng ký ban đầu.

Chủ đầu tư hệ thống điện mặt trời này không phải là ông Nguyễn Đăng Hòa. Ông Hòa đã cho Công ty CP Điện mặt trời Huế, có địa chỉ tại 14-N1/1, Nguyễn Hoàng Tôn, phường Xuân La, Quận Tây Hồ, Hà Nội thuê phần mái để lắp đặt pin năng lượng mặt trời.

Theo báo cáo của Công ty CP Điện mặt trời Huế, công suất thiết kế, xây dựng của công trình này là 1.002,1 KWp, diện tích lắp hệ thống điện mặt trời là 5.500m2. Hiện nay, Công ty CP Điện mặt trời Huế đã hoàn thiện công trình và đấu nối bán điện.

Còn trang trại điện mặt trời của ông Phạm Hồng Phú tại thôn Bắc Triều Vịnh  được xây dựng trên diện tích sử dụng đất trang trại nông nghiệp 3,48 ha, diện tích lắp đặt điện mặt trời áp mái khoảng 2 ha, bên dưới có trồng cây nha đam. Đây là diện tích đất trang trại được cấp cho ông Thân Nguyên Hữu từ 3 năm trước, sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Hợp, cán bộ nông nghiệp xã Phong Hiền (huyện Phong Điền) cho biết, trên địa bàn xã hiện có 3 trang trại điện mặt trời. Ban đầu, các trang trại này thuê đất để xây dựng trang trại tổng hợp nhưng trên thực tế chủ yếu chỉ để sản xuất điện mặt trời. Chăn nuôi, trồng trọt trong các trang trại này hoặc không có hoặc chỉ là cái cớ để duy trì hệ thống điện mặt trời áp mái. Điều đáng nói, 2/3 trang trại điện mặt trời này đều nằm trong vùng quy hoạch chăn nuôi, trồng trọt an toàn sinh học của xã.

Cây đinh lăng vàng vọt dưới hàng nghìn tấm pin năng lượng mặt trời. Ảnh: VD.

Cây đinh lăng vàng vọt dưới hàng nghìn tấm pin năng lượng mặt trời. Ảnh: VD.

Bài liên quan

Theo ông Hợp, người dân ở đây đang hoang mang vì không hiểu mức độ an toàn của các công trình điện mặt trời này và sự ảnh hưởng lâu dài đến đời sống người dân. Trong 3 công trình điện mặt trời này hiện có trang trại của ông Nguyễn Đăng Hòa, ông Nguyễn Chánh Phúc, dù UBND huyện Phong Điền đã yêu cầu nhưng hiện vẫn chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất

"Phương án ban đầu là chăn nuôi, trồng trọt nhưng sau không hiểu sao lại chuyển sang trang trại điện mặt trời. Mà ở đây, làm điện mặt trời là chủ yếu còn sản xuất nông nghiệp chỉ là cái cớ thôi. Chúng tôi không được nắm rõ về quy trình chuyển đổi này” – ông Hợp cho biết.

Chính quyền biết nhưng không xử lý

Trang trại của ông Nguyễn Đăng Hòa dùng phần lớn diện tích để lắp đặt pin năng lượng mặt trời, xây trạm biến áp để sản xuất điện. Ảnh: VD.

Trang trại của ông Nguyễn Đăng Hòa dùng phần lớn diện tích để lắp đặt pin năng lượng mặt trời, xây trạm biến áp để sản xuất điện. Ảnh: VD.

Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phong Điền, toàn huyện hiện có 4 hệ thống điện mặt trời với diện tích sử dụng đất gần 10 ha, diện tích lắp đặt điện mặt trời áp mái khoảng 4,43 ha, công suất lắp đặt dưới 1MWp, loại hình trang trại tổng hợp.

Trong số này, trang trại nông nghiệp của ông Nguyễn Chánh Phúc (Bắc Triều Vịnh, Phong Hiền) đã xây dựng nhà phục vụ mục đích trồng trọt, chăn nuôi và tận dụng hệ thống mái nhà để lắp đặt điện mặt trời khi chưa có chủ trương đầu tư của cơ quan có thẩm quyền.

Quyết định cho thuê đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông Nguyễn Chánh Phúc không có mục đích đất nông nghiệp khác. Tuy nhiên, ông Phúc xây dựng nhà phục vụ mục đích trồng trọt, chăn nuôi và tận dụng hệ thống mái nhà để lắp đặt điện mặt trời là chưa phù hợp với mục đích sử dụng đất.

Theo tìm hiểu của PV, tại huyện Quảng Điền hiện có 2 cá nhân là ông Phạm Hồng Phú và Bùi Trí Dũng đầu tư xây dựng trang trại điện mặt trời ở 4 vị trí. Theo phương án được phê duyệt, các trang trại này trồng cây nha đam, đinh lăng, nuôi giun quế, sản xuất phân giun và nuôi gà thả vườn. Đến nay, các trang trại dù đã triển khai trồng trọt nhưng cây phát triển chậm. Thu nhập của các trang trại chủ yếu bán điện chứ không từ sản xuất nông nghiệp.

Thông tin từ Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế cho biết, toàn tỉnh hiện có 31 hệ thống điện mặt trời mái nhà trang trại được đấu nối vào lưới điện, với công suất hơn 29 MWp. Trong đó có 9 vị trí xuất hiện trang trại nông nghiệp kết hợp lắp đặt hệ thống điện mặt trời, trên diện tích 33 ha, diện tích phục vụ điện mặt trời đang khoảng 12,5 ha.

Ông Hòa chưa hề xây dựng các công trình phục vụ chăn nuôi như đăng ký ban đầu. Ảnh: VD.

Ông Hòa chưa hề xây dựng các công trình phục vụ chăn nuôi như đăng ký ban đầu. Ảnh: VD.

  • Tags:
Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.