| Hotline: 0983.970.780

Điện gió ken đặc đất lửa Quảng Trị

[Bài 4] Chính quyền 'mờ nhạt', doanh nghiệp tự quyết

Thứ Năm 05/08/2021 , 09:57 (GMT+7)

Trong số hàng loạt dự án điện gió triển khai rầm rộ tại Hướng Hóa, những cái tên xuất phát sau như Amaccao1, Tài Tâm và Hoàng Hải khiến dư luận bất an hơn cả.

Quá trình thi công các dự án điện gió tại Hướng Hóa để lại không ít điều tiếng. Ảnh: Việt Khánh.

Quá trình thi công các dự án điện gió tại Hướng Hóa để lại không ít điều tiếng. Ảnh: Việt Khánh.

Doanh nghiệp tự ý vượt chỉ giới giao đất

Nhiều vấn đề nổi cộm xung quanh quá trình thực hiện các dự án điện gió trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã được nêu ra, nan giải nhất là những nút thắt xoay quanh quá trình giải phóng mặt bằng (GPMB).

Cả 3 dự án điện gió Tài Tâm (chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV đầu tư năng lượng Tài Tâm Quảng Trị), Hoàng Hải (Công ty TNHH MTV đầu tư năng lượng Hoàng Hải Quảng Trị), Amaccao Quảng Trị 1 (Công ty CP điện gió Khe Sanh) đều vướng phải tranh chấp, kiện tụng liên miên.

Trong đó việc Công ty CP điện gió Khe Sanh tự ý triển khai diện tích đất của gia đình ông Trần Quang Liệu để lại không ít điều tiếng. Ảnh: Công Điền.

Trong đó việc Công ty CP điện gió Khe Sanh tự ý triển khai diện tích đất của gia đình ông Trần Quang Liệu để lại không ít điều tiếng. Ảnh: Công Điền.

Mâu thuẫn đến từ tranh chấp với gia đình ông Trần Quang Liệu, thường trú tại thôn Hiệp Hòa, xã Tân Liên: “Tổng diện tích đất được cấp sổ đỏ là 6 ha, trong đó doanh nghiệp tự ý triển khai trên 3 ha. Gia đình tôi cùng cơ quan chuyên môn đã tiến hành kiểm tra thực địa, việc doanh nghiệp cố tình làm khi chưa quy chủ là sai, chúng tôi ngăn cản họ vẫn làm. Vừa qua tôi phải thuê đơn vị tư vấn từ Hà Nội bay vào để kiểm tra, đo đạc với kinh phí 60 triệu/6 ha. Đại diện các bên liên quan đã họp bàn, làm việc mười mấy lần vẫn chưa giải quyết xong”, ông Liệu nói.

Giãi bày của ông Liệu có căn cứ. Sau khi tiếp nhận đơn thư phản ánh, UBND huyện Hướng Hóa đã tiến hành chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với chủ đầu tư sớm giải quyết dứt điểm.

Trên tinh thần đó, ngày 9/6/2021 UBND huyện tổ chức buổi làm việc, tại đây các bên thống nhất hoàn thành giải quyết bồi thường, GPMB chậm nhất vào ngày 15/6/2021. Do trở ngại từ phía Công ty CP điện gió Khe Sanh nên sự việc tiếp tục gián đoạn, sau đó dưới sự chủ trì của Tổ Công tác tham mưu, xử lý GPMB, ông Liệu chấp thuận để chủ đầu tư kéo dài thời gian giải quyết đến ngày 25/6/2021.

Cá nhân ông Liệu đã xuống nước nhưng Công ty CP điện gió Khe Sanh lại kỳ kèo hết lần này lượt khác, thái độ chậm trễ của chủ đầu tư lập tức dẫn đến tình trạng đơn thư kéo dài, vượt cấp, gây bức xúc trong dư luận và nhân dân.

Nhận thấy hệ lụy, trên cở sở kiến nghị của Ban Kinh tế Ngân sách – Hội đồng nhân dân tỉnh và trực tiếp từ UBND tỉnh Quảng Trị về việc “rà soát các thủ tục thu hồi đất, cho thuê đất đảm bảo các điều kiện để triển khai các dự án điện gió, yêu cầu tạm dừng khi chưa thực hiện xong các thủ tục thu hồi đất, cho thuê đất…, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật”, UBND huyện Hướng Hóa yêu cầu Công ty CP điện gió Khe Sanh khẩn trương giải quyết dứt điểm đối với vướng mắc có liên quan đến đất của ông Trần Quang Liệu, chậm nhất trong ngày 19/7/2021. Sau thời gian trên, nếu công ty vẫn không thực hiện thì phải tạm dừng triển khai dự án.

Vụ việc này, nguồn gốc đất được chứng thực thuộc quyền sở hữu của ông Trần Quang Liệu, việc doanh nghiệp ngang nhiên triển khai khi chưa nhận được sự chấp thuận là hành vi trái pháp luật. Để đảm bảo lợi ích cho cả đôi bên, chính quyền cấp tỉnh, huyện đã linh động, “giãn” thời gian để giải quyết dứt điểm tranh chấp, dù vậy nhà đầu tư vẫn chây ỳ hết lần này lượt khác. Dư luận đặt ra câu hỏi, Công ty CP điện gió Khe Sanh lớn mạnh cỡ nào mà hành động bất chấp đến thế?

Dự án điện gió Amaccao Quảng Trị 1 có tổng kinh phí dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng, trong đó 1.600 tỷ phải huy động từ tổ chức tín dụng. Ảnh: Việt Khánh.

Dự án điện gió Amaccao Quảng Trị 1 có tổng kinh phí dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng, trong đó 1.600 tỷ phải huy động từ tổ chức tín dụng. Ảnh: Việt Khánh.

Qua tìm hiểu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, Công ty CP điện gió Khe Sanh có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 3200710228, cấp lần đầu ngày 13/7/2020, địa chỉ tại số 343 Quốc lộ 9, phường 3, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Người đại diện là ông Ngô Văn Trình, chức danh Tổng Giám đốc.

Thông tin thêm về điện gió Amaccao Quảng Trị 1, dự án này có công suất dự kiến 49,2 MW. Quy mô xây dựng gồm 12 trụ tua bin gió; lưới cáp ngầm 35kV, dài 6km liên kết các tua bin; trạm biến áp nâng áp 35/220kV; đường dây 220 kV… địa điểm thực hiện trải dài qua các xã Tân Liên, Húc, Hướng Lộc và thị trấn Khe Sanh với tổng diện tích trên 22 ha.

Tổng vốn đầu tư dự án điện gió Amaccao Quảng Trị 1 lên đến 2.000 tỷ đồng, điều đáng nói chủ đầu tư chỉ góp 400 tỷ, chiếm 20%, số còn lại phải huy động từ tổ chức tín dụng.

Mâu thuẫn lợi ích

Trao đổi với PV, ông Hồ Văn Ka Rai, Chủ tịch UBND xã Húc cho biết trên địa bàn có 4 dự án điện gió là Hoàng Hải, Tài Tâm, Amaccao 1 và Tân Hợp. Công tác GPMB triển khai từ tháng 1/2021, toàn xã có hơn 100 hộ bị ảnh hưởng, khó khăn nhất lúc này là trường hợp của 3 hộ dân Hồ Văn La, Hồ La Len và Hồ Ly Ben.

Hoạt động xây dựng tại địa bàn xã Húc hết sức lộn xộn. 

Hoạt động xây dựng tại địa bàn xã Húc hết sức lộn xộn. 

Đối với gia đình ông Hồ Văn Lang, qua kiểm kê ghi nhận tổng diện tích bị ảnh hưởng bởi dự án là 7.960 m2, áp giá đền bù 150.000 m2 thì số tiền gia đình được nhận là 1.194.000.000 đồng. Dù vậy ông Lang yêu cầu chủ đầu tư phải mua bằng hết diện tích của 2 thửa đất, quy đổi thành 4,5 tỷ đồng mới chấp thuận.

Với lý do tương tự, gia đình Hồ Ly Ben và Hồ La Len cũng không thống nhất với kinh phí đền bù, lần lượt là 1.324.500.000 đồng và 653.850.000 đồng mà Tài Tâm – Hoàng Hải đưa ra.

Xét thấy yêu cầu nêu trên thiếu căn cứ, trong khi dự án đang có dấu hiệu chậm tiến độ, nhiều khả năng không kịp phát điện vào ngày 31/10/2021 như kế hoạch, phía Tài Tâm – Hoàng Hải đã yêu cầu, đề nghị các cấp ngành chức năng, chính quyền liên quan có phương án bảo vệ an ninh để doanh nghiệp thi công tại khu vực nói trên. 

Liên quan đến tranh chấp tại xã Húc, chủ trương chung chỉ thu hồi phần đất bị ảnh hưởng của dự án, phần diện tích còn lại ưu tiên để bà con sản xuất canh tác. Không chấp nhận cách thức trên cả 3 hộ đều kịch liệt phản đối, họ kiên quyết không ký vào biên bản làm việc (?!)

Xã Húc được xem là điểm nóng trong công tác GPMB của các dự án điện gió. Ảnh: Việt Khánh.

Xã Húc được xem là điểm nóng trong công tác GPMB của các dự án điện gió. Ảnh: Việt Khánh.

Trong vụ việc này vai trò của cấp chính quyền quá mờ nhạt, lẽ ra cần nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của các hộ liên đới để tiến tới giải pháp tối ưu nhất. Trường hợp cố tình chây ỳ phải có phương án xử lý quyết liệt, tránh tình trạng con sâu làm rầu nồi canh. Về phía doanh nghiệp tham gia đầu tư, dẫu biết áp lực vô cùng lớn khi quỹ thời gian không còn bao xa, tuy nhiên không thể vin vào đây để “vượt rào” về mặt pháp lý.

Xâu xé đất Công ty cao su Khe Sanh

Để có quỹ đất phục vụ cho các dự án điện gió Amaccao Quảng Trị 1, Tài Tâm và Hoàng Hải, hàng chục ha diện tích của Công ty cao su Khe Sanh buộc phải thu hồi, đây được xem là dấu chấm hết cho “giấc mơ vàng trắng” mà tỉnh Quảng Trị và huyện Hướng Hóa đã từng ấp ủ.

Ngày 22/4/2021 UBND huyện Hướng Hóa đã có buổi làm việc với Công ty CP Cao su Khe Sanh cũng các bên liên quan. Tại đây phía Cao su Khe Sanh đã thống nhất công tác thu hồi đất, bồi thường GPMB theo chủ trương chung, dự kiến sẽ giải quyết ổn thỏa trước ngày 30/4/2021. Tuy nhiên, đơn vị này chưa tiến hành xác nhận chủ sử dụng đất trong danh sách thu hồi để làm cơ sở hoàn thiện hồ sơ.

Xuất hiện tình trạng 'ăn theo' dự án của Công ty CP Cao su Khe Sanh. Ảnh: Công Điền.

Xuất hiện tình trạng "ăn theo" dự án của Công ty CP Cao su Khe Sanh. Ảnh: Công Điền.

Căn cứ Quyết định số 35/2017/QĐ-UBND ngày 30/11/2017 của UBND tỉnh, UBND huyện Hướng Hóa tiếp tục đề nghị Công ty Cao su Khe Sanh phải xác nhận chủ sử dụng đất trong phạm vi thu hồi trước ngày 20/5/2021. Từ đó đến nay sự việc chưa có nhiều biến chuyển.

Về dự án của Công ty cao su Khe Sanh, chủ trương của tỉnh sẽ giành cho họ hơn 4.000 ha, dù vậy trên thực tế chưa thể bàn giao hết. 

Quá trình thi công các dự án nhà máy điện gió Amaccao Quảng Trị 1, Tài Tâm và Hoàng Hải, nhà đầu tư gặp bị chồng lấn lên diện tích tỉnh đã cấp trước đó cho Công ty Cổ phần Cao su Khe Sanh ở địa phận xã Húc và xã Hướng Lộc, nơi một số hộ vẫn tự nhận là “tài sản” của mình.

Thời điểm 2006 – 2007 có 25 hộ ở xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong lục đục kéo về địa phận các xã Húc và Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa trồng cà phê trên diện tích khoảng 40 ha, dù vậy chỉ sau một thời gian ngắn thì bỏ hoang, gần như không đả động đến nơi. Đến khi phong phanh có dự án điện gió tràn về, việc “đền bù” mới nóng ran. Người dân khăng khăng họ phải được đảm bảo quyền lợi chính đáng, dù vậy qua rà soát cho thấy diện tích này đã được cấp cho… Công ty Cao su Khe Sanh.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.