| Hotline: 0983.970.780

Điện gió ken đặc đất lửa Quảng Trị

[Bài 3] Doanh nghiệp thi công dự án điện gió trước, hoàn thiện thủ tục sau

Thứ Tư 04/08/2021 , 16:17 (GMT+7)

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kí phê duyệt nhều dự án điện gió nhưng không giám sát chặt chẽ, để doanh nghiệp thi công khi chưa đủ điều kiện...

Đằng sau giấc mơ điện gió của Quảng Trị là hàng loạt mối lo đang hiện hữu. Ảnh: Công Điền.

Đằng sau giấc mơ điện gió của Quảng Trị là hàng loạt mối lo đang hiện hữu. Ảnh: Công Điền.

Lãnh đạo tỉnh kí nhưng không giám sát

Theo ghi nhận của Nông nghiệp Việt Nam, chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi từ cuối tháng 6/2021 đến giữa tháng 7/2021 ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã đặt bút ký hàng loạt công văn liên quan đến điều chỉnh thuê đất, cho thuê đất đợt 1 và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường để các Nhà đầu tư tiến tới thực hiện.

Sự việc sẽ không có gì đáng nói khi một số dự án trên thực tế đã thi công rầm rộ từ trước. Đến đây dư luận thực sự băn khoăn, tại sao sự việc lại diễn ra khi chưa đủ cơ sở về mặt pháp lý?

Mãi đến 16/7/2021 Công ty TNHH MTV đầu tư năng lượng Tài Tâm Quảng Trị mới có quyết định thuê đất đợt 1.

Mãi đến 16/7/2021 Công ty TNHH MTV đầu tư năng lượng Tài Tâm Quảng Trị mới có quyết định thuê đất đợt 1.

Rõ nét hơn cả là dự án Nhà máy điện gió Tài Tâm Quảng Trị. Ngày 16/7/2021 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1840/QĐ-UBND về việc cho Công ty TNHH MTV đầu tư năng lượng Tài Tâm Quảng Trị thuê đất đợt 1.

Diện tích thuê là 239.933m2 (đã được UBND huyện Hướng Hóa thu hồi tại Quyết định số 1695/QĐ-UBND ngày 15/6/2021, Quyết định 2036/QĐ-UBND ngày 6/7/2021) gồm các thửa đất thuộc tờ bản đồ địa chính số 01, 03 (tỷ lệ 1/10.000) tại địa bàn xã Húc, huyện Hướng Hóa, hình thức sẽ trả tiền thuê đất từng năm (Đất ở xây dựng công trình có hiệu lực đến 27/11/2070).

Tại điều 2 của Quyết định thuê đất đợt 1 có đề cập đến trách nhiệm của Chủ đầu tư như sau: Công ty TNHH MTV đầu tư năng lượng Tài Tâm Quảng Trị phải hoàn thành các thủ tục về đất đai, môi trường, đầu tư, xây dựng… theo quy định của pháp luật trước khi triển khai xây dựng công trình. Quá trình triển khai và vận hành dự án không làm ảnh hưởng đến việc sản xuất, đi lại của người dân và các đơn vị có liên quan trong vùng dự án…

Không riêng gì Tài Tâm Quảng Trị, nhiều dự án điện gió khác cũng có 'thói quen' làm trước hoàn thiện sau. Ảnh: Việt Khánh.

Không riêng gì Tài Tâm Quảng Trị, nhiều dự án điện gió khác cũng có "thói quen" làm trước hoàn thiện sau. Ảnh: Việt Khánh.

Điều khoản chặt chẽ là vậy nhưng thực chất đơn vị này đã “nhanh chân” đi trước hàng tháng trời, quá trình thi công diễn ra rầm rộ, liên hồi như thể chẳng vướng bận điều gì. Đích thân ông Hồ Văn Ka Rai, Chủ tịch UBND xã Húc xác nhận: Trên địa bàn có tổng cộng 4 dự án điện gió, ngoài Tài Tâm còn có Hoàng Hải, Amaccao 1 và Tân Hợp. Phần lớn địa điểm thực hiện nằm tít trên đồi cao nhưng quy trình xả thải không đảm bảo theo cam kết, sự cố ảnh hưởng đến hộ nào họ thỏa thuận riêng với hộ đó (?!)

Lại nói về Công ty TNHH MTV đầu tư năng lượng Tài Tâm Quảng Trị, đơn vị này đóng tại số 145 Lê Thánh Tông, phường 5, thành phố Đông Hà, Quảng Trị. Đại diện pháp luật là ông Đỗ Lê Quân, chức danh Giám đốc.

Trong khi đó, dự án điện gió Tài Tâm có tổng kinh phí đầu tư 1.800 tỷ đồng, phía chủ đầu tư góp 20%, tương đương 360 tỷ đồng. Quá trình triển khai sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu cũng như ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê, sử dụng đất và thuế sử dụng đất.

Vấn đề quy hoạch và phát triển điện gió là chủ đề thu hút sự quan tâm của số đông chuyên gia. Nhiều quan điểm lo ngại tình trạng một số nhà đầu tư “ảo” tranh thủ chủ trương phát triển điện gió với nhiều chính sách ưu đãi về thuế đất đã nhanh tay đăng kí dự án, dù thực chất năng lực chưa được kiểm chứng, hoặc không đảm bảo. Chờ khi giá điện gió tăng sẽ tiến hành chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác để trục lợi.

Ở một góc độ khác, tùy thuộc vào quy mô và mức độ tác động môi trường, các dự án điện gió đang triển khai trên địa bàn huyện Hướng Hóa được phân theo 2 nhóm: Các dự án điện gió Hướng Tân, Tân Linh, Tân Hợp, Phong Huy, Phong Nguyên, Phong Liệu, Hải Anh, Lig1, Lig2, Hướng Phùng 2 bắt buộc phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Dự án có quy mô công suất thấp hơn như  Gelex1, Gelex2, Gelex3, Amaccao, Tài Tâm, Hoàng Hải, Hướng Phùng 3, TNC1, TNC2, Hướng Linh 7, Hướng Linh 8 chỉ cần có kế hoạch BVMT.

Tưởng như đây là cơ sở ràng buộc các chủ đầu tư, nhưng thực tế không phải vậy. Bằng chứng là qua cuộc kiểm tra thực tế mới đây tại các dự án Amaccao, Phong Huy, Phong Nguyên, Phong Liệu, Hướng Tân và Tân Liên, Đoàn kiểm tra của huyện Hướng Hóa đã phát hiện hàng loạt vấn đề thiếu sót, điển hình như quá trình đào đắp của Amaccao 1.

Xuất phát từ thực tế, lực lượng chức năng đã đề nghị các công ty thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường, tiếp tục gia cố các vành đai, bãi thải, đào rãnh thoát nước, không để chảy tràn ra mặt bằng… Về phương án xử lý, đại diện phòng TN-MT huyện Hướng Hóa khẳng định chỉ mới “nhắc nhở”.

Người Trung Quốc chiếm 1/3, nhiều chuyên gia chưa đủ điều kiện làm việc

Như đã đề cập, điện gió là một lĩnh vực mới ở Việt Nam, đòi hỏi tính khoa học công nghệ rất cao. Ngược lại, nhiều nhà đầu tư trong nước dù đáp ứng được nguồn lực tài chính nhưng lại chưa đủ trình độ công nghệ triển khai và quản lý. Trong bối cảnh đó, việc “cậy nhờ” đến các chuyên gia nước ngoài là phương án tối ưu.

Hiểu rõ nhưng hệ lụy nếu buông lỏng công tác quản lý lao động người nước ngoài, tỉnh Quảng Trị đã có phương án rà soát tổng thể tại “điểm nóng” Hướng Hóa, nơi có gần 100 chuyên gia đang hoạt động, con số cao nhất của tỉnh này từ trước đến nay.

Tổng quan có gần 100 chuyên gia, lao động nước ngoài đang làm việc tại các dự án điện gió ở Hướng Hóa. Ảnh: Công Điền.

Tổng quan có gần 100 chuyên gia, lao động nước ngoài đang làm việc tại các dự án điện gió ở Hướng Hóa. Ảnh: Công Điền.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Trị về việc thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành, Sở LĐ-TB-XH đã chủ trì phối hợp cùng các Sở Công thương, Ngoại vụ, Y tế và Công an, BQLKKT tiến hành kiểm tra, giám sát thực tế tại 11 đơn vị có liên quan (Công ty Cổ phần điện gió Hướng Linh 3, 4; Công ty Enercon Việt Nam – Dự án Gelex 1, 2, 3; Công ty TNHH MTV dụng cụ du lịch Jinquan Việt Nam…)

Ghi nhận đến 28/5/2021, tại 11 đơn vị có tổng cộng 67 lao động nước ngoài. Trong số này có 39 lao động được cơ quan chức năng cấp phép, tuy nhiên có 4 trường hợp sử dụng giấy phép lao động không đúng với quy định.

Ngoài ra Đoàn Kiểm tra cũng phát hiện 5 lao động khác có thời gian làm việc dưới 3 tháng, đặc biệt có đến 23 trường hợp chưa được cơ quan chức năng cấp giấy phép lao động, hoặc giấy xác nhận không thuộc diện cấp phép lao động.

“Mổ xẻ” chi tiết cách quản lý và sử dụng của từng doanh nghiệp mới thấy rõ được sự bất an. Điển hình như Công ty Enercon Việt Nam, đơn vị này có đến 11 chuyên gia nước ngoài nhưng có đến 8 người không đảm bảo, thị thực của những người này chính thức hết hạn vào ngày 1/5/2021. Cơ quan chức năng xác định doanh nghiệp bảo lãnh người nước ngoài chưa tuân thủ quy định, chưa xin phép chủ trương của UBND tỉnh theo nội dung Công văn số 2847/CV-BCĐ ngày 23/5/2020.

Tại Công ty Cổ phần Điện gió Hướng Hiệp 1, thời điểm kiểm tra tất cả 6/6 lao động nước ngoài của đơn vị đều chưa được cơ quan chức năng cấp giấy phép lao động, hoặc giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động…

Không những thiếu sót về chuyên môn, đến cả công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng không được các đơn vị thực hiện đầy đủ, như: Chưa ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch; chưa xây dựng phương án phòng, chống dịch; chưa thiết lập kênh liên lạc với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh hoặc cơ quan y tế…

Trở lại với nội dung chính, sau khi tiếp thu ý kiến của Đoàn Kiểm tra, các doanh nghiệp đã kiến nghị đơn vị có thẩm quyền xem xét, cấp giấy giấy phép lao động hoặc giấy xác nhận không thuộc diện được cấp phép lao động, chậm nhất đến ngày 30/6/2021. Đã quá khung thời hạn nêu trên, tình hình vẫn chưa được xử lý.

Riêng người Trung Quốc chiếm đến 1/3. Ảnh: Việt Khánh.

Riêng người Trung Quốc chiếm đến 1/3. Ảnh: Việt Khánh.

Ngày 16/7, bà Dương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Trị xác nhận, lao động ở các dự án điện gió tại huyện Hướng Hoá chủ yếu là chuyên gia và lao động kỹ thuật cao. Đủ cả, Trung Quốc cũng có, Đức cũng có, ngoài ra là Ấn Độ, Hà Lan, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ…

“Tổng số chuyên gia, lao động nước ngoài khoảng 70 – 90 người, số này thay đổi liên tục. Số lượng chuyên gia bám trụ ở đây thì rất ít, phần lớn xong phần việc là đi. Trong số chuyên gia kể trên, riêng Trung Quốc chiếm 1/3 với khoảng 30 lao động”.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất